Bạn có bao giờ dành thời gian rảnh rỗi để theo đuổi một sở thích, rồi mơ ước biến nó thành một mô hình kinh doanh sinh lời không?
7 bước biến sở thích thành Starup sinh lời
Trước tiên, bạn cần xác định liệu có nhu cầu cho sở thích của mình hay không. Dù yêu thích đến đâu, một doanh nghiệp chỉ có thể sinh lời nếu có khách hàng!
Hãy thực hiện nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng: phân tích các đối thủ hiện tại, họ đang làm gì, và xác định đặc điểm nhân khẩu học của khách hàng mục tiêu.
Từ đó, bạn sẽ biết được sở thích của mình có khả năng trở thành doanh nghiệp không, đối thủ chính là ai và nội dung của bạn cần hướng tới đối tượng nào.
Sau khi đã biết bạn đang hướng đến ai, hãy xác định cách bạn sẽ tiếp cận họ. Mô hình kinh doanh của bạn phù hợp hơn với sản phẩm hay dịch vụ?
Ví dụ, nếu sở thích của bạn là xây dựng các trang mạng xã hội có nhiều người theo dõi, bạn có nên bán các trang đó sau khi phát triển, hay nên cung cấp dịch vụ xây dựng trang cho người khác?
Mỗi lựa chọn đều có ưu và nhược điểm, tùy thuộc vào sở thích bạn theo đuổi và nhóm khách hàng mà bạn có thể thu hút.
Khi đã xác định được đối tượng và mô hình kinh doanh, bạn cần bắt đầu nghĩ đến vốn. Dù là mô hình chi phí thấp, vẫn sẽ có một số khoản cần chi.
Nếu bạn đã làm việc đó thường xuyên như một sở thích, việc ước lượng chi phí ban đầu sẽ không quá khó khăn.
Sau đó, bạn cần quyết định có nên (hoặc muốn) tự đầu tư, hay nên cân nhắc các hình thức gọi vốn từ bên ngoài.
Bước tiếp theo là xây dựng hình ảnh thương hiệu. Đây là yếu tố then chốt, có thể quyết định sự thành bại của doanh nghiệp.
Hãy nghĩ đến các thương hiệu thành công nhất trên thế giới – gần như tất cả đều có tên thương hiệu, hình ảnh và câu chuyện riêng biệt, dễ nhớ.
Hãy đầu tư thời gian để xây dựng phong cách thương hiệu, xin ý kiến từ người thân hoặc chuyên gia, và đảm bảo bạn áp dụng nhất quán trên mọi nền tảng.
Chắc hẳn bạn cũng đã từng hình dung thương hiệu của mình sẽ trông như thế nào, nên hãy bắt đầu từ ý tưởng đó và để nó phát triển!
Khi bắt đầu, ngân sách marketing có thể rất hạn chế. Các hình thức quảng cáo như PPC, SEO có thể khá tốn kém.
Nhưng bạn vẫn có một công cụ mạnh mẽ – mạng xã hội! Hãy sử dụng các nền tảng này để tiếp cận khách hàng, xây dựng cộng đồng và tăng độ nhận diện thương hiệu.
Đây là cách hiệu quả để đưa thương hiệu của bạn đến với đúng đối tượng và biến người quan tâm thành khách hàng trung thành.
Dù mạng xã hội rất tốt để thu hút sự chú ý, bạn vẫn cần một nơi để khách hàng đến – đó là website hoặc cửa hàng trực tuyến.
Hãy tạo sự hiện diện online. Shopify là một lựa chọn tốt nhờ các tính năng tích hợp sẵn và độ tin cậy từ nhiều thương hiệu hàng đầu.
Khi làm website, đừng làm qua loa. Trang web cần trông thật chuyên nghiệp, sử dụng hình ảnh chất lượng cao và nội dung hấp dẫn, rõ ràng.
Những thương hiệu tốt nhất đều truyền tải thông điệp rõ ràng và độc đáo, vì vậy đừng ngại sáng tạo!
Cuối cùng, hãy cẩn thận với những "cái bẫy" dễ gặp khi biến sở thích thành kinh doanh. Khi quá khao khát thành công, bạn dễ bỏ qua dữ liệu thị trường, hoặc cứ làm tiếp dù kết quả không như mong đợi. Hãy linh hoạt và lắng nghe phản hồi từ thị trường – đó là chìa khóa để tránh thất bại.
Casti Hub dịch
Theo foundr.com