Kinh nghiệm
Thứ hai , 08/11/2021, 15:15

4 sai lầm thường mắc phải trong kinh doanh có thể kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp

.

Ở cương vị là chủ sở hữu doanh nghiệp, bạn muốn làm mọi điều để đảm bảo tối đa hóa sự phát triển cũng như thành công chung của doanh nghiệp. Từ marketing đến quan hệ khách hàng và gắn kết nhân viên, việc thường xuyên đánh giá toàn bộ quy trình hoạt động của doanh nghiệp và đưa ra những điều chỉnh cần thiết đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện những nội dung cần được cải thiện kịp thời để mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp.

Để đề phòng khả năng doanh nghiệp bị bão hòa sau thời kỳ tăng trưởng nhanh, bạn cần đảm bảo tránh mắc phải một số sai lầm phổ biến mà nhiều chủ sở hữu doanh nghiệp khác đang mắc phải.

Bạn lo lắng không biết phải chăng mình đã vô tình phạm phải sai lầm khiến doanh nghiệp không thể đạt được những tiềm năng vốn có? Từ kinh nghiệm khởi nghiệp và mở rộng quy mô doanh nghiệp của bản thân, tôi đã liệt kê được một số sai lầm phổ biến mà nhiều nhà khởi nghiệp đang gặp phải. Để doanh nghiệp không bị kìm hãm khả năng phát triển, hãy đảm bảo tránh khỏi một số sai lầm dưới đây:

4 sai lầm phổ biến cần tránh

#1: Không tiếp cận tiếp thị với tư duy dựa trên dữ liệu

Mỗi doanh nghiệp cần có kế hoạch kinh doanh vững vàng để có thể cạnh tranh thành công với các đối thủ khác trên thị trường. Từ các tiếp thị email hàng tuần đến quảng cáo trên các trang mạng xã hội truyền thông, từ chiến lược SEO đến chiến thuật quan hệ công chúng, việc các doanh nghiệp ưu tiên thực hiện chiến lược marketing để tiếp cận và thu hút có hiệu quả đối tượng khách hàng mục tiêu của mình là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa chi phí bỏ ra cho hoạt động tiếp thị, người lãnh đạo cần có cách tiếp cận dựa theo số liệu khi xây dựng kế hoạch tiếp thị cho doanh nghiệp.

Vậy, ý nghĩa của việc làm này là gì? Rất nhiều doanh nghiệp mới thành lập đã mắc phải sai lầm vô cùng phổ biến đó là không phân tích dữ liệu thị trường khi thiết lập và triển khai các kế hoạch về tiếp thị. Các doanh nghiệp này sẽ chỉ bắt tay vào thực hiện chiến thuật tiếp thị của mình, nếu chiến lược này không mang lại hiệu quả và không thu hút được sự chú ý của khách hàng, họ sẽ ngừng lại mà không hề quan tâm đến những con số đi cùng với nó. Nếu dành thời gian để phân tích dữ liệu, họ đã có thể xác định được bức tranh khái quát hơn về mức ngân sách cần sử dụng cho các chiến lược tiếp thị khác nhau, biết được mình nên tập trung vào nhóm nhân khẩu học nào để đạt được khả năng thu hút cao hơn, v.v…

Điều quan trọng hơn cả là nếu các doanh nghiệp không tiếp thị dựa trên tư duy số liệu, họ có thể phải tiêu tốn nhiều chi phí cho một chiến thuật tiếp thị nào đó (chẳng hạn như quảng cáo trên Facebook) mà hoàn toàn không biết được ROI thật sự của chiến dịch tiếp thị đã triển khai là bao nhiêu.

Hãy phân tích những chiến thuật mà bạn muốn áp dụng thử, lập ngân sách dự kiến cho chúng, sử dụng ngân sách đã lập, kiểm tra kết quả thực hiện và chuyển sang bước tiếp theo. Sau khi kiểm tra số liệu, bạn có thể sẽ nhận ra rằng những chiến thuật mà có lẽ mình không bao giờ nghĩ sẽ sử dụng đến trên thực tế lại mang về hiệu quả cao hơn so với những chiến thuật mà ngay từ đầu bạn kỳ vọng rằng nó sẽ thu hút được lượng khách truy cập cao nhất.

#2: Không được học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia, cố vấn

Khi bắt đầu thành lập doanh nghiệp, một trong số những khó khăn chính mà nhiều người thường gặp phải là không biết mình nên làm gì. Vì vậy, có được sự đồng hành của huấn luyện viên, hướng dẫn viên, chuyên gia, cố vấn – những người từng trải – là một việc có ý nghĩa quan trọng. Nếu không có cố vấn, bạn sẽ dễ mắc phải nhiều sai lầm trong suốt quá trình khởi nghiệp kinh doanh của mình, chẳng hạn như: tiêu tốn nhiều chi phí cho một nền tảng quản lý dự án không cần thiết, sai sót trong công tác kế toán hoặc áp dụng cách tiếp cận bán hàng không hiệu quả, v.v…

Để tìm kiếm một nhà cố vấn phù hợp, bạn có thể nhìn vào mạng lưới kết nối hiện tại của mình và tìm hiểu xem liệu có chủ doanh nghiệp nào đã hoạt động lâu năm trên thị trường có khả năng cho bạn những lời khuyên hữu ích không; hoặc có thể tham khảo thông tin ở những cộng đồng doanh nhân trực tuyến. Bạn cũng có thể tham gia vào các hiệp hội, tổ chức có liên quan đến lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp mình, tham dự các buổi hội thảo, hội nghị và các sự kiện kết nối tại địa phương để tìm được nhà cố vấn phù hợp.

#3: Không xây dựng một nền văn hóa có lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp

Nếu mong muốn doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm tới, bạn cần phải đảm bảo doanh nghiệp mình có văn hóa khuyến khích sự phát triển và sáng tạo. Để làm được điều này, bạn cần chắc chắn các thành viên trong đội ngũ nhân sư của mình biết được những đề xuất và ý kiến phản hồi của họ luôn được hoan nghênh. Việc làm này sẽ khiến nhân viên của bạn cảm thấy bản thân được đánh giá cao, được lắng nghe và hỗ trợ, khiến họ mong muốn được tiếp tục đồng hành và đóng góp hơn nữa vào sự phát triển của doanh nghiệp trong tương lai. Họ sẽ có nhiều động lực hơn trong việc nói ra những giải pháp cần thiết để cải thiện hoạt động kinh doanh và giúp doanh nghiệp đạt được nhiều thành công lớn hơn sau này.

Ở cương vị là một nhà lãnh đạo doanh nghiệp, bạn có quá nhiều công việc cần phải xử lý trong ngày và có thể hoàn toàn không biết được rằng một trong số các chiến lược marketing hoặc chiến thuật bán hàng của mình đang cần được cải thiện, hoặc có cách xử lý tốt hơn để giải quyết các công việc hành chính. Hoặc bạn có thể không biết được rằng một trong số những nhân viên của mình mong muốn được làm việc cho một dự án nào đó thích hợp hơn với khả năng của họ.

Hãy khuyến khích các thành viên trong đội ngũ của mình thường xuyên chia sẻ những mối quan tâm mà họ đang ấp ủ. Bạn cũng có thể thiết lập “hộp thư góp ý nhân viên” hoặc lên lịch họp hàng tuần hoặc hai tuần một lần với nhân viên để xác định xem vấn đề thật sự đang nằm ở đâu và những một số thay đổi phát sinh liệu có cần thiết hay không.

#4: Không loại bỏ những thành viên không phù hợp với văn hóa làm việc ra khỏi đội ngũ

Để duy trì môi trường làm việc tích cực, điều quan trọng là tất cả thành viên trong đội ngũ phải cùng làm việc là tương tác tốt với nhau. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các thành viên sẽ giúp công việc được hoàn thành đúng thời hạn, duy trì tinh làm việc thần phấn chấn, tích cực và đảm bảo doanh nghiệp luôn phát triển.

Vì vậy, đừng phạm phải sai lầm khi cứ giữ một thành viên luôn gây xích mích giữa các đồng nghiệp, có tâm lý bảo thủ, luôn cho suy nghĩ và ý tưởng của mình là nhất, thường xuyên chểnh mảng và làm việc kém hiệu quả, không biết tiếp thu những phản hồi mang tính xây dựng, hoặc không hoàn thành công việc ở trong nhóm.

Nếu cứ giữ một thành viên gây cản trở hiệu suất công việc của cả nhóm, điều này có thể dẫn đến những xích mích và khiến nhân viên của bạn cảm thấy thất vọng. Vì vậy, khi xác định được vấn đề với nhân viên, hãy tổ chức một buổi họp với họ để xem liệu có cách để giải quyết vấn đề mà họ đang gặp phải hay không. Nếu họ không sẵn lòng thay đổi để khắc phục vấn đề với tập thể, bạn có thể cân nhắc đến việc để họ rời đi (làm việc với bộ phận HR để đảm bảo tuân thủ pháp luật và quy định hiện hành liên quan đến việc chấm dứt hợp đồng lao động). Điều bạn cần là một đội ngũ nhân viên luôn sẵn sàng thay đổi để đưa doanh nghiệp tiến về phía trước.

Tránh mắc sai lầm sẽ giúp thúc đẩy doanh nghiệp phát triển

Với vai trò là chủ sở hữu doanh nghiệp, bạn muốn làm mọi thứ để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp. Hãy thận trọng và tránh phạm phải những sai lầm phổ biến mà phần lớn mọi người đang gặp phải. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp hoạt động lâu dài và phát triển hơn nữa trong tương lai.

Theo Neel Parekh

allbusiness.com

Bạn đang đọc bài viết Dự án: 4 sai lầm thường mắc phải trong kinh doanh có thể kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Lên đầu trang