Kinh nghiệm
Thứ sáu , 27/08/2021, 16:30

5 lỗi thường gặp ở các doanh nhân mới kinh doanh lần đầu

.

Ý tưởng tự thân lập nghiệp từ xa xưa đã gắn liền với đất nước Mỹ. Tinh thần kinh doanh là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa Mỹ và là một phần không thể thiếu Giấc mơ Mỹ. Vì thế, sẽ không mấy ngạc nhiên khi tinh thần này lại giữ vai trò cốt lõi trong nền kinh tế Mỹ hiện tại, ngay cả khi nó song hành với không ít cạm bẫy.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trong năm 2019, có tổng cộng 27 triệu người dân Mỹ đã bắt đầu kinh doanh hoặc đang vận hành doanh nghiệp. Cho thấy, Mỹ sở hữu tỷ lệ khởi sự doanh nghiệp cao nhất thế giới, đưa đất nước này trở thành ngôi nhà chung của những người phát triển sự nghiệp bằng cách tự kinh doanh.

Tuy nhiên, thực tế kém may mắn là hầu hết các chủ doanh nghiệp mới thành lập đều thất bại ngay từ lần khởi nghiệp đầu tiên. Vậy, đâu là lý do dẫn đến thất bại trong kinh doanh của họ? Dưới đây là 5 lỗi mà các doanh nhân thường mắc phải, khiến nhiều doanh nghiệp gặp phải thất bại.

5 lỗi thường gặp với những doanh nhân kinh doanh lần đầu

1. Không nghiên cứu thị trường

Một trong số những lý do chắc chắn nhất có thể giết chết giấc mơ làm giàu đó là không nghiên cứu kỹ thị trường trước khi thành lập doanh nghiệp. Nghiên cứu thị trường bao gồm: trau dồi kiến thức sâu rộng về thị trường mà bạn chuẩn bị hoạt động, biết được cách mà sản phẩm của mình có thể cạnh tranh với sản phẩm của các đối thủ, nắm bắt được cách mà các đối thủ tiếp thị, quảng bá cho doanh nghiệp họ và nhiều nội dung khác có liên quan. Sẽ thật có ích nếu bạn nhớ được khách hàng hoặc người tiêu dùng của mình đã so sánh sản phẩm của mình với những sản phẩm của các doanh nghiệp khác trên thị trường ngách ra sao. Nếu không hiểu rõ về vị trí mà mình đang đứng so với các đối thủ cạnh tranh, bạn sẽ không thể kinh doanh hiệu quả hơn họ, và cuối cùng sẽ không tạo ra lợi nhuận.

Các nhà kinh doanh thường là những người giàu đam mê và luôn có khát vọng được khởi đầu nhanh chóng, vì vậy, họ thường bỏ qua bước chuẩn bị quan trọng này trước khi doanh nghiệp mình chính thức đi vào hoạt động. Tuy nhiên, nếu chịu dành thời gian để nghiên cứu, bạn sẽ thấy được lợi ích thu được là vô cùng đáng kể trong nhiều năm tháng sau này.

2. Không nghĩ đến việc mở rộng quy mô

Doanh nhân Thụy Điển và ông trùm trong lĩnh vực kinh doanh Mats Lederhausen đã từng nói, “hãy suy nghĩ lớn và bắt đầu với những điều nhỏ bé, sau đó mở rộng quy mô hoặc bạn sẽ thất bại nhanh chóng.” Nhận định này không sai. Mở rộng quy mô là khả năng hỗ trợ tăng trưởng của một doanh nghiệp. Rất nhiều doanh nghiệp gần như không có tiềm năng trong việc mang lại nguồn doanh thu lớn cho đến khi họ bắt đầu mở rộng quy mô kinh doanh; còn một số khác sẽ thất bại nếu họ không có sẵn kế hoạch để mở rộng quy mô cho doanh nghiệp mình. Và rất không may, nhiều doanh nhân lần đầu khởi sự kinh doanh thường không cân nhắc đến việc mở rộng quy mô cho doanh nghiệp mà họ đang sở hữu. 

Việc mở rộng quy mô kinh doanh giúp doanh nghiệp tạo thêm lợi nhuận mà không cần phải bổ sung bất cứ khoản chi phí đáng kể mới nào. Điều này giúp doanh nghiệp tăng trưởng đáng kể, và sự tăng trưởng này thường đi kèm với những khoản chi phí thấp hơn và mang lại lợi nhuận cao hơn. Nhưng để mở rộng được quy mô, doanh nghiệp thường cần thêm một số vốn nhất định để chi trả cho nhân viên, phát triển công nghệ, nâng cấp một số hệ thống khác, và kế hoạch mở rộng quy mô kinh doanh thường phải được lập sẵn từ trước. Có thể nói, việc mở rộng quy mô kinh doanh chính là nhân tố quan trọng nhất quyết định sự thành bại của một doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường.

3. Đánh giá thấp tư duy trong kinh doanh

Tư duy là tập hợp các thái độ ứng xử của con người, và việc đánh giá thấp tư duy trong kinh doanh sẽ dẫn đến nhiều sai lầm nghiêm trọng khi bạn bắt đầu một doanh nghiệp mới. Chúng ta thường cho rằng mình sẽ duy trì động lực cao, sự định hướng và tập trung 100% vào công việc. Tuy nhiên, điều này rất hiếm khi xảy ra. Các doanh nhân, cũng như nhân viên của họ có đôi lúc cũng sẽ đánh mất động lực phấn đấu, lạc hướng và mất tập trung trong kinh doanh. Điều này đặc biệt đúng khi bạn tính đến các trường hợp như hội chứng “kẻ mạo danh”, sợ thất bại và hội chứng “tự hủy hoại bản thân”. Vì lý do đó, kiểm soát tâm lý là một điều vô cùng cần thiết để người lãnh đạo có thể dẫn dắt doanh nghiệp hoạt động bền vững.

Nhiều doanh nghiệp tận dụng các huấn luyện viên kinh doanh hoặc mạng lưới các doanh nghiệp, tiêu biểu như Hiệp hội nữ doanh nhân. Những đối tượng này có thể sẽ đưa ra những hỗ trợ và trách nhiệm giải trình vô giá cho doanh nhân, đặc biệt là các doanh nhân đang hoạt động đơn lẻ trên thị trường.

Nghĩ về tư duy của mình trước khi bắt đầu kinh doanh là một cách lý tưởng để bạn không bị giảm động lực kinh doanh, làm việc có định hướng và tập trung hiệu quả vào công việc, đồng thời, nó góp phần thúc đẩy đạo đức làm việc nhất quán, góp phần đưa doanh nghiệp đi đến thành công!

4. Thiếu các hoạt động tiếp thị (marketing)

Có một sự thật mất lòng là: Dù cho doanh nghiệp bạn có sở hữu sản phẩm chất lượng tốt nhất thế giới, bạn vẫn sẽ không thể kinh doanh thành công nếu thiếu chiến lược tiếp thị hiệu quả. Trong khi hầu hết các nhà kinh doanh đều không phải là nhà tiếp thị. Marketing là một hoạt động thường gây khó khăn với các doanh nhân kinh doanh lần đầu, và có thể gây cản trở nghiêm trọng đến những thành công có thể gặt hái trong tương lai của doanh nghiệp.

Ngày nay, tiếp thị xã hội giữ vai trò vô cùng quan trọng đối với bất kỳ chiến lược marketing toàn diện nào. Nhưng để tiếp thị tốt trên nền tảng mạng xã hội, bạn cần sở hữu cho mình một kế hoạch sáng tạo nội dung cụ thể, trong đó có thể bao gồm các nội dung liên quan đến chụp ảnh, quay phim, thiết kế đồ họa. Bạn cũng có thể cần đến tiếp thị email bằng cách sử dụng các nền tảng như Mailchimp hoặc Convertkit. Nếu định sử dụng Google Ads, bạn cần xem xét đến nội dung này trong chiến lược marketing của mình. Các doanh nhân nên cân nhắc đến tất cả các chi tiết trên trước khi bắt đầu tự kinh doanh, để có thể chuẩn bị tốt hơn trong việc quản lý vận hành doanh nghiệp, góp phần mang lại thành công trong kinh doanh.

5. Không lập dự phòng tài chính

Theo một bài báo được viết bởi Georgia McIntyre trên trang Fundera, 20% doanh nghiệp mới thất bại trong năm hoạt động đầu tiên, trong đó, 29% thất bại do thiếu hụt nguồn vốn. Khởi sự kinh doanh là một việc khá dễ dàng, bạn cho rằng mình sẽ đạt được tất cả các mục tiêu doanh thu trong năm hoạt động đầu tiên và thành công trong một sớm chiều. Tuy nhiên, thực tế với nhiều doanh nhân là doanh nghiệp sẽ tăng trưởng một cách chậm rãi và có xu hướng ổn định hơn theo thời gian. Nếu không lập dự phòng tài chính để bù đắp cho khoản chi phí hoạt động trong suốt khoảng thời gian này, bạn sẽ phải rất vất vả để không phải vướng nợ. 

Bạn nên cố gắng tiết kiệm nhiều nhất có thể trước khi nghỉ việc để bắt đầu tự kinh doanh. Biết mình có đủ vốn để trang trải chi phí có thể giúp bạn dành sự tập trung vào nhiều hoạt động khác của doanh nghiệp. Bạn sẽ cảm thấy yên tâm khi mình vẫn còn một khoản dự phòng để trang trải khi dòng thu từ hoạt động kinh doanh đổ về muộn hơn dự kiến.

Kể từ lúc rời bỏ công việc full-time của mình để tự bắt đầu một doanh nghiệp mới cách đây khoảng một năm, tôi đã mắc tất cả những sai lầm đã liệt kê ở trên, và còn nhiều sai lầm hơn thế nữa. Tuy nhiên, hiện nay doanh nghiệp vẫn trên đà tăng trưởng tốt. Mắc một vài sai lầm không có nghĩa là doanh nghiệp bạn sẽ gặp thất bại. Tôi nghĩ rất khó để tìm ra được một người chủ doanh nghiệp nào dày dặn kinh nghiệm trong kinh doanh mà chưa bao giờ phạm phải sai lầm. Nếu vượt qua được những sai lầm phổ biến trên đây ngay từ khi bắt đầu, bạn sẽ có thể tránh được nhiều vấn đề và có một khởi đầu tốt đẹp trong kinh doanh.

Sarah Tyrrell

Theo startupmindset.com

Bạn đang đọc bài viết Dự án: 5 lỗi thường gặp ở các doanh nhân mới kinh doanh lần đầu tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Lên đầu trang