Kinh nghiệm
Thứ sáu , 22/10/2021, 09:00

5 Mẹo để khởi nghiệp thành công (Phần 2)

.

Những thay đổi lớn trong năm 2020 đã làm khơi dậy sự bùng nổ trong hoạt động khởi nghiệp. Đại dịch khiến nhiều người lao động rơi vào tình cảnh mất việc, nhưng cũng do thất nghiệp, họ cuối cùng đã có thời gian để thực hiện ý tưởng kinh doanh của mình. Một số khác đã nhận ra rằng làm việc cho một ai đó khác không còn là công việc dành cho họ nữa. Bất kể động lực là gì, khởi nghiệp đòi hỏi bạn phải có niềm tin đủ mạnh nhưng vẫn nên có kế hoạch cẩn thận, kỹ càng.

4. Tự định giá một cách công tâm, nhưng hãy biết giá trị của chính mình

Chúng ta thường cảm thấy vui vẻ khi mơ mộng về tiềm năng thu nhập từ hoạt động kinh doanh của chính mình. Tuy nhiên, trước khi công khai mức giá chính thức, hãy đảm bảo số tiền bạn tính là hợp lý. Hãy tham khảo danh sách giá từ các đối thủ cạnh tranh nếu chúng được công khai, hoặc đưa ra những câu hỏi tham khảo để xác định được đâu là mức giá chuẩn. Khi đã có được dữ liệu này, hãy so sánh chúng với mức giá mà bạn dự kiến.

Khi thực hiện công việc này, đừng quên lập kế hoạch cho các khoản chi phí chung, thuế và các khoản chi phí thay thế. Giờ thì bạn sẽ có đủ thông tin để xác định con số mà mình dự kiến đang ở mức cao hơn, tương đối hay thấp hơn so với các đối thủ cạnh tranh. Nếu bạn đang định giá sản phẩm cao hơn, hãy đảm bảo rằng sản phẩm của bạn có chất lượng vượt trội phù hợp với giá tiền. Số tiền lớn mà khách hàng bỏ ra phải tương ứng với những trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ cao cấp. Hãy tự làm nên điều khác biệt bằng cách cung cấp những sản phẩm, dịch vụ độc đáo, vượt trội và nhanh chóng hơn so với các đối thủ cạnh tranh của bạn trên thị trường.

5. Lập kế hoạch cho tương lai

Công việc kinh doanh mới chỉ là một việc làm phụ hay được chuyển đổi hoàn toàn sang hình thức kinh doanh chính? Bất kể doanh nghiệp mang ý nghĩa gì với bạn, điều quan trọng và cần thiết hơn cả là cần phải có kế hoạch cho tương lai. Hãy bắt đầu lập các kế hoạch 6 tháng, 1 năm và 5 năm. Ghi lại mức thu nhập, lợi nhuận kỳ vọng và xem xét xem bạn cần phải phục vụ cho bao nhiêu khách hàng, cần làm gì để duy trì sản phẩm phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.

Với kế hoạch này, bạn sẽ có thể đi sâu vào cấp độ chiến thuật, có thể theo dõi tiến độ thực hiện kế hoạch thường xuyên và kiểm tra xem những nội dung nào đã được hoàn thành. Hãy nhớ rằng, bạn luôn có thể điều chỉnh kế hoạch trong quá trình triển khai thực hiện. Tuy nhiên, cần phải cân nhắc thật kỹ càng trước khi đi đến quyết định cuối cùng, vì nếu không, khách hàng trung thành của bạn có thể sẽ cảm thấy bất ngờ với những gì mà họ không cần đến.

Xây dựng doanh nghiệp là một điều đáng khen ngợi. Bạn đang trong cuộc hành trình biến giấc mơ thành hiện thực và có cơ hội để làm thay đổi cuộc sống của mình cũng như khách hàng với những sản phẩm mà bạn cung cấp. Hãy là một người chủ doanh nghiệp có trách nhiệm, làm việc với tất cả tấm lòng và bạn sẽ nhận được sự hồi đáp xứng đáng từ các khách hàng của mình. Hãy dành thời gian để xây dựng kế hoạch trước khi bắt đầu một dự án kinh doanh mới, để doanh nghiệp của bạn có thể trụ vững và phát triển trường tồn cùng năm tháng.

Theo swiftheadline.com

Bạn đang đọc bài viết Dự án: 5 Mẹo để khởi nghiệp thành công (Phần 2) tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Lên đầu trang