Kinh nghiệm
Thứ hai , 01/04/2019, 08:15

Các bạn trẻ khởi nghiệp còn quá dễ dãi với chính mình

Ý tưởng khởi nghiệp dù có độc đáo nếu thiếu công sức đầu tư công nghệ, sáng tạo để nâng cao giá trị sản phẩm, trải nghiệm của khách hàng thì cũng không thể đem lại thành công.

Một cặp kính mắt đặc biệt với gọng kính bằng tre đang được bán tại thị trường quốc tế với giá 400$ (hơn 9 triệu đồng). Loại kính có giá tương đương với những sản phẩm cao cấp này là sản phẩm thuộc về một startup tại TP.HCM.

Ví dụ trên được ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN (SIHUB) đưa ra tại hội thảo Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2019 do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) phối hợp với SIHUB sáng 30.3. Ông Tước khẳng định ví dụ trên cho thấy cơ hội của các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nếu biết nắm bắt cơ hội.

Sản phẩm trên đạt được thành công bởi tận dụng được ưu thế bản địa và đánh trúng tâm lý muốn sử dụng các sản phẩm từ thiên nhiên của khách hàng. Tuy nhiên, ông Tước cho rằng đó vẫn chưa phải tất cả.

Lý do quan trọng đem lại giá trị cao cho sản phẩm trên có yếu tố rất quan trọng từ sự tìm tòi, áp dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo để nâng cao giá trị sản phẩm. Sản phẩm có ý tưởng độc đáo nhưng không thể thành công nếu thiếu việc sử dụng công nghệ để biến tre thành vật liệu chất lượng cao cùng với thiết kế phù hợp với dòng sản phẩm cao cấp. Chính những yếu tố trên đã biến ý tưởng trở thành sản phẩm thành công.

Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Kim Tước thì đó chính là những điều mà đa số các bạn trẻ khởi nghiệp đang gặp phải. Thay vì tìm cách ứng dụng công nghệ, sáng tạo để nâng giá trị sản phẩm, các startup trẻ thường chỉ tìm cách kinh doanh trên sản phẩm thô. “Hay nói cách khác là các bạn trẻ khởi nghiệp còn quá dễ dãi với chính mình”, ông Tước nhận xét.

Hội thảo thu hút đông đảo bạn trẻ khởi nghiệp tham dự

Đồng quan điểm trên, ông Trần Anh Tuấn, giám đốc công ty Tư vấn thương hiệu The Pathfinder, chia sẻ với hơn 100 bạn trẻ tham gia hội thảo: “Cơ hội cho các bạn khởi nghiệp ở khắp nơi. Vấn đề của người khác chính là cơ hội cho mình. Vấn đề là các bạn có nắm bắt được cơ hội đó hay không”.

Theo ông Tuấn, mục tiêu của việc đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp không nằm ngoài 3 nội dung: Giải quyết vấn đề; Thỏa mãn nhu cầu của khác hàng và Gia tăng giá trị dịch vụ, sản phẩm. Để làm được điều đó, tư duy mở là đặc biệt quan trọng.

Một ví dụ điển hình là tư duy đã thay đổi mô hình hoạt động của các bệnh viện tại Mỹ. Thay vì xác định bệnh viện là nơi chữa bệnh, tư duy mới cho rằng bệnh viện là nơi để nâng cao sức khỏe, phục hồi và chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho mọi người chứ không chỉ phục vụ người bệnh. Từ tư duy đó, các bệnh viện triển khai những dịch vụ mới, thậm chí, thay đổi cả mô hình hoạt động.

Ông Tuấn nhấn mạnh: “Trong thời đại cá nhanh nuốt cá chậm hiện nay, công nghệ kỹ thuật không thể thiếu nhưng yếu tố quan trọng hơn là công nghệ quản lý, đổi mới sáng tạo về mô hình kinh doanh. Cạnh tranh hiện nay là cạnh tranh về tư duy”.

Các startup thường không thiếu ý tưởng nhưng ý tưởng mới phải khả thi, phải được kiểm chứng bởi thị trường. Trình tự để phát triển sản phẩm bao gồm các bước: Xác định vấn đề, Tìm kiếm giải pháp, Xác định giá trị rồi mới tới đưa ra sản phẩm. Tuy nhiên, giai đoạn xác định giá trị vẫn thường bị bỏ qua, dẫn đến sản phẩm đưa ra không được thị trường đón nhận kéo theo sự thất bại của doanh nghiệp khởi nghiệp.

Theo ông Trần Anh Tuấn, giá trị mà sản phẩm, dịch vụ mang lại cho khách hàng là yếu tố hàng đầu quyết định thành công của startup

Ngoài ra, các startup phải xác định được “chân dung” khách hàng của mình. Không biết được khách hàng sẽ tới với mình là ai thì dù có đầu tư bao nhiêu cho marketing cũng khó lòng đem lại hiệu quả. Cùng với đó, ông Tuấn cũng đưa ra lời khuyên phải tối ưu trải nghiệm của khách hàng, giúp họ thoải mái từ trong toàn bộ hành trình với doanh nghiệp từ khi tìm kiếm, tiếp cận cho tới trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ, hậu mãi.

“Mô hình tiếp cận khách hàng mới mà nhiều doanh nghiệp thành công đang áp dụng hiện nay là mô hình inbound. Thay vì tấn công khách hàng bằng các tin nhắn, cuộc gọi, trong mô hình này các doanh nghiệp cố gắng đem đến giá trị lớn nhất cho khách hàng, để khách hàng tự tìm đến với mình. Thay vì tìm mọi cách để bán được hàng, hãy tìm cách giúp đỡ người khác bởi khi giúp được người khác phát triển thì chính mình cũng phát triển”, ông Tuấn nói.

Theo khampha.vn

Bạn đang đọc bài viết Dự án: Các bạn trẻ khởi nghiệp còn quá dễ dãi với chính mình tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Lên đầu trang