Kinh nghiệm
Thứ ba , 26/11/2019, 15:30

Đăng Ký Doanh Nghiệp — Pháp Lý Liên Quan Ngành Nghề Kinh Doanh

Trong những quyền mà pháp luật quy định dành cho doanh nghiệp có ghi nhận quyền tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà Luật không cấm.

Cách đây cũng không quá lâu, chúng ta thấy có một số thông tin đăng tải về việc nội dung của Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp sẽ không bao gồm ngành, nghề kinh doanh. Điều đó dẫn đến việc nhiều người không tìm hiểu kỹ nhầm tưởng rằng doanh nghiệp không cần đăng ký ngành nghề kinh doanh & “muốn kinh doanh ngành nghề nào cũng được”. Tuy nhiên, theo quy định pháp luật:

việc không ghi nội dung ngành, nghề kinh doanh trên Giấy chứng nhận đăng ký Doanh nghiệp không đồng nghĩa với việc không cần phải đăng ký ngành, nghề.

Nhưng ngành, nghề này không thể hiện trên nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mà sẽ thể hiện tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Trên thực tế, chúng ta sẽ thấy rất nhiều những rắc rối của startup khi kinh doanh những ngành nghề mà Pháp Luật tại Việt Nam chưa cho phép. Mặc dù mô hình đó có thể đã thực sự hữu ích & hoạt động rộng ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng những quy định pháp luật vẫn còn chưa bắt kịp. Trong trường hợp này, các nhà khởi nghiệp có thể làm văn bản gửi đến cơ quan cấp phép để được hướng dẫn cụ thể những ngành, nghề & mã ngành kinh doanh phù hợp.

Một tâm lý mà chúng tôi thường hay gặp ở các nhà khởi nghiệp khi quyết định đăng ký hoạt động doanh nghiệp là “tham” ghi ngành nghề. Khi đọc ngành nghề kinh doanh thì dài dằng dặc như cái sớ táo quân, ngành nào có liên quan hoặc thấy thích cũng muốn ghi vào. Khi làm việc với đối tác, muốn kiểm chứng hoặc xem qua những ngành, nghề mà doanh nghiệp mình hoạt động thì đối tác phải mò mẫm trong chi chít những ngành nghề khác để tìm. Điều này dẫn đến tâm lý mất lòng tin khi họ không xác định được đâu là ngành nghề chính trong mớ rừng ngành nghề mà doanh nghiệp đăng ký. Lời khuyên của chúng tôi là:

chỉ hãy đăng ký những ngành nghề mình thực sự hoạt động để nhìn vào đó có thể thấy ngay lĩnh vực chính của mình, đừng tham mà đăng ký quá nhiều.

Bởi chúng ta có thể thêm/bớt bất cứ lúc nào trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Để tránh tâm lý đối tác nghĩ rằng doanh nghiệp mình đụng đâu làm đó.

Việc ghi ngành, nghề kinh doanh khi đăng ký doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP, Quyết định số 10/2007/QĐ-TTg ngày 23/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam & Quyết định số 337/QĐ-BKH ngày 10/4/2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc ban hành Quy định nội dung Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam.

Những ngành, nghề kinh doanh có điều kiện

Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Danh mục những ngành nghề nào là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện cũng đã được quy định tại Phụ lục 4 của Luật đầu tư 2014, được sửa đổi, bổ sung bởi luật số 03/2016/QH14, có tổng cộng 243 ngành nghề khác nhau. Trong phạm vi ấn phẩm này, chúng tôi chỉ nêu căn cứ pháp luật hiện tại để các bạn đối chiếu khi cần.

Khi nào được xem là đủ điều kiện kinh doanh khi ngành, nghề kinh doanh thuộc danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện?

Luật Doanh nghiệp ghi nhận một trong những nghĩa vụ của doanh nghiệp là “Đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh khi kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật đầu tư & bảo đảm duy trì đủ điều kiện đầu tư kinh doanh đó trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh.”

Như vậy, khi kinh doanh ngành nghề kinh doanh có điều kiện, doanh nghiệp cần phải đáp ứng:

  • Được cấp Giấy chứng nhận đăng kinh doanh do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp;
  • Được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về ngành, nghề kinh doanh thuộc danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Chẳng hạn như về các điều kiện, tiêu chuẩn chuyên môn kỹ thuật, công nghệ, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; quy định về phòng cháy, chữa cháy, an ninh trật tự …

Những ngành, nghề cấm kinh doanh

Các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định pháp luật gồm có:

  • Kinh doanh các chất ma túy theo quy định tại Phụ lục 1 của Luật Đầu tư;
  • Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục 2 của của Luật Đầu tư;
  • Kinh doanh mẫu vật các loại thực vật, động vật hoang dã theo quy định tại Phụ lục 1 của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm Nhóm I có nguồn gốc từ tự nhiên theo quy định tại Phụ lục 3 của của Luật Đầu tư;
  • Kinh doanh mại dâm;
  • Mua, bán người, mô, bộ phận cơ thể người;
  • Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người.

Tổng hợp (Quỳnh Như)

Bạn đang đọc bài viết Dự án: Đăng Ký Doanh Nghiệp — Pháp Lý Liên Quan Ngành Nghề Kinh Doanh tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Lên đầu trang