Kinh nghiệm
Thứ hai , 01/04/2019, 14:13

Doanh nghiệp Việt hào hứng với startup, nhưng còn e ngại về vốn

.

Theo kết quả khảo sát được công bố trong Sách trắng Kinh tế Việt Nam 2018, gần 65% doanh nghiệp lớn của Việt Nam dự định mở rộng kinh doanh với startup. Tuy nhiên, e ngại về vốn được cho là trở thành trở ngại lớn nhất trong việc hiện thức hóa kế hoạch này.

Dự báo kinh tế số sẽ trở thành xu hướng chủ đạo trong năm 2018 đang trở thành động lực thúc đẩy doanh nghiệp Việt giàu tiềm lực lên kế hoạch mở rộng dự án kinh doanh với startup. Tuy nhiên, đi kèm với sự phấn khởi là nỗi e ngại về nguồn vốn.

Theo đó, hơn 40% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết họ e ngại nguồn vốn đầu tư cho số hóa lớn. Trong khi đó, việc tiếp cận dòng vốn lớn, nhất là vốn ngoại rất khó khăn. Một trong những nguyên nhân là do vốn đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam còn “đắt”.Cụ thể: Ở các quốc gia có hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển như Mỹ, startup chỉ cần bán 10% cổ phần là có thể huy động được 1 triệu USD từ các nhà đầu tư. Trong khi ở Việt Nam, cùng số cổ phần đó chỉ huy động được 100-200 nghìn USD mà thôi.

Trước đó, các chuyên gia startup cũng đã chỉ ra những nguyên nhân khiến startup Việt khó tiếp cận vốn ngoại. Theo đó, nguồn vốn thường chảy từ thị trường lớn sang thị trường nhỏ. Theo quy luật này, vốn sẽ chảy từ Mỹ sang Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ rồi mới đến Đông Nam Á. Khi đến khu vực này, vốn lại chảy vào Indonesia, Thái Lan rồi mới đến Việt Nam. Điều đó cũng có nghĩa startup Việt sẽ gặp nhiều khăn trong việc tiếp cận vốn ngoại so với startup hoạt động ở các thị trường lớn. Đã thế, Việt Nam mới ở giai đoạn hoàn thiện chính sách gọi vốn. Trong khi đó,Indonesia, Singapore… đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ gọi vốn, giúp cho startup tại các quốc gia này có cơ hội tiếp cận nguồn vốn tốt hơn.

Bên cạnh đó, thị trường startup Việt còn tiềm ẩn nhiều rủi ro như thủ tục hành chính, vấn đề giải ngân chậm chạp. Vì thế,chỉ những nhà đầu tư kiên nhẫn mới chấp nhận mạo hiểm đầu tư ở Việt Nam. Trong khi ở Singapore, nhà đầu tư chỉ mất mộttuần, ở Thái Lan là một tháng, thì ở Việt Nam, thời gian giải ngân lên đến 8-12 tháng. Đó là khoảng thời gian khó có thể chấp nhận với startup mà tính thời điểm có ý nghĩa quan trọng. Ngoài ra, giấy phép con ở Việt Nam vẫn còn rất nhiều. Một lĩnh vực, ngành nghề có thể thuộc diện quản lý của nhiều bộ, ngành khiếnnhà đầu tư cảm thấy bất an khi quyết định rót vốn.

Việc thoái vốn đầu tư ở Việt Nam cũng là vấn đề nan giải. Hiện tại, Việt Nam chưa có lối thoát cho nhà đầu tưkhi họ muốn thoái vốn khởi các startup do hệ thống pháp lý cho hoạt động mua bán - sáp nhập chưa hoàn thiện.

Thực trạng này đang đặt Việt Nam trước yêu cầu cần nhanh chóng có những biện pháp nhằm cải thiện kịp thời hệ sinh thái khởi nghiệp, tránh để rơi vào tình trạng nhà đầu tư và các startup lựa chọn Singapore, Indonesia, Malaysia... tiến hành các hoạt động khởi nghiệp thay vì Việt Nam, nhất là trong bối cảnh cộng đồng kinh tế ASEAN đã được thành lập. Có như vậy, kế hoạch mở rộng kinh doanh với startup của các doanh nghiệp Việt lớn mới có cơ hội được hiện thực hóa để startup Việt không chỉ là phong trào mà trở thành động lực thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển trong kỷ nguyên số.

Theo songmoi.vn

Bạn đang đọc bài viết Dự án: Doanh nghiệp Việt hào hứng với startup, nhưng còn e ngại về vốn tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Lên đầu trang