Kinh nghiệm
Thứ hai , 14/03/2022, 09:00

Huy động vốn cho công ty khởi nghiệp của bạn

.

Bạn đã có bước nhảy vọt về niềm tin để có thể bắt đầu công ty khởi nghiệp của riêng mình. Bạn đã cầu xin, vay mượn và dựa vào lòng tốt của bạn bè và gia đình để huy động đủ số vốn cần thiết. Bạn đã nếm trải dư vị của thành công nhưng lại nhận ra mình cần đầu tư nhiều hơn và phải có nhiều vốn hơn để phát huy tiềm năng kinh doanh cho công ty khởi nghiệp mà bạn đã tạo ra.

Đây là tình huống tiến thoái lưỡng nan về khởi nghiệp thường gặp và có thể khiến bạn gặp nhiều khó khăn trong định hướng hoạt động, đặc biệt là đối với những nhà sáng lập không có nền tảng kiến thức về thị trường vốn hoặc chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc tìm kiếm nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài.

Dưới đây là một số bước cơ bản có thể thực hiện để giúp doanh nghiệp phát triển đúng hướng:

Bước 1: Đảm bảo công ty khởi nghiệp ở trạng thái “có thể đầu tư”

Công ty khởi nghiệp của bạn cần cung cấp cho những nhà đầu tư bên ngoài một số thông tin cần thiết rằng mình đang thực hiện các chiến lược và có kế hoạch kinh doanh cụ thể, và ít nhất phải có khả năng quản trị doanh nghiệp cơ bản.

Có thể xem xét một số nội dung sau đây:

  1. Công ty khởi nghiệp của bạn có chiến lược hoặc kế hoạch kinh doanh rõ ràng và đầy đủ hay không?
  2. Cơ cấu doanh nghiệp của bạn có thể tạo điều kiện cho các khoản đầu tưu từ bên ngoài hay không? Một số cơ cấu như quỹ tín thác và quan hệ đối tác có thể có một số lợi ích nhất định, nhưng có thể sẽ khó khăn đối với một nhà đầu tư vốn cổ phần mới tham gia.
  3. Có mô hình tài chính nào cho thấy các yêu cầu về chi phí vốn và chi phí vận hành trong trung hạn (khoảng 2 đến 3 năm) để các nhà đầu tư có thể thấy được sự cần thiết phải huy động vốn từ công ty khởi nghiệp của bạn không?
  4. Tài sản trí tuệ (IP) hoặc các thông tin thương mại nhạy cảm của công ty liệu đã được đăng ký và bảo hộ hợp pháp chưa?
  5. Công ty bạn đã có kế hoạch thoái vốn hoặc lộ trình kiếm tiền từ hoạt động kinh doanh chưa? Nội dung cuối cùng này là điều mà tất cả mọi nhà đầu tư đều muốn biết về công ty bạn.

Một nội dung quan trọng khác mà nhiều công ty khởi nghiệp thường bỏ qua là hoạt động quản trị và quản lý rủi ro.

Liệu những nhân sự chủ chổt trong công ty khởi nghiệp đã từng có suy nghĩ để mạo hiểm chưa? Điều này được thể hiện qua việc nó đã được thể hiện trong mục đăng ký rủi ro và đã có kế hoạch để giảm thiểu những rủi ro đó hay chưa? Không gì có thể hủy hoại giá trị của một nhà đầu tư nhanh hơn những tác động từ những rủi ro có thể tránh được.

Ngay cả những công ty khởi nghiệp đi vào hoạt động sớm nhất cũng nên tìm đến những người đã từng trải để thành lập ban cố vấn, để họ có thể hỗ trợ bạn trong một số lĩnh vực cụ thể, chẳng hạn như đưa ra lời khuyên về lĩnh vực công nghệ,, marketing, hoạt động vận hành hoặc huy động vốn. Thông thường, những nhân vật có kinh nghiệm này sẽ luôn sẵn lòng hỗ trợ cho những doanh nhân có niềm đam mê mãnh liệt mà không đòi hỏi bất kỳ khoản chi phí nào (hoặc với mức phí không hề đắt đỏ).

Bước 2: Hiểu mức định giá doanh nghiệp

Có thể các startup sẽ gặp khó khăn trong việc xác định giá trị của công ty.

Một số phương pháp luận thông thường như thu nhập vốn hóa hoặc dòng tiền chiết khấu có thể rất khó áp dụng do nhiều công ty khởi nghiệp thường kinh doanh thua lỗ và các giả định làm cơ sở cho việc dự báo thường biến động liên tục.

Hãy nhận thức đầy đủ về định giá và định giá công ty một cách hợp lý khi bạn chuẩn bị cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư mới để họ đầu tư vào công ty khởi nghiệp của bạn.

Các nhà đầu tư giai đoạn đầu thường chấp nhận rủi ro lớn khi hỗ trợ các doanh nhân và startup. Việc định giá và làm giảm giá trị thường phản ánh điều đó. Không gì có thể khiến nhà đầu tư vốn cảm thấy khó chịu hơn là việc một startup sử dụng nhiều giao dịch của các công ty được niêm yết trên ASX200 cho mục đích so sánh của  mình.

Việc sử dụng các công cụ so sánh như Afterpay hay Apple hoặc Amazon sẽ làm cho nhà đầu tư mất niềm tin vào startup của bạn, vì điều này chỉ ra rằng bạn có lẽ sẽ không đủ can đảm để chứng kiến quá trình hoạt động của công ty mình từ lúc khó khăn đến khi gặt hái được thành công.

Bước 3: Học cách chào hàng

Đây là một kỹ năng quan trọng mà nhiều công ty khởi nghiệp và các nhà sáng lập kinh doanh mới thường bỏ qua. Ở giai đoạn bắt đầu khởi nghiệp, hầu hết các nhà đầu tư sẽ hỗ trợ cho những đối tượng có khả năng thực hiện tốt các kỹ năng này.

Luyện tập thuyết trình giới thiệu sản phẩm trước các nhà đầu tư, dành mức độ đầu tư cao vào một bài thuyết trình chất lượng, hãy luôn giữ thái độ nhiệt tình nhưng khiêm tốn. Cho phép các nhà đầu tư tiềm năng đặt ra những câu hỏi và trả lời những câu hỏi đó một cách tự tin. Đừng bao giờ công kích (hoặc bảo thủ quá mức) nếu một nhà đầu tư không hiểu ý bạn. Hãy nhớ rằng đó là đồng tiền của họ, họ có thể lựa chọn đầu tư theo cách của mình.

Bước 4: Chọn nhà đầu tư chất lượng

Nguồn vốn hỗ trợ khởi nghiệp giai đoạn đầu có thể đến từ những những nguồn chính sau:

  • Các cá nhân có giá trị tài sản ròng cao;
  • Các văn phòng công ty gia đình;
  • Các quỹ đầu tư vốn mạo hiểm (trái ngược với quỹ đầu tư tư nhân tập trung chủ yếu vào các công ty lớn hơn và được thành lập từ lâu đời hơn);
  • Các khoản tài trợ từ chính phủ;
  • Các quỹ tình huống đặc biệt.

Điều quan trọng là bạn phải chọn được một cố vấn có thể hiểu được phần này của thị trường, đồng thời sở hữu nhiều mối quan hệ và mạng lưới có thể tạo điều kiện hỗ trợ công ty trong việc giới thiệu các nhà đầu tư và giúp công ty chuẩn bị cho vòng gọi vốn một cách chỉn chu.

Tóm lại, Úc có một môi trường năng động và sôi nổi cho hoạt động tài trợ vốn vào các công ty khởi nghiệp và nhiều công ty trong giai đoạn mới thành lập đã có một số thành công nhất định trên sàn ASX và các thị trường nội bộ. Tuy nhiên, việc tiếp cận được nguồn vốn thích hợp đòi hỏi công ty sở hữu nhiều hơn là một nội dung giới thiệu đơn thuần và đây chính là kỹ năng cần thiết mà mỗi công ty khởi nghiệp bền vững đều cần có để phát triển thành công trên con đường kinh doanh của mình.

Theo Craig Amos

startupnews.com.au

Bạn đang đọc bài viết Dự án: Huy động vốn cho công ty khởi nghiệp của bạn tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Lên đầu trang