Kinh nghiệm
Thứ hai , 01/04/2019, 15:22

Khởi nghiệp một mình: Được và mất

.

Khởi nghiệp một mình hay cùng cộng sự luôn đề tài gây tranh cãi trong cộng đồng startup. Đặc biệt, khi các báo cáo đánh giá hiệu quả hoạt động của startup do cá nhân hoặc theo nhóm sáng lập được đưa ra với nhiều ý kiến trái chiều đã thổi bùng lên tranh luận này.

Theo Cục thống kê dân số của Hoa Kỳ, nước Mỹ hiện có hơn 20 triệu doanh nghiệp do cá nhân khởi nghiệp đang hoạt động. Công ty chuyên về nghiên cứu thị trường PrivCo có trụ sở chính tại New York cho biết: 44% công ty khởi nghiệp gọi được số vốn trên 25 triệu USD từ nhà đầu tư là doanh nghiệp do một cá nhân khởi sự.

Trong khi đó, CB Insights - công ty chuyên cung cấp dịch vụ phân tích và báo cáo dữ liệu - đưa ra con số 23% doanh nghiệp khởi nghiệp sớm thất bại do không có đội ngũ sáng lập phù hợp. Kết quả này được đưa ra sau khi CB Insights tiến hành phỏng vấn trực tiếp 101 doanh nghiệp khởi nghiệp thất bại trong dự án đánh giá tầm quan trọng của những người sáng lập.

Những thống kê, đánh giá trên đây đã thổi bùng lên những tranh luận đã âm ỉ từ lâu trong cộng đồng startup: Có nên khởi nghiệp một mình?

Nói đến những người khởi nghiệp một mình, hầu hết ý kiến đều nghĩ rằng: Họ là những người đầy đam mê và nhiệt huyết, có nhiều tham vọng và gan dạ, dám tách khỏi đám đông và liều lĩnh chấp nhận rủi ro để biến ý tưởng thành hiện thực. Khi khởi nghiệp một mình, họ sẽ có trong tay 3 lợi thế cơ bản.

Thứ nhất, có thể theo sát chiến lược và kế hoạch đã đề ra mà không bị ảnh hưởng bởi ý kiến hay quan điểm của người khác. Bởi khi đó, người sáng lập là chủ sở hữu duy nhất. Do đó, tầm nhìn của họ cũng là tầm nhìn của startup.

Khi khởi nghiệp một mình, người sáng lập có thể theo sát chiến lược và kế hoạch phát triển cũng như có toàn quyền quyết định vận mệnh của startup.

Thứ hai, do có toàn quyền tự quyết mọi việc mà không phải thống nhất với ai cũng như không cần tổ chức họp hành, bỏ phiếu... nên năng suất làm việc dễ dàng đạt mức cao nhất. Đồng thời, người khởi nghiệp một mình ít bị phân tâm trong việc thực hiện chiến lược và kế hoạch đã định. Bởi tất cả những gì họ cần tập trung và tin tưởng chỉ có công việc mà không bị phân tâm trong việc tìm hiểu, đánh giá cộng sự.

Thứ ba, là nhà sáng lập duy nhất, nên có thể linh hoạt và nhanh chóng đưa ra quyết định từ việc sắp đặt luật lệ, quy tắc đến những thứ ưu tiên trong công việc mà không cần tham khảo ý kiến hay phải giải thích với ai.

Khởi nghiệp một mình có thể đem lại cho họ toàn bộ lợi nhuận trên vốn bỏ ra. Người sáng lập có toàn quyền quyết định vận mệnh của startup cũng như doanh nghiệp.

Tuy nhiên, khởi nghiệp theo hình thức kinh doanh một mình có nhiều điểm hạn chế do tỉ lệ rủi ro cao vì tập trung toàn bộ vốn vào kinh doanh. Do tự kinh doanh, nên quyền quyết định sẽ nằm ở người chủ. Điều đó dễ làm nảy sinh sự độc đoán, bảo thủ… Bên cạnh đó, việc khởi nghiệp một mình cũng khiến các nhà sáng lập mất cơ hội làm việc nhóm với nhiều lợi thế đã được thừa nhận.

Chẳng hạn: Khởi nghiệp cùng cộng sự giúp các nhà sáng lập có thể chia sẻ mọi thứ, từ những rủi ro trong kinh doanh đến sự cô độc trong tâm hồn, áp lực trong công việc cũng như cuộc sống. Mỗi nhà sáng lập có thế mạnh riêng, nên dễ dàng hỗ trợ, bổ sung cho nhau trong công việc cũng như hỗ trợ và giúp đỡ nhau để hoàn thiện các kỹ năng còn thiếu. Khởi nghiệp cùng cộng sự giúp kiểm tra và tạo ra sự cân bằng trong công việc, nhất là khi phải ra các quyết định quan trọng. Đồng thời, các cộng sự cũng sẽ tạo ra sức ép, đốc thúc họ tiến lên và chinh phục những đỉnh cao mới trong sự nghiệp.

Việc startup một mình khiến nhà sáng lập mất cơ hội làm việc nhóm với nhiều lợi thế đã được thừa nhận.

Người xưa có câu "Đơn thương độc mã" để nói về hình ảnh cô đơn lang thang trên hành trình mà không có người bầu bạn. Con đường có thể ngắn hay dài hoàn toàn phụ thuộc vào người sáng lập. Dù vậy, ngay cả khi startup thành công, các doanh nghiệp thuộc dạng này phần lớn là doanh nghiệp nhỏ, số vốn thường không lớn vì khó có thể huy động các nguồn tài trợ từ bên ngoài.

Tuy vậy, không ít ý kiến cho rằng: Không nên cứng nhắc hoặc bó khung trong quyết định khởi nghiệp một mình hay theo nhóm mà cần dựa trên điều kiện thực tế để lựa chọn. Norm Brodsky là một ví dụ tiêu biểu cho trường hợp này. Là doanh nhân với 25 năm kinh nghiệm, từng thành lập 6 công ty, trong đó có công ty được định giá 180 triệu USD, từng phá sản ở tuổi 45 và từng bán một công ty và thu về 110 triệu USD, hiện là diễn giả, nhà bình luận của tờ Inc, Norm Brodsky cho rằng: Vấn đề không phải là nên hay không nên khởi nghiệp một mình mà quan trọng là cần gì và thực hiện nó như thế nào để tạo ra giá trị nhiều nhất cho bản thân.

 

Theo songmoi.vn

Bạn đang đọc bài viết Dự án: Khởi nghiệp một mình: Được và mất tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Lên đầu trang