Kinh nghiệm
Thứ sáu , 03/12/2021, 15:00

Lập kế hoạch kinh doanh (Phần 1)

Đối với khởi sự doanh nghiệp, kế hoạch kinh doanh là một văn bản vô cùng quan trọng.

Các bước lập bản kế hoạch kinh doanh

Để có bản kế hoạch kinh doanh tốt, cần rất nhiều công sức, nỗ lực và tiền bạc. Đó là quá trình công phu, mang tính sáng tạo. Tuy nhiên nếu đơn giản hóa thì quy trình này bao gồm 6 bước sau đây:

1. Viết ra ý tưởng kinh doanh cơ bản của mình.

2. Thu thập tất cả các số liệu có thể có về tính khả thi và chi tiết của ý tưởng kinh doanh.

3. Tập trung và sàng lọc ý tưởng trên cơ sở các số liệu đã tổng hợp.

4. Phác họa các chi tiết về mô hình kinh doanh. Sử dụng phương pháp tiếp cận với các câu hỏi “cái gì, ở đâu, tại sao và như thế nào” có thể giúp ích tốt cho bạn trong việc này.

5. Làm cho bản kế hoạch kinh doanh thật hấp dẫn để nó không những cung cấp một cái nhìn sâu sắc mà có thể trở thành một công cụ tốt trong khi làm việc với các mối quan hệ quan trọng.

6. Đọc các bản kế hoạch tham khảo

Bản kế hoạch kinh doanh thường có độ dài 25-30 trang mô tả, phân tích và đánh giá ý tưởng kinh doanh. Trong bản kế hoạch kinh doanh có số liệu thông tin đầy đủ về doanh nghiệp, thị trường (khách hàng, đối thủ cạnh tranh….), sản phẩm, chiến lược, tài chính và rủi ro liên quan.

Các thành phần chính có trong một bản kế hoạch kinh doanh

Một bản kế hoạch kinh doanh có thể có nhiều phần. Tuy nhiên, nó phải bao gồm 4 nội dung chính sau đây:

- Luận chứng về quy mô và phát triển của cơ hội kinh doanh trên thị trường.

- Luận chứng về mô hình kinh doanh nên được khởi sự để hiện thực hóa cơ hội kinh doanh nói trên thành tỷ suất lợi nhuận cao. Mô hình kinh doanh bao gồm các thông tin về tên gọi, hình thức pháp lý, địa điểm trụ sở doanh nghiệp; phương thức sản xuất kinh doanh; các nguồn lực cần huy động (số lượng, cơ cấu) và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; mô hình doanh thu – chi phí – lợi nhuận và phương thức hoàn trả các khoản nợ vay cũng như giải quyết quan hệ sở hữu các đối tượng hữu quan đối với doanh nghiệp.

- Thông tin về kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp và kinh nghiệm thực tiễn của nhóm đồng sáng lập/điều hành doanh nghiệp.

- Các tài liệu hỗ trợ, bổ sung sung thông tin đi kèm với bản kế hoạch.

Kế hoạch kinh doanh không chỉ cần thiết khi khởi sự kinh doanh mà còn cần trong suốt quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Kế hoạch kinh doanh có thể nhằm mục tiêu thay đổi nhận thức và nhận biết thương hiệu trong con mắt của khách hàng, đối tác, cộng đồng. Đối với doanh nghiệp đang hoạt động hướng đến những thay đổi lớn hoặc khi hoạch định một kế hoạch khởi sự thì kế hoạch kinh doanh thường là 3-5 năm.

Những nội dung cơ bản có trong bản kế hoạch kinh doanh ( Mẫu kế hoạch kinh doanh)

1. Tổng quan chung

Cung cấp thông tin về lịch sử phát triển của doanh nghiệp. Mô tả rõ ràng hiện trạng và mục đích của doanh nghiệp, đồng thời trình bày một tầm nhìn được xác định rõ ràng: doanh nghiệp sẽ đi đến đâu và làm thế nào để đạt tới đích.

a. Lịch sử:

Do ai thành lập, khi nào, ở đâu, và như thế nào?

Sản phẩm ban đầu, những nguồn lực nào được sử dụng và lấy ở đâu

Tầm quan trọng của những mối quan hệ đặc biệt

Mức độ thành công : thị phần, kết quả tài chính

Những vấn đề gặp phải và đã vượt qua được

Những sự kiện/con người/cơ hội đặc biệt quan trọng đã ảnh hưởng tới vị trí của doanh nghiệp ngày nay.

b. Hiện trạng và mục đích:

Sản phẩm chủ yếu hiện nay

Nếu khác sản phẩm trước đây thì tại sao

Tính độc đáo của sản phẩm

Tính độc đáo của công ty, VD : công nghệ hàng đầu, quan hệ với khách hàng, các yếu tố tổ chức, cán bộ chủ chốt, chất lượng của cán bộ chủ chốt mới, những khó khăn cụ thể doanh nghiệp đang gặp phải.

Mức độ thành công : thị phần và các kết quả tài chính

So sánh các kết quả này với dự kiến trong quá khứ

Những xu hướng hiện tại có ảnh hưởng tới công việc kinh doanh, như: các xu hướng trên thị trường hay sự hoàn thiện của sản phẩm

Những điểm mạnh chủ yếu đóng vai trò quan trọng và cần phát huy trong tương lai

c. Kế hoạch tương lai – tầm nhìn và định hướng:

Sản phẩm chính trong tương lai, tương quan với các yếu tố thị trường

Các mục tiêu ngắn và dài hạn về thị phần và tài chính

d. Những thế mạnh doanh nghiệp có thể dựa vào, những yếu kém cần khắc phục

Các phương tiện mới cần có; làm thế nào để vượt qua khó khăn hiện tại và bù đắp những thiếu hụt về nhân sự.

(Còn tiếp…)

Casti Hub tổng hợp

Bạn đang đọc bài viết Dự án: Lập kế hoạch kinh doanh (Phần 1) tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Lên đầu trang