Kinh nghiệm
Thứ năm , 24/02/2022, 08:59

Một số kinh nghiệm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ (phần 1)

Theo Hiệp hội Vườn ươm Doanh nghiệp của Mỹ, có tới 87% công ty khởi nghiệp được vườn ươm hỗ trợ có thể tồn tại sau 5 năm. Con số này gần gấp đôi tỷ lệ thành công của các công ty khởi nghiệp tự thân.

Tuy nhiên, nhiều vườn ươm phải vật lộn để duy trì năng lực cạnh tranh và tìm cách thu hút, giữ chân và xuất xưởng những công ty khởi nghiệp tốt nhất và sáng giá nhất. Sau đây là một số cách mà các cơ sở ươm tạo có thể điều chỉnh lại hoạt động của mình để tạo ra những startup thành công nhất.

1. Tầm quan trọng của vườn ươm doanh nghiệp công nghệ

Khởi nghiệp và ươm tạo công nghệ là nguồn lực thúc đẩy cải tiến công nghệ, tạo việc làm mới và đem lại tăng trưởng kinh tế của các quốc gia phát triển. Chính sách kinh tế của nhiều quốc gia cũng dịch chuyển từ thúc đẩy kinh doanh sang thúc đẩy khởi nghiệp. Các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore… đặc biệt quan tâm đến việc thúc đẩy sự tăng trưởng của các khu công nghệ và vườn ươm. Sự thành công của các khu công nghệ như Sillicon Valley ở California (Hoa Kỳ) và Khu công nghệ cao ở thành phố Cambridge (Vương quốc Anh) đã trở thành những mô hình kiểu mẫu cho nhiều quốc gia. Nhiều nước cũng hình thành và phát triển mạnh mẽ vườn ươm doanh nghiệp theo mô hình thành công ở Hoa Kỳ và Vương quốc Anh.

Định hướng phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng đã xác định vai trò then chốt của khoa học và công nghệ đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, việc phát triển nội lực đổi mới sáng tạo - hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ ở Đà Nẵng còn nhiều bất cập, chỉ mới có vài công ty khởi nghiệp nhỏ, hầu hết trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chưa có sự hiện diện của những quỹ đầu tư mạo hiểm hay nhà đầu tư thiên thần lớn, văn hóa khởi nghiệp chưa được khơi dậy.

Nguồn thu để duy trì hoạt động vườn ươm: Đây là vấn đề cần được xem xét kỹ lưỡng. Từ kinh nghiệm thực tế ở Anh Quốc, các vườn ươm mất thời gian 7-12 năm để có thể tự duy trì hoạt động. Tùy theo mô hình hoạt động của vườn ươm, nguồn thu có thể đến từ nhiều nguồn: Ngân sách cấp; cho thuê văn phòng; cho thuê máy móc, thiết bị; thu phí dịch vụ hỗ trợ, tư vấn (trường hợp SHTP-IC, BSSC, KVIP); tổ chức sự kiện (trường hợp BSSC), … Theo TS Dương Minh Tâm, Phó Trưởng ban, Ban Quản lý Khu CNC TP HCM, bản thân vườn ươm phải vận hành như một doanh nghiệp kiểu mẫu, từ đó tôn vinh tinh thần doanh nhân của doanh nghiệp.

2. Thay đổi lựa chọn

Các vườn ươm thường xuyên lựa chọn các công ty khởi nghiệp dựa trên ý tưởng của họ. Họ cân nhắc xem ý tưởng đó có xứng đáng hay không và liệu họ có đủ chuyên môn để hỗ trợ ý tưởng của startup hay không. Mặc dù những yếu tố này rất quan trọng nhưng vẫn chưa đủ. Điều quan trọng là nên xem xét thêm hai yếu tố để đánh giá sau, đó là: mức độ tương tác và đặc điểm của người sáng lập.

• Mức độ tương tác: vì các startup thường được lựa chọn chủ yếu dựa trên ý tưởng của họ, nên nhiều cơ sở ươm tạo sớm nhận ra rằng người sáng lập có việc làm toàn thời gian nói chung là không sẵn sàng với các chương trình quan trọng của cơ sở ươm tạo. Để thành công, các cơ sở ươm tạo phải đảm bảo người sáng lập có khả năng tập trung, gắn bó và tham gia vào quy trình. Trên thực tế, mức độ tương tác này quan trọng đến mức một số chuyên gia đề xuất thời gian ươm tạo ngắn hơn.

• Các đặc điểm: chỉ có ý tưởng tuyệt vời và sự tham gia của những người sáng lập là chưa đủ nếu bản thân những người sáng lập không tham gia và áp dụng kiến thức mới học vào công ty khởi nghiệp của họ. Đánh giá mô hình tính cách 5 yếu tố của người sáng lập, gồm: sẵn sàng trải nghiệm, tận tâm, hướng ngoại, dễ chịu và tâm lý bất ổn, có thể cung cấp cho bạn cái nhìn sâu sắc về khả năng thành công của người sáng lập trong bối cảnh của cơ sở ươm tạo.

Đặc điểm đầu tiên cần tìm kiếm ở những người sáng lập là sẵn sàng với những trải nghiệm mới, sự tò mò mang tính trí tuệ và thích phiêu lưu. Đặc điểm thứ hai là sự tận tâm và khả năng kiểm soát hành vi theo hướng mục tiêu, luôn có tổ chức, đáng tin cậy và tự kỷ luật. Hãy chú ý đến những người sáng lập các startup có ý tưởng tuyệt vời, khả năng tương tác cao và mức độ cởi mở và tận tâm cao vì họ có thể đem lại thành công cho vườn ươm.

Quỳnh Như (tổng hợp)

(còn tiếp)

Bạn đang đọc bài viết Dự án: Một số kinh nghiệm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ (phần 1) tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Lên đầu trang