Kinh nghiệm
Thứ sáu , 03/12/2021, 15:00

Nghiên cứu thị trường (Phần 1)

Đối với một doanh nghiệp khởi nghiệp, trước khi quyết định thâm nhập thị trường cần nghiên cứu thị trường trước khi xây dựng kế hoạch chi tiết.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam, hoặc do đánh giá không đúng tầm mức quan trọng của nghiên cứu thị trường, hoặc cũng có thể có nhận thức nhưng do hạn chế về ngân sách, đã không chú tâm đúng mực đến công tác nghiên cứu thị trường trước khi tung một sản phẩm mới, kết quả là họ đã phải trả giá đắt khi vấp phải những trở ngại khó có thể vượt qua trong quá trình triển khai thâm nhập thị trường.

Tại sao thông tin thị trường lại quan trọng đến vậy?

Điều cơ bản nhất quyết định sự thành công của một sản phẩm là sự chấp nhận của người mua sản phẩm hoặc sự hài lòng của người sử dụng dịch vụ. Làm thế nào biết được khách hàng có thích hay không thích, chấp nhận hay không chấp nhận? Chỉ có cách duy nhất và chính xác nhất là khảo sát khách hàng – người được cho là sẽ mua sản phẩm, hoặc người không trực tiếp mua nhưng có ảnh hưởng tác động đến quyết định mua sản phẩm. Nghiên cứu thị trường giúp bạn:

- Cung cấp sản phẩm/dịch vụ mà khách hàng cần

- Định ra mức giá mà khách hàng chấp nhận trả

- Đưa hàng hóa/dịch vụ của bạn đến tay khách hàng

- Đưa thông tin về doanh nghiệp và sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp.

Nếu công tác nghiên cứu thị trường thu thập về những thông tin không chính xác, không phản ảnh đúng tình hình thực tế thị trường. Những quyết định bạn đưa ra sẽ không sát với thực tế, dẫn đến hoạt động kinh doanh sẽ không hiệu quả, lãng phí nhân lực và tiền bạc.

Những yêu cầu khi nghiên cứu thị trường

Kế hoạch nghiên cứu của bạn cần có mục tiêu và thông tin bạn cần để quyết định có nên tiếp tục ý tưởng kinh doanh của mình hay không. Hãy tạo ra một danh sách các câu hỏi bạn cần và lập kế hoạch trả lời những câu hỏi này. Có thể tham khảo các chuyên gia hoặc tham gia một khóa đào tạo ngắn về cách nghiên cứu. Việc này sẽ giúp bạn biết phương pháp nghiên cứu nào là phù hợp nhất, mẫu nghiên cứu thống kê sẽ phát triển thế nào, cách viết câu hỏi, nguồn thông tin nào khách quan và đáng tin cậy.

Loại thông tin bạn cần thu thập sẽ phụ thuộc vào loại sản phẩm hoặc dịch vụ bạn muốn cung cấp cho thị trường. Ví dụ, nếu sản phẩm của bạn hữu hình, bạn có thể đưa khách hàng xem, sờ vào sản phẩm mẫu. Nếu sản phẩm của bạn vô hình, hãy miêu tả về sản phẩm càng chi tiết càng tốt.

Quy trình nghiên cứu thị trường

Mỗi công ty có thể có một phương pháp nghiên cứu thị trường khác nhau phù hợp với đặc thù sản phẩm, nhưng quy trình nghiên cứu thị trường thông thường gồm có bảy bước sau:

Bước 1: Xác định vấn đề cần nghiên cứu

Bạn cần hiểu rõ vấn đề cần nghiên cứu: tại sao cần tìm thông tin đó, nó thuộc lĩnh vực nào?

Ví dụ: Sản lượng xe Wave giảm sút, Honda cần tìm hiểu xem tại sao người tiêu dùng lại ít mua sau bao nhiêu nỗ lực quảng cáo, tiếp thị? Vì vậy, họ nghiên cứu các vấn đề:

1. Người tiêu dùng chọn lựa xe máy như thế nào? Đòi hỏi các tiêu chí gì?

2. Honda cần làm các động tác tiếp thị nào để thu hút thêm người tiêu dùng cho xe Wave?

Bước 2: Thiết kế nghiên cứu

Có một số mục tiêu nghiên cứu cụ thể như: nghiên cứu thăm dò (nhằm xác định hoặc nhận diện các vấn đề đang tồn tại), nghiên cứu liên hệ nhân-quả (nhằm phát hiện ra các mối quan hệ nhân quả trong vấn đề nghiên cứu, từ đó tìm ra giải pháp cho vấn đề), nghiên cứu mô tả (nhằm xác định quy mô của việc nghiên cứu cần tiến hành). Trong bước này, công ty cần phải xác định cụ thể và chính xác 04 yếu tố sau:

Yếu tố thứ nhất: Phương pháp nghiên cứu

Có 03 phương pháp nghiên cứu thường dùng

1. Thực nghiệm: Tuyển chọn các nhóm đối tượng có thể so sánh được với nhau, tạo cho các nhóm các hoàn cảnh khác nhau, kiểm tra các yếu tố biến động và xác định mức độ quan trọng của các yếu tố được quan sát. Từ đó thu thập các ý kiến phản hồi và đưa ra kết luận.

2. Quan sát: Tiến hành quan sát trực tiếp khách hàng tại các hoàn cảnh, môi trường nhất định nhằm phân tích các hành vi, phản ứng của khách hàng với sản phẩm.

3. Thăm dò dư luận: Sử dụng các phiếu thăm dò để tìm hiểu tỉ lệ %, các nhận xét của họ về kiểu dáng, tính năng, độ bền…của sản phẩm hay so sánh với các sản phẩm khác…

Yếu tố thứ 2: Thu thập số liệu

Cũng có 3 cách thu thập số liệu thường dùng là

- Phỏng vấn qua điện thoại

- Phiếu điều tra gửi qua bưu điện, email

- Phỏng vấn trực tiếp

Yếu tố thứ 3: Công cụ nghiên cứu

Phiếu điều tra là công cụ phổ biến nhất khi thu thập thông tin nghiên cứu. Đó là một loạt các câu hỏi mà người được hỏi cần trả lời.

Có hai loại câu hỏi: câu hỏi đóng và câu hỏi mở. Câu hỏi đóng là dạng câu hỏi cho sẵn các phương án trả lời, người được hỏi chỉ việc đánh dấu vào lựa chọn của mình. Câu hỏi mở là dạng cậu hỏi cho phép người được hỏi đưa ra ý kiến của mình (thường dùng trong nghiên cứu định tính) và rất hữu ích trong nghiên cứu thăm dò . Việc trình bày thứ tự các câu hỏi cũng cần cẩn thận: nên đặt các câu hỏi đơn giản, dễ trả lời trước, sau đó mới tới các câu hỏi phức tạp hơn.

Yếu tố thứ 4: Chọn mẫu nghiên cứu

Đối tượng hỏi là những ai? Được lựa chọn bằng phương pháp nào? Cần hỏi bao nhiêu người?

Bước 3: Thu thập thông tin dữ liệu

Dữ liệu thu thập được được chia làm 02 loại:

- Dữ liệu sơ cấp/ban đầu (Primary data): số liệu từ điều tra, khảo sát do công ty nghiên cứu tổ chức thu thập.

- Dữ liệu thứ cấp (Secondary data): Là những thông tin đã có được tổng hợp từ những nguồn như báo, sách, tài liệu nghiên cứu của chính phủ, tìm kiếm trên mạng, báo cáo nghiên cứu thương mại. Để xác nhận tính chính xác của thông tin thì cần phải tìm những thông tin tương tự ở những nguồn khác để so sánh

Bước 4: Kiểm tra chất lượng thông tin

Bước 5: Làm sạch mã hóa dữ liệu

Là quá trình bổ sung, hiệu chỉnh và thống nhất thông tin về các biến của cơ sở dữ liệu, đảm bảo các kết quả xử lý, khai thác, kết nối dữ liệu nhận được các kết quả đúng.

Bước 6: Nhập dữ liệu

Bước 7: Làm báo cáo kết quả nghiên cứu thị trường

(Còn tiếp…)

Casti Hub tổng hợp

Bạn đang đọc bài viết Dự án: Nghiên cứu thị trường (Phần 1) tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Lên đầu trang