Kinh nghiệm
Thứ hai , 01/04/2019, 14:30

Những sai lầm khiến khởi nghiệp kinh doanh qua mạng thất bại

.

Kinh doanh qua mạng đang phát triển với tốc độ chóng mặt, nhưng điều đó không có nghĩa khởi nghiệp từ lĩnh vực này sẽ dễ dàng có được thành công. Bởi việc thiếu thiếu kế hoạch kinh doanh, cạnh tranh ngày càng khốc liệt, thương hiệu không được nhận diện… có thể khiến các nhà khởi nghiệp thất bại bất cứ lúc nào.

Khởi nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh qua mạng đang thu hút đông đảo nhiều startup Việt tham gia, nhất là giới trẻ. Chỉ tính riêng Hà Nội - một trong hai trung tâm khởi nghiệp hàng đầu cả nước, trong 8 tháng đầu năm 2017, 93.600 hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng đã được tiếp nhận, chiếm tỷ lệ 72%. Dù nở rộ như vậy, nhưng số doanh nghiệp kinh doanh qua mạng nói chung, startup kinh doanh qua mạng nói riêng thành công không nhiều. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng nhìn chung đều mắc phải những lỗi cơ bản sau:

Làm theo phong trào

Thấy người khác làm được, thì cũng thử vận may xem sao là tâm lý được nhiều người mang theo khi kinh doanh qua mạng. Thậm chí, nhiều người lầm tưởng chỉ cần có ý tưởng tốt, website có lượng người truy cập đông đảo mỗi ngày là cơ thể gặt hái được thành công. Song thực tế không phải vậy!

Việc thiếu kế hoạch kinh doanh chi tiết được cho là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự thất bại khi kinh doanh qua mạng. Báo cáo của CB Insights cũng chỉ ra rằng: 17% startup kinh doanh qua mạng thất bại do thiếu định hướng.

Để điều hành một doanh nghiệp kinh doanh, nhất là startup đòi hỏi phải có kế hoạch kinh doanh chi tiết và chuẩn bị tâm lý cho mọi tình huống. Bởi trong quá trình điều hành doanh nghiệp, chỉ một sơ sót nhỏ cũng đủ khiến doanh nghiệp phá sản, chứ đừng nói đến startup. Vì thế, ngay cả khi kinh doanh qua mạng cũng cần thực hiện đầy đủ quy trình như công ty truyền thống. Vì thế, các nhà khởi nghiệp cần bổ sung kiến thức tài chính cơ bản nhằm hỗ trợ việc lên kế hoạch kinh doanh khi khởi nghiệp.

Báo cáo của CB Insights cũng chỉ ra rằng: những người nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh trực tuyến thường quan tâm đến các vấn đề về chi phí, rủi ro, tài nguyên, cạnh tranh, kênh thanh toán, bảo mật, tiếp thị, SEO…

Thị trường càng bùng nổ, cạnh tranh càng khốc liệt

Kinh doanh qua mạng bùng nổ cũng đồng nghĩa với việc cạnh tranh sẽ ngày càng khốc liệt hơn. Vì thế, để gia tăng khả năng cạnh tranh, đòi hỏi các nhà khởi nghiệp phải tạo ra những sản phẩm khác biệt. Muốn vậy, sản phẩm không chỉ mới mẻ mà phải có khả năng đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Song để đạt được yêu cầu này không dễ. Điều đó đòi hỏi startup phải cân nhắc kỹ đến vấn đề thị trường, khả năng cạnh tranh, rủi ro và chi phí cơ hội cũng như nghiên cứu kế hoạch kinh doanh và phân tích thị trường để có được quyết sách đúng.

Chưa quan tâm đúng mức đến xây dựng thương hiệu

Trong thời buổi trăm hoa đủ nở, người người kinh doanh qua mạng, nhà nhà kinh doanh qua mạng, việc xây dựng thương hiệu đóng vai trò quan trọng, giúp khách hàng nhận diện sản phẩm của startup.

Trong các yếu tố cầu thành nên thương hiệu như: công ty, logo, chủ đề, màu sắc, website… thì tên website đóng vai trò quan trọng với các startup kinh doanh qua mạng. Nếu chọn sai tên miền, thì sẽ khiến khách hàng khó nhận diện sản phẩm. Đó cũng là tác nhân khiến startup gặp khó khăn trong kinh doanh. Vì thế, để hấp dẫn khách hàng, tên miền của startup cần hội tụ được hai yếu tố: độc đáo và liên quan đến mặt hàng kinh doanh chủ lực.

Không chú trọng khâu thiết kế

Với loại hình kinh doanh qua mạng, Website là phương tiện để người bán hàng giao tiếp và giới thiệu sản phẩm đến khách hàng. Vì thế, một website thiết kế cẩu thả sẽ khiến khách hàng cảm thấy thiếu tín tưởng. Thậm chí, một sai lầm trong sắp xếp và thiết kế giao diện cũng đủ khiến doanh nghiệp mất đi những vị khách tiềm năng.

Vì thế, startup cần chú trọng đến khâu đầu tư thiết kế giao diện website. Giao diện đẹp sẽ góp phần gia tăng cơ hội bán hàng. Không chỉ đẹp, các nhà khởi nghiệp cần biến mọi thao tác trên trang web trở nên thân thiện với người dùng để qua đó mang lại hiện quả kinh doanh cao nhất.

Truyền thông sai trọng tâm

Trong thời đại thông tin, truyền thông giữ vai trò quan trọng, giúp doanh nghiệp thu hút khách hàng. Song điều đó không có nghĩa cứ đẩy mạnh truyền thông là sẽ có nhiều khách hàng. Bởi nếu truyền thông quá nhiều, lại không đúng trọng tâm sẽ gây khó chịu cho khách hàng.

CB Insights cho rằng: Thời điểm doanh nghiệp startup mới đi vào hoạt động cần tập trung đầu tư cho marketing. Theo đó, startup cần xác định đối tượng khách hàng phù hợp với sản phẩm mình cung cấp. Tiếp đến, kế hoạch truyền thông cần được sắp xếp cẩn thận và sử dụng hợp lý. Để nâng cao hiệu quả trong khâu marketing, phương tiện truyền thông xã hội giữ vai trò quan trọng. Vì thế, startrup nên đẩy mạnh tiếp thị qua email, biến nó trở thành một trong những kênh truyền thông hiệu quả.

Chính sách về nhân sự chưa phù hợp

Do kinh doanh qua mạng vẫn cần thực hiện đầy đủ quy trình như công ty truyền thống, nên nhân sự đóng vai trò sống còn. Với startup, đây là câu chuyện không dễ. Bởi do tính chất đặc thù, nên các nhà sáng lập và nhân viên chủ chốt thường phải làm việc nhiều hơn 8 giờ/ngày, thậm chí cả thứ 7, chủ nhật. Vì thế, vấn đề quản trị phải được quan tâm hàng đầu nhằm nhằm thúc đẩy tinh thần làm việc cho người làm động. Nhiều doanh nghiệp chấp nhận đào tạo kỹ năng, kinh nghiệm cho nhân viên như hình thức giữ chân nhân sự.

Ngoài ra, thái độ và tinh thần cống hiến cho dự án là yếu tố quan trọng. Vì thế, các nhà sáng lập startup không nên coi nhân viên là người làm thuê mà cần coi họ như những cộng sự để họ thấy công sức, thời gian, sự sáng tạo dành cho startup là điều xứng đáng.

Không giữ liên hệ với khách hàng

Sau khi website hoạt động và có lượng khách hàng đầu tiên, dịch vụ mà khách hàng nhận được sẽ tạo sự gắn bó giữa họ với doanh nghiệp. Bởi nếu dịch vụ không tốt khiến khách hàng không hài lòng, thì dù giao diện website có đẹp đến đâu, chiến dịch truyền thông hiệu quả đến mấy sẽ khó có thể đảm bảo doanh thu duy trì ổn định.

Để hình thành hệ thống khách hàng thường xuyên, startup cần tương tác thường xuyên với khách hàng qua bản tin, email, quảng cáo, phương tiện truyền thông xã hội, bài viết… Nếu khách hàng yêu thích dịch vụ của doanh nghiệp, thì họ sẽ giới thiệu sản phẩm đến bạn bè và người thân. Vì thế, startup cần chú trọng đầu tư cho dịch vụ chăm sóc khách hàng bằng các chương trình ưu đãi hay quà tặng.

Theo songmoi.vn

Bạn đang đọc bài viết Dự án: Những sai lầm khiến khởi nghiệp kinh doanh qua mạng thất bại tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Lên đầu trang