Kinh nghiệm
Thứ hai , 01/04/2019, 14:25

Startup Việt: Muốn phát triển cần thay đổi

.

Sau chuyến thăm Việt Nam của ông Sundar Pichai - CEO Google - báo chí Mỹ đưa tin: Việt Nam sẽ trở thành lò khỏi nghiệp của thế giới. Với những tiềm năng và lợi thế hiện có, khả năng này là hoàn toàn có thể. Tuy nhiên, để Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp như Israel còn cả hành trình dài với nhiều khó khăn phía trước.

Nói về thị trường khởi nghiệp Việt, giảng viên Eryadi K. Masli đến từ Đại học Swinburne (Australia) nhận định: “Nhiều năm trước, thế giới không chú ý đến thị trường này”. Bởi dù đã trải qua gần thập kỷ hình thành, nhưng thị trường startup Việt Nam vẫn chưa phát triển như kỳ vọng khi vẫn phải đối mặt với sự thiếu hụt các công ty “chất lượng”, sự hỗ trợ chưa “tới” của Chính phủ và nguồn vốn đầu tư chưa đủ mạnh. Nhưng hiện tượng Flappy Bird đã thay đổi quan điểm này. “Con người Việt Nam thông minh. Hệ sinh thái khởi nghiệp dần được chú trọng phát triển. Các quỹ đầu tư đã ngày càng chú ý đến Việt Nam hơn”.

Đặc biệt, kể từ năm 2016, hiệu ứng từ các hiệp định hợp tác đi vào hiệu lực đang mở ra cơ hội phát triển cho thị trường khởi nghiệp Việt. Trong đó phải kể đến cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), FTA Liên minh kinh tế Á - Âu và một số hiệp định song phương và đa phương khác, tương lai gần là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tuy nhiên, để có thể tận dụng cơ hội này, Chính phủ cũng như doanh nghiệp khởi nghiệp Việt còn rất nhiều việc phải làm.

Xây dựng môi trường khởi nghiệp thân thiện và bền vững

Theo đó, việc hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp là nền tảng quan trọng. Bởi hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển sẽ tạo môi trường hấp dẫn hơn, khuyến khích tổ chức, cá nhân dấn thân vào con đường khởi nghiệp. Từ nhận thức này, trong thời gian qua, Chính phủ đã nghiêm túc hơn trong việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp. Tuy nhiên, trước xu thế phát triển nhanh trào lưu khởi nghiệp trên toàn cầu, những hành động thiếu tính chiến lược chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tế. Vì thế, việc đẩy nhanh quá trình hình thức hệ sinh thái khởi nghiệp là yêu cầu cấp bách.

Cùng với đó, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp cho mỗi người dân, nhất là hình thành văn hóa khởi nghiệp trong tiềm thức của học sinh, sinh viên khi còn ngồi trên ghế nhà trường như cách người Israel đã làm trong nhiều thập kỷ qua. Đồng thời, từng bước thay đổi cách nhìn nhận về thất bại, thay vì bĩu môi, mỉa mai hãy khuyến khích và khen ngợi những người dám làm điều khác biệt hay hình thành thói quen góp ý, xây dựng thay vì chỉ trích như cách người Nhật Bản và Hàn Quốc đã làm để có được thành công như ngày hôm nay. 

Đổi mới, sáng tạo - con đường tất yếu

Theo ông Đoàn Đức Thuận - Trưởng đại diện IME Consulting tại Miền Bắc, đổi mới sáng tạo là quá trình đưa ra và triển khai ý tưởng tạo giá trị. Điều này đang dần trở thành yếu tố sống còn để tạo ra sự khác biệt cho doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Năng lực mới bao gồm từ ý tưởng đến sản phẩm và quy trình hoạt động của doanh nghiệp.

Startup chính là việc hiện thực hóa ý tưởng thành sản phẩm, dịch vụ cụ thể nhằm tạo ra giá trị từ những sản phẩm, dịch vụ đó. Đổi mới sáng tạo đảm bảo ý tưởng đưa ra thực sự khả thi và cần thiết so với nhu cầu của thị trường. Trong khi đó, tinh thần khởi nghiệp là tư duy, kỹ năng giúp ý tưởng ban đầu trở thành bộ máy vận hành trơn tru và hiệu quả, qua đó tiếp cận thành công trên thương trường. 

Hiện tại, thế giới đã phẳng hơn, nhưng không hề công bằng. Cuộc đối đầu giữa các doanh nghiệp hoạt động trên cùng lĩnh vực, nhất là giữa doanh nghiệp khởi nghiệp với các tập đoàn danh tiếng thế giới ngày càng gay gắt. Vì thế, các nhà khởi nghiệp Việt cần hiểu rõ cách thức đứng vững trên vai người khổng lồ để tạo lập lợi thế cạnh tranh bền vững mới có khả năng giành chiến thắng trong các cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt này.

Thay đổi tư duy và tầm nhìn

Với 90 triệu dân, Việt Nam chưa phải là thị trường hấp dẫn để bán sản phẩm. Vì thế, nếu khởi nghiệp vì mục tiêu build to last/xây để trường tồn, thì cần tính toán xem sản phẩm, dịch vụ mà startup đang tập trung phát triển có thể đi xa đến đâu? Đồng thời, các startup Việt cần chứng minh cho các nhà đầu tư thấy sản phẩm hay dịch vụ đang triển khai hướng đến thị trường rộng lớn, chứ không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dùng Việt. Có như vậy mới gia tăng cơ hội thuyết phục được nhà đầu tư tham gia vào startup. Còn nếu có ý định khởi nghiệp vì mục tiêu xây để bán/build to sell, thì cần lưu ý không có nhiều nhà đầu tư để mắt đến khi sản phẩm chỉ nhằm đáp ứng thị trường nội địa.

Đồng thời, các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng cần thay đổi tầm nhìn và tư duy cạnh tranh. Không chỉ phải cạnh tranh với các đối thủ đến từ thị trường trong nước, doanh nghiệp khởi nghiệp còn phải chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cạnh tranh với những sản phẩm nhập khẩu, nhất là khi nhiều hiệp định hợp tác mà Việt Nam đã ký kết bắt đầu có hiệu lực từ năm 2016. Vì vậy, nếu chưa tính đến những thị trường này trong chiến lược phát triển và cạnh tranh, startup Việt sẽ không chỉ mất cơ hội vươn ra thế giới mà còn mất luôn chỗ đứng trên sân nhà.

Tập trung phát triển nguồn lực

Thử thách lớn nhất khi các quỹ đầu tư thâm nhập thị trường Việt Nam là tìm được đội ngũ giỏi có thể thực hiện thành công các dự án của họ. Trong khi đó, sau khi tìm hiểu thị trường Việt Nam, nhiều quỹ tỏ rõ sự băn khoăn khi không thể tìm được nhà sáng lập tài năng. Điều đó khiến cho nhiều quỹ đầu tư đã phải mất vài tháng để hoàn thành một thỏa thuận tại Việt Nam. Thực tế này đang buộc Việt Nam phải thay đổi trước yêu cầu cải thiện chất lượng lao động trong nước để đáp ứng yêu cầu trên.

Tận dụng mọi công cụ để tiếp cận khách hàng

Xu hướng phát triển sản phẩm dựa trên hiểu biết về hành vi của khách hàng sẽ góp phần rút ngắn hành trình đưa sản phẩm đến với người dùng. Trong khi đó, để hiểu được hành vi người dùng, việc thu thập dữ liệu và đưa ra quyết định dựa trên các phân tích từ những số liệu đó ngay khi khởi nghiệp là hết sức quan trọng. Việc làm này đòi hỏi các doanh nghiệp khởi nghiệp phải có chiến lược rõ ràng. Những quyết định nặng cảm tính cần được thay thế bằng những quyết định dựa trên phản hồi từ thị trường thông qua những dữ liệu đã được lượng hóa.

Bên cạnh đó, khi tốc độ đáp ứng nhu cầu khách hàng trở thành lợi thế cạnh tranh, thì khả năng tương tác tức thì với họ cũng đặt doanh nghiệp khởi nghiệp trước nhiều thách thức. Bởi giờ đây, startup có thể tiếp cận với khách hàng bằng nhiều kênh khác nhau. Vậy làm thế nào để các kênh đó “giao tiếp” với nhau cũng như có thể tập hợp thông tin một cách nhanh nhất, từ đó hỗ trợ các nhà khởi nghiệp ra quyết định trong thời gian nhanh nhất?

Thêm vào đó, việc marketing dựa vào nội dung đang trở thành xu hướng quan trọng cũng là vấn đề đáng lưu tâm. Nhu cầu giữ chân khách hàng, sáng tạo ra giá trị mới đòi hỏi startup phải tập trung vào những câu chuyện mới và các giá trị mới nhiều hơn. Do khách hàng thường xuyên lướt website, fanpage, nên việc xuất hiện thường xuyên những câu chuyện mới về sản phẩm, dịch vụ sẽ giúp doanh nghiệp khởi nghiệp gia tăng gắn kết với khách hàng tiềm năng và ghi điểm với các công cụ tìm kiếm.

Theo songmoi.vn

Bạn đang đọc bài viết Dự án: Startup Việt: Muốn phát triển cần thay đổi tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Lên đầu trang