Kinh nghiệm
Thứ ba , 26/11/2019, 15:24

Tài Sản Sở Hữu Trí Tuệ & Những Vấn Đề Cần Được Quan Tâm

Tại sao nhà khởi nghiệp phải quan tâm đến vấn đề sở hữu trí tuệ (SHTT)?

(i) Tránh xâm phạm quyền SHTT của người khác & tránh bị người khác xâm phạm quyền SHTT của mình.

Bạn cứ tưởng tượng một ngày, bạn nhận được một văn bản từ Đơn vị pháp lý hay từ Tòa án về việc bạn “vô tình” xâm phạm SHTT của người khác. Lúc đó, bạn có thể đem câu chuyện “vô tình” của mình để biện minh & từ chối trách nhiệm với bên bị vi phạm được không? Câu trả lời chắc chắn là KHÔNG.

Trừ khi người bị thiệt hại thấy thiệt hại không lớn & “tội nghiệp”. Nhưng bạn có muốn đặt mình vào tình huống xin xỏ, may rủi — mà rủi nhiều hơn may thế này không? Bạn có đồng ý với chúng tôi rằng câu chuyện “tội nghiệp” trong kinh doanh không bao giờ là câu chuyện cho những bước đi dài.

Cũng như ngược lại, về phía mình, nhà khởi nghiệp cần tìm hiểu, sử dụng công cụ pháp lý để bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ gắn liền với dự án. Tránh để tình trạng bị xâm phạm & mình không đủ cơ sở pháp lý để bảo vệ mình. Khi đó, chúng ta cầm chắc phần thiệt hại.

(ii) Tiết kiệm nguồn lực khi có tranh chấp

Chúng tôi, những người viết nên ấn phẩm này là những người ngoài hoạt động hỗ trở khởi nghiệp còn là những người làm việc trong lĩnh vực kinh doanh, đầu tư & pháp lý. Thế nhưng chúng tôi rất ngại việc kiện tụng xảy đến cho mình & khách hàng. Khi kiện tụng xảy ra, cái giá phải trả không chỉ là tiền, mà còn là sức lực, tâm trí — dù bạn ở phía nào của cuộc tranh chấp, bên nguyên hay bên bị.

Thế nên, hãy tránh nó, khi mà chúng ta là những nhà khởi nghiệp đang luôn ở thế thiếu thốn nguồn lực cho dự án của mình, ở trạng thái này hay trạng thái khác.

(iii) Xác định đây là tài sản tồn tại trong suốt quá trình xây dựng và phát triển của startup

Hãy xem SHTT là tài sản của dự án ngay từ bước đầu tiên & có chiến lược để bảo vệ và phát triển tài sản của mình. Đó là lời chia sẻ ngắn gọn nhưng tôi tin là đầy đủ khi nói đến phần này với những nhà khởi nghiệp.

Những cách hiểu sai phổ biến nhất liên quan đến SHTT.

(i) Cho rằng thương hiệu là nhãn hiệu

Thương hiệu — Theo cách hiểu mà chúng tôi nhận thấy được nhiều người định nghĩa & chấp nhận thì thương hiệu là tập hợp những cảm nhận của khách hàng về một công ty, sản phẩm hay dịch vụ với đầy đủ các khía cạnh: Mô tả nhận diện (Brand identities), giá trị (brand values), thuộc tính (brand attributes), cá tính (brand personality). Thương hiệu ràng buộc khách hàng qua mối quan hệ thương hiệu — người tiêu dùng (brand — consumers relationship). Thương hiệu nói chung trên tổng thể không phải là đối tượng được bảo hộ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Nhãn hiệu — Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhauNhãn hiệu là đối tượng được bảo hộ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Ví dụ:

  • Thương hiệu: Khi nhắc đến Apple thì đó là sự sang trọng, tối giản, thanh lịch. Khi nhắc đến Honda khiến cho người tiêu dùng nghĩ đến chất lượng tốt, bền với thời gian.
  • Nhãn hiệu thể hiện các hình thức sau: nhãn hiệu chữ; nhãn hiệu kết hợp hình & chữ; nhãn hiệu hình (logo); nhãn hiệu là Slogan (cụm từ).

Như vậy, thương hiệu được xây dựng lên gắn liền với sản phẩm, dịch vụ mà không cần đăng ký. Riêng, nhãn hiệu là đối tượng cần được đăng ký & bảo hộ theo quy định pháp luật. Nếu chúng ta nhầm lẫn hai khái niệm này sẽ dẫn đến những hệ lụy nhất định. Đơn cử như không dùng công cụ pháp lý để bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ gắn liền với dự án.

(ii) Nhẫm lẫn tên thương mại & nhãn hiệu

Tên thương mại- Là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh.

Chẳng hạn như, Công ty TNHH ABC là tên thương mại trong trường hợp tên này được dùng đăng ký hoạt động & được cơ quan chức năng cấp Giấy Chứng Nhận Đăng Ký hoạt động cho doanh nghiệp với tên này.

Nhãn hiệu — Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.

Như vậy, tên thương mại chỉ có một, do chúng ta đăng ký & được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dưới tên này. Nhưng nhãn hiệu thì có thể có một hoặc nhiều hơn một. Một công ty có thể đăng ký một nhãn hiệu cho nhiều mặt hàng mà mình kinh doanh; hoặc cũng có thể đăng ký nhiều nhãn hiệu cho nhiều mặt hàng mà mình kinh doanh. Đó là do chiến lược riêng kinh doanh riêng của từng Doanh nghiệp.

(iii) Cho rằng chỉ quan tâm đến tài sản SHTT khi “có giá”.

Chúng tôi cho rằng, việc chỉ quan tâm đến tài sản SHTT khi bản thân các nhà khởi nghiệp cho rằng “đã có giá” là một sai lầm. Chúng tôi cho rằng đây là một loại tài sản hình thành & gắn liền trong suốt quá trình khởi nghiệp. Vì vậy, việc quan tâm, bảo hộ tài sản này cần được lưu ý song hành cùng quá trình khởi nghiệp của mình, nhằm hạn chế những rủi ro mà chúng tôi đã phân tích trong các mục nêu trên.

Tổng hợp (Quỳnh Như)

 

Bạn đang đọc bài viết Dự án: Tài Sản Sở Hữu Trí Tuệ & Những Vấn Đề Cần Được Quan Tâm tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Lên đầu trang