Kinh nghiệm
Thứ ba , 09/08/2022, 00:00

Thay đổi thương hiệu: 10 Lời khuyên Nên và Không Nên từ chuyên gia (Phần cuối)

.

5. Nên tìm tới đơn vị tư vấn thương hiệu chuyên nghiệp

So với việc tạo dựng thương hiệu mới, doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn khi thay đổi thương hiệu vốn quen thuộc trong tâm trí khách hàng. Được ăn cả ngã về không, nếu nắm bắt được cơ hội thích hợp, bạn có thể bứt phá ngoạn mục và ngược lại, phản ứng dữ dội trước những thay đổi không phù hợp của khách hàng có thể khiến thương hiệu phải xoá sổ, hoặc quay trở lại với nhận diện cũ.

Để hạn chế rủi ro, tránh lãng phí thời gian, chi phí và sụt giảm niềm tin của khách hàng, bạn cần chắc chắn ngay từ những bước đi đầu tiên.

Tìm đến các đơn vị tư vấn thương hiệu chuyên nghiệp là lựa chọn mà bạn có thể tham khảo. Thay vì huy động hết nguồn nhân lực ngày đêm tham gia nghiên cứu, phân tích, xây dựng chiến lược thay đổi và áp dụng vào thực tế, bạn có thể tiết kiệm mọi yếu tố với sự hỗ trợ và triển khai bài bản, vững chắc từ các chuyên gia dày dặn kinh nghiệm.

Và khi đó, thay lo lắng về công việc không chuyên, nhân sự của bạn có thể tập trung vào chuyên môn, tạo nên những thay đổi phù hợp với định hướng mới từ nội tại.

Điều đó là cần thiết hơn để mang lại hiệu quả tổng thể khi thực hiện thay đổi thương hiệu. Đảm bảo chiến dịch diễn ra nhanh chóng, đạt hiệu quả kỳ vọng.

6. Không nên thay đổi chỉ vì yếu tố thẩm mỹ

Các yếu tố nhận diện thương hiệu vốn đã đi sâu vào tiềm thức khách hàng, vì vậy việc thay đổi chúng sẽ để lại ấn tượng sâu sắc đối với họ. Ấn tượng này tích cực hay tiêu cực phần lớn phụ thuộc vào việc khách hàng nhận định ra sao về sự thay đổi này hơn là sự cân nhắc về tính thẩm mỹ.

Mấu chốt của thay đổi thương hiệu là việc kết nối với cảm xúc và trải nghiệm khách hàng chứ không chỉ đơn thuần là sự liên kết thị giác qua giá trị thẩm mỹ, dù cho tính thẩm mỹ cũng là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của nhận diện thương hiệu.

Do đó, không nên chỉ chú trọng vào đồ hoạ và hiệu quả hình ảnh, bạn cũng cần suy nghĩ tới việc nhận diện mới sẽ truyền đạt được thông điệp gì hay thể hiện được nét cá tính nào của thương hiệu.

Ngoài ra, thẩm mỹ là yếu tố khó đánh giá.

Không thiếu trường hợp doanh nghiệp cho rằng như thế là đẹp, nhưng khi ra thị trường lại bị “mắng té tát”.

Ngược lại, cũng rất nhiều trường hợp nhà thiết kế thiết kế đẹp, chuẩn xu hướng, nhưng thực tế lại không phù hợp với khách hàng mục tiêu doanh nghiệp muốn hướng tới.

Do đó, nếu chỉ thay đổi vì lý do thẩm mỹ thì bạn nên cân nhắc kỹ càng.

7. Không nên chỉ thay đổi yếu tố nhận diện cốt lõi

Rõ ràng thay đổi thương hiệu nên bắt đầu từ bộ nhận diện cốt lõi bao gồm tên gọi, logo, slogan của thương hiệu. Tuy nhiên, bạn không nên xem nhẹ các yếu tố khác.

không nên chỉ chú trọng tới thay đổi logo mà hãy dành cả thời gian lên phương án thiết kế một cách nhất quán cho các bộ nhận diện văn phòngnhận diện tại điểm bánbao bì nhãn mácwebsite và các ấn phẩm truyền thông, marketing khác…

Bởi vì, đây chính là những yếu tố tiếp cận thường xuyên và trực tiếp với khách hành trong cuộc sống hàng ngày, nhắc nhở công chúng về sự hiện diện của thương hiệu trên thị trường, từ đó tăng mức độ ghi nhớ của họ về bạn.

8. Không nên thay đổi thương hiệu trong lặng lẽ

Đừng nghĩ rằng mọi thay đổi trong nhận diện thương hiệu của bạn đều sẽ được khách hàng phát hiện và quan tâm vì họ là mục tiêu bạn cần thỏa mãn.

Tuy nhiên, công chúng hiện đại luôn bận rộn với rất nhiều vấn đề của cuộc sống, tiếp cận quá nhiều thương hiệu, nhãn hiệu hàng ngày. Họ gần như không có khả năng nhận ra sự thay đổi của bạn nếu như sự thay đổi đó quá nhỏ hay chỉ âm thầm thay đổi.

Chính vì vậy, để gia tăng hiệu quả, đừng thay đổi thương hiệu trong im lặng.

Thay vào đó, hãy thông báo rộng rãi trên tất cả các phương tiện và triển khai các chiến dịch truyền thông hỗ trợ cho sự thay đổi này. Chúng sẽ gây ấn tượng, thu hút sự chú ý của khách hàng và khiến họ tò mò về sự thay đổi của thương hiệu bạn.

9. Không nên thay đổi thương hiệu một cách đột ngột

Đây là lời khuyên chủ yếu dành cho các thương hiệu lớn, có thâm niên trên thị trường. Xét trên góc độ nhìn vào nội tại thương hiệu, sự đổi mới phải mang tính trải nghiệm và chúng cũng bao gồm sự quá độ trong hệ thống, quy trình, nhận thức của nhân viên.

Khi nhân sự của bạn đã quá quen với định hướng cũ, sẽ là khó khăn để họ thích nghi ngay với sự đổi mới. Do đó, tránh thay đổi thương hiệu hoàn toàn một cách đột ngột là một lưu ý.

Tương tự đối với khách hàng, sự thay đổi dần dần luôn mang đến hiệu quả khi tạo ta khoảng thời gian phù hợp để tấn công thị trường mục tiêu dựa trên nền tảng sẵn có và mang tới trải nghiệm mới cho khách hàng.

Những thương hiệu lớn như IBM, McDonald’s, Nike, Ford… cũng áp dụng cách làm tương tự, thay đổi dần dần qua nhiều năm và nhiều giai đoạn. Điều này còn giúp khách hàng không bị sốc và phản ứng lại như bản năng trước sự thay đổi đột ngột hoặc nghĩ rằng thương hiệu của bạn đã chết và phải nhường chỗ cho một thương hiệu khác.

Ngoài ra, điều quan trọng là thương hiệu phù hợp với từng giai đoạn phát triển.

VD: Một logo chỉ có biểu tượng, không có tên thương hiệu (Như Apple) có thể không phù hợp với doanh nghiệp mới thành lập. Thay vào đó, biểu tượng + tên thương hiệu tạo nên một logo phù hợp hơn.

10. Không nên xây dựng đa tính cách cho thương hiệu mới

Trước hết, các nét tính cách mà bạn xây dựng lại cho thương hiệu mới cần phải chân thật và đồng bộ với nội tại thương hiệu, bởi khách hàng sẽ sớm nhận ra và từ chối bạn nếu không nhận thấy có sự tương đồng.

Có những doanh nghiệp quyết định thay đổi thương hiệu khi mở rộng lĩnh vực kinh doanh, đó là điều tất yếu, song họ dễ trở nên tham lam và đưa vào thật nhiều nét tính cách trên bộ nhận diện mới để vẽ lên hình mẫu thương hiệu trong mắt khách hàng.

Vậy nhưng khác với con người, thương hiệu không cần sở hữu nhiều tính cách để thích nghi linh hoạt mà chỉ cần tập trung giải quyết những mục tiêu rõ ràng đã được đặt ra trong chiến lược.

Bản chất xây dựng tính cách thương hiệu đã khó khăn, bây giờ lại muốn xây dựng nhiều nét tính cách lại càng khó hơn. Điều này không khiến cho thương hiệu ấn tượng hơn mà chỉ làm cho chúng khó nhận biết, thiếu dấu ấn, thiếu bản sắc riêng so với đối thủ của mình.

Casti Hub tổng hợp

Bạn đang đọc bài viết Dự án: Thay đổi thương hiệu: 10 Lời khuyên Nên và Không Nên từ chuyên gia (Phần cuối) tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Lên đầu trang