Kinh nghiệm
Thứ sáu , 29/03/2019, 09:36

Xây dựng kế hoạch kinh doanh: Làm sao để có suy nghĩ tươi mới?

.

Đối với các chủ doanh nghiệp đang có ý định xây dựng hoàn chỉnh hay cập nhật bản kế hoạch kinh doanh cho công ty, trước khi đặt bút viết, hãy đảm bảo rằng bản kế hoạch này có ý nghĩa và phải gắn kết với những hoạt động kinh doanh hằng ngày cũng như gắn kết với chiến lược tăng trưởng cũng như chiến lược vốn của công ty bạn. Bài viết này không cung cấp cho bạn một biểu mẫu kế hoạch kinh doanh, mà thay vào đó là cách bạn nhìn nhận công việc kinh doanh và những nguyên tắc căn bản của nó theo một cách mới mẻ và có tổ chức. Bằng cách này, kế hoạch kinh doanh có thể mang đến một lộ trình rõ ràng cho công ty bạn trong một thế giới cạnh tranh và thay đổi nhanh chóng.

1. Hãy tự hỏi mình những sản phẩm, dịch vụ công ty bạn làm ra đang đáp ứng nhu cầu gì của khách hàng chứ không phải thứ bạn đang tạo ra. Nếu không thể giải thích một cách nhanh chóng và dễ hiểu, hãy xem xét lại cách suy nghĩ của mình. Đừng vội nghĩ đến những thứ phức tạp như lợi thế cạnh tranh mà hãy đi thẳng vào việc giải quyết các nhu cầu cần thiết, bằng cách diễn đạt đơn giản. Nghĩ về khách hàng chứ đừng chỉ nghĩ về công ty bạn. Khách hàng không quan tâm bạn nghĩ gì, họ chỉ quan tâm đến những gì họ nghĩ. Trong môi trường kinh doanh công nghệ ngày nay, các sản phẩm và dịch vụ không đáp ứng được trực tiếp nhu cầu của khách hàng sẽ không thể tồn tại.

2. Chính xác thì đối tượng nào có những nhu cầu này? Có thể bạn sẽ không nhận thấy rõ ràng ngay lập tức khách hàng của bạn là ai. Bí quyết ở đây là hãy nhìn xem doanh thu của bạn đến từ đâu, từ ai. Và đảm bảo rằng bạn đang phục vụ khách hàng thực sự của mình, không phải những người bạn nghĩ là khách hàng của mình.

3. Thị trường của bạn lớn như thế nào? Trước hết hãy tự hỏi mình xem có bao nhiêu người dùng cuối có nhu cầu về những gì bạn đang cung cấp. Điều này đúng với cả khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp, dù lớn hay nhỏ. Sau đó, hãy xác định xem, với các nguồn lực nội tại của công ty, bạn có thể tiếp cận với bao nhiêu người trong số những khách hàng tiềm năng này. Họ chính là thị trường mục tiêu của bạn. Thị trường này phải có tính hiệu quả về chi phí và có khả năng sinh lời cho bạn. Khi nói về thị trường của công ty bạn, đừng tập trung vào toàn bộ thị trường, hãy tập trung vào thị trường mục tiêu của bạn.

4. Để xác định được đúng thị trường mục tiêu, bạn phải xác định được doanh thu và chi phí trên mỗi sản phẩm của bạn.Có nghĩa bạn cần nắm được chi phí bán và phục vụ một khách hàng đơn lẻ là bao nhiêu, giá trị thị trường của sản phẩm là bao nhiêu. Điều này khó hơn bạn tưởng! Các số liệu trên mỗi đơn vị sản phẩm chính là cốt lõi công việc kinh doanh của bạn. Nếu những con số này không tốt, doanh nghiệp của bạn sẽ thất bại, cho dù sản phẩm, dịch vụ của bạn tốt đến đâu, hay bạn có tốc độ tăng trưởng nhanh và nỗ lực bao nhiêu.

5. Tiếp theo, chiến lược Marketing và ngân sách của bạn ra sao? Làm thế nào khách hàng của bạn hiểu được tất cả những điều tốt đẹp bạn làm cho họ. Hãy so sánh các kênh Marketing trực tuyến và các kênh truyền thống. Các kênh trực tuyến và phương tiện truyền thông xã hội là một nguồn lực tuyệt vời cho hầu hết các công ty nhỏ. Làm thế nào khách hàng của bạn tìm ra các cách đáp ứng nhu cầu của họ? Bạn cần phải đứng ở vị trí của họ ngay lúc này.

6. Bây giờ hãy đề ra chiến lược hoạt động và yêu cầu về vốn. Hãy chú ý đến các chi phí biến đổi và chi phí cố định trong kế hoạch của bạn. Nếu không làm thế, công ty bạn có thể sẽ phá sản. Chi phí biến đổi là chi phí mà bạn phải chịu mỗi khi bán sản phẩm. Chi phí cố định là khoản chi phí sẽ không thay đổi với một lượng khách hàng tương ứng. Có rất ít chi phí cố định thực sự, hầu hết đều là chi phí sẽ biến đổi. Để lên kế hoạch một cách có hiệu quả, bạn cần phải hiểu trong chu kỳ tăng trưởng của bạn, khi nào thì chi phí cố định sẽ tăng lên.

7. Bạn cần phải hỏi, những đối thủ ngoài kia có đáp ứng nhu cầu tương tự như bạn không?

Nếu câu trả lời là "không ai cả" thì có vẻ bạn chưa suy nghĩ thấu đáo. Nếu không có ai đang kinh doanh những gì bạn đang cung cấp, thì có lẽ bạn cũng chẳng nên làm điều đó!

Để kiểm tra sự khác biệt, bạn nên đặt công ty của mình vào một bảng so sánh với các đối thủ chính của công ty, hãy so sánh trực tiếp các tính năng bạn cung cấp và chi phí so với đối thủ của bạn. Hãy nhìn thẳng vào thực tế và so sánh những gì bạn thực sự “kém hơn” so với đối thủ. Cũng không sao nếu sức cạnh tranh của bạn lớn.

Phân tích này cũng có thể giúp bạn nhìn thấy những khoảng trống trên thị trường và tạo cơ hội cho công ty của bạn.

8. Bây giờ bạn có thể vạch ra các yếu tố kinh doanh tổng thể trong dài hạn. Trước tiên, cần phải xem xem liệu nhóm nhu cầu bạn đang phục vụ có cơ hội tăng trưởng hay không, hay nó sẽ giảm theo thời gian. Điều này sẽ giúp bạn nghĩ đến chiến lược bành trướng của công ty, và liệu bạn có nên mở rộng những gì mình đang cung cấp hay không.

9. Những con số nói gì với bạn? Lợi nhuận dự báo trung bình trên tài sản của bạn là bao nhiêu? Lợi nhuận dự báo trung bình trên vốn cổ phần của bạn là bao nhiêu? Trong trường hợp nếu bạn tìm được chỉ số đó của đổi thủ, nếu so với đối thủ cạnh tranh thì như thế nào,? Bạn phải ước tính được nó, và thậm chí xác định xem liệu con số của bạn có thực sự đúng và bền vững hay không.

10. Cuối cùng, bạn cần phải lí giải được tại sao đội ngũ của bạn có thể quản lý tất cả những thứ này. Đừng chỉ đưa ra danh sách nhân sự trong bản kế hoạch kinh doanh; hãy mô tả từng vị trí cho các thành viên quan trọng trong nhóm và tại sao họ phù hợp với mô hình của bạn, họ sẽ đáp ứng những nhu cầu khách hàng như bạn mong muốn như thế nào. Hãy suy nghĩ về các kỹ năng chính cần thiết cho đội ngũ của mình, sau đó phải đảm bảo những người trong team phải thuần thục chúng, hoặc bạn sẽ phải đi thuê ngoài. Những lỗ hổng then chốt phải được lấp đầy nhanh chóng.

Bây giờ, bạn hãy áp dụng những điều trên vào một biểu mẫu kế hoạch kinh doanh truyền thống, tập hợp tất cả mọi thứ lại với nhau một cách nhất quán để biến bản kế hoạch kinh doanh trở thành một công cụ giúp bạn xây dựng và đánh giá đúng giá trị của công ty mình.

Nguồn: Brad Cherniak - Financial Post

Biên dịch: FundStart

(Theo Fundstart.vn)

Bạn đang đọc bài viết Dự án: Xây dựng kế hoạch kinh doanh: Làm sao để có suy nghĩ tươi mới? tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Lên đầu trang