Kiến thức - Kỹ năng
Thứ năm , 17/02/2022, 09:16

Bảo hộ sở hữu trí tuệ trong doanh nghiệp (phần 1)

Sở hữu trí tuệ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế, có thể coi là một phương tiện đảm bảo sự phát triển bền vững của một quốc gia nói chung, của doanh nghiệp nói riêng, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là gì?

Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ được hiểu là nhà nước và chủ thể quyền sở hữu trí tuệ sử dụng các phương thức pháp lý để bảo vệ quyền sở hữu các đối tượng sở hữu trí tuệ của mình, chống lại mọi sự xâm phạm để giữ nguyên vẹn quyền sở hữu các đối tượng này.Quyền sở hữu trí tuệ được bảo vệ bằng các biện pháp hành chính, dân sự và hình sự. Trong đó chủ thể quyền có thể tự bảo vệ hoặc bằng hoạt động của cơ quan nhà nước thông qua việc khởi kiện tại Toà án, hoặc gửi đơn yêu cầu xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Thanh tra Khoa học và Công nghệ (nếu là hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp), Thanh tra Văn hoá, Thể thao và Du lịch (nếu là hành vi xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan), Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nếu là hành vi xâm phạm đối với giống cây trồng) hoặc gửi tới các cơ quan như: Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Hải quan, Quản lý thị trường.

Vậy, sở hữu trí tuệ ảnh hưởng đến doanh nghiệp như thế nào?

Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ chắc chắn đang tạo ra và sử dụng rất nhiều quyền sở hữu trí tuệ. Do đó, nên xem xét một cách có hệ thống các biện pháp cần thiết để bảo hộ, quản lý và thực thi quyền sở hữu trí tuệ nhằm đạt được hiệu quả kinh doanh tốt nhất từ quyền này. Mặt khác, nếu đang sử dụng quyền sở hữu trí tuệ của người khác, phải xem xét việc mua chúng hoặc nhận được quyền sử dụng các quyền đó thông qua việc ký kết hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng (hay còn gọi là hợp đồng li-xăng) để tránh những tranh chấp hoặc kiện tụng tốn kém sau này.

Hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều có tên thương mại hoặc sở hữu một hoặc nhiều nhãn hiệu và nên cân nhắc việc bảo hộ những đối tượng này. Hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng có những thông tin kinh doanh bí mật có giá trị, ví dụ, đó có thể là danh sách khách hàng, các chiến lược bán hàng mà doanh nghiệp muốn bảo mật.

Nhiều doanh nghiệp đã sáng tạo ra các kiểu dáng có tính sáng tạo nguyên gốc. Nhiều doanh nghiệp cũng soạn thảo hoặc công bố những ấn phẩm, tài liệu quảng cáo hoặc bán lẻ các tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả. Một số doanh nghiệp khác có thể có những sáng tạo hoặc cải tiến kỹ thuật đối với sản phẩm hoặc dịch vụ.

Trong tất cả các trường hợp nêu trên, doanh nghiệp cần xem xét cách thức tốt nhất để sử dụng hệ thống sở hữu trí tuệ nhằm phục vụ cho lợi ích của mình. Cần nhớ rằng quyền sở hữu trí tuệ có thể hỗ trợ doanh nghiệp từ mọi khía cạnh của việc phát triển kinh doanh và xây dựng chiến lược cạnh tranh: Từ phát triển đến thiết kế sản phẩm, cung cấp dịch vụ đến tiếp thị và thu hút nguồn vốn tài chính đến việc xuất khẩu hoặc mở rộng hoạt động kinh doanh ra nước ngoài thông qua các hợp đồng li-xăng hoặc nhượng quyền kinh doanh (hay còn gọi là “franchising”).

Quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ

Tổ chức, cá nhân có quyền áp dụng các biện pháp mà pháp luật cho phép để tự bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình và có trách nhiệm tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Sở hữu trí tuệ là tài sản của doanh nghiệp

Tài sản của doanh nghiệp có thể được chia làm hai loại chính: tài sản hữu hình – bao gồm nhà xưởng, máy móc, nguồn vốn và cơ sở hạ tầng – và tài sản vô hình – bao gồm nguồn nhân lực, bí quyết kỹ thuật, ý tưởng, nhãn hiệu, kiểu dáng và những kết quả vô hình khác có được từ khả năng sáng tạo và đổi mới của họ. Theo truyền thống, tài sản hữu hình chiếm phần lớn giá trị của doanh nghiệp, và được coi là có vai trò quyết định đối với năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường. Trong những năm gần đây, tình hình đã có nhiều thay đổi. Nhờ cuộc cách mạng công nghệ thông tin và sự phát triển của nền kinh tế dịch vụ, ngày càng nhiều doanh nghiệp nhận ra rằng tài sản vô hình có giá trị lớn hơn so với các tài sản hữu hình.

Tóm lại, các nhà kho và xưởng sản xuất đang dần được thay thế bởi những phần mềm siêu việt hay những ý tưởng sáng tạo - được coi là nguồn thu nhập chính của phần lớn các doanh nghiệp trên thế giới. Thậm chí trong các lĩnh vực mà kỹ thuật sản xuất truyền thống vẫn còn giữ vai trò chủ đạo thì sự đổi mới và sáng tạo không ngừng ngày càng trở thành chìa khóa nhằm nâng cao năng lực cạnh trạnh tại các thị trường cạnh tranh khốc liệt, cho dù đó là thị trường trong nước hay quốc tế. Do đó, các tài sản vô hình đang có vai trò trung tâm và các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên tìm ra cách thức sử dụng có hiệu quả các tài sản vô hình của họ.

Quỳnh Như (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Dự án: Bảo hộ sở hữu trí tuệ trong doanh nghiệp (phần 1) tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Cùng chuyên mục
Kiến thức - Kỹ năng
Thứ năm , 26/03/2020, 00:00
Kiến thức - Kỹ năng
Thứ năm , 26/03/2020, 00:00
Kiến thức - Kỹ năng
Thứ năm , 26/03/2020, 14:53
Kiến thức - Kỹ năng
Thứ năm , 26/03/2020, 15:52
Kiến thức - Kỹ năng
Thứ năm , 26/03/2020, 00:00
Kiến thức - Kỹ năng
Thứ năm , 26/03/2020, 16:01
Kiến thức - Kỹ năng
Thứ năm , 26/03/2020, 16:12
Lên đầu trang