Kiến thức - Kỹ năng
Thứ năm , 17/02/2022, 09:40

Bảo hộ sở hữu trí tuệ trong doanh nghiệp (phần 2)

Sở hữu trí tuệ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế, có thể coi là một phương tiện đảm bảo sự phát triển bền vững của một quốc gia nói chung, của doanh nghiệp nói riêng, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Bảo hộ sở hữu trí tuệ là một hình thức đầu tư

Việc đầu tư vào thiết bị, tài sản, phát triển sản phẩm, tiếp thị và nghiên cứu có thể cải thiện mạnh mẽ tình hình tài chính của doanh nghiệp thông qua việc mở rộng tài sản hiện có và nâng cao năng suất trong tương lai. Việc có được quyền sở hữu trí tuệ cũng có thể mang lại hiệu quả tương tự. Thị trường sẽ định giá doanh nghiệp trên cơ sở những tài sản, tình hình kinh doanh hiện tại và kỳ vọng về lợi nhuận trong tương lai. Kỳ vọng về lợi nhuận trong tương lai có thể bị ảnh hưởng đáng kể bởi việc sở hữu các bằng độc quyền sáng chế quan trọng. Có rất nhiều ví dụ về các doanh nghiệp đã làm tăng giá trị thị trường của mình chỉ sau một đêm nhờ nhận được những bằng độc quyền sáng chế cấp cho các công nghệ quan trọng.

Tương tự, một nhãn hiệu đẹp có uy tín với khách hàng cũng có thể làm tăng giá trị hiện tại của doanh nghiệp và có vai trò quyết định giúp sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp trở nên hấp dẫn hơn đối với khách hàng. Do vậy, việc đầu tư vào xây dựng hồ sơ quản lý sở hữu trí tuệ tốt sẽ quan trọng hơn là sử dụng biện pháp phòng thủ trước các đối thủ cạnh tranh tiềm năng. Đó là biện pháp nâng cao giá trị thị trường và khả năng sinh lợi cho công ty của bạn trong tương lai.

Giá trị của tài sản trí tuệ

Một điểm cực kỳ quan trọng của việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là biến những tài sản vô hình thành các quyền sở hữu độc quyền, dù chỉ trong một thời hạn nhất định (Giấy chứng nhận nhãn hiệu có hiệu lực từ ngày cấp đến hết 10 năm kể từ ngày nộp đơn và được gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần 10 năm, bằng độc quyền sáng chế có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết 20 năm kể từ ngày nộp đơn,...).

Việc bảo hộ sở hữu trí tuệ cho phép doanh nghiệp có được quyền sở hữu đối với các tài sản vô hình và khai thác tối đa tiềm năng của những tài sản này.

Tóm lại, bảo hộ sở hữu trí tuệ làm cho các tài sản vô hình “trở nên hữu hình hơn” bằng cách biến các tài sản đó thành tài sản độc quyền có giá trị mà có thể trao đổi trên thị trường.

Nếu các ý tưởng đổi mới, kiểu dáng sáng tạo và nhãn hiệu có sức hấp dẫn lớn của doanh nghiệp không được bảo hộ pháp lý bằng các quyền sở hữu trí tuệ thì chúng có thể bị doanh nghiệp khác sử dụng một cách hợp pháp và miễn phí. Tuy nhiên, khi được bảo hộ bởi các quyền sở hữu trí tuệ, chúng sẽ mang lại những giá trị cụ thể cho doanh nghiệp vì các đối tượng này đã trở thành các quyền tài sản - do đó, không thể bị thương mại hóa hoặc sử dụng mà không có sự cho phép của chủ sở hữu.

Vai trò của sở hữu trí tuệ trong chiến lược kinh doanh, đổi mới công nghệ

Và trong quá trình thực hiện chiến lược kinh doanh, doanh nghiệp đều phải huy động các nguồn lực, nghiên cứu, sáng tạo ra và/hoặc sử dụng rất nhiều đối tượng sở hữu trí tuệ. Vì vậy doanh nghiệp cần xem xét một cách có hệ thống các biện pháp cần thiết nhằm định hướng nghiên cứu, đầu tư, phân bổ nguồn lực cho hoạt động sáng tạo, bảo hộ, quản lý cũng như thực thi quyền sở hữu trí tuệ nhằm đạt hiệu quả tốt nhất từ các quyền sở hữu trí tuệ và quan trọng nhất là cần xây dựng chiến lược về sở hữu trí tuệ một cách khoa học và hợp lý. Để sở hữu trí tuệ thực sự trở thành một loại tài sản đặc biệt góp phần nâng cao giá trị và tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp, loại tài sản này cần phải được quản lý và sử dụng có chiến lược. 

Về vai trò của sở hữu trí tuệ đối với doanh nghiệp, các chuyên gia nhận định sở hữu trí tuệ là chìa khoá để tạo động lực đổi mới sáng tạo, đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp, tăng cường nghiên cứu, phát triển các công nghệ mới phù hợp với xu hướng thị trường, tiếp nhận các thành tựu kỹ thuật có sẵn thông qua chuyển giao công nghệ để ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh.

Không chỉ vây, sở hữu trí tuệ còn tạo ra lợi thế cạnh tranh vượt trội so với các đối thủ trên thị trường, tạo ra những sản phẩm dịch vụ với hiệu quả vượt trội và giá thành hợp lý, nhờ đó sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp có thể vượt qua các sản phẩm, dịch vụ cạnh tranh cùng lĩnh vực trên thị trường.

Sở hữu trí tuệ cũng giúp phát triển giá trị tài sản cho doanh nghiệp thông qua thúc đẩy hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tăng doanh thu với các sản phẩm dịch vụ ưu việt và hấp dẫn được ứng dụng tài sản sở hữu trí tuệ mới. Đồng thời nó giúp thu hút nguồn vốn từ các nhà đầu tư, tăng giá trị của doanh nghiệp trong các giao dịch mua bán sáp nhập (M&A) và cổ phần hoá.

Có thể thấy, nhận thức của lãnh đạo doanh nghiệp là một trong những nhân tố quan trọng nhất trong việc xây dựng chiến lược kinh doanh và chiến lược sở hữu trí tuệ. Người lãnh đạo phải định hướng và xác định chiến lược của công ty, và nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ trong chiến lược sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Quỳnh Như (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Dự án: Bảo hộ sở hữu trí tuệ trong doanh nghiệp (phần 2) tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Cùng chuyên mục
Kiến thức - Kỹ năng
Thứ năm , 26/03/2020, 00:00
Kiến thức - Kỹ năng
Thứ năm , 26/03/2020, 00:00
Kiến thức - Kỹ năng
Thứ năm , 26/03/2020, 14:53
Kiến thức - Kỹ năng
Thứ năm , 26/03/2020, 15:52
Kiến thức - Kỹ năng
Thứ năm , 26/03/2020, 00:00
Kiến thức - Kỹ năng
Thứ năm , 26/03/2020, 16:01
Kiến thức - Kỹ năng
Thứ năm , 26/03/2020, 16:12
Lên đầu trang