Kiến thức - Kỹ năng
Thứ ba , 26/03/2024, 00:00

Các công cụ hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo (Phần 2)

.

Vườn ươm/Ươm tạo

Ươm tạo là các chương trình hỗ trợ dành cho doanh nghiệp KN&ĐMST với các ý tưởng kinh doanh, sản phẩm hoặc khái niệm đang có. Vườn ươm có thể được coi như là bước tiếp theo của chương trình trước ươm tạo (preincubator). Trong khi các chương trình trước ươm tạo thường tập trung vào chuẩn bị cho các cá nhân và các nhóm cá nhân sẵn sàng trở thành doanh nghiệp, các chương trình ươm tạo lại tập trung vào xây dựng ý tưởng xa hơn. Các vườn ươm thường cung cấp cho doanh nghiệp KN&ĐMST các dịch vụ liên quan đến phát triển kinh doanh, kết nối và cơ sở hạ tầng cơ bản.

Mô hình tổ chức và vận hành của các vườn ươm là khác nhau. Điển hình, phần lớn các vườn ươm là phi lợi nhuận, nhưng cũng có các vườn ươm vì lợi nhuận. Tương tự như vậy, một số vườn ươm đòi hỏi có cổ phần trong doanh nghiệp KN&ĐMST mà nó ươm, trong khi các vườn ươm khác thì không. Tuy nhiên, phần lớn các chương trình ươm tạo được hỗ trợ bởi chính phủ hoặc các tổ chức nhà nước khác (ví dụ như trường đại học, thành phố), ít nhất là ở một mức độ nào đó.

Nhu cầu vốn của vườn ươm được chia thành 6 hạng mục khác nhau:

  • Chi phí ban đầu: bao gồm vốn cần thiết cho cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, thực hiện các hoạt động và tiếp thị;
  • Chi phí vận hành: bao gồm chi phí quản lý vườn ươm và chi phí chung cho cơ sở vật chất (ví dụ như bảo dưỡng, sự kiện…);
  • Chi phí thuê địa điểm trực tiếp: ví dụ như chi phí thuê cơ sở, mạng lưới IT, điện nước và các dịch vụ và thiêt bị dùng chung khác có liên quan chặt chẽ tới chi phí vận hành;
  • Các dịch vụ cụ thể: ví dụ như cố vấn về pháp lý hoặc marketing, cán bộ quản lý và nhân viên thuê ngoài…;
  • Vốn để đầu tư vào doanh nghiệp KN&ĐMST được ươm: ví dụ khoản vay mềm, cấp tài trợ, bảo lãnh tín dụng…;
  • Vốn phát triển: ví dụ như cổ phần, vốn mạo hiểm…

Mô tả các đặc điểm của Vườn ươm

Nội dung

Mô tả

Mô tả và mục đích

Vườn ươm là các chương trình cho doanh nghiệp KN&ĐMST với một ý tưởng kinh doanh, sản phẩm hoặc khái niệm sẵn có. Vườn ươm cung cấp cho doanh nghiệp KN&ĐMST các dịch vụ hỗ trợ trong xây dựng hoạt động, cơ sở hạ tầng và kết nối. Nhiều chương trình ươm tạo cũng cung cấp nơi làm việc cho các công ty tham gia, nhưng điều này không bắt buộc bởi ươm tạo là một quá trình, chứ ko phải là một không gian địa điểm. Các vườn ươm thường chỉ tập trung vào cac công ty giai đoạn đầu cần giúp đỡ để mở rộng hoạt động, ví dụ như xây dựng nhóm và các chu trình cần thiết để tăng trưởng. Các chương trình ươm tạo thường kéo dài 1-3 năm. Mục tiêu của nhiều vườn ươm hỗ trợ sự phát triển kinh tế trong một lĩnh vực.

Tổ chức

Các chương trình ươm tạo (và không gian ươm tạo) thường vận hành cả năm và liên tục. Các vườn ươm có thể vừa do nhà nước hoặc tư

nhân tổ chức, hoạt động cả vì lợi nhuận hoặc phi lợi nhuận. Các vườn ươm phi lợi nhuận thường gắn với một trường đại học, trong khi các vườn ươm có lợi nhuận thường là phần mở rộng của một hoạt động đầu tư đang có. Các vườn ươm thường được nhiều tổ chức cả nhà nước và tư nhân thúc đẩy, bao gồm chính quyền địa phương, trường đại học, công ty và các tổ chức tài chính. Điều này có nghĩa là các vườn ươm do Nhà nước cấp vốn không nhất thiết phải do nhà nước vận hành. Hoạt động hàng ngày của vườn ươm có thể do một trường đại học hoặc một công ty quản lý và Nhà nước có thể tham gia vào ban quản trị của vườn ươm.

Nguồn vốn và mô hình kinh doanh

Mô hình kinh doanh của vườn ươm khác nhau phụ thuộc vào bản chất lợi nhận hay phi lợi nhuận. Phần lớn các vườn ươm là phi lợi nhuận (ở Bắc Mỹ là 93%), và mô hình kinh doanh của một vườn ươm thường là sự kết hợp giữa phí người tham gia, vốn nhà nước và lấy cổ phần từ các công ty doanh nghiệp KN&ĐMST tham gia.

Điều kiện về luật pháp và quy định

Trên thế giới, không cần có một luật hoặc quy định cụ thể nào cho vườn ươm vận hành, nhưng các luật và chính sách hiện hành của nhà nước không được cấm việc nhà nước cấp vốn cho vườn ươm.

Tại Việt Nam, việc thành lập vườn ươm được quy định tại Thông tư số 16/2014/TT-BKHCN ngày 13 tháng 6 năm 2014 quy định về điều kiện thành lập, hoạt động của tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ.

Các điều kiện khác

Lý tưởng nhất vườn ươm là các chương trình liên tục chạy nhiều năm nên điều quan trọng là các tổ chức vận hành phải cam kết cung cấp dịch vụ lâu dài.

Ươm tạo là một hoạt động cần nhiều nguồn nhân lực. Một vườn ươm thành công cần có luồng chảy liên tục các thương vụ của các doanh nhân tiềm năng, nghiêm túc với các ý tưởng kinh doanh khả thi và các kỹ năng cần thiết để thành công và cũng cần có nhưng nhà quản lý kinh doanh/ huấn luyện viên giàu kinh nghiệm, những người có thời gian và thích làm việc với các doanh nghiệp.

Vai trò của khu vực công và chính phủ

Cơ quan nhà nước có vai trò quan trọng trong việc xúc tác và lãnh đạo, có thể cung cấp nguồn đầu tư thiết yếu trong giai đoạn phát triển của vườn ươm. Ngoài hỗ trợ tài chính, khu vực nhà nước có thể hỗ trợ các hoạt động của vườn ươm thông qua trường đại học, thành phố và các tổ chức công lập khác. Chính phủ cũng có thể giúp thúc đẩy các vườn ươm thông qua việc cung cấp các chương trình cấp vốn vườn ươm khác nhau hoặc tài trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp KN&ĐMST tham gia vào vườn ươm.

Các yếu tố thành công

Đảm bảo có được các cố vấn KN&ĐMST và cố vấn có chất lượng cao, có kinh nghiêm chuyên sâu là thiết yếu đối với các chương trình ươm tạo. Tương tự, các chương trình ươm tạo cũng cần khuyến khích các doanh nghiệp KN&ĐMST tham gia thử nghiệm nhiều ý tưởng và thất bại nhanh (nếu không thành công). Các quá trình cần hiệu quả và tinh lọc để hỗ trợ cho phương pháp này. Để thành công, các vườn ươm cần cân đối giữa việc tuyển chọn và cởi mở khi lựa chọn các doanh nghiệp KN&ĐMST tham gia. Mặt khác, chương trình này cần đủ độ mở để thu hút nhân tài nhiều lĩnh vực và nhiều loại ý tưởng kinh doanh, nhưng chương trình cũng cần tập trung và cung cấp đủ thời gian, các hỗ trợ và nguồn lực cho tất cả các thành viên đã được chọn. Các chương trình ươm tạo thành công nhất thường tiếp cận được nhiều nguồn lực, bao gồm thiết bị, mạng lưới chuyên gia cũng như vốn để tiếp tục (nhà đầu tư, chương trình tăng tốc…)

Đo lường và kiểm soát chất lượng

Số lượng người tham gia và người đăng ký là một thước đo bởi nó cho thấy mức độ phổ biến của chương trình đối với nhóm đối tượng mà nó tập trung hướng đến. Một chỉ số hoạt động nữa là số lượng các doanh nghiệp KN&ĐMST được tạo ra, số lượng các doanh nghiệp KN&ĐMST và các nhóm có thu hút được nguồn vốn để tiếp tục hoặc được chấp nhận vào các chương trình tăng tốc, cũng như tỷ lệ sống sót của các doanh nghiệp KN&ĐMST tham gia vào chương trình. Trong khi đó, đặc biệt là nếu vườn ươm là do nhà nước cấp vốn và mục tiêu là hỗ trợ nền kinh tế địa phương, các nhà cấp vốn thường muốn đánh giá tác động kinh tế dài hạn hơn (ví dụ số lượng việc làm tạo ra, số lượng doanh nghiệp KN&ĐMST, thuế, sự đa dạng ngành nghề) của các vườn ươm.

Còn tiếp…

Casti Hub tổng hợp

Bạn đang đọc bài viết Dự án: Các công cụ hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo (Phần 2) tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Cùng chuyên mục
Kiến thức - Kỹ năng
Thứ năm , 26/03/2020, 00:00
Kiến thức - Kỹ năng
Thứ năm , 26/03/2020, 00:00
Kiến thức - Kỹ năng
Thứ năm , 26/03/2020, 14:53
Kiến thức - Kỹ năng
Thứ năm , 26/03/2020, 15:52
Kiến thức - Kỹ năng
Thứ năm , 26/03/2020, 00:00
Kiến thức - Kỹ năng
Thứ năm , 26/03/2020, 16:01
Kiến thức - Kỹ năng
Thứ năm , 26/03/2020, 16:12
Lên đầu trang