Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ hai , 12/07/2021, 16:30

Các tỷ phú hàng đầu Trung Quốc có thật sự “tay trắng" làm nên sự nghiệp? Tìm hiểu rõ thân thế, ai cũng ngỡ ngàng vì điều này

.

Năng lực của những ông trùm kinh doanh, giàu có bậc nhất Trung Quốc là điều không thể phủ nhận. Nhưng phía sau thành công lẫy lừng của họ, không thể thiếu bóng dáng của những người này.

 

“Tay trắng làm nên sự nghiệp” luôn là giấc mơ mà nhiều người theo đuổi, rất nhiều người coi những triệu phú “làm nên từ con số 0” là thần tượng của mình, và họ cảm thấy khi thiên thời địa lợi nhân hòa, mình cũng sẽ được như thần tượng.

Nhưng trên thực tế, những triệu phú, tỷ phú từng được gọi là “tay trắng làm nên” ở Trung Quốc, có thật sự đã dùng chính đôi bàn tay của mình để gây dựng nên “sự nghiệp kinh doanh lẫy lừng” không? HTìm hiểu lý lịch của họ, bạn sẽ phát hiện ra điều thú vị bất ngờ

Tỷ phú Jack Ma thực ra xuất thân từ một gia đình giàu có

 Là người sáng lập của Alibaba, Jack Ma trong mắt mọi người là một tỷ phú tự thân, bắt đầu từ con số 0. Không ít lần trong kinh doanh, vì ngoại hình của mình mà ông bị người khác chê cười. Jack Ma tổng cộng có 4 lần start-up, lần đầu khởi nghiệp vào năm 1995 với số vốn 20.000 NDT do cha mẹ ông "đầu tư". Vào thời điểm đó, mức lương cơ bản hàng tháng của một công chức chỉ có 200 NDT.

Đối với người bình thường, 20.000 có thể là một số tiền rất lớn, nhưng đối với cha của ông - Ma Laifa, số tiền đó là chuyện nhỏ. Ông Ma Laifa là người gốc Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang. Ông từng là Chủ tịch Hiệp hội Khúc nghệ tỉnh Chiết Giang. Ông được coi là một nhân vật kỳ cựu trong làng nghệ thuật dân gian trong nước. Thế nên thực ra Jack Ma lớn lên trong một gia đình giàu có, từ nhỏ đã được học tiếng Anh và tiếp xúc với Internet.

Cha của tỷ phú Mã Hóa Đằng thường lái xe tới công ty giúp con trai tính toán sổ sách

Chắc hẳn mọi người ai cũng biết Mã Hóa Đằng. Trong danh sách người giàu nhất Trung Quốc năm 2019, Mã Hóa Đằng đứng ở vị trí số 1 với tài sản 237.2 tỷ NDT, nhiều hơn 9 tỷ so với người về nhì năm đó là Jack Ma.

Mã Hóa Đằng có hoàn cảnh gia đình vô cùng ưu tú, xuất thân cao quý đó được mang lại bởi cha ông - Mã Trần Thuật.

Ông Mã Trần Thuật từng là một quan chức của Bộ Giao thông, Trung Quốc, về sau ông xuống miền Nam để kinh doanh. Ông từng giữ chức Phó Giám đốc 8 Cục cảng thuộc tỉnh Hải Nam của Bộ Giao thông, Tổng giám đốc Tổng công ty Vận tải biển Thâm Quyến, thậm chí là Phó Tổng giám đốc của Công ty TNHH Tập đoàn Cảng Diêm Điền Thâm Quyến. Sau khi Tập đoàn Cảng Diêm Điền lên sàn, Mã Trần Thuật còn trở thành Chủ tịch Hội đồng Quản trị.

Khi Mã Hóa Đằng thành lập Tencent, cha ông đã giúp đỡ ông không ít. Ông Mã Trần Thuật thường lái chiếc Mercedes-Benz đến tính toán sổ sách giúp con trai.

Người cha là "chỗ dựa vững chắc" cho con cái trong gia đình tỷ phú Vương Kiện Lâm

Cha của Vương Kiện Lâm - Vương  Nghĩa Toàn là một người làm rất quyền lực, ông từng giữ vị trí quan chức tại tỉnh Tứ Xuyên trong thời gian dài.

Bên cạnh đó khi nhắc đến Vương Kiện Lâm, người ta sẽ nhớ ngay đến con trai ông là Vương Tư Thông. Khi Vương Tư Thông mới bắt đầu kinh doanh, Vương Kiện Lâm đã đưa cho con trai 500 triệu để anh “tập làm quen” trước. Sau đó Vương Tư Thông đã mua lại một câu lạc bộ và thành lập Prometheus Capital, công ty này đã thành công trong việc “để tiền đẻ ra tiền” và biến 500 triệu thành 6,3 tỷ đồng.

Tỷ phú Dung Trí Kiện "bắt đầu lại với số vốn của cha"

 Năm 2005, tỷ phú Dung Trí Kiện (Larry Rong Zhijian) từng là tỷ phú giàu nhất Trung Quốc với số tài sản 1,64 tỷ USD. 2004, ông cũng đứng ở vị trí này với số tài sản 1,5 tỷ USD. Ông là lãnh đạo cấp cao của tập đoàn Citic Pacific Group (Hong Kong), hoạt động trong các lĩnh vực địa ốc, phát triển hạ tầng, thương mại và phân phối.

Nhắc đến Dung Trí Kiện là ta phải nhắc đến gia tộc Dung Thị. Ông nội Dung Trí Kiện là người giàu nhất Trung Quốc. Cha ông là Dung Nghị Nhân sau khi tiếp quản Dung Thị đã mở rộng công việc kinh doanh của gia đình, Dung Thị đã giàu nay càng giàu hơn.

Chỉ sau khi Dung Nghị Nhân quyết định hiến tặng toàn bộ tài sản của gia đình cho quốc gia, thì Dung Trí Kiện mới phải bắt đầu khởi nghiệp từ đầu. Tuy là "bắt đầu lại", nhưng Dung Trí Kiện đã dựa vào việc thu hồi khoản đầu tư 6 triệu USD mà ông Dung Nghị Nhân để lại ở Hong Kong để bắt đầu kinh doanh.

Sự hậu thuẫn đằng sau sự nghiệp của ông chủ Lenovo Liễu Truyền Chí 

Tỷ phú Liễu Truyền Chí là người sáng lập tập đoàn Lenovo. Ông Liu Chuanzhi, 75 tuổi, gần đây đã tuyên bố nghỉ hưu để làm chủ tịch danh dự, cố vấn cao cấp và thành viên ủy ban chiến lược của hội đồng quản trị tập đoàn. Ông đã thành lập doanh nghiệp trong một ngôi nhà nhỏ chỉ có 2 phòng tại Bắc Kinh và đưa Công ty trở thành một gã khổng lồ trong ngành máy tính cá nhân, chiếm lĩnh 1/3 thị trường Trung Quốc.

Cha của Liễu Truyền Chí là Liễu Dục Thư, ông có bằng cử nhân và từng đảm nhiệm các chức vụ quan trọng trong Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và Ngân hàng tỉnh Hắc Long Giang.

Liễu Dục Thư có quan hệ rất rộng, chưa kể đến ông còn có công ty riêng ở Hong Kong. Kinh nghiệm kinh doanh và những mối quan hệ của ông ít nhiều tác động đến sự thành công của Liễu Truyền Chí.

Tài năng, chí hướng của những tỷ phú lừng danh này là điều ai cũng phải công nhận. Tuy nhiên, sự nghiệp kinh doanh lẫy lừng của họ không thể thiếu vắng sự "hậu thuẫn" vô cùng vững chắc từ gia đình, đặc biệt là từ những người cha đầy bản lĩnh.

Theo Zhihu   

Theo Lưu Ly

cafef.vn

 

Bạn đang đọc bài viết Dự án: Các tỷ phú hàng đầu Trung Quốc có thật sự “tay trắng" làm nên sự nghiệp? Tìm hiểu rõ thân thế, ai cũng ngỡ ngàng vì điều này tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Cùng chuyên mục
Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ năm , 10/01/2019, 15:08
Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ ba , 05/03/2019, 00:00
Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ năm , 14/03/2019, 15:00
Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ năm , 14/03/2019, 15:00
Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ ba , 19/03/2019, 10:12
Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ ba , 19/03/2019, 01:59
Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ ba , 19/03/2019, 02:32
Lên đầu trang