Xu hướng
Thứ hai , 01/04/2019, 15:28

Doanh nghiệp xã hội, hướng đi nhân văn của một thế hệ khởi nghiệp

.

Doanh nghiệp xã hội đã không còn là khái niệm xa lạ đối với cộng đồng khởi nghiệp ở Việt Nam, khi có nhiều doanh nhân trẻ chọn hướng đi này cho mô hình startup của mình. Trong khi bài toán khởi nghiệp thu lợi nhuận còn gặp nhiều thách thức, khởi nghiệp vì cộng đồng là bước đi táo bạo nhưng cũng là giải pháp vượt trội không chỉ với nền kinh tế mà với cả cộng đồng.

Startup với mô hình doanh nghiệp xã hội, phép thử đầy triển vọng

Khái niệm Doanh nghiệp xã hội ( Social Enterprise) xuất phát từ nước Anh, được khái quát là tổ chức kinh doanh có hoạt động nhằm thực hiện mục tiêu mang tính xã hội, với lợi nhuận được sử dụng cho cộng đồng hoặc mục tiêu xã hội đó. Nước Anh không chỉ là cái nôi của doanh nghiệp xã hội mà còn đang là quốc gia có nhiều doanh nghiệp xã hội nhất trên toàn thế giới ( khoảng 90,000 doanh nghiệp- năm 2011). Xuất phát điểm là mô hình kinh doanh khác biệt với tham vọng hỗ trợ và phát triển lợi ích của xã hội, mô hình doanh nghiệp xã hội nhanh chóng trở thành làn sóng lan rộng khắp thế giới, đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển, với thực trạng đói nghèo và khó khăn trong giải quyết nhu cầu lao động cho các đối tượng yếu thế.

Dù là đứa con sinh sau đẻ muộn so với nhiều mô hình doanh nghiệp truyền thống, doanh nghiệp xã hội dường như đang thổi một luồng gió mới cho các dự án khởi nghiệp, bởi không chỉ là cơ hội sáng tạo tối đa đối với những doanh nhân trẻ để nắm bắt mô hình kinh doanh mới, mà còn bởi sự đa dạng hóa trong các lĩnh vực khởi nghiệp xã hội mang lại.

Doanh nghiệp xã hội- cơ hội và thách thức của các doanh nhân khởi nghiệp ( Ảnh: KOTO)

Tháng 11 năm 2014 đánh dấu bước chuyển mình trong cộng đồng doanh nghiệp xã hội Việt Nam khi Doanh nghiệp xã hội được pháp lý hóa với sự công nhận của những doanh nghiệp xã hội tiên phong trong suốt nhiều năm trước khi Luật Doanh nghiệp được sửa đổi như KOTO, Kym Việt, Sapa O’Chau... trên thực tế, theo báo cáo của Hội Đồng Anh ( British Council), số lượng doanh nghiệp xã hội mô hình phi lợi nhuận ở Việt Nam hiện nay đã lên đến con số 200 doanh nghiệp, nhân rộng ở không chỉ các thành phố lớn mà nhiều địa phương trên cả nước. Rất nhiều doanh nghiệp dù không đăng ký chính thức là doanh nghiệp xã hội, nhưng cũng gắn hoạt động kinh doanh của mình với trách nhiệm xã hội. Tương quan cộng đồng và hoạt động kinh doanh chưa bao giờ cận tiệm và mật thiết đến như vậy.

Lý giải vì sao ngày càng có nhiều dự án khởi nghiệp xã hội ở Việt Nam? Đó có lẽ xuất phát từ chính nhu cầu của xã hội. Không chỉ gặp những vấn đề bất cập như biến đổi khí hậu, nông nghiệp đứng trước nhiều rủi ro, nhu cầu về việc làm của nhóm người yếu thế như trẻ em đường phố, người khuyết tật không thể được đáp ứng hoặc bị xem nhẹ. Công nghiệp hóa đi cùng với những chuyển mình trong xã hội cũng là vấn đề đáng lưu tâm trong khi không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường và đe dọa nguồn tài nguyên tự nhiên. Doanh nghiệp xã hội mở rộng dù chỉ với quy mô nhỏ, nhưng là phép thử hứa hẹn giải quyết những bài toán về phát triển bền vững và ổn định thay vì tâm lý “ăn xổi ở thì”, bất chấp những hậu quả tiêu cực trong tương lai.

Sáng tạo vì cộng đồng, một phép thử xứng đáng

Zó Project là một doanh nghiệp xã hội ra đời vào năm 2013 là một dự án xã hội gắn với nhiều giá trị cộng đồng: truyền thống, văn hóa, môi trường, và thu nhập cho người nghệ nhân làm giấy. Từ một nỗ lực của người sáng lập là chị Trần Hồng Nhung để bảo vệ nghề làm giấy dó truyền thống đang đứng trên bờ vực trong bối cảnh đô thị hóa bằng việc phát triển các sản phẩm đời sống và lưu niệm trên nền tảng giấy dó, một kỹ thuật làm giấy truyền thống cũng dần được “PR” để sống lại trong nhịp sống hiện đại, giấy dó đã được xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới như Úc, Pháp, Mỹ.  Lợi nhuận từ việc kinh doanh được dùng để trồng cây dó ( loại cây hiếm vốn tưởng đã tuyệt chủng) và phủ xanh đồi trọc ở vùng nguyên liệu Suối Cỏ, Hòa Bình, Zó Project còn giải quyết bài toán việc làm một cách ổn định cho các hộ gia đình làm giấy.

Zó Project là một doanh nghiệp xã hội thúc đẩy phát triển bền vững môi trường và nghề thủ công truyền thống Việt Nam ( Ảnh: Zó Project)

Một ý tưởng khởi nghiệp có thể mang lại nhiều tác động tích cực cho cộng đồng, đó là mục tiêu nhiều doanh nhân trẻ đang hướng tới trên chặng đường khởi nghiệp của mình. Không quá khi nói rằng, khởi nghiệp cộng đồng tạo nên môi trường cho rất nhiều những sự sáng tạo khởi sinh: Làm thế nào để mang giải pháp cho một vấn đề cộng đồng và kết hợp với kinh doanh? Từ văn hóa, giáo dục,môi trường, người khuyết tật, trẻ tự kỷ, trẻ đường phố… bất cứ vấn đề nào cũng có thể là một phần của một mô hình kinh doanh gắn với trách nhiệm xã hội.

Nhận ra tiềm năng của đối tượng xã hội là yếu tố then chốt của một dự án doanh nghiệp xã hội khả thi ( Ảnh: Imagtor)

Imagtor là một doanh nghiệp xã hội ra đời với hướng đi hoàn toàn mới nhờ vận dụng năng lực của người khuyết tật trong lĩnh vực công nghệ thông tin và chỉnh sửa ảnh. Với mô hình kinh doanh kết hợp với dạy nghề miễn phí cho người khuyết tật và tuyển chọn nhân viên khuyết tật làm việc full-time trong môi trường cạnh tranh, Imagtor là một trong những tiếng nói mạnh mẽ nhất về tiềm năng của người khuyết tật trong một số lĩnh vực cụ thể. Đối với các doanh nhân trẻ có tham vọng khởi nghiệp xã hội, nhìn thấy tiềm năng của lĩnh vực xã hội mình hướng tới là yếu tố then chốt để phát triển mô hình kinh doanh xã hội của mình theo hướng bền vững.

Đối mặt với vấn đề quy hoạch đô thị luôn là bài toán hóc búa tuy nhiên Hà Nội đã có Think Playgrounds khi lao vào vùng đất chưa ai dám chạm đến. (Ảnh TPG)

Think Playgrounds – một doanh nghiệp cũng mới phát triển từ dự án phát triển không gian công cộng, xây dựng sân chơi cho trẻ em với những cam kết chặt chẽ giữa chính quyền, địa phương, các nhóm hoạt động xã hội để tạo ra những sản phẩm thích hợp với không gian đô thị, biến những bãi đất trống thành nơi trẻ em hạnh phúc. Không chỉ vậy, các sản phẩm sân chơi của doanh nghiệp này cũng đã mang đến triết lý mới như kích thích trẻ vận động, gần gũi với thiên nhiên và tư duy độc lập.

Mặc dù còn phải đối mặt với nhiều thử thách trong việc phát triển mô hình doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam, nhất là đối với dự án khởi nghiệp vốn đã gặp nhiều thách thức về vốn, quy mô và sự rủi ro đến từ xu hướng xã hội, nhưng gắn mình với sứ mệnh xã hội đang dần chiếm ưu thế đối với nhiều doanh nhân. Bởi không chỉ đơn giản là một dự án kinh doanh đơn thuần, đó còn là tư duy sáng tạo không giới hạn vì một cộng đồng tươi đẹp hơn. Và điều đó, cơ bản đã là nguồn cảm hứng không bao giờ có thể lụi tắt.

Theo songmoi.vn

Bạn đang đọc bài viết Dự án: Doanh nghiệp xã hội, hướng đi nhân văn của một thế hệ khởi nghiệp tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Lên đầu trang