Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ hai , 15/07/2019, 15:44

Đồng bào dân tộc ở Xuân Sơn: Khởi nghiệp từ dịch vụ homestay

Những ngôi nhà homestay xinh đẹp của đồng bào Mường, Dao thấp thoáng như tô điểm cho bức tranh thiên nhiên nơi đây thêm hữu tình...

Sau 120 km chạy xe từ Hà Nội, chúng tôi đã đến trung tâm xã Xuân Sơn (huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ). Giữa không gian núi rừng xanh mướt… những ngôi nhà homestay xinh đẹp của đồng bào Mường, Dao thấp thoáng như tô điểm cho bức tranh thiên nhiên nơi đây thêm hữu tình.

Mạnh dạn đầu tư cho homestay

Đang mùa hè, nhưng không khí ở Xuân Sơn lại khá mát mẻ. Nằm trọn trong vùng lõi Vườn Quốc gia Xuân Sơn, xã Xuân Sơn bao quanh bởi những cánh rừng tự nhiên với nhiều cây gỗ cao vút, người ôm không xuể. Được biết, Vườn Quốc gia Xuân Sơn hiện là nơi duy nhất của Việt Nam có rừng nguyên sinh trên núi đá vôi, có rừng chò chỉ giàu và đẹp nhất miền Bắc với cảnh quan thiên nhiên đa dạng, gồm cả rừng, hang, suối, thác…

Homestay xinh đẹp của đồng bào Mường ở Xuân Sơn

Dừng chân tại homestay Xuân Sơn (thuộc bản Cỏi, ngay gần lối vào Vườn quốc gia), chúng tôi được Chủ tịch xã Xuân Sơn, anh Hà Đức Minh – người dân tộc Mường ở địa phương, cũng là chủ nhà nghỉ đón tiếp khá niềm nở. Giới thiệu về căn nhà được xây dựng theo kiến trúc nhà sàn của người Mường, anh Minh cho biết: Homestay Xuân Sơn mới đi vào hoạt động được 2 năm nay, ngoài ra, gia đình anh còn có 1 cơ sở 2 tại bản Dù. Nguyên tầng dưới của ngôi nhà được anh Minh dành phục vụ ăn uống, liên hoan, hội họp; tầng 2 là phòng ngủ với sức chứa khoảng hơn 30 người; giá nghỉ qua đêm là 250.000 đồng/phòng riêng; 400.000 đồng/phòng nghỉ cộng đồng, trung bình khoảng 50.000 đồng/người.

Thấy tôi tỏ thái độ ngạc nhiên về cách sắp xếp, bài trí căn phòng khá chuyên nghiệp, anh Minh cười bảo: Năm 2008, ban đầu cả xã mới có homestay Xuân Lâm của nhà đồng chí bí thư xã, gồm 19 phòng với 2 sàn nghỉ cộng đồng. Sau này, khi Sở Văn hóa - Du lịch tỉnh Phú Thọ có Đề án phát triển du lịch cộng đồng Vườn Quốc gia Xuân Sơn, một vài hộ trong xã được đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng ở Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái… nên cũng mở mang được nhiều. Các đoàn doanh nghiệp về đây khảo sát, mỗi đoàn lại hướng dẫn thêm..., đến nay 8 homestay của 6 hộ ở Xuân Sơn đều có thể phục vụ ăn, nghỉ, văn nghệ, dẫn khách đi tham quan rừng.

Sẽ có một Xuân Sơn đi lên từ du lịch?

Giờ đây, nhắc đến du lịch Phú Thọ là nhiều người nhắc đến Vườn quốc gia Xuân Sơn; nhắc đến Vườn quốc gia Xuân Sơn là du khách nhớ ngay đến các homestay Xuân Sơn, Quỳnh Nga, Xuân Lâm, Areca, Kỳ Tâm… Được thiết kế từ các vật liệu như: tre, gỗ, lá cọ, bương… các homestay níu chân du khách bởi sự kết hợp hài hoà giữa vẻ đẹp mộc mạc, truyền thống của nhà sàn dân tộc Mường và nét kiến trúc hiện đại. Đặc biệt hơn cả là sự nồng hậu, gần gũi của những người nông dân tham gia làm du lịch.

Trong câu chuyện với chúng tôi, Chủ tịch Hà Đức Minh không giấu được niềm tự hào về ý thức giữ rừng rất tốt của 300 hộ đồng bào Mường, Dao ở Xuân Sơn; đồng thời biết ơn những cánh rừng tươi xanh, đang giúp cho người dân quê anh, có thêm sinh kế mới. Mức đầu tư cho mỗi homestay không hề nhỏ, từ vài trăm đến vài tỷ đồng, theo anh Minh, đây là cố gắng không nhỏ đối của các hộ đồng bào Mường, Dao vốn xưa nay chỉ quen với việc làm nông nghiệp.

Để du khách đến và quay trở lại Xuân Sơn, anh Minh cho hay, tỉnh Phú Thọ đang định hướng xây dựng 1 số điểm check in và các hạng mục cho khách tham quan; hướng dẫn bà con trồng cây con đặc sản bản địa (măng đắng, măng vầu, măng nứa, rau sắng, rau rớn, rêu đá, lợn lửng, gà đồi, cá suối), nhất là phát triển chăn nuôi gà nhiều cựa.

Hiện tại, mỗi năm có khoảng 20.000 du khách đến với Xuân Sơn, nhưng số lượng khách lưu trú mới khoảng 10% (2.000 người). Với cách tổ chức hướng tới sự chuyên nghiệp, giá cả hợp lý, Xuân Sơn đang kỳ vọng sẽ tăng số lượng khách lưu trú lên hàng năm, để các hộ có homestay không chỉ “sống khỏe” mà còn tạo thêm nhiều việc làm cho đồng bào trong xã.

Tạm biệt Xuân Sơn khi chiều đã muộn, để lại sau lưng những cánh rừng xanh mát và nụ cười hồn hậu của những chàng trai, cô gái Mường, Dao. Chợt nhớ lời Chủ tịch Hà Đức Minh chia sẻ: Đất nông nghiệp ở Xuân Sơn rất ít, đất rừng đặc dụng thì không được phép khai thác, nên hướng đi Xuân Sơn đang chọn là tiếp tục phát triển homestay để phục vụ mục tiêu “du lịch là mũi nhọn phát triển của xã”.

Với tiềm năng hiện có, hy vọng, rồi sẽ có một Xuân Sơn đi lên từ du lịch trong thời gian không xa…

Theo Khoinghiep.org.vn

Bạn đang đọc bài viết Dự án: Đồng bào dân tộc ở Xuân Sơn: Khởi nghiệp từ dịch vụ homestay tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Cùng chuyên mục
Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ năm , 10/01/2019, 15:08
Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ ba , 05/03/2019, 00:00
Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ năm , 14/03/2019, 15:00
Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ năm , 14/03/2019, 15:00
Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ ba , 19/03/2019, 10:12
Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ ba , 19/03/2019, 01:59
Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ ba , 19/03/2019, 02:32
Lên đầu trang