Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ sáu , 17/05/2019, 15:46

Hai chị em rời bỏ công việc mơ ước theo đuổi... món sủi cảo

.

Gia đình và thực phẩm giống như rượu gin và thuốc bổ. Đứng riêng đã tốt, nhưng kết hợp còn tốt hơn. Hai chị em Hannah và Marian Cheng - đồng sáng lập chuỗi nhà hàng sủi cảo nổi tiếng Mimi Cheng’s - kinh doanh với khái niệm đơn giản: nguyên liệu chất lượng cao và công thức gia đình “sát thủ”.

5 năm trước, Hannah và Marian Cheng đã có bước tiến lớn khi mở Nhà hàng Mimi Cheng’s đầu tiên ở New York. Sau đó, Hannah và Marian Cheng của Nhà hàng Mimi Cheng's đã trải qua nhiều thăng trầm trong 5 năm kinh doanh đầu tiên.

Hai chị em quyết định mở nhà hàng dành riêng cho món ăn yêu thích nhất của họ, thứ đã gắn bó với tuổi thơ hai người: sủi cao handmade Đài Loan. Họ rất yêu thích món sủi cảo mẹ làm, nhưng lại hiếm khi tìm được món sủi cảo đúng điệu đó. Bởi những chiếc sủi cảo mẹ làm từ nguyên liệu hữu cơ tươi: thịt lợn nuôi thả, thịt gà hữu cơ, rau hữu cơ, dầu ô-liu nguyên chất, dầu hướng dương không biến đổi gene, không sử dụng bột ngọt, ăn kèm nước sốt bí mật. Điều đó đã nung nấu ý tưởng kinh doanh món sủi cảo “chuẩn mẹ nấu” trong hai chị em.

Ảnh: Tommy Agriodimas, Ungano-Agriodimas/Tory Bunch

Dù là người truyền cảm hứng cho hai chị em, nhưng bố mẹ hai người đã “kinh hoàng” khi biết các cô con gái quyết định rời khỏi công việc mơ ước của bao người - Hannah làm Phó Chủ tịch JPMorgan Chase và Marian làm giám đốc kinh doanh của thương hiệu xa xỉ Burberry - để đi làm bánh bao! Trong mắt bố mẹ, ăn uống là ngành công nghiệp đầy bất trắc.

Hannah nhớ lại những gì bố mẹ cô đã nói: “Các con đã có công việc đáng mơ ước. Hai đứa đã nỗ lực để đi đến vị trí đó. Giờ đây, hai đứa lại muốn mở một nhà hàng mông lung? Vất vả học hành để làm gì!” Nhưng hai chị em quyết định tiến bước với niềm tin mãnh liệt và đặt tên cho nhà hàng là Mimi Cheng's, lấy theo tên ở nhà của mẹ Shirley - Mimi.

Sau khoảng một năm, thấy rằng các con gái nghiêm túc và cam kết không từ bỏ con đường đã chọn, cuối cùng các bậc phụ huynh cũng “lên chung thuyền”.

Trải đường

Sau khi có được sự ủng hộ của gia đình, chướng ngại vật tiếp theo trên con đường khởi nghiệp là hai chị em cần học tập để hiểu cách vận hành của thế giới nhà hàng. Họ cho biết phải mất 3 năm mới có thể đi qua giai đoạn này, cho đến khi họ sẵn sàng mà nhà hàng thứ hai vào năm 2016.

Ảnh: Entrepreneur

Hiện nay, hai chị em đã trở thành chủ của một chuỗi nhà hàng, quản lý một nhóm 40 thành viên, nhưng bất ngờ và thách thức vẫn luôn xuất hiện.

“Khi chúng tôi mở địa điểm thứ hai như thể sinh thêm một đứa trẻ và phải chú ý đến ‘bé’ rất nhiều. Thế nên, phải tìm cách cân bằng cho cả ‘hai đứa’”, Marian mô tả. “Khi chúng tôi mở nhà hàng đầu tiên, chúng tôi đã phải tìm hiểu về các nhà hàng và những người khác trong ngành, về những thứ như hợp đồng, giấy phép và các quy định. Mọi người đều nói đó là cơn ác mộng, nhưng bạn phải tự mình trải qua và tìm hiểu những điều đó”.

Ảnh: Tommy Agriodimas, Ungano-Agriodimas/Tory Bunch

Trên con đường kinh doanh, hai chị em biết rằng: Họ không thể làm điều đó một mình. Vì cả hai đều không có kinh nghiệm trong lĩnh vực nhà hàng. Vì vậy, họ đã làm việc với Tổ chức Thúc đẩy Kinh doanh mới thành phố New York (NBAT) - nơi giúp các nhà hàng và quán bar mới đi vào hoạt động và phát triển. Trước khi ra mắt Mimi Cheng’s, Marian đã có bước chuẩn bị cần thiết: rời khỏi thế giới thời trang và gia nhập nhóm xây dựng chuỗi nhà hàng Sweetgreen ở New York để trải nghiệm trực tiếp về lòng hiếu khách và những bài học đầu tiên trong lĩnh vực nhà hàng.

Khai trương

Một trong những thách thức ban đầu lớn nhất của việc mở nhà hàng đầu tiên, hoàn toàn theo nghĩa đen, là giữ cho đèn sáng.

Ảnh: Eater NY

Họ dự định mở nhà hàng vào tháng 5/2014, nhưng phải đến tháng 7 mới thực sự khai trương. Nguyên nhân là do không đủ điện để cung cấp năng lượng cho mọi thứ. Họ cứ chờ đợi được nâng cấp hệ thống điện từ vài tuần kéo dài đến vài tháng. Họ bắt đầu thất vọng. Nhưng sau đó, sự giúp đỡ xuất hiện: cộng đồng các nhà hàng khuyên họ kết thúc trò chờ đợi bằng cách liên hệ với chính quyền địa phương để tìm được người giám sát hệ thống điện trong khu vực, giúp họ thực việc nâng cấp mạng lưới điện.

Trong thời gian gần ngày khai trương, hai chị em gần như mất ăn mất ngủ. Rồi một bài viết giới thiệu bâng quơ trên tờ New York Times đã giúp họ thổi bay những lo âu đó.

Ảnh: MISSBISH

“Chuyện rất thú vị. Chúng tôi còn không hiểu chuyện gì xảy ra. Nhưng hàng trăm người đã đứng trước cửa nhà hàng hôm khai trương. Thật là kỳ diệu, nhưng cũng thật đáng sợ. Chúng tôi làm không đủ sủi cảo để đáp ứng nhu cầu. Thế nên, mới nửa ngày chúng tôi đã phải đóng cửa, bởi chúng tôi biết tối đến sẽ có người đến nữa”, Hannah nhớ lại.

“Chúng tôi tự nhủ ‘Nếu cứ bán với tốc độ này, chúng ta sẽ sớm bán hết trước cả khi mọi người đến’. Vì vậy, chúng tôi phải đóng cửa vào giữa ngày để bổ sung hàng. Chúng tôi rất biết ơn những người đã quay trở lại sau hôm khai trương. Chắc chắn, đó là trải nghiệm tuyệt vời. Không có gì để diễn tả điều đó”.

Sải bước

Tại thời điểm này, khi Mimi Cheng’s đã tồn tại được 5 năm, hai chị em có chia sẻ với những doanh nhân cảm thấy chán nản trong giai đoạn đầu khởi nghiệp là “hãy lắng nghe tiếng nói trong sâu thẳm” và sau đó nỗ lực để đạt được điều đó - bất kể người xung quanh phản ứng như thế nào.

“Nếu đó là điều bạn không thể ngừng suy nghĩ, thì bạn cũng phải nhận ra rằng những người kia đang nói trên góc độ của họ. Không phải của bạn. Họ không có những trải nghiệm như bạn, không có giấc mơ như bạn, không có niềm đam mê như bạn. Thế nên, họ nói thì mặc họ nói” - Hannah chia sẻ.

“Bạn cũng phải nhận ra rằng: Họ quan tâm đến bạn. Nhưng họ chỉ nói theo góc nhìn của họ. Đã quá nhiều người nói với chúng tôi: Đừng mở nhà hàng, bạn chẳng biết mình đang làm gì đâu. Họ nói cũng chẳng sai. Nhưng rốt cuộc, chúng tôi vẫn không thể ngừng nghĩ về ý tưởng của bản thân. Tôi rất vui khi chúng tôi đã nỗ lực dù quả thực là đáng sợ khi bước chân vào thế giới mới. Khi đã ở trong đó rồi, bạn sẽ nghĩ ‘Ôi, mình chẳng biết gì cả’. Nhưng khi bạn thực sự dấn thân, thì bạn sẽ khám phá ra cách đi phù hợp”.

Triết lý đó cũng được áp dụng trong quá trình tuyển dụng của hai chị em: Họ không chiêu mộ những người có 2-5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nhà hàng. “Một số người trong nhóm chúng tôi không có kinh nghiệm trong ngành công nghiệp thực phẩm. Nhưng chúng tôi cho họ cơ hội bởi họ học hỏi rất nhanh và có những đức tính chúng tôi cần. Ai cũng phải xây móng cả thôi”, Marian nói.

Hai chị em hợp tác với nhau vì mỗi người có kỹ năng khác nhau. Hannah thường tập trung vào lịch trình, tài chính và kế toán. Marian giỏi về quản lý tồn kho và đặt hàng. Còn trong việc xử lý các hoạt động hàng ngày và phát triển công thức, họ làm cùng nhau.

Theo hai chị em, thành phần chính cho công thức kinh doanh là niềm tin tự nhiên giữa hai người.

“Tôi không khuyên mọi người nên làm việc với anh chị em của mình. Bởi điều đó còn tùy thuộc vào mối quan hệ giữa mọi người. Nhưng với chúng tôi, ngay cả khi trưởng thành, chúng tôi chưa bao giờ tranh giành tị nạnh nhau. Chúng tôi luôn là một đội”, Hannah cho biết.

“Vì vậy, cũng bởi là chị em của nhau, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng đối phương. Chúng tôi luôn biết chúng tôi hành động vì người kia. Tôi nghĩ: Khi bắt đầu kinh doanh với ai đó, thì đó cũng là phần khó nhất: tìm kiếm một đối tác mà bạn có thể tin tưởng hoàn toàn”.

Theo songmoi.vn

Bạn đang đọc bài viết Dự án: Hai chị em rời bỏ công việc mơ ước theo đuổi... món sủi cảo tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Cùng chuyên mục
Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ năm , 10/01/2019, 15:08
Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ ba , 05/03/2019, 00:00
Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ năm , 14/03/2019, 15:00
Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ năm , 14/03/2019, 15:00
Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ ba , 19/03/2019, 10:12
Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ ba , 19/03/2019, 01:59
Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ ba , 19/03/2019, 02:32
Lên đầu trang