Xu hướng
Thứ năm , 09/05/2019, 16:23

“Hâm nóng” tinh thần khởi nghiệp cho thanh niên nông thôn: Mây tre đan: Nghề phụ - nguồn thu chính

.

Nghe tin khu vực 17 mẫu rộng 7ha của xã sẽ được quy hoạch thành cụm công nghiệp làng nghề từ quý 3/2018, người dân làng nghề mây tre đan Lưu Thượng (Phú Túc, Phú Xuyên, Hà Nội) vui mừng khấp khởi. Họ hy vọng, cụm công nghiệp sẽ là điểm sáng, tạo bước chuyển biến mới cho làng nghề.

Doanh thu tiền tỷ

Làng Lưu Thượng là nơi khởi đầu nghề truyền thống mây tre đan từ thế kỷ XVII. Từ đây, nghề mây tre đan phát triển lan ra cả 8 làng của xã Phú Túc và các vùng phụ cận. Bằng đôi bàn tay khéo léo, tài hoa, người dân Lưu Thượng đã tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng như giỏ cắm hoa, tủ, bàn, ghế, khung ảnh, lọ hoa, con giống…

Nghề mây tre đan mang lại nguồn thu nhập ổn định cho các hộ gia đình từ 200 – 350 nghìn đồng/ngày. Nhờ có nghề, diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới, xóm làng sầm uất như phố thị. Nhiều doanh nghiệp làm ăn phát đạt, những chuyến container chở hàng mây tre đan xuất ngoại đã mang lại cho người dân Lưu Thượng cuộc sống phồn thịnh.

Một trong những doanh nghiệp phát triển mạnh ở làng nghề này là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Phú Tuấn do anh Nguyễn Văn May làm Giám đốc.

Anh Nguyễn Văn May, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Phú Tuấn

Chia sẻ về câu chuyện lập nghiệp nhiều chông gai, anh May kể, học hết THPT, anh thấy nghề mây tre đan có tiềm năng phát triển nên không thi đại học mà quyết định ở quê phát triển làng nghề. Năm 2004, anh thành lập công ty. 5 năm đầu kinh doanh, công ty liên tục thua lỗ, kinh tế chật vật. Nhiều lúc, anh chán nản định chuyển nghề nhưng một lần đi dự hội chợ ở nước ngoài thấy khách tấm tắc khen sản phẩm thủ công mỹ nghệ của mình. Anh nhận ra rằng, mình thua lỗ vì còn trẻ, kinh ngiệm ít nên chưa biết cách phát triển sản phẩm. Suy nghĩ thông suốt, anh lại hứng khởi tìm hướng đi mới phát triển sản phẩm mây tre đan. Từ những lần tham dự hội chợ trong nước và nước ngoài, anh đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm và may mắn gặp được một số khách hàng tiềm năng để xuất khẩu sản phẩm. Anh tìm hiểu về các tiêu chuẩn xuất khẩu hàng hóa, thay đổi cách kinh doanh, sản xuất để đáp ứng được nhu cầu thị trường.

Những sản phẩm chính của Công ty Phú Tuấn được sản xuất từ bèo tây, cói, mây, tre như thùng đựng quần áo, sọt rác, lọ lục bình trang trí… Hiện, công ty của anh tạo việc làm cho 20 – 25 nhân công làm việc tại xưởng cùng hàng trăm lao động thời vụ trong xã và khu vực lân cận như Mỹ Đức, Hòa Bình, Hà Nam…

Sau những nỗ lực không ngừng đó, anh May đã tìm được thị trường riêng. Hiện các sản phẩm của công ty đã được xuất khẩu ổn định vào các thị trường Mỹ, Đông Âu và đang mở rộng sang các thị trường khác như Nhật, Đài Loan… với doanh thu trên 10 tỷ đồng mỗi năm.

Làng nghề gắn kết

Sinh ra và lớn lên ở làng nghề nên chị Bạch Thị Hoa cùng chồng luôn nung nấu ước muốn được cống hiến trí tuệ, sức sáng tạo, mang sản phẩm mây tre đan đi xa hơn. Vì vậy, năm 2008, vợ chồng chị mở cơ sở sản xuất mây tre đan Hồng Phong.

 Thời gian đầu mới thành lập, anh chị gặp nhiều khó khăn về vốn và phải huy động vốn vay lãi suất cao từ trong dân và ngân hàng.

“Sinh sau đẻ muộn” nên để cạnh tranh với những doanh nghiệp “đàn anh”, chị cặm cụi nghiên cứu, tạo ra những mẫu mới độc đáo, khác lạ. Chị lặn lội mang đến từng công ty thu mua mây tre đan lớn trên thành phố, chào hàng, giới thiệu sản phẩm với mức giá cạnh tranh.

Chị Hoa cho hay: “Định hướng chiến lược phát triển của chúng tôi là tập trung vào thị trường trong nước vì nhu cầu của người dân về mặt hàng này rất lớn. Với hàng bán trong nước chúng tôi không phát triển hàng guột, bèo, cói vì thời tiết của Việt Nam có độ ẩm cao, dễ bị nấm mốc mà tập trung sản xuất hàng mây, dây sắt như giỏ cắm hoa, giỏ đựng bánh mỳ, hộp đựng giấy…”.

 Hiện, cơ sở sản xuất của vợ chồng chị Hoa tạo việc làm cho 15 hộ sản xuất, gần 10 nhân công thời vụ. Doanh thu trung bình 3 đến 4 tỷ đồng mỗi năm.

Theo chị Hoa, để tạo ra một sản phẩm đẹp cần có sự khéo léo, sáng tạo của người thợ. Nhằm tạo sự đồng đều, các loại guột chọn đan có cùng màu sắc, độ dẻo, dai. Khi tạo hình xong, sản phẩm được hun qua diêm sinh, nhúng qua dầu keo để màu sắc tươi và bền hơn. Sau đó, sản phẩm được đem phơi hoặc sấy khô và tiếp tục nhúng dầu keo lần thứ hai, ba tùy theo yêu cầu đối với từng loại sản phẩm. Cuối cùng, sản phẩm được để khô kiệt rồi mới đóng kiện tiêu thụ và xuất bán.

Nghề mây tre đan Phú Túc thu hút đông đảo người lao động, từ các em học sinh đến cụ già 90 tuổi. Trong thôn, ngoài ngõ, đâu cũng thấy những vật liệu bằng guột bày la liệt. Từng dãy hàng guột, mây, tre, giang phơi ven đường, trong sân. Hiện các hộ sản xuất chủ yếu làm theo đơn đặt hàng từ các doanh nghiệp của xã Phú Túc theo hình thức nhận nguyên liệu về làm tại gia đình. Việc tham gia vào các tổ hợp sản xuất với quy mô nhỏ và vừa hay quy mô hộ gia đình khẳng định tính liên thông, liên kết của làng nghề, tạo ra sức mạnh tổng hợp trong sản xuất và xuất khẩu.

Sản xuất hàng guột xuất khẩu được chuyên môn hóa đến từng công đoạn. Có hộ gia đình chỉ chuyên đan đế, hộ chuyên đan phần thân, hộ khác chuyên phơi sấy, hun, phun bóng. Sản phẩm khi hoàn thành được thu gom về các cơ sở khác hoàn thiện, gắn nhãn mác, đóng gói xuất khẩu.

Từ guột, kết hợp với các nguyên liệu khác như cói, bẹ ngô, mây tre, bèo, bẹ chuối, cỏ lăn… làng nghề ở Phú Túc đã tạo ra nhiều loại sản phẩm, mẫu mã khác nhau. Với ưu thế nguyên liệu sản xuất từ thiên nhiên, mẫu mã đa dạng, chất lượng tốt, bền, đẹp và giá thành hạ, sản phẩm guột Phú Túc được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Hiện sản phẩm của làng nghê đã có mặt tại: Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Ấn Độ và các nước khu vực Trung Đông…

Sức sống mới của làng nghề thể hiện rõ trên những con đường làng được bê tông hóa, những ngôi nhà cao tầng hiện đại san sát. Với các sản phẩm guột gắn bó với làng nghề truyền thống hàng trăm năm, Phú Túc đã đưa làng quê nghèo trở thành vùng kinh tế hàng hóa sôi động, phong phú và sầm uất.

Ông Bùi Hồng Luyến, Chủ tịch UBND xã Phú Túc, chia sẻ: “Nhiều doanh nghiệp nước ngoài về thăm, sát hạch các tiêu chuẩn của doanh nghiệp ở làng nghề nhưng không kí được hợp đồng. Bởi vì, họ đánh giá doanh nghiệp hoạt động chưa chuyên nghiệp, lực lượng nhân công không ổn định, nước thải làng nghề chưa được xử lý gây ô nhiễm, các hộ sản xuất nhỏ lẻ chưa tạo được thương hiệu… Vì vậy, khi quy tụ các làng nghề thành một cụm công nghiệp, tạo ra một không gian sản xuất chuyên nghiệp, đủ tiêu chuẩn thì các doanh nghiệp nước ngoài khi đến thăm sẽ yên tâm hợp tác”.

Trí Nhân

Theo Tuổi trẻ thủ đô

Bạn đang đọc bài viết Dự án: “Hâm nóng” tinh thần khởi nghiệp cho thanh niên nông thôn: Mây tre đan: Nghề phụ - nguồn thu chính tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Lên đầu trang