Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ hai , 13/05/2019, 08:21

“Hâm nóng” tinh thần khởi nghiệp cho thanh niên nông thôn: Thu hàng tỷ đồng mỗi năm từ nghề gỗ khảm trai

.

Nhằm mục đích bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống, nhiều thanh niên đã mạnh dạn đưa ra những mô hình mới, kết hợp với công nghệ tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Họ chính là những người “hâm nóng” tinh thần khởi nghiệp cho thanh niên nông thôn.

Nhận thấy làng nghề khảm trai dần mai một, Vũ Văn Thế nảy ra ý tưởng kết hợp nghề gỗ đang rất thịnh với khảm trai nhằm mở ra hướng đi mới giúp làng nghề khảm trai khởi sắc. Sau hơn một năm, Thế đã có trong tay 3 cơ sở sản xuất đồ gỗ với doanh thu gần 20 tỷ đồng/năm.

Kết hợp nghề gỗ và khảm trai

Khác hẳn không khí ảm đạm, thưa thớt tại một số làng nghề, ở Đỗ Xá (Thường Tín, Hà Nội) bầu không khí sản xuất luôn sôi động, nhộn nhịp với tiếng đục, trạm trổ, tiếng máy xẻ gỗ... Nhìn những sản phẩm đa dạng và phong phú với đủ loại đồ dân dụng như sập gụ, tủ chè, bàn ghế, đồ lưu niệm, đồ trang trí, chậu cảnh... đủ thấy sức sống của làng nghề này.

Hiện Hà Nội có rất nhiều làng nghề chế biến đồ gỗ mỹ nghệ lớn như Vân Hà, Chuyên Mỹ, Nhị Khuê… nhưng làng nghề gỗ Đỗ Xá vẫn được đánh giá cao về chất lượng, phong phú về mẫu mã, chủng loại, phục vụ mọi nhu cầu đa dạng của cuộc sống. Sản phẩm gỗ mỹ nghệ của làng nghề đã có mặt ở hầu hết ở các tỉnh, thành trong cả nước. Nghề gỗ mỹ nghệ mang lại thu nhập cao nên rất nhiều người trẻ bám trụ lại cùng phát triển làng nghề. Chính vì thế, Đỗ Xá được nhận định là điểm sáng trong phong trào thanh niên lập nghiệp tại Hà Nội.

Một trong những gương điển hình làm giàu từ làng nghề gỗ Đỗ Xá là anh Vũ Văn Thế (sinh năm 1990). Anh hiện là chủ 3 cơ sở sản xuất đồ gỗ.

Sinh ra tại làng nghề khảm trai, anh Thế luôn đau đáu về thực trạng làng nghề mai một. Anh nghĩ, nghề gỗ đang rất thịnh, kết hợp nghề gỗ và khảm trai sẽ mở ra hướng đi mới giúp làng nghề khảm trai khởi sắc. Mặt khác, anh Thế muốn phát triển nghề mới để thanh niên ở làng có việc làm ổn định hơn, giảm tệ nạn, cờ bạc, rượu chè… Nghĩ vậy, năm 2016, anh khăn gói lên Đỗ Xá học nghề gỗ.

Anh Vũ Văn Thế giãi bày: “Tôi muốn bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của cha ông và nâng lên một tầm cao mới. Khi đã phát triển thành công, tôi sẽ mang nghề gỗ về Chuyên Mỹ, Phú Xuyên để hướng dẫn các bạn thanh niên cùng làm”.

Sau thời gian chăm chỉ học nghề, đầu năm 2017, anh Thế quyết định mở xưởng sản xuất đồ gỗ đầu tiên. Sản phẩm chính gồm bàn ghế ăn, phòng khách… với nhiều mức giá khác nhau.

Anh Vũ Văn Thế luôn đau đáu quyết tâm bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của cha ông và nâng lên một tầm cao mới...

Thời gian đầu lập nghiệp, anh Thế gặp nhiều khó khăn. Vốn ban đầu tự có chỉ vỏn vẹn 20 triệu đồng, anh vay mượn thêm được 500 triệu đồng từ người thân và 100 triệu đồng từ ngân hàng để mở xưởng. Để những người xung quanh tin tưởng và chấp thuận cho một thanh niên trẻ tuổi vay hàng trăm triệu đồng, anh Thế cho biết: “Quan trọng nhất là có uy tín và sự tin tưởng của người khác. Ở làng ai cũng biết tôi ngoan ngoãn, không chơi bời cờ bạc, rượu chè, có chí hướng làm ăn, gia đình nề nếp nên họ tin tưởng cho vay”.

Một vấn đề khác mà anh Thế gặp phải là nguồn nguyên liệu sản xuất ổn định. Nguồn nguyên liệu gỗ ở Việt Nam ít, khó mua nên phải tìm nhập từ Nam Phi. Anh Thế quan niệm rằng, thị trường có rất nhiều loại gỗ, nếu nhập gỗ rẻ tiền thì mình sẽ có lãi cao nhưng chất lượng sản phẩm không được đảm bảo, khách hàng sẽ không quay lại lần sau.

Khó khăn lớn nhất khi mở xưởng là tìm kiếm được thợ giỏi. Anh Thế phải nhờ bạn bè khắp nơi tìm giúp. Tìm thợ đã khó, giữ được họ lại càng khó hơn bởi lúc đó xưởng còn mới chưa có tên tuổi lại không thể trả lương cạnh tranh so với các cơ sở khác. “Để giữ chân thợ làm việc lâu dài, tôi trả lương đều đặn, đúng ngày. Hiện cơ sở sản xuất của tôi có 9 thợ, trong đó có 3 thợ học việc. Tôi trả lương thợ cả 15 triệu đồng/tháng, lương thợ chính 10 triệu đồng/tháng, thợ học việc 250 nghìn đồng/ngày. Mọi người trong xưởng đối xử với nhau như người nhà, tạo tâm lý thoải mái khi làm việc”, anh Thế chia sẻ.

Những khách hàng đầu tiên với vài chục chiếc ghế ăn đến từ Facebook cá nhân của anh. Nhờ sản phẩm chất lượng cao, giá thành hợp lý, xưởng gỗ ngày càng đông khách từ ba miền Bắc, Trung, Nam. Trung bình mỗi tháng, anh Thế có khoảng 20 đơn hàng của khách buôn, đem về doanh thu gần 20 tỷ đồng/năm.

Ứng dụng công nghệ vào sản xuất

Quá trình hoàn thiện một sản phẩm cần nhiều công đoạn mộc như pha, cắt, bào, chàng đục... Sau công đoạn mộc mới chạm khắc gỗ và khảm trai, ốc. Đây là công đoạn khó, để thể hiện những nét tinh tế, uyển chuyển làm nổi bật những hình khối, dáng vẻ, nét trang trí hoa văn tạo nên vẻ đẹp hoàn mỹ sống động và gần gũi với đời thường. Tùy theo mặt hàng, đơn đặt và hợp đồng của khách mà người thợ Đỗ Xá chọn gỗ cho phù hợp như trắc, gụ, mun, lim... Điều đặc biệt, người thợ luôn quan tâm đến tiêu chuẩn hàng đầu là gỗ không cong vênh, rạn, nứt, thớ gỗ phải dẻo, mịn mới dễ chạm và đánh bóng đẹp.

“Muốn có một sản phẩm đẹp, người thợ phải đảm bảo các yếu tố như gỗ đảm bảo khô, thợ đục tinh xảo, khâu hoàn thiện sản phẩm kĩ lưỡng”, anh Thế cho biết thêm.

Để đáp ứng nhu cầu của đông đảo khách hàng, anh Thế đã mở thêm hai cơ sở sản xuất mới, đầu tư 1,5 tỷ đồng xây dựng xưởng và công nghệ sản xuất. Những công nghệ này giúp quá trình sản xuất nhanh hơn và tiết kiệm được nhân công. Ví như chiếc máy đục công nghệ CNC 12 đầu, Thế mua với giá 300 triệu đồng, năng suất bằng 5 người thợ. Máy được điều khiển tự động bằng máy tính. Các bộ phận trong máy tự động lập trình để hoạt động theo một chuỗi thông tin mà người dùng thiết lập, tạo ra được sản phẩm có hình dạng và kích thước theo yêu cầu. Ở công đoạn điêu khắc, người dùng chỉ cần vẽ mẫu, lập trình, máy tính sẽ điều khiển tự động máy khắc vào gỗ những hoa văn đẹp mắt, đúng như bản vẽ.

Sau một thời gian kinh doanh, anh Thế đúc kết, muốn bán được sản phẩm, có được lượng khách hàng thân thiết thì phải làm tốt, chất lượng ngay từ đầu. Dần dần, khi đã tạo dựng được thương hiệu, khách hàng tin tưởng thì bạn sẽ không sợ thiếu việc làm.

“Hiện tôi rất muốn xuất khẩu hàng ra nước ngoài nhưng không có kiến thức, không nắm được những tiêu chuẩn nhập khẩu của họ. Vì vậy, trong thời gian tới, tôi mong, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể tổ chức các hội thảo, khóa đào tạo, giới thiệu về quy trình xuất khẩu hàng hóa để những thanh niên nông thôn như chúng tôi được biết. Ngoài ra, tôi kiến nghị các ngân hàng chính sách tạo điều kiện thuận lợi hơn về vay vốn. Hiện chúng tôi không biết làm thế nào để tiếp cận được nguồn vốn vay lãi suất thấp”, anh Thế đề xuất.

Trí Nhân

Theo Tuổi trẻ thủ đô

Bạn đang đọc bài viết Dự án: “Hâm nóng” tinh thần khởi nghiệp cho thanh niên nông thôn: Thu hàng tỷ đồng mỗi năm từ nghề gỗ khảm trai tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Cùng chuyên mục
Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ năm , 10/01/2019, 15:08
Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ ba , 05/03/2019, 00:00
Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ năm , 14/03/2019, 15:00
Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ năm , 14/03/2019, 15:00
Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ ba , 19/03/2019, 10:12
Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ ba , 19/03/2019, 01:59
Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ ba , 19/03/2019, 02:32
Lên đầu trang