Kiến thức - Kỹ năng
Chủ nhật , 07/08/2022, 00:00

Hãy ngừng phá hoại năng lực đổi mới của bạn (Phần 1)

.

Năm 1974, một kỹ sư trẻ của Kodak tên là Steven Sasson được giao một nhiệm vụ khá thú vị:
tìm xem liệu có một phát minh mới nào có ứng dụng thực tế có khả năng biến ánh sáng thành dữ liệu hay không. Ông đã chế tạo một thiết bị có thể chụp và hiển thị các bức ảnh kỹ thuật số trên màn hình và háo hức trình bày nó với các ông chủ của mình. Nhưng ông đã mắc một sai lầm chiến thuật, đó là gọi công nghệ mới là “chụp ảnh không cần phim”. Cách gọi này gây xung đột với chính đồng nghiệp của ông, những giám đốc điều hành có nghề nghiệp phụ thuộc vào việc bán và xử lý phim. Hệ quả là, thay vì giành được lợi thế trên thị trường tiêu dùng, Kodak chỉ có thể đứng vững trong gần hai thập kỷ.

Tại sao Sasson lại có thể gây ra một sơ sót như vậy? Ông đã bị cuốn đi bởi lòng nhiệt tình dành cho phát minh của mình. Sau này, ông cho biết, "Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng tôi đã mâu thuẫn với sứ mệnh cơ bản của công ty trong 100 năm qua."

Những nhà đổi mới như Sasson có thể là kẻ thù tồi tệ nhất của chính họ, bị chệch hướng bởi những đặc điểm cá nhân, chẳng hạn như sự tự tin và lạc quan, vốn là những điều cần thiết cho sự sáng tạo nhưng có thể độc hại khi bị coi là cực đoan và bởi những cảm xúc như sợ hãi, nghi ngờ, hối hận và thất vọng, vốn mang tính điển hình khi thử một cái gì đó mới nhưng rất dễ bị đình chỉ hoặc phá hủy nỗ lực.

Sau khi phỏng vấn và nghiên cứu hàng trăm nhà đổi mới thành công và không thành công, các tác giả của bài phân tích này nhận thấy rằng nhiều người xem nhẹ và do đó phải vật lộn để xoay xở với những rào cản tâm lý như vậy. Và mặc dù có rất nhiều lời khuyên thiết thực về cách đổi mới sáng tạo, từ tư duy thiết kế đến các phương pháp khởi nghiệp tinh gọn và chạy nước rút, nhưng rất khó tìm thấy hướng dẫn chuyên sâu về cách chinh phục những thách thức tinh thần liên quan. Sau đây là những trở ngại mà một số doanh nhân nổi tiếng thường gặp phải.

Nỗi sợ hãi khi khởi nghiệp

Nỗi sợ hãi có thể ập đến bất cứ lúc nào, nhưng nó đặc biệt trở nên rõ rệt khi bạn nghĩ về cách vượt qua ngưỡng từ suy nghĩ đến hành động. Theo đuổi ý tưởng của bạn gần như chắc chắn có rủi ro – rủi ro đối với tiền tiết kiệm, danh tiếng, sự nghiệp của bạn.

Jeff Bezos nói với người quản lý tại quỹ đầu cơ D.E. Shaw về khái niệm bán sách trực tuyến của mình và nhận được câu trả lời “Tôi cho rằng đây sẽ là một ý tưởng phù hợp hơn cho những người chưa có việc làm tốt”. Đối với Bezos, nhận xét đó đã đưa ra một tình huống khó xử: Liệu ông có nên gây phương hại cho hoàn cảnh thoải mái, địa vị và sự an toàn hiện tại của mình vì viễn cảnh bất ổn về thu nhập trong tương lai? Khi đối mặt với những ngờ vực tương tự, các chiến thuật sau đây có thể hữu ích.

Tham khảo tương lai của chính bạn Mọi người luôn cố gắng tránh những lựa chọn rủi ro bằng cách phóng đại những hậu quả tiêu cực có thể xảy ra sau đó. Một lăng kính phóng đại mạnh đặc biệt được gọi là sự hối tiếc tương lai: Chúng ta tưởng tượng rằng chúng ta sẽ tự buộc tội bản thân mình như thế nào nếu dự án của chúng ta trở nên dở tệ. Mong muốn tránh cảm giác đó sẽ khuyến khích chủ nghĩa bảo thủ - nhưng bạn có thể chống lại nó. Thay vì tập trung vào nỗi đau do nỗ lực thất bại, hãy tưởng tượng bạn sẽ cảm thấy như thế nào trong nhiều năm sau nếu bạn chỉ sống một cách an toàn và gác lại ước mơ của mình.

Bezos đã vật lộn trong nhiều ngày trước khi tìm Ông hình dung mình như một ông già đang suy ngẫm lại về cuộc đời mình. "Tôi có hối hận khi rời công ty này không?" ông tự hỏi mình. “Tôi nghĩ, khi tôi 80 tuổi, tôi sẽ không nghĩ về điều đó; Tôi thậm chí sẽ không nhớ nó. Nhưng… thực tế là tôi biết, tôi đã có ý tưởng này, và nếu tôi không thử, tôi sẽ hối hận.

Ngay khi tôi nghĩ về nó theo cách đó, tôi biết mình phải thử”. Bằng cách tự dự đoán về tương lai, Bezos đã cảm nhận được sự hối tiếc hiện sinh đến từ những lựa chọn đi ngược lại với niềm tin hoặc nhu cầu phát triển.

Hãy để nỗi sợ hãi là một người thầy

Ngoài nỗi sợ về những gì phải từ bỏ, bạn cũng có thể lo lắng về khả năng thành công. Bạn có thể đặt câu hỏi về khả năng tồn tại của ý tưởng, khả năng phát triển nó, hoặc khả năng thâm nhập vào một thị trường lâu đời hoặc ảnh hưởng đến một ngành công nghiệp trưởng thành. Những nỗi sợ hãi như vậy có thể kết tinh thành dự báo rồi có thể đưa bạn đến bế tắc. Một chiến thuật phổ biến để quản lý những nỗi sợ này là trấn áp chúng và tiếp tục một cách bất chấp. Nhưng nghiên cứu cho thấy rằng khi làm như vậy, bạn cũng có thể bỏ lỡ những điểm mốc quan trọng. Nỗi sợ hãi không chỉ là một sức mạnh mang tính ức chế; nó có thể là một người thầy mạnh mẽ, báo hiệu rằng bạn đang không được trang bị đầy đủ hoặc thiếu thông tin. Vì vậy, xác định chính xác nguồn gốc nỗi lo lắng là rất quan trọng để giải quyết nó.
Khi Bezos quyết định theo đuổi dự án kinh doanh của mình, ông đã bị cản trở bởi những nỗi lo sợ thất bại. Ông nói với bố mẹ rằng có tới 70% khả năng họ sẽ không lấy lại được khoản đầu tư hạt giống. Ông tự tin vào tính hợp lý của ý tưởng của mình, đã phân tích kỹ lưỡng bối cảnh và xác định rằng sách là sản phẩm khả thi nhất để bán trực tuyến, nhưng ông không chắc có đủ kiến thức để thực hiện thành công ý tưởng này. Ông nhận ra rằng ông chỉ có thể làm tăng cơ hội thành công của mình bằng cách đảm bảo có thể tiếp cận tới nguồn nhân lực công nghệ giỏi và nguồn sách phong phú, vì vậy ông chuyển đến Seattle - quê hương của Microsoft và chỉ cách nhà phân phối sách lớn nhất của Mỹ vài giờ lái xe. Nỗi sợ hãi đã khiến ông phải tìm và giải quyết những thách thức chính về kỹ thuật và logistic.

Ngược lại, Bill Gates rất tự tin vào khả năng thực hiện ý tưởng mà sau này sẽ trở thành Microsoft, nhưng ông phải vượt qua hai đặc điểm mang tính cá nhân: tính hướng nội và ngoại hình quá trẻ. Vì vậy, khi ông giới thiệu phần mềm (chưa được viết ra) của mình cho các nhà sản xuất máy tính bộ Altair – bằng cách gọi điện từ ký túc xá Harvard của mình – ông phải giả mạo là Paul Allen, bạn hợp tác không chính thức và hơn ông hai tuổi. Gates biết rằng nếu khách hàng tỏ ra quan tâm thì Allen với vẻ ngoài chững chạc hơn sẽ tham gia cuộc họp. Nhiều năm sau này, Allen nói với Harvard Gazette, "Tôi đã để râu và ít nhất trông giống một người trưởng thành, trong khi Bill vẫn có thể đậu vào năm hai đại học." Mặc dù Gates và Allen sau này chia tay, nhưng Gates cho biết sự hợp tác của họ là quyết định kinh doanh tốt nhất mà ông từng đưa ra.

Khi bạn xác định được nguồn gốc nỗi sợ hãi của mình, bạn có thể tìm kiếm thông tin hoặc đối tác để bù đắp cho những thiếu sót về năng lực hay uy tín hoặc cả hai của mình.
Nỗi thất vọng sau những thất bại

Có thể bạn đã nghe những câu ngạn ngữ về việc học hỏi từ thất bại. Nhưng, như giáo sư Dean Shepherd, Đại học Indiana đã nhấn mạnh, quá trình này không tự diễn ra: Nó đòi hỏi nỗ lực và kỷ luật có ý thức. Các bước sau đây có thể giúp ích cho bạn.

Hãy mổ xẻ thất bại của bạn

Rắc rối với thất bại, ngoài điều hiển nhiên, là nó tạo ra những cảm xúc tiêu cực làm cản trở việc học hỏi như: chối bỏ, tức giận, tuyệt vọng và tự trách bản thân. Những người đổi mới sáng tạo đặc biệt dễ có những cảm giác đó bởi vì họ rất gắn bó với các dự án của mình. Để tránh cạm bẫy này, hãy bắt đầu bằng cách mổ xẻ thất bại của bạn. Chính xác thì điều gì đã sai, và tại sao? Những điểm nào sai? Những điều nào đúng?

Năm 2000, Jimmy Wales đã rất thất vọng về tốc độ tiến bộ chậm như ốc sên của liên doanh bách khoa toàn thư trực tuyến đầu tiên của ông, Nupedia. Ông và tổng biên tập của mình, Larry Sanger, cho rằng bách khoa toàn thư này “cần phải có tính học thuật cao, nếu không mọi người sẽ không tin tưởng nó”. Các mục đã thực sự tương đương chất lượng với các ấn phẩm học thuật - nhưng tốc độ sản xuất thì không. Wales cho biết: “Tôi đã chi khoảng 250.000 USD để có được 12 bài báo đầu tiên.

Cuối cùng, ông quyết định điều tra vấn đề bằng cách tự viết và đăng. Ông nhận ra rằng hệ thống bình duyệt (peer review) cực kỳ cồng kềnh đối với những người đóng góp, những người vốn không được trả lương. Vào thời điểm đó, Wales hiểu rằng kế hoạch ban đầu của ông sẽ không thành công. Đó là bước đầu tiên để đối mặt với sự thất vọng và tìm ra con đường phía trước của ông.

Đối mặt trực tiếp với nỗi đau của bạn Là một nhà đổi mới, bạn sẽ gặp phải những lần thất vọng cùng cực, những lần xoay chiều hoặc bị từ chối như những mối đe dọa đối với ước mơ và bản ngã của bạn. Để đối phó với những tổn thất sâu sắc đó, George Kohlrieser, nhà nghiên cứu ở IMD, đề xuất một quy trình ba bước dựa trên nghiên cứu với hàng nghìn giám đốc điều hành. Trước tiên, bạn phải nhận thức nỗi đau một cách có ý thức - đặt tên cho cảm giác của bạn và thảo luận về điều đó với gia đình, bạn bè và những người khác để hiểu về cảm giác đó. Điều này sẽ giúp bạn thực hiện hai bước tiếp theo: chấp nhận và sau đó buông bỏ mất mát, và hành động theo một hướng mới.

Ngay sau trải nghiệm với Nupedia giúp mở mang tầm mắt, Wales và Sanger đã tạo ra một trang web bách khoa toàn thư riêng được hỗ trợ bởi phần mềm wiki - công nghệ cho phép nhiều người làm việc tương tác trên các bản nháp. Chỉ trong hai tuần, 600 mục đã được hình thành. “Nếu tôi cứ khư khư với cái tôi của mình với bản thiết kế ban đầu… thì tôi đã dừng lại,” Wales nói. Nhưng vì ông đã gần như bỏ việc để gác lại Nupedia, nên ông đã có thể bắt đầu một khởi đầu mới. Và thế là Wikipedia ra đời.

Tái định khung Từ chối

Khi James Dyson, người phát minh ra chiếc máy hút bụi mang tên mình, giới thiệu sản phẩm của mình với các thương hiệu hút bụi hàng đầu, ông đã kỳ vọng họ sẽ chớp lấy cơ hội cấp phép cho chiếc máy hút bụi không túi đầu tiên này. Nhưng ông chỉ nhận được phản ứng lạnh lùng giống như Sasson đã nhận được từ các ông chủ Kodak, và cũng vì một lý do tương tự: Công nghệ mới được coi là mối đe dọa đối với mô hình kinh doanh của công ty, theo đó khách hàng trả tiền mua máy một lần và phải mua mua túi thường xuyên. Dyson đã tái định khung lại những lời từ chối, tập trung vào những điều mà các công ty không nói: Họ chẳng đưa được ra lý do thuyết phục nào để từ chối ông. Ông nhớ lại “Nếu họ đưa ra cho tôi một lý do thực sự chính đáng, thì có lẽ tôi đã rất lo lắng”.

Cuối cùng, Dyson đã chuyển giao thiết kế của mình cho một công ty Nhật Bản không có lịch sử kinh doanh về máy hút bụi và do đó không có lý do gì để bảo vệ việc bán túi. Công ty này đã tiếp thị chiếc máy hút bụi như một thiết bị tương lai cho người tiêu dùng thượng lưu độc quyền ở Nhật Bản, dưới nhãn G-Force. Tiền bản quyền từ thành công đó đã giúp Dyson sản xuất một sản phẩm chủ đạo dưới tên của chính mình.

Thất bại có thể tạo cơ hội để lật ngược tình thế. Nhưng nếu bạn cứ mãi mắc kẹt trong nỗi đau của mình thì bạn có thể sẽ bỏ lỡ cơ hội.

Cục Thông tin KH&CN Quốc gia – Bộ KH &CN
Theo Bản tin “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, Số 26.2022

Bạn đang đọc bài viết Dự án: Hãy ngừng phá hoại năng lực đổi mới của bạn (Phần 1) tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Cùng chuyên mục
Kiến thức - Kỹ năng
Thứ năm , 26/03/2020, 00:00
Kiến thức - Kỹ năng
Thứ năm , 26/03/2020, 00:00
Kiến thức - Kỹ năng
Thứ năm , 26/03/2020, 14:53
Kiến thức - Kỹ năng
Thứ năm , 26/03/2020, 15:52
Kiến thức - Kỹ năng
Thứ năm , 26/03/2020, 00:00
Kiến thức - Kỹ năng
Thứ năm , 26/03/2020, 16:01
Kiến thức - Kỹ năng
Thứ năm , 26/03/2020, 16:12
Lên đầu trang