Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ tư , 12/06/2019, 08:48

Khởi nghiệp thất bại: Trò hề tỷ đô

.

Từ đường cao tốc quanh co nối liền Thung lũng Silicon với San Francisco, biểu tượng Mode Media khổng lồ bao trùm trụ sở chính của công ty là hình ảnh khó bỏ qua, đập vào mắt các tài xế đến mức hầu như ai cũng biết đến câu chuyện thành công của công ty được định giá trên tỷ đô này. Nhưng tháng 9/2016, trên tầng 11 của tòa nhà lấp lánh, tâm trạng của nhân viên thật chua chát.

Mọi người tập trung tại văn phòng và đột nhiên biết rằng mình không còn việc làm, không còn bảo hiểm và không còn quyền truy cập vào hệ thống email của công ty. Mode Media, được thành lập vào năm 2003, từng được gọi là Glam Media, đã ngừng hoạt động. 

Sự kết thúc của Mode, đã huy động được khoảng 225 triệu USD tài trợ, đang chuẩn bị IPO va từng là nền tảng video lớn thứ 7 ở Mỹ, là một trong những quả bom lớn nhất của thời đại bùng nổ công nghệ, và là một lời nhắc nhở về việc thời gian tốt đẹp có thể kết thúc nhanh chóng như thế nào.

Theo hơn một chục người được Business Insider phỏng vấn, câu chuyện về sự sụp đổ của Mode không gì khác ngoài câu chuyện đấu tranh lâu dài chống lại thị trường đang thay đổi và những đấu đá cay đắng giữa nhà sáng lập hào nhoáng với những nhà đầu tư ngày càng cảnh giác. 

Hubert Burda Media, công ty Đức đã rót  45 triệu USD vào Mode, có ảnh hưởng rất lớn trong việc thuyết phục hội đồng quản trị đóng cửa công ty. Tuy nhiên, trong những tháng trước thời điểm đó, những câu hỏi về chi tiêu dường như không phù hợp của Samir Arora, đồng sáng lập và CEO lâu năm của Mode, đã khiến toàn công ty lo lắng, trong khi việc sa thải và thay đổi quản lý khiến tổ chức rơi vào tình trạng hỗn loạn. 

Lối sống xa hoa

 

Samir Arora, đồng sáng lập và từng là CEO của Mode Media.

Arora bắt đầu gây dựng công ty vào năm 2003 với hồ sơ đầy thành tích. Doanh nhân gốc Ấn Độ này đã làm việc trong Apple vào đầu những năm 1990 và thành lập NetObjects trong thời kỳ bùng nổ dotcom đầu tiên, tạo ra công ty phát triển web mà IBM mua lại với giá 150 triệu USD. 

Ý tưởng đằng sau Mode Media, mà tên thuở đầu là Glam, là tạo ra trung tâm trực tuyến cho nội dung biên tập do các blogger tự do sản xuất với chi phí tối thiểu. Nội dung của Glam là nhắm vào phụ nữ. Và Glam đã kết hợp nội dung với mạng phục vụ quảng cáo cho phép công ty tiếp cận phạm vi lớn, tự tin có thể cạnh tranh với DoubleClick trong ngành công nghệ phục vụ quảng cáo. Năm 2015, công ty tuyên bố có hơn 400 triệu người dùng hàng tháng trên toàn thế giới.

Nhưng khi thị trường chuyển sang phục vụ quảng cáo theo chương trình, trong đó quảng cáo trực tuyến được mua và bán trên các sàn giao dịch tự động, hoạt động của Mode bắt đầu bị ảnh hưởng.

Vì vậy, Mode bắt đầu cố gắng tự sáng tạo lại thành công ty tự tạo ra nội dung “quảng cáo”, đặc biệt là video và native ad (quảng cáo tự nhiên, được định nghĩa là một chiến lược quảng cáo cho phép các công ty quảng bá nội dung của họ dựa trên trải nghiệm đặc thù của một website hay một ứng dụng). Và Arora đã dẫn đầu, với các sáng kiến ​​đắt tiền bao gồm ra mắt một ấn bản in hướng dẫn về nhà hàng và video có các đầu bếp nổi tiếng.

Ảnh: Vox

Doanh thu của Mode đã đạt khoảng 100 triệu USD hàng năm vào năm 2015. Nhưng tăng trưởng đã dừng từ lúc ấy và công ty mất khoảng 10 triệu USD mỗi năm.

Tất cả các nhân viên cũ nói chuyện với Business Insider đã mô tả Arora đặc sệt tính cách của một người bán hàng. Anh có thể quyến rũ cả một căn phòng và khiến bãn tin vào bất cứ tầm nhìn nào của anh ấy. Một điểm ấn tượng nữa là sở thích những bộ đồ lạ mắt và lối sống xa hoa cũng như tin đồn về cách anh phung phí tài sản của công ty.

Khi Arora và Burda Media bắt đầu mâu thuẫn về định hướng của công ty vào năm 2015, lối sống xa hoa của Arora đã trở thành tâm điểm. Thành viên hội đồng quản trị của Mode, dưới sự thúc giục của Burda, đã bắt đầu kiểm toán các chi phí mà Arora ghi dưới danh nghĩa công ty, bao gồm cả những ngôi nhà do công ty bỏ tiền ra. Một cựu giám đốc đã nói: “Bất kỳ người nào cũng có thể nhận ra điều này là không hợp lý. Những căn nhà ở Hamptons và LA, tôi không thấy anh sử dụng cho mục đích kinh doanh. Điều đó là không chấp nhận được.” 

Cuộc kiểm toán cuối cùng đã xóa tội cho Arora, nhưng bầu không khí ngờ vực bao trùm công ty và bùng nổ cuộc đấu tranh quyền lực giữa Arora và Burda. 

Mặc dù về mặt kỹ thuật, Burda Media là nhà đầu tư thiểu số không kiểm soát công ty, họ vẫn có đủ ảnh hưởng đến hội đồng quản trị. Tháng 4/2016, Arora bị ban giám đốc sa thải khỏi vị trí CEO – một động thái được cho là có sự thúc đẩy của Burda. 

Marc Andreessen, người tiên phong tạo ra trình duyệt web và gia nhập hội đồng quản trị Mode năm 2011 sau khi bán mạng xã hội Ning cho công ty, cũng ra đi vào tháng 3/2016 và không đưa ra bất cứ bình luận nào.

CEO mới

Jack Rotolo, một giám đốc lâu năm ở Mode, được đưa lên thay thế Arora vào tháng 4/2018. Anh có được sự ủng hộ của Burda, nhưng điều đó không làm cho công việc của anh dễ dàng hơn. 

 

Một cựu giám đốc nhận xét: “Jack bị đưa vào vị trí thực sự khó khăn.” Mỗi khi có dự án nào là lại phát hiện ra một vấn đề khác liên quan đến tài chính và tương lai. Nhưng quan trọng là “không ai tin vào khả năng lãnh đạo của Jack”. Anh ta ngồi chiếc ghế không hợp với mình. 

Làn sóng sa thải diễn ra vào tháng 6/2018, với 30 người mất việc khi ấy và gây ra nhiều xáo trộn. Hầu như không ai được báo trước, mà chỉ được gọi vào phòng nhân sự và thậm chí CEO không có mặt. 

Mặc dù có hoạt động sa thải, nhưng không ai trong ban lãnh đạo đưa ra ý kiến hoài nghi về tương lai của công ty. Thay vào đó, họ chỉ rút lại kế hoạch IPO đã được chuẩn bị từ năm 2013. Một số chỉ giải thích là do thị trường IPO khó khăn, hoặc chi phí cho việc này cần đổ vào chỗ khác cần thiết hơn. Còn một cựu giám đốc lại tiết lộ rằng: IPO thực chất chỉ là nỗ lực của Arora nhằm thu hút sự chú ý cho công ty, vốn chưa sẵn sàng lên sàn. 

Đột nhiên, vào tuần thứ ba của tháng 9/2016, tất cả sụp đổ.

Chuyện gì đã xảy ra?

Theo một cựu giám đốc tiết lộ, hầu hết mọi người đều cho rằng có sai lầm trong quản lý tài chính.

Ảnh: WSJ

Nhưng lời giải thích đơn giản nhất trong mắt nhiều người là Burda đã mất niềm tin. Công ty từ chối đầu tư thêm tiền vào Mode và cuối cùng dàn xếp vụ đóng cửa.

Burda cho biết trong một tuyên bố rằng Mode đã ngừng hoạt động “do thiếu triển vọng kinh tế” và “những thay đổi mạnh mẽ” trong thị trường quảng cáo ở Mỹ khiến cho việc tìm nhà đầu tư mới là “không thể”. 

Burda cho biết Mode đã tìm kiếm các nhà đầu tư mới kể từ mùa thu năm 2015 với sự giúp đỡ của Goldman Sachs. Tuy nhiên, yêu cầu thêm vốn không được thỏa mãn. Do đó, Mode đã đệ đơn xin phá sản vào tháng 9/2016. 

Email điên cuồng

Quyết định tắt máy dường như đã xảy ra mà hầu như không có thông báo - ngay cả đối với quản lý cấp cao.

Một ngày sau thông báo đóng cửa, một quản lý văn phòng nước ngoài của Mode mô tả đã nhận được lượng email “điên cuồng” yêu cầu chuyển ngay lập tức tất cả tiền và tài sản về Mỹ.

“Đó là trải nghiệm phi đạo đức, phi chuyên nghiệp nhất có thể tưởng tượng được. Đó là một thảm họa phi đạo đức. Không ai có thể tin được”, một giám đốc khác bình luận về chuyện đóng cửa này.

Các blogger dựa vào mạng quảng cáo của Mode nhanh chóng phàn nàn trên Twitter rằng họ không thể truy cập bảng điều khiển trong khi chưa nhận được tiền thanh toán cho nội dung thu  hút mà họ đã đăng tải. Rõ ràng, một cách mà công ty đã cắt giảm chi phí là không trả tiền cho các blogger. 

Làm thế nào một công ty huy động được hơn 200 triệu USD đột nhiên phá sản? Có thể trong những năm hoạt động của Mode, công ty đã đốt nhiều hơn con số 10 triệu USD đã mất trong năm 2015. Hoặc 100 triệu USD doanh thu mà Mode tạo ra đã giảm nghiêm trọng trong năm 2016 trong bối cảnh thị trường quảng cáo thay đổi. Số lượng các chủ nợ khổng lồ - không chỉ các nhà đầu tư mà cả người dùng - có thể là câu trả lời cho tình hình tài chính của công ty. 

Angelica Malin, blogger điều hành tạp chí About Time, nói rằng tài khoản Mode của cô, nơi cô có thể theo dõi những thứ như doanh thu, nhẹ nhàng chế giễu bằng thông báo “Thử lại sau 5 phút nữa” bất cứ lúc nào cô cố gắng truy cập.

Cô không hy vọng lấy lại được tiền. Cô cũng không định thuê luật sư, bởi điều đó sẽ tốn kém hơn cả thứ cô nhận được.

Theo songmoi.vn

Bạn đang đọc bài viết Dự án: Khởi nghiệp thất bại: Trò hề tỷ đô tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Cùng chuyên mục
Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ năm , 10/01/2019, 15:08
Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ ba , 05/03/2019, 00:00
Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ năm , 14/03/2019, 15:00
Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ năm , 14/03/2019, 15:00
Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ ba , 19/03/2019, 10:12
Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ ba , 19/03/2019, 01:59
Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ ba , 19/03/2019, 02:32
Lên đầu trang