Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ năm , 04/03/2021, 08:00

Khởi nghiệp bằng tư duy mới mẻ, sáng tạo

.

(VLO) Nhóm bạn trẻ mang tinh thần khởi nghiệp mới mẻ, sáng tạo và muốn truyền cảm hứng khởi nghiệp đến cộng đồng. Có kiến thức, tri thức, kỹ năng và cả tình yêu, niềm đam mê đưa sản phẩm địa phương đi con đường dài hơn, xa hơn ông bà mình ngày xưa. Tuy nhiên, họ là những người hành động và khiêm tốn nên không muốn “nói về mình” khi mọi thứ chỉ mới bắt đầu.

Nhưng tinh thần khởi nghiệp chúng ta cần mạnh dạn cùng nhau sẻ chia và kết nối. Nhóm khởi nghiệp 3 người: Nguyễn Hoàng Khang, Phan Thị Ánh Thi (Vũng Liêm- Vĩnh Long) và Hồ Nguyễn Thanh Huy (Kiên Giang). Câu chuyện đưa tôi về với vùng xoài cát núm Vũng Liêm.

Tình yêu với đặc sản quê mình

Người miền Tây có thể ngồi kể tên hàng chục loại xoài đã từng cắm rễ trên vùng đất này, từng để lại những “dấu răng tuổi thơ” trên những trái xoài xanh đến những trái xoài chín vàng ươm.

Nhưng giờ còn lại trong “bảng xếp hạng” xoài ngon đồng bằng đại khái chỉ còn tốp 3 đáng kể: xoài cát Hòa Lộc (Tiền Giang), xoài cát chu (Đồng Tháp) và xoài cát núm (Vũng Liêm- Vĩnh Long).

Có nhiều tiếc nuối khi hoài niệm về những gốc xoài tượng trùm cả sân nhà, trái xoài hòn ngọt vừa, trái xoài thanh ca chua thấu trời nhưng chín ngọt thanh thao, trái xoài cóc nhỏ xíu ăn với muối hột nhớ đời… Nhưng đó là quá trình sàng lọc của sự phát triển đổi thay kinh tế- xã hội.

Niềm tự hào về đặc sản quê nhà, hình như không đủ “lực” để trái xoài cát núm quê mình có vị trí xứng đáng trên thị trường và ngay ở góc chợ quê.

Mấy chị cứ rao hàng toàn xoài Thái, xoài Đài, còn cát núm thì nằm… khuất khuất đâu đó. Tỉnh Vĩnh Long cùng nông dân trồng xoài Vũng Liêm, mấy năm qua tâm huyết đưa trái xoài cát núm có vị trí xứng đáng, có những người trẻ cũng đang âm thầm góp vào hành trình tạo dựng thương hiệu cho đặc sản quê mình, cũng là điều đáng mừng trong những điệp khúc “xoài rớt giá”.

Ngay trong tháng Giêng mùa thu hoạch chính, những nông dân đang cân xoài cát núm cho thương lái mà không mấy hào hứng. Gặp lúc ông Nguyễn Văn Kiệt- Trưởng ấp Trường Định (xã Quới An- Vũng Liêm), vừa giao xong 3 tấn xoài với giá có 10.000 đ/kg.

Nếu so với giá trung bình khoảng 20.000 đ/kg, coi như cân 3 tấn xoài chủ vườn đã “hao hụt” 30 triệu đồng. Trong khi một số người “rửa cây”, làm phân thuốc để thu hoạch thêm vụ thứ 2 trong năm, thì ông Nguyễn Văn Kiệt chỉ làm 1 vụ để dưỡng cây.

Trồng xoài theo lối truyền thống ươm từ hạt, thu hoạch theo mùa tự nhiên, giữ tuổi thọ cây lâu bền và phẩm chất trái không bị suy giảm.

Theo anh Từ Tâm Xuyên- cán bộ xã Quới An, xã có 1.527ha đất nông nghiệp, lúa chiếm 383ha, còn lại là rau màu và cây ăn trái; trong đó, xoài cát núm chiếm 200ha, đạt chuẩn VietGAP 50,8ha và GlobalGAP là 20,5ha.

Nhiều nông dân gắn bó với cây xoài trên dưới 20 năm có nhiều kinh nghiệm, cùng với sự hỗ trợ đặc biệt của Sở Nông nghiệp- PTNT, cây xoài cát núm là nguồn kinh tế ổn định của nông dân trong nhiều năm qua.

Khi có công ty hợp đồng bao tiêu sản phẩm giá 30.000 đ/kg, xã đã thành lập hẳn đội làm công bao trái xoài, với giá 5.000 đ/kg; tuy nhiên, do dịch COVID-19, nên việc hợp tác bị ngừng trệ vì trái xoài không thể xuất khẩu được.

Do đó, giá xoài xuống thấp khi chỉ còn tiêu thụ thị trường nội địa, mà chủ yếu được thương lái thu mua về thị trường tỉnh Bạc Liêu là chính.

Vùng xoài ở xã Quới Thiện thì “vẫn ổn” khi bà con ở đây canh tác đa dạng hơn có đủ 3 loại xoài cát Hòa Lộc, xoài cát chu và xoài cát núm.

Đặc biệt, nguồn thu từ cây cau kiểng vàng trồng dưới tán xoài là rất đáng kể. Có hơn 20 năm gắn bó với cây xoài, ông Lê Văn Diễn cho biết, những năm gần đây thương lái tiêu thụ mạnh cây cau kiểng vàng, nên nhiều lúc nguồn thu nhập phụ này lại “ngon ăn” hơn cả tiền bán xoài như thời điểm này. Với 300 đồng/nhánh lá cau, thì có thể thu nhập từ 100- 120 triệu đồng/năm/ha.

Khởi nghiệp cần sự mới mẻ và sáng tạo

Mứt xoài cát núm- một sản phẩm chứa đựng nhiều tâm huyết, tình yêu đối với đặc sản quê hương. Ảnh: Ngọc Trảng.

Vùng xoài cát núm Vũng Liêm đang xây dựng thương hiệu tập thể, nhưng ngoài việc bán trái nguyên liệu thì có thể mở thêm con đường nữa để tăng thêm giá trị thương phẩm cho một đặc sản của địa phương.

Trong khi, xoài cát núm với nhiều ưu điểm vượt trội cần mở rộng thị trường xuất khẩu, chúng ta mở thêm hướng đi chế biến thực phẩm để tránh những rủi ro do bị động về mùa vụ và thị trường.

Những người trẻ ở Vũng Liêm đang “ủ mưu” với cây xoài cát núm từ mấy năm qua, nhưng họ “chưa muốn nói về mình” vì cho rằng câu chuyện còn đang ở phía trước.

Tuy nhiên, tư duy trẻ và góc nhìn hiện đại, những việc làm thầm lặng và những tâm tình, tâm huyết của họ, cho tôi niềm tin về câu chuyện khởi nghiệp với xoài cát núm Vũng Liêm.

Du học ở Canada chuyên ngành về nông nghiệp hữu cơ, hiện đang công tác ở Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Vũng Liêm, bạn Nguyễn Hoàng Khang dành nhiều tâm huyết, nhiệt huyết với công tác chuyên môn.

Đồng thời, những chuyến đi kết nối vừa giao lưu học hỏi từ nhiều mô hình nông nghiệp ở các tỉnh đồng bằng, là việc hình thành nhóm bạn cùng chung ý chí, tinh thần khởi nghiệp.

Không chỉ là câu chuyện kinh tế, chuyện làm giàu riêng tư, mà là họ cùng muốn truyền cảm hứng khởi nghiệp đến cộng đồng với tư duy mới, góc nhìn mới.

Dự án “Phát triển sản phẩm sữa chua gạo tím thảo dược” của Phan Thị Ánh Thi, Hồ Nguyễn Thanh Huy, Nguyễn Hoàng Khang thực hiện đạt giải khuyến khích tại cuộc thi Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Tháp năm 2020, chỉ là một trong nhiều tâm huyết dành cho nông nghiệp, nông dân và những đặc sản quê mình.

Là “người quen” trong nhóm Nông nghiệp hữu cơ ĐBSCL, Khang cũng là “linh hồn” của nhóm, cũng nhiều lần được nghe những lời gan ruột của người trẻ dễ mến và năng động này.

Khởi nghiệp cần có kỹ năng, kiến thức, nhạy bén nắm bắt thị trường… nhưng để đi trên con đường dài lâu, cần có sự thấu hiểu tường tận, một tình yêu thật sự trong sâu thẳm trái tim mình dành cho sản vật quê nhà, đó chính là cái chiều sâu văn hóa trong sản phẩm khởi nghiệp. Đó là thứ đặc sản không thể cạnh tranh.

Có một câu nói của Hoàng Khang như một slogan của nhóm dành cho xoài cát núm: “Chuyện tình giữa bánh mì và mứt... A forever love story”.

Đó chính là “chuyện tình” họ đã âm thầm thực hiện trong 2 năm qua cùng với tâm thế “chịu chơi” của tuổi miền Tây: “Có duyên với trái xoài cát núm đã 2 năm nên làm sao cho nên cơm, nên cháo luôn”.

Sản phẩm mứt chế biến từ xoài cát núm đang trong quá trình thử nghiệm và trải nghiệm, thông qua một đơn vị nghiên cứu khoa học, thực hiện bài bản.

Nhiều người đã nghĩ về một giấc mơ có thật trong tương lai, những du khách phương Tây, ngủ lại những homestay ở cù lao Dài sẽ chứng kiến mối lương duyên giao hòa văn hóa Đông- Tây, qua món ăn bánh mì và mứt xoài cát núm.

Và những keo mứt sẽ mang thương hiệu “xoài cát núm Vũng Liêm” đến với nhiều miền đất lạ trên thế giới. Mứt trái cây không lạ, nhưng quy trình xây dựng “đường đi” cho mứt xoài của nhóm có nhiều khác lạ chưa thể sẻ chia.

Với tư duy mới mẻ, góc nhìn của những người trẻ hiện đại nhưng biết giữ gìn những giá trị văn hóa bản địa, truyền thống, họ sẽ tự tạo cho mình những lối đi riêng trên con đường khởi nghiệp. Với tinh thần: “Có đi sẽ đến và nhiều người đi sẽ thành một con đường!”

Ngọc Trảng

Theo baovinhlong.com.vn

Bạn đang đọc bài viết Dự án: Khởi nghiệp bằng tư duy mới mẻ, sáng tạo tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Cùng chuyên mục
Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ năm , 10/01/2019, 15:08
Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ ba , 05/03/2019, 00:00
Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ năm , 14/03/2019, 15:00
Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ năm , 14/03/2019, 15:00
Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ ba , 19/03/2019, 10:12
Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ ba , 19/03/2019, 01:59
Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ ba , 19/03/2019, 02:32
Lên đầu trang