Hợp tác
Thứ ba , 19/10/2021, 09:21

Một số phương thức hợp tác giữa doanh nghiệp khởi nghiệp và các tổ chức thuộc khu vực thứ ba – phần 2

.

Cung cấp các công cụ miễn phí

Các tổ chức thuộc khu vực thứ ba có nhiều nguồn lực khác nhau có thể có giá trị đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp bao gồm kiến thức chuyên gia, dữ liệu và những kết nối. Các tổ chức thuộc khu vực thứ ba có thể cung cấp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp quyền truy cập miễn phí hoặc rẻ hơn tới các nguồn lực này. Ví dụ, quyền truy cập các nền tảng kỹ thuật số, dữ liệu hoặc mạng lưới.

Thách thức chính của loại hình hợp tác này là sự hợp tác thường không thành công do không có sự trao đổi giá trị hai chiều rõ ràng giữa doanh nghiệp khởi nghiệp và tổ chức thuộc khu vực thứ ba. Những hạn chế về ngân sách của cả hai bên và sự thiếu hiểu biết về nhu cầu của nhau khiến các tổ chức thuộc khu vực thứ ba khó chia sẻ miễn phí nguồn lực của họ với các doanh nghiệp khởi nghiệp, còn các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng không có ngân sách để chi trả cho các nguồn lực do các tổ chức thuộc khu vực thứ ba cung cấp.

Không gian làm việc chung

Không gian làm việc chung là không gian vật lý mà các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể sử dụng - thường miễn phí hoặc được thuê với giá thấp - với quyền sử dụng bàn làm việc và không gian họp. Mặc dù không gian làm việc chung tương đối dễ thiết lập, nhưng các tính năng của chúng đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng, đặc biệt là về cách duy trì các tương tác với doanh nghiệp khởi nghiệp. Nếu doanh nghiệp khởi nghiệp không tích hợp được với tổ chức này, nó có nguy cơ hoạt động cô lập, do đó làm suy yếu các lợi ích hợp tác tiềm năng.

Sự kiện và cuộc thi

Một số tổ chức thuộc khu vực thứ ba hợp tác với các doanh nghiệp khởi nghiệp thông qua các sự kiện thường diễn ra dưới hình thức hội thảo hoặc cuộc thi. Các sự kiện không phải lúc nào cũng chỉ nhắm vào các doanh nghiệp khởi nghiệp, mà có thể còn nhắm đến bất kỳ nhà sáng tạo nào có ý tưởng phù hợp.

Mua sắm

Việc mua các dịch vụ hoặc sản phẩm từ các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể là một cách để các tổ chức phát triển tiếp cận các công nghệ và mô hình kinh doanh đổi mới.

Trong nhiều trường hợp, việc mua sắm mang tính chất giao dịch - ví dụ, mua một trang web mới hoặc hệ thống quản lý quan hệ khách hàng. Tuy nhiên, trong những trường hợp sáng tạo hơn - như mua sắm các công nghệ hiện đại như thực tế tăng cường và các ứng dụng blockchain - có thể cần sự hợp tác chặt chẽ để kiểm tra và điều chỉnh sản phẩm hoặc dịch vụ của một doanh nghiệp khởi nghiệp để đảm bảo phù hợp với các hệ thống hiện có.

Đối với các tổ chức thuộc khu vực thứ ba, khó có thể chứng minh rằng các sản phẩm/dịch vụ do các doanh nghiệp khởi nghiệp cung cấp phù hợp hơn các sản phẩm/dịch vụ của các công ty lớn/có kinh nghiệm hơn. Việc mua sắm sản phẩm/dịch vụ của các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng đòi hỏi phải xem xét lại các quy trình mua sắm, bao gồm hệ thống đăng ký nhà cung cấp và điều khoản thanh toán. Chu kỳ bán hàng trong các tổ chức thuộc khu vực thứ ba có thể quá tải, điều này khiến các doanh nghiệp khởi nghiệp khó đặt chân vào, vì họ thiếu nguồn lực để theo đuổi các quy trình phức tạp và kéo dài này. Hơn nữa, các doanh nghiệp khởi nghiệp không có vùng đệm tài chính để chờ các khoản thanh toán cho đến khi dịch vụ được chuyển giao. Thay vào đó, phương pháp thanh toán theo từng giai đoạn có thể cần được thiết lập để giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp nhận được dòng tiền, đồng thời quản lý rủi ro cho tổ chức thuộc khu vực thứ ba.

Đồng phát triển

Đồng phát triển là một loại hình hợp tác để cùng xác định, phát triển và/hoặc thí điểm một giải pháp mới. Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp chưa có sản phẩm hoặc dịch vụ được đánh giá cao nhưng hợp tác với tổ chức thuộc khu vực thứ ba để thử nghiệm sản phẩm của họ, cuối cùng là bán nó cho các tổ chức thuộc khu vực thứ ba.

Các doanh nghiệp khởi nghiệp thường tìm kiếm sự tư vấn từ các tổ chức thuộc khu vực thứ ba để hiểu liệu giải pháp của họ có đáp ứng được nhu cầu thực sự của các tổ chức thuộc khu vực thứ ba hay không. Họ cũng tìm cách để vận hành dự án thí điểm để hiểu xem giải pháp của họ có hoạt động hay không và nó có thể được cải thiện ở đâu.

Chương trình thúc đẩy kinh doanh

Chương trình thúc đẩy kinh doanh là các chương trình chuyên sâu, có chọn lọc được thiết kế để giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp vượt qua giai đoạn đầu của họ. Hoạt động hỗ trợ thường bao gồm đào tạo, cố vấn và học tập từ đồng nghiệp, thường được cung cấp trong một thời gian cố định vài tháng. Việc tài trợ cũng có thể được thực hiện bằng cách cho phép tiếp cận chuyên môn, tài nguyên và các kết nối của tổ chức thuộc khu vực thứ ba, các công cụ thúc đẩy cho phép các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển các giải pháp hướng đến người dùng hơn và tăng tốc độ thâm nhập thị trường. Các chương trình thúc đẩy kinh doanh của các tổ chức thuộc khu vực thứ ba thường được định hướng theo sứ mệnh, nhằm tạo ra các giải pháp sáng tạo cho những thách thức mà những người hưởng lợi của tổ chức thuộc khu vực thứ ba phải đối mặt.

Đầu tư

Đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp bên ngoài có thể là một cách nhanh hơn và hiệu quả hơn về chi phí để có được công nghệ và năng lực mới, so với việc thực hiện nghiên cứu và phát triển nội bộ. Các quỹ đầu tư khu vực thứ ba có xu hướng bắt chước cách tiếp cận của các quỹ đầu tư mạo hiểm thương mại: các doanh nghiệp khởi nghiệp trở thành một phần của danh mục đầu tư và thường nhận được thêm hỗ trợ về kinh doanh và công nghệ.

Thách thức chính của mô hình hợp tác này là đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp đòi hỏi chuyên môn về tài chính, thương mại và pháp lý, nhưng nhiều tổ chức thuộc khu vực thứ ba không có đủ năng lực để tuyển dụng đội ngũ chuyên gia. Hơn nữa, khi các tổ chức thuộc khu vực thứ ba đầu tư cổ phần, họ cam kết có một mối quan hệ lâu dài cần được quản lý và lập kế hoạch.

Mua lại

Trong khu vực tư nhân, mua lại các công ty khởi nghiệp có thể là một cách nhanh chóng để tiếp cận các công nghệ hoặc năng lực bổ sung để giải quyết các vấn đề kinh doanh cụ thể và thâm nhập thị trường mới. Các công ty cũng ‘mua lại nhân sự’: Mua lại một công ty chủ yếu để tuyển dụng nhân viên của công ty đó, chứ không phải để giành quyền kiểm soát công nghệ và các tài sản khác của công ty. Đối với các công ty khởi nghiệp, được mua lại là một lối thoát quan trọng với phần thưởng đáng kể cho những người sáng lập (và các nhà đầu tư).

Tuy nhiên, mô hình này không hoàn toàn áp dụng cho khu vực thứ ba. Các công ty khởi nghiệp có ít động lực hơn để rút lui vì mức chi trả thấp hơn và các tổ chức khu vực thứ ba có ít động lực hơn để thực hiện các thương vụ mua lại rủi ro. Do đó, việc mua lại doanh nghiệp khởi nghiệp hiếm khi xảy ra. Khi chúng xảy ra, các tổ chức khu vực thứ ba có thể tiếp cận các khả năng mới để tăng phạm vi tiếp cận và tác động của họ theo cách nhanh hơn nhiều so với việc phát triển các khả năng này từ đầu. Nó cũng cung cấp cho họ quyền truy cập vào các mô hình kinh doanh mới và thông tin chi tiết về thương mại.

Việc mua lại các công ty khởi nghiệp đòi hỏi mức độ cam kết cao về nguồn lực và sự chấp nhận rủi ro của đội ngũ điều hành cấp cao và những người được ủy thác. Nếu không được hỗ trợ tài chính, sẽ rất khó để cung cấp và mở rộng quy mô doanh nghiệp khởi nghiệp được mua lại. Việc mua lại cũng đòi hỏi sự thẩm định kỹ càng.

Thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp

Ngoài việc hỗ trợ các doanh khởi nghiệp bên ngoài, các tổ chức thuộc khu vực thứ ba cũng có thể thành lập các doanh khởi nghiệp của riêng họ. Việc thành lập một doanh nghiệp mới cho phép các tổ chức khu vực thứ ba phát triển các giải pháp thường không phù hợp khi tiến hành nội bộ, vì chúng có thể quá biến đổi hoặc rủi ro. Bằng cách trở thành cổ đông trong doanh nghiệp khởi nghiệp, các tổ chức khu vực thứ ba cũng có thể đa dạng hóa các dòng thu nhập và giảm bớt sự phụ thuộc vào việc gây quỹ truyền thống. Các doanh nghiệp khởi nghiệp được thành lập có xu hướng là các doanh nghiệp xã hội tái đầu tư lợi nhuận của họ vào khu vực thứ ba.

Bạn đang đọc bài viết Dự án: Một số phương thức hợp tác giữa doanh nghiệp khởi nghiệp và các tổ chức thuộc khu vực thứ ba – phần 2 tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Lên đầu trang