Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ sáu , 24/04/2020, 08:45

Nhóm Startup giúp ngư dân biển vươn khơi

Xuất phát từ câu chuyện thực tế, nhóm sáng lập Công ty Cổ Phần Công Nghệ 111 Việt Nam đã sáng tạo thành công sản phẩm đèn LED, phục vụ hữu ích cho ngư dân đi biển.

Từ một tâm sự của người đi biển, anh Phạm Văn Chinh và anh Trịnh Đăng Quân, hai thành viên đồng sáng lập công ty LED 111, đã thấy được tầm quan trọng của nguồn sáng đối với ngư dân đánh bắt xa bờ, ngoài mục đích chiếu sáng, ánh đèn này còn là phương pháp chính thu hút một số loài cá vào mỗi đêm. Với phát hiện này, khiến nhóm quyết tâm đi tìm hiểu, nghiên cứu rồi đấu nối, trải qua những tháng ngày thử nghiệm, hai anh đã khởi nghiệp thành công bằng sản phẩm đèn LED đầu tay của mình.

Lắng nghe nhu cầu thị trường

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp về hành trình khởi nghiệp, Anh Phạm Văn Chinh chia sẻ, từ câu chuyện của một người đi biển tôi biết rằng; ngư dân phải dùng đèn cao áp, có độ sáng cao để thu hút cá mực về đêm, đèn càng sáng thì càng thu hút được nhiều cá. Đáng chú ý, là đèn được thắp sáng bởi máy phát điện chạy dầu diesel, do đó nếu đèn công suất càng lớn thì sẽ càng tiêu hao dầu. Như vậy, tiền công của cả đoàn tàu lênh đênh một tuần trên biển chẳng còn được bao nhiêu sau khi trừ phát sinh và chi trả tiền dầu.

"Chính vì điều này đã khiến tôi tự đặt câu hỏi, tại sao không dùng đèn LED để thay thế đèn cao áp, đèn LED vừa tiện lợi, vừa tiết kiệm, giúp giảm tới một nửa lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính ra môi trường so với đèn cao áp"? - Anh Chinh cho biết.

Cùng xuất phát từ sinh viên khoa điện tử trường Đại học Công Nghiệp Hà Nội, hai anh có cơ hội làm quen với công nghệ LED từ khi còn trên ghế nhà trường, nên đã nắm được nguyên lý hoạt động của sản phẩm này. Nhưng từ lý thuyết và công nghệ trong phòng thí nghiệm đến thiết kế sản phẩm, sản xuất hàng loạt cũng như kinh doanh ở quy mô rộng rãi là một khoảng cách quá lớn.

Để hiểu rõ hơn về tập quán đánh bắt, thói quen và môi trường sử dụng sản phẩm, nhóm quyết định theo chân ngư dân bám biển đi từ vùng biển này qua vùng biển khác của Việt Nam để tham khảo và tổng hợp. Ngoài ra nhóm còn phải tự nghiên cứu và tìm hiểu thêm những kiến thức hóc búa khác ngoài chuyên nghành điện tử như: quang học, sức bền vật liệu, cơ khí chế tạo,… để có thể chế tạo hoàn chỉnh sản phẩm đèn LED để đưa ra thị trường.

Cũng từ những chuyến đi thực tế, nhóm đã chứng kiến nỗi vất vả của người thuyền chài đúng như những gì đã nghe; có những gia đình đầu tư hàng trăm bóng cao áp ra khơi nhưng tiền dầu chi trả cho chiếu sáng đã tiêu tốn đến vài trăm triệu cho một lần đi biển. Lấy công làm lãi, lấy nhiều bù ít, nhưng số tiền kinh phí chi trả cho nhiên liệu là quá lớn, khiến nhóm càng thêm quyết tâm cho dự án đèn LED của mình!

Hiện thực hóa ý tưởng

Lúc đầu nhóm sản xuất mẫu đèn LED 500w rồi so sánh với đèn cao áp, thì kết quả khả quan cho rằng, đèn LED có thể thay thế được bóng cao áp. Và cuối cùng nỗ lực bắt đầu được khách hàng ghi nhận, vào tháng 8 năm 2015 hai anh thành lập công ty để cho sản xuất đại trà.

Tuy nhiên, việc phân phối ra thị trường thời điểm đầu gặp nhiều trục trặc, từ khâu thay đổi thói quen của ngư dân đến khâu giới thiệu về thương hiệu của sản phẩm, rồi điều kiện sử dụng vô cùng khắc nhiệt trên biển là cả một vấn đề lớn. Ngư dân lúc đầu cũng không biết đèn LED là gì, 95% ngư dân cho rằng đèn LED không thể thu hút cá Mực. Số còn lại thì tỏ ra ngờ vực và xa lánh.

Khó khăn chồng chất khó khăn, chỉ sau 8 tháng duy trì, công ty đã tiêu hết sạch số tiền vốn đóng góp và vốn đầu tư kêu gọi được, dự án đi vào ngõ cụt, rồi phải tạm dừng. Nhưng với quyết tâm bám trụ lại, hai anh đã chuyển sang nghiên cứu và sản xuất loại đèn có công suất nhỏ hơn từ 20 – 100W, và thật bất ngờ, khi đổi chiến thuật giới thiệu vào đến các tỉnh miền Bắc Trung Bộ, sản phẩm của công ty, được khách hàng đón nhận nhiệt tình bởi độ sáng vượt trội và ít tiêu hao nhiên liệu.

Từ những thành công ban đầu đó, một năm sau nhóm quay trở lại với dự án đèn LED 500W đã được ấp ủ từ ban đầu. Và với những kinh nghiệm đã qua, sự trả giá cho những tháng ngày thất bại ban đầu khởi nghiệp, dự án đèn 500W dần đi vào ổn định, sản phẩm đèn LED được đón nhận rộng rãi thêm ở các tỉnh miền Trung.

Vì có những chức năng chuyên dụng cho khai thác hải sản, nên sản phẩm LED của công ty có độ sáng vượt trội hơn hẳn đèn siêu cao áp 1000w và gấp 1,5 lần các loại đèn LED khác trên thị trường. Diện tích nhỏ và nhẹ, chỉ bằng 75% các loại đèn LED khác, do đó có thể lắp đặt được nhiều đèn trên một tàu, đồng thời sản phẩm có khả năng chống chịu cao dưới mưa nắng và nước muối biển khắc nghiệt.

Chiến lược mới

Trước những kết quả không thể phủ nhận, Công ty CP Công nghệ Nghệ 111 Việt Nam đã được Viện tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam cấp chứng nhận sản phẩm phù hợp, đạt tiêu chuẩn chiếu sáng ngoài trời. Cục sở hữu Trí tuệ cũng đã cấp Quyết định số 1199/Q- SHTT ngày 5/1/2019 về nhãn hiệu: "Đèn LED 111 cùng ngư dân bám biển".

Từ đây công ty đã nhanh chóng mở được hệ thống đại lý, kênh phân phối tại các vùng miền, đặc biệt sản phẩm bóng LED của công ty cũng đã cạnh tranh được với sản phẩm cùng loại của một số công ty lớn.

Không chỉ dừng lại ở sản phẩm đèn LED, sắp tới công ty sẽ sản xuất các sản phẩm tủ cấp đông nhằm cung cấp cho các tàu cá trong nước. Nhờ nắm bắt từ thị hiếu của khách hàng, "chúng tôi nhận thấy hầu hết ngư dân đang gặp bế tắc trong vấn đề bảo quản cho hải sản được tươi sống khi về bờ. Khoảng 99% số tàu cá ở Việt Nam còn làm ăn manh mún, chưa được đầu tư trang thiết bị để cấp đông theo đúng quy trình để đảm bảo giữ được độ tươi ngon và hàm lượng phần trăm tối đa Vitamin như các nước tiên tiến đã làm..." - Anh Quân nói.

Đa phần các tàu thuyền vẫn vẫn dùng phương pháp truyền thống chi phí rẻ như: Uớp đá hoặc Ure thô sơ, làm giảm đến 50% chất lượng và giá thành cá, thậm chí Ure có thể dẫn đến độc hại, đây là nỗi buồn của người đi biển mà chính bản thân họ cũng mong muốn được thay đổi cách làm.

Do đó trong thời gian tới, "chúng tôi quyết định đầu tư R&D và phát triển các tủ cấp đông phù hợp với các loại tàu cá của Việt Nam, đầu tư hệ thống đóng gói ngay trên tàu, sau đó tiến hành thu mua và phân phối đến người dùng cuối, góp phần nâng cao giá trị thành phẩm lên tới 50% cho các sản phẩm hải sản bà con bán ra, đồng thời giữ trọn gần như 95% hàm lượng vitamin của hải sản, người tiêu dùng có cơ hội được thưởng thức những loại hải sản sạch tươi ngon nhất từ biển cả" - Anh Quân cho biết.

Theo khoinghiep.org.vn

Bạn đang đọc bài viết Dự án: Nhóm Startup giúp ngư dân biển vươn khơi tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Cùng chuyên mục
Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ năm , 10/01/2019, 15:08
Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ ba , 05/03/2019, 00:00
Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ năm , 14/03/2019, 15:00
Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ năm , 14/03/2019, 15:00
Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ ba , 19/03/2019, 10:12
Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ ba , 19/03/2019, 01:59
Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ ba , 19/03/2019, 02:32
Lên đầu trang