Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ tư , 10/07/2019, 20:10

Ông chủ trẻ bền bỉ khởi nghiệp với cà phê

.

GD&TĐ - Ông chủ SHIN Cà Phê Nguyễn Hữu Long từng khởi nghiệp và thất bại nhiều lần với ý tưởng mở quán cà phê. Sau đó, anh phải lựa chọn con đường xuất khẩu lao động sang Nhật.

Quá trình tiếp cận văn hóa và những chủng loại cà phê cao cấp hàng đầu ở Nhật lại thổi bùng ngọn lửa khởi nghiệp trong anh. Sau 5 năm thai nghén, thương hiệu SHIN Cà Phê ra đời, mang đến những trải nghiệm độc đáo về cà phê thanh đạm. Dưới đây là chuyện kể của anh.

Cuộc đời gắn liền với hạt cà phê

Từ nhỏ, tôi có thời gian bỏ học, xa nhà đi theo người cô làm rẫy cà phê để phụ mẹ nuôi hai đứa em ăn học. Tôi bén duyên với cà phê từ đó. Năm 2000, tôi có tham vọng làm giàu và quyết tâm hùn vốn với một người bạn rang xay và đi bỏ mối cà phê. Tuy nhiên, chúng tôi thất bại do quá ít kinh nghiệm. Sau đó, tôi vào đại học, vẫn tranh thủ làm thêm phiên dịch tiếng Nhật để kiếm sống và tích lũy. Tôi kiếm được cũng khá, mua được một căn nhà nhỏ lúc bấy giờ.

Năm 2009, tôi lại nung nấu ý định khởi nghiệp với quán cà phê Bonsai. Ban đầu, khách hàng rất thích ý tưởng vừa uống cà phê vừa được ngắm những tác phẩm bonsai. Tuy nhiên, một thời gian sau, hoạt động kinh doanh xuống dốc. Khi ấy, lựa chọn tốt nhất đối với tôi có lẽ là “xuất khẩu lao động” sang Nhật. Trong thời gian làm việc tại đất nước hoa anh đào, tôi được tiếp cận với văn hóa và những chủng loại cà phê cao cấp hàng đầu. Thế là trong tôi lại bắt đầu nhen nhóm ý tưởng cho lần khởi nghiệp tiếp theo, và lần này phải mất tới 5 năm chuẩn bị.

Ngoài làm nhân viên kiểm soát chất lượng ở một nhà máy sản xuất phụ kiện cho Tập đoàn Toyota, tôi tìm mọi cơ hội để học hỏi về cà phê, tham gia những khóa huấn luyện và đào tạo chuyên gia cà phê được cấp chứng chỉ của Nhật Bản và Mỹ. Rồi tôi được một doanh nghiệp chuyên xuất nhập khẩu cà phê tại Nhật mời về làm quản lý chất lượng, nhờ đó tôi có cơ hội được kết nối và giao thương với các công ty và các quốc gia có thế mạnh về cà phê hàng đầu thế giới.

SHIN Cà Phê tập trung vào ý tưởng “Specialty”

Tôi trở về nước khởi nghiệp ngay với SHIN Cà Phê vào năm 2015, tập trung cho ý tưởng “Specialty” (tạm dịch là “Chuyên biệt”). Tôi chọn phân khúc cao cấp nhất, tập trung giúp khách hàng Việt Nam nâng cao hiểu biết về giá trị và hương vị thuần khiết của những mẫu cà phê, đặc biệt từ các vùng trồng nổi tiếng trên thế giới, trong tinh thần ai muốn tìm hiểu, muốn thưởng thức cà phê đúng nghĩa đều là khách hàng của tôi.

Hơn thế nữa, tôi muốn Shin không chỉ là nơi người ta đến uống một tách cà phê chỉ vì không gian dễ chịu, mà giúp mọi người có cơ hội trải nghiệm những tinh hoa của hạt cà phê. Tất cả dụng cụ pha cà phê tại Shin thuộc nhiều phong cách và trường phái mà tôi góp nhặt trong suốt 5 năm ở Nhật, cũng như bộ sưu tập khoảng 120 loại cà phê của Việt Nam và thế giới cũng là để phục vụ mục đích đó.

Tôi tự tin là mô hình của Shin Coffee sẽ không hoặc rất khó có đối thủ. Chi phí cho Shin hiện tại khoảng 140 triệu đồng/tháng. Không kể các chi phí cố định, các mẫu cà phê cao cấp chúng tôi nhập về đều có giá rất cao từ 100 - 500 USD/kg. Ngoài ra, việc lựa chọn, bảo quản và rang xay theo những chuẩn mực rất nghiêm ngặt. Chúng tôi thay đổi menu liên tục hai ngày một lần, duy trì hoạt động cupping (buổi thử các mẫu cà phê mới) đều đặn và hoàn toàn miễn phí.

Giải nhiều bài toán liên hoàn cho sự nghiệp kinh doanh

Nói về vùng nguyên liệu, trước mắt, chúng tôi thỏa thuận với người nông dân về giá và kỹ thuật canh tác. Một ký cà phê bán ra thị trường 6.000 đồng trong khi bán cho SHIN 10.000 -12.000 đồng, hai bên chỉ có thể đến với nhau bằng giá đó, giá gấp đôi thì nỗ lực gấp đôi. SHIN đến nhằm hỗ trợ người nông dân chứ không phải đặt ra điều kiện. Tuy nhiên, khi giá chốt được rồi, chúng tôi vào hái thì có xảy ra một số trục trặc ngoài hợp đồng.

Quan điểm của người trồng cà phê Việt trước giờ là cứ tới mùa thì hái, bất kể chín xanh trong khi đối với cà phê phải có sự phân biệt rõ ràng để đảm bảo chất lượng, tương xứng với mức giá. Chúng tôi phải làm việc từ năm này qua năm khác thuyết phục người nông dân. Người dân Việt Nam từ trước đến nay ít quan tâm tới chất lượng cà phê. Họ quan điểm cà phê là đen - đậm - đắng, thì bây giờ phải thay đổi quan điểm cà phê là chua - ngọt - thơm - nhẹ nhàng. Vấn đề làm sao thuyết phục người tiêu dùng cầm ly cà phê lên uống, còn quản trị hệ thống không phải vấn đề.

Ở Việt Nam, chưa có nhiều quan tâm, nghiên cứu, đầu tư về nguồn giống, thổ nhưỡng, kỹ thuật thu hái để làm nên ly cà phê ngon. Chính vì vậy, SHIN muốn làm những sản phẩm thanh đạm, tinh tế. Chúng tôi tập trung vào những khách hàng có mối quan tâm đó. Việc của SHIN là tạo ra những mạng lưới, quy trình sản xuất cà phê ngon, cà phê đặc sản Việt Nam cho người Việt Nam nhưng thực tế có nhiều khó khăn vì mỗi người tiêu dùng xuất thân từ một vùng thổ nhưỡng khác nhau, bị ảnh hưởng bởi khẩu vị...

Cà phê cần sự tập trung mới mong có sản phẩm tốt nên SHIN kiểm soát nguồn nguyên liệu, nhà máy rang xay và khâu phân phối, chứ bản thân SHIN không ôm hết do không có thời gian. Những doanh nghiệp như SHIN ở nước ngoài có quan điểm cà phê là cà phê, họ tập trung khai thác một quy trình từ nông trại tới ly cà phê cuối cùng một cách chi tiết, tỉ mỉ và truyền tải sự tinh tế đó cho người tiêu dùng.

Theo Khoinghiep.org.vn

Bạn đang đọc bài viết Dự án: Ông chủ trẻ bền bỉ khởi nghiệp với cà phê tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Cùng chuyên mục
Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ năm , 10/01/2019, 15:08
Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ ba , 05/03/2019, 00:00
Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ năm , 14/03/2019, 15:00
Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ năm , 14/03/2019, 15:00
Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ ba , 19/03/2019, 10:12
Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ ba , 19/03/2019, 01:59
Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ ba , 19/03/2019, 02:32
Lên đầu trang