Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ bảy , 24/06/2023, 00:00

SHECODES - Khởi nghiệp công nghệ không chỉ dành cho phái mạnh

.

Năm 2022, Forbes Việt Nam đã chính thức công bố danh sách “Under 30” gồm 25 nhân vật dưới 30 tuổi nổi bật nhất của Việt Nam năm 2022 trong 4 lĩnh vực: kinh doanh và khởi nghiệp; hoạt động xã hội; khoa học giáo dục; sáng tạo nghệ thuật - giải trí và thể thao. Độ tuổi trung bình các thành viên là 28 (sinh từ năm 1992 trở lại đây). Đặc biệt, danh sách có sự cân bằng về giới tính với 13 gương mặt nữ, chiếm hơn 50%. Trong đó, với lĩnh vực kinh doanh và khởi nghiệp, dự án SheCodes của cô gái trẻ Nguyễn Huyền My đã được xướng tên. Họ chính là đại diện tiêu biểu cho một thế hệ năng động tự tin, nhiều nội lực để xây dựng thế giới xung quanh ngày càng tốt đẹp hơn...

Vài nét về cô gái trẻ đa tài và dự án SheCodes
Nguyễn Huyền My tốt nghiệp cử nhân Kinh tế phát triển, Đại học Kinh tế Quốc dân. Cô từng thất bại với dự án quảng bá lịch sử - văn hóa Huế thông qua du lịch khi vừa tốt nghiệp năm 2017. Năm 2018, cô gia nhập Viettel với vai trò nhân viên phát triển sản phẩm tại trung tâm Không gian mạng, đơn vị chuyên nghiên cứu và phát triển các giải pháp trên AI và Big Data.

Trong suốt hai mươi năm đầu đời, My thậm chí không có khái niệm về lập trình, xây dựng website hay ứng dụng. Cô gái trẻ từng trải qua nhiều công việc trước khi “phải lòng” với công nghệ. Bước chân vào lĩnh vực này, Huyền My thừa nhận nó khó, đòi hỏi nhiều sáng tạo, tư duy logic. Trong khi đó, có nhiều nghiên cứu khoa học cho rằng về mặt này phái mạnh có lợi thế hơn do phái mạnh sẽ có xu hướng phát triển tư duy bộ não tốt hơn.

Tuy nhiên, Huyền My luôn tin tưởng tư duy logic hoàn toàn có thể rèn luyện được. Do đó, việc chọn theo công nghệ thông tin hay không không phụ thuộc vào giới tính, độ tuổi mà ở chính bản thân mỗi người. Thực tế, không ít người thành đạt, nắm giữ vai trò trọng yếu trong các công ty công nghệ là nữ giới. “Con gái không nên học công nghệ thông tin?”, “Tôi có nên cho con gái học công nghệ thông tin không?”, “Con gái làm công nghệ chắc sẽ vất vả?”....

Những câu nói như vậy xuất hiện rất nhiều và cũng là thắc mắc của không ít phụ huynh, thí sinh mỗi đợt tuyển sinh mà Huyền My liên tục nhận thấy. Với nhận thức của mình, Huyền My cho rằng Công nghệ thông tin không chỉ có lập trình, tính toán mà còn có nhiều vị trí khác nhau để tạo ra sản phẩm, tìm thị trường, nhân rộng mô hình. Thị trường lao động cũng rộng mở với nhiều cơ hội làm việc. Điều quan trọng là năng lực, không phải giới tính.

Từ cuộc thi lập trình dành cho phái nữ do một nhóm sinh viên tổ chức, Nguyễn Huyền My tham gia sáng lập và điều hành SheCodes Vietnam từ năm 2019, tổ chức ra đời thúc đẩy hoạt động truyền lửa cho phái nữ tự tin trong lĩnh vực công nghệ.

Qua ba năm, SheCodes thu hút hơn 10 ngàn thành viên nữ tham gia các lớp học lập trình, hackathon (cuộc thi phát triển phần mềm), các sự kiện định hướng, chia sẻ kiến thức, kỹ năng và mạng lưới quan hệ cho nữ giới. Chương trình truyền cảm hứng và động lực cho nữ giới kiên trì theo đuổi sự nghiệp nhờ công nghệ, thông qua công nghệ thu hẹp khoảng cách giới.

SheCodes Vietnam phát triển nhiều hoạt động mới, startup SSSMarket ra đời từ SheCodes Hackathon 2020 nằm trong Top 10 Startup Wheel 2021. Nền tảng giáo dục Techlofi trang bị kiến thức công nghệ, hỗ trợ các nhóm yếu thế và nữ giới đoạt giải nhất cuộc thi Giải pháp tương lai – TECHFEST 2021. Giải thưởng tiên phong Bình đẳng giới - Thanh niên kiến tạo 2021 do đại sứ quán Ireland, trung tâm Nghiên cứu Phát triển bền vững (CSDS) và cơ quan Liên Hiệp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) trao tặng.

Năm 2019, Huyền My đồng sáng lập Resident.vn, là giám đốc tăng trưởng tại nền tảng quản lý bất động sản và cư dân số. Từ 2021, Huyền My là một cố vấn chiến lược tại trung tâm Hỗ trợ và Phát triển sinh viên Việt Nam, xây dựng các chương trình thu hẹp khoảng cách nghề nghiệp, trang bị kiến thức và kỹ năng để sinh viên đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng trong doanh nghiệp. Cô cũng hỗ trợ hoạt động xã hội tại một số tổ chức khác như Hanoi Food Rescue, Challenge For Future.

Một trong những sự kiện tiên phong mang tên SheCodes Hackathon được SheCode tổ chức lần đầu tiên tại Hà Nội. Đây là cuộc thi phát triển sản phẩm công nghệ thường niên đầu tiên dành riêng cho phái nữ tại Việt Nam, trong đó người tham gia sẽ được chia thành các đội và phát triển một giải pháp công nghệ giải quyết vấn đề xã hội trong 36 giờ liên tiếp. Đây chính là nơi giúp các bạn nữ trở nên tự tin và giúp trau dồi các kỹ năng mềm như làm việc nhóm & những kỹ năng chuyên môn trong lĩnh vực CNTT. Năm 2022, với chủ đề “Productivity - Enhance productivity in work and life through technology”, Shecodes  ackathon 2022 - HACK4FUTURE đã diễn ra vô cùng thành công với sự tham gia của hơn 300 bạn nữ xinh đẹp và tài giỏi ở cả hai miền Nam-Bắc. Sau hai chặng đua tràn đầy nhiệt huyết, các đội đã vinh dự dành chiến thắng ở Hà Nội là Cheries Bot (giải nhất) và TP.Hồ Chí Minh là Daisy (giải nhất).

Vượt qua rào cản về giới
Huyền My cho biết, cô cũng gặp những rào cản trong việc lãnh đạo và vận hành doanh nghiệp. Trong đó, xây dựng niềm tin là một trong những vấn đề mà nữ giới theo đuổi STEM gặp khó khăn. “Tôi đã từng đối mặt với sự nghi ngờ của đối tác hay nhà đầu tư bởi bản thân còn khá trẻ, lại là phụ nữ làm việc trong ngành công nghệ thông tin - ngành cần nhiều sáng tạo và tư duy logic mà đa phần mọi người cho rằng nam giới sẽ làm tốt hơn. Lúc đó, tôi đã thuyết phục đối tác rằng, mọi ngành nghề đều là phi giới tính, cả nam và nữ đều có khả năng và cơ hội như nhau” - Huyền My nói.

Theo Huyền My, những định kiến về ngoại hình của phụ nữ khi tham gia công nghệ thông tin hay học các ngành nghề về STEM hiện nay vẫn còn phổ biến. Tuy nhiên, các bạn nữ hãy vượt qua rào cản, tự tin khẳng định giá trị đích thực của mình bằng những việc làm, thành quả với công việc và đam mê của mình. “Nhiều người định kiến về ngoại hình của con gái học toán, làm khoa học là đầu to, mắt cận, ăn mặc luộm thuộm do quá bận rộn và không có thời gian chải chuốt. Tuy nhiên, nghề nghiệp không phải là yếu tố quyết định đến ngoại hình của phụ nữ. Bạn hoàn toàn có thể chăm chút cho diện mạo của mình khi bạn là một nhà khoa học, một nữ IT, hay một nhà hoạt động xã hội tuỳ theo sở thích và sự tự do của bản thân” – Huyền My nói. Cô cho rằng, phụ nữ không cần bất cứ sự ưu tiên nào, chỉ cần được đối xử bình đẳng và không chịu bất cứ định kiến giới nào để được phát triển toàn diện.

Phụ nữ trong ngành công nghệ thông tin thường được xem là một điều gì đó không phù hợp, bởi nhiều người cho rằng phụ nữ là phái yếu và thường suy nghĩ cảm tính “không tư duy logic” nên rất khó để theo đuổi với công việc này lâu dài. Dự án SheCodes của Nguyễn Huyền My đã khẳng định điều này là không có cơ sở. Lĩnh vực công nghệ thông tin rất rộng lớn, muôn hình vạn trạng, không chỉ là lập trình, thuật toán, hay fix bug, mà còn những khía cạnh, màu sắc khác nhau như các vị trí phát triển sản phẩm, đội ngũ bền vững để đưa dự án đạt các mục tiêu tăng trưởng đề ra. Hơn nữa, nữ giới cũng có rất nhiều ưu thế để làm sản phẩm, dẫn dắt đội nhóm, do vậy thay vì lo sợ những rào cản từ nhiều phía, chỉ cần có một đam mê đủ lớn và tinh thần đủ bền bỉ thì sẽ không gì là không thể. Khi đó, năng lực sẽ là tiếng nói mạnh mẽ nhất chứ không còn là câu chuyện giới tính nào tồn tại. “Có một điều tôi luôn tâm niệm rằng, bản thân có
thể dừng lại tất cả mọi dự án xã hội, nhưng duy chỉ với các hoạt động hỗ trợ phụ nữ thì sẽ không bao giờ từ bỏ, cho đến khi tôi thực sự cảm nhận, những gì mình làm không còn giá trị nữa” - Huyền My nói về sứ mệnh của mình.

TH

Bạn đang đọc bài viết Dự án: SHECODES - Khởi nghiệp công nghệ không chỉ dành cho phái mạnh tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Cùng chuyên mục
Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ năm , 10/01/2019, 15:08
Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ ba , 05/03/2019, 00:00
Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ năm , 14/03/2019, 15:00
Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ năm , 14/03/2019, 15:00
Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ ba , 19/03/2019, 10:12
Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ ba , 19/03/2019, 01:59
Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ ba , 19/03/2019, 02:32
Lên đầu trang