Sự kiện tháng 12
Thứ bảy , 01/12/2018, 00:00

STARTUP VIỆT XÂY DỰNG CHÍNH PHỦ ĐIỆN TỬ CHO LÀO BẰNG BLOCKCHAIN

VnExpress - Ngày 19/6, Lina Network ký kết biên bản hợp tác với Bộ Khoa học và Công nghệ

VnExpress - Ngày 19/6, Lina Network ký kết biên bản hợp tác với Bộ Khoa học và Công nghệ Lào, ứng dụng công nghệ Blockchain vào định danh điện tử chính phủ.

Theo đó, startup này sẽ cung cấp các giải pháp để phát triển ứng dụng Blockchain cho Chính phủ và Bộ Khoa học và Công nghệ Lào. Giải pháp được triển khai dựa trên nền tảng công nghệ Blockchain,
Internet Vạn Vật (Internet of Things -IoT), Dữ liệu lớn (Big Data) và Trí tuệ nhân tạo (AI), đặc biệt là định danh điện tử để hướng tới "Chính phủ điện tử".

Sự kiện quy tụ các đại diện của 30 bộ ngành, cơ quan chính phủ Lào. Buổi ký kết thỏa thuận với chủ đề "Ứng dụng Blokchain cho Chính phủ" tại thủ đô Viêng Chăn, Lào cũng sẽ là lời đề xuất trong chính sách trao đổi được kiến nghị cho Quốc hội nước này vào ngày 21-22/6 tới đây.

Đại diện chính phủ Lào, ông Boviengkham Vongdara, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ
cho biết: "Nếu biết ứng dụng cuộc cách mạng công nghệ 4.0 vào đời sống, nó sẽ thay đổi toàn bộ nền
kinh tế của một đất nước trong tương lai. Đây là điều mà chúng ta không thể phủ nhận. Với công nghệ
Blockchain, chúng tôi đã nghĩ đến lúc phải xây dựng một mô hình mới mang tính đột phá trong việc quản lý dữ liệu nói chung".

Theo ông Vũ Trường Ca, Chủ tịch và Nhà đồng sáng lập Lina Network, để người dân tận dụng tối đa cơ hội từ cách mạng công nghệ 4.0 cũng như để quản lý Nhà nước được linh hoạt, hiệu quả, hiện đại và minh bạch, việc ứng dụng công nghệ thông tin, hướng tới phát triển chính phủ điện tử phải là xu thế tất yếu.

Hiện nay, hầu hết các chính phủ điện tử đều hướng đến xu thế "người dân là trung tâm" (citizen
centric), người dân chỉ cần truy nhập dịch vụ một lần (single sign on) qua một cửa (single window) là có thể tương tác, sử dụng các dịch vụ từ Chính phủ 24/7. Quá trình này sẽ giúp tăng tính minh bạch,
giảm chi phí, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, góp phần làm giảm tiêu cực...

"Với công nghệ Blockchain, dữ liệu được số hóa một cách nhanh chóng, có tính bảo mật cao và an toàn. Chúng ta hoàn toàn có thể chia sẻ thông tin theo phương thức hàng ngang mà không cần bên
thứ ba quản lý. Mọi thông tin chia sẻ từ người dùng sau khi được định danh điện tử bằng Blockchain
được xem như một hồ sơ công khai trên nền tảng kỹ thuật số", ông Ca nói.

Trong tiến trình hợp tác sắp tới, công ty sẽ hỗ trợ tài chính cho Bộ Khoa học và Công nghệ Lào thành lập Viện nghiên cứu và phát triển Blockchain với số tiền 500.000 USD trong 5 năm cho mục đích phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao phục vụ Chính phủ. Tháng 9/2018, viện nghiên cứu này sẽ chính thức đi vào hoạt động. Bộ trưởng Boviengkham cho biết viện sẽ là nơi tìm kiếm và bồi dưỡng nguồn nhân lực để xây dựng thêm các ứng dụng khác nhằm nâng cao sự phát triển khoa học công nghệ của Lào. Hiện, quốc gia này vẫn chưa có hành lang pháp lý, chủ trương xây dựng cơ chế trong việc phát triển công nghệ Blockchain và quản lý tiền mã hóa.

Bên cạnh đó, Lina Network sẽ dần xây dựng các ứng dụng phi tập trung cho các Bộ, ban ngành quốc gia này trên nền tảng Blockchain Lina, ứng dụng trên các lĩnh vực y tế, quản lý chuỗi cung ứng, nông nghiệp...Ông Ca cho biết đến năm 2020, Lào sẽ sẵn sàng để triển khai chính phủ điện tử.

Ông Keonakone Saysuliane, Cục trưởng Cục Công nghệ Kỹ Thuật số, Bộ Khoa học và Công nghệ Lào cho biết hiện nay nước này đã tương đối sẵn sàng để triển khai công nghệ Blockchain với cơ sở hạ tầng mạng Internet và sự phát triển của các công nghệ khác. Tuy vậy, Lào vẫn đang trong giai đoạn
chuẩn bị để nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức về công nghệ và cách thức
ứng dụng.

"Hiện Lào chưa có hành lang pháp lý riêng cho tiền mã hóa, hoạt động ICO mà mới chỉ có Luật Công nghệ thông tin, an ninh mạng, phát triển công nghệ cao...Tuy vậy, chúng tôi không cho rằng điều này là quan trọng nhất ở thời điểm này bởi tiền mã hóa chỉ là một phần nhỏ của tiềm năng công nghệ. Lào mong muốn hiểu sâu sắc về Blockchain qua các hoạt động nghiên cứu, đào tạo trong thời gian tới trước khi tiến tới những bước tiếp theo", ông Keonakone nhấn mạnh.

CEO Vũ Trường Ca của startup Lina Network nhận định các quốc gia ít dân số có những lợi thế
nhất định trong việc triển khai công nghệ Blockchain.

Đánh giá về tiềm năng triển khai công nghệ Blockchain tại Lào trong thời thời gian, CEO Vũ
Trường Ca cho biết đất nước này hiện đối mặt với nhiều thách thức từ sự thiếu hụt nguồn nhân lực
công nghệ cao, nhận thức chung của người dân và chính phủ cho đến chưa có hành lang pháp lý cho
tiền mã hóa. Tuy vậy, ông Ca cho biết hiện trên thế giới mới chỉ có hai quốc gia tuyên bố triển khai công nghệ Blockchain ở cấp độ chính phủ là Estonia (1,3 triệu dân), Dubai (5 triệu dân). Lào với dân số khoảng 7 triệu có thể là nước tiếp theo với lợi thế dân số ít, dễ triển khai các giải pháp số hóa, quản lý dữ liệu cho cả nước.

Công ty Lina Network thuộc tập đoàn Smart Link Swiss tại Thụy Sỹ, chuyên nghiên cứu công nghệ Blockchain, là cổng thông tin kết nối các bên trong hệ sinh thái của Lina. Startup xác định sứ mệnh là giúp các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0 vào thực tiễn như phát triển nền tảng về đánh giá phi tập trung, xây dựng hệ thống quản lý chuỗi cung ứng trong nông nghiệp, ứng dụng chuỗi khối trong dịch vụ chăm sóc sức khỏe và lĩnh vực bảo hiểm. Công ty hiện có đội ngũ thành viên tại các quốc gia như Thụy Sỹ, Mỹ, Đức, Australia, New Zealand, Israel, Việt Nam và Thái Lan./

Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, số 19.2018

Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia

Bạn đang đọc bài viết Dự án: STARTUP VIỆT XÂY DỰNG CHÍNH PHỦ ĐIỆN TỬ CHO LÀO BẰNG BLOCKCHAIN tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Lên đầu trang