Sự kiện tháng 12
Thứ bảy , 01/12/2018, 00:00

TẠO HÀNH LANG PHÁP LÝ CHO VIỆC XÂY DỰNG VÀ THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ VỐN CHO DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA

Ngày 7/8, tại Diễn đàn “Giải pháp thúc đẩy các nguồn vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa”, Vụ

Ngày 7/8, tại Diễn đàn “Giải pháp thúc đẩy các nguồn vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa”, Vụ Trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng đã chia sẻ về những chính sách tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng và thực hiện các chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tiếp cận nguồn vốn.

Hành lang pháp lý trong việc xây dựng và thực hiện các Chương trình hỗ trợ vốn của DNNVV

Phát biểu tại diễn đàn, Vụ Trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng cho biết, DNNVV chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, đóng góp khoảng 45% vào GDP, 31% vào tổng số thu ngân sách và thu hút hơn 5 triệu việc làm. Vì vậy, Đảng và Nhà nước rất quan tâm và có nhiều chính sách hỗ trợ DNNVV phát triển, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế.

Ngày 16/5/2016 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến nănm 2020 với mục tiêu đến năm 2020, xây dựng doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh
tranh, phát triển bền vững, cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, trong đó có các doanh
nghiệp có quy mô lớn, nguồn lực mạnh.

Để thực hiện mục tiêu trên, tại Nghị quyết này, Chính phủ đã đề ra nhiệm vụ và giải pháp nhằm hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV như: (1) Cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho
doanh nghiệp; (2) Tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; (3) Bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp; (4) Giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp; và (5) Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.

Nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động trợ giúp và phát triển DNNVV, ngày 12/6/2017, Luật Hỗ trợ DNNVV đã được Quốc hội thông qua (Luật số 04/2017/QH14) và có hiệu lực thi hành từ ngày
1/1/2018. Các chính sách hỗ trợ chung quy định tại Luật này bao gồm các nhóm chính sách chính: (1) Hỗ trợ tiếp cận tín dụng; (2) Hỗ trợ thuế, kế toán; (3) Hỗ trợ mặt bằng sản xuất; (4) Hỗ trợ công nghệ; hỗ trợ cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung; (5) Hỗ trợ mở rộng thị trường; (6) Hỗ trợ thông tin, tư vấn và pháp lý; và (7) Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực. Luật quy định các chính sách hỗ trợ cụ thể có trọng tâm cho 03 đối tượng là DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh, DNNVV khởi nghiệp sáng tạo và DNNVV tham gia chuỗi liên kết ngành, chuỗi giá trị.

Về chính sách hỗ trợ tiếp cận vốn, Luật Hỗ trợ DNNVV cung cấp kênh tiếp cận vốn đa chiều cho
DNNVV, với 3 loại quỹ: Quỹ phát triển DNNVV, Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV, Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.

Triển khai thực hiện Luật Hỗ trợ DNNVV, Chính phủ đã ban hành các văn bản như sau:

- Nghị định Số 34/2018/NĐ-CP ngày 08/03/2018 về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV;

- Nghị định Số 38/2018/NĐ-CP ngày 11/03/2018 quy định chi tiết về đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo;

- Nghị định Số 39/2018/NĐ-CP ngày 1/03/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ  NNVV.

Để triển khai đồng bộ, có hiệu quả, sớm đưa các chính sách, giải pháp quy định tại Luật Hỗ trợ
DNNVV vào cuộc sống, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 15/6/2018 về tổ
chức triển khai thực hiện hiệu quả Luật Hỗ trợ DNNVV. Tại Chỉ thị này, Thủ tướng Chính phủ yêu
cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ, có hiệu quả, sớm đưa các chính sách, giảipháp quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV vào cuộc sống.

Vụ Trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng cho biết, trên cơ sở thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho DNNVV tiếp cận nguồn vốn tín dụng để phát triển sản xuất kinh doanh, dư nợ tín dụng đối với DNNVV luôn có sự tăng trưởng đều qua các năm và trong 6 tháng đầu năm 2018, tín dụng đối với DNNVV đã đạt được kết quả nhất định. Đến 30/6/2018, dư nợ tín dụng đối với DNNVV toàn quốc 1.402.890 tỷ đồng, tăng 4,48% so với cuối năm 2017, chiếm khoảng 21% dư nợ toàn nền kinh tế.

Có thể nói đầu tư tín dụng đối với DNNVV đã liên tục tăng mạnh trong những năm gần đây và cơ bản đáp ứng được nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh của các DNNVV đủ điều kiện vay vốn ngân hàng. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, hiện nay có trên 270.000 DNNVV đang có dư nợ tại các tổ chức tín dụng.

Những khó khăn, vướng mắc trong việc cho vay đối với DNNVV

Ông Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ, mặc dù tín dụng đối với DNNVV trong thời gian vừa qua đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, qua tiếp nhận thông tin, Ngân hàng Nhà nước nhận thấy việc cho DNNVV vay vẫn còn gặp phải những khó khăn, vướng mắc như sau:

- Thứ nhất, xuất phát từ những khó khăn chung của thị trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt ảnh hưởng sản xuất kinh doanh của các DNNVV, hiệu quả cho vay của các tổ chức tín dụng;

- Thứ hai, hạn chế xuất phát từ chính bản thân DNNVV, như: quy mô vốn nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính hạn chế, trình độ quản trị doanh nghiệp bất cập, thiếu phương án kinh doanh khả thi, số liệu thiếu chính xác, thiếu hoặc không đủ giấy tờ về tài sản bảo đảm; DNNVV chưa có sự hợp tác chặt chẽ với ngân hàng khi vay vốn hoặc cơ cấu lại khoản nợ.

- Thứ ba, chưa có sự triển khai đồng bộ và phối hợp chặt chẽ giữa các chương trình hỗ trợ DN của các bộ, ngành, địa phương; một số tổ chức tín dụng còn thiếu kinh nghiệm trong thẩm định phương án sản xuất kinh doanh của DNNVV, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực mới, còn nặng về tài sản đảm bảo cho khoản vay.

- Thứ tư, việc duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã và đang phụ thuộc rất nhiều vào các nguồn vốn vay ngân hàng, tạo ra áp lực cho hệ thống tổ chức tín dụng, trong khi tổ chức tín dụng không có đủ thông tin về doanh nghiệp, không kiểm soát được dòng tiền nên dẫn đến tâm lý e dè khi quyết định cho vay các DNNVV;

- Thứ năm, chính sách bảo lãnh tín dụng cho DNNVV còn tồn tại nhiều bất cập, chưa phát huy được hiệu quả trong trợ giúp DNNVV tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

4 đề xuất, kiến nghị để DNNVV tiếp cận được vốn

Ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh, các giải pháp của ngành ngân hàng chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi có sự phối hợp nhịp nhàng từ cơ quan, bộngành, hiệp hội và bản thân các doanh nghiệp, cụ
thể:

- Một là, các Bộ, ngành sớm hoàn thiện các văn bản (Nghị định, Thông tư) hướng dẫn Luật Hỗ trợ DNNVV, bảo đảm các chính sách hỗ trợ DNNVVđược triển khai đồng bộ, có hiệu quả;

- Hai là, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tích cực triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ DNNNV quy định tại Luật hỗ trợ DNNVV và hướng dẫn của các Bộ, ngành trung ương. Phối hợp chặt chẽ với ngành ngân hàng trong việc triển khai chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp để
cùng tháo gỡ khó khăn trong các lĩnh vực đất đai, thuế, cơ sở hạ tầng... khi doanh nghiệp tiếp cận vay
vốn ngân hàng để phát triển sản xuất kinh doanh;

- Ba là, các Hiệp hội ngành nghề cần nâng cao vai trò, tầm ảnh hưởng của mình để làm cầu nối cho các DNNVV tiếp cận với các tổ chức tín dụng;

- Bốn là, bản thân các DNNVV cũng phải tự hoàn thiện, tuân thủ quy định của pháp luật và chủ động cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực để nâng cao uy tín đối với các tổ chức tín dụng. Tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị của sản phẩm, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng kiểm soát dòng tiền và tình hình tài chính của doanh nghiệp trong quá trình vay vốn./.

Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, số 28.2018

Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia

Bạn đang đọc bài viết Dự án: TẠO HÀNH LANG PHÁP LÝ CHO VIỆC XÂY DỰNG VÀ THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ VỐN CHO DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Lên đầu trang