Kiến thức - Kỹ năng
Thứ tư , 26/07/2023, 10:16

Tinh thần doanh nhân và các yếu tố cốt lõi của tinh thần kinh doanh (phần 1)

Một trong những yếu tố quan trọng để có thể thành công đó là người kinh doanh cần phải có tư duy dám khởi sự doanh nghiệp mới và dám đạp bằng thách thức, khó khăn để đưa doanh nghiệp đi lên.

Tinh thần doanh nhân là gì?

Tinh thần doanh nhân (Entrepreneurship) còn được dịch với các nghĩa như tinh thần khởi nghiệp hay tinh thần doanh nghiệp, tinh thần kinh doanh, là một thuật ngữ xuất hiện khá lâu trên thế giới và cũng đã xuất hiện nhiều trong các bài viết ở Việt Nam những năm gần đây.

Hiện nay có nhiều định nghĩa khác nhau về tinh thần doanh nhân. Trong đó, có thể kể đến định nghĩa của Joseph Schumpeter (2007). Theo tác giả, tinh thần doanh nhân là sự sẵn sàng và quyết tâm theo đuổi ý tưởng, sáng tạo và biến nó thành hành động có tính chất sáng tạo. Tinh thần kinh doanh tạo ra “một sự đào thải có sáng tạo” trong các thị trường và các ngành công nghiệp, tạo ra những ngành nghề kinh doanh và mô hình kinh doanh mới. Những mô hình cũ, lạc hậu và không mang lại hiệu quả kinh tế sẽ bị loại bỏ. Từ đó giúp cho nền kinh tế tăng trưởng nhanh và chắc chắn hơn.

Bên cạnh đó, theo European Commission (2003) thì tinh thần doanh nhân là thái độ phản ánh động lực và năng lực của một cá nhân về việc xác định cơ hội và theo đuổi cơ hội đó, nhằm tạo ra sản phẩm mới có giá trị cho thị trường hay thành công về kinh tế.

Tinh thần doanh nhân đã được Thompson (1999) khái niệm hóa như một quá trình mà các cá nhân, hoặc là của chính họ hoặc bên trong tổ chức, theo đuổi các cơ hội mà không quan tâm đến các nguồn lực mà họ hiện đang kiểm soát. Nói cách khác, tinh thần khởi nghiệp tập trung vào một tầm nhìn, một tầm nhìn cho phép doanh nhân nhìn xa hơn giới hạn của những hạn chế về nguồn lực và xác định những cơ hội bị người khác bỏ lỡ.

Tinh thần doanh nhân được hiểu và định nghĩa khác nhau. Nếu hiểu theo nghĩa hẹp “tinh thần doanh nhân” là việc một cá nhân bắt đầu khởi sự công việc kinh doanh của riêng mình (Begley and Tan, 2001), hay là việc một cá nhân chấp nhận rủi ro để tạo lập một doanh nghiệp mới và tự làm chủ nhằm mục đích làm giàu, hoặc là việc bắt đầu tạo lập một công việc kinh doanh mới bằng đầu tư vốn kinh doanh, hay mở cửa hàng kinh doanh (MacMillan, 1993). Nếu hiểu theo nghĩa rộng thì tinh thần doanh nhân lại là một thái độ làm việc đề cao tính tự chủ, sáng tạo, đổi mới và chấp nhận rủi ro tạo ra các giá trị mới trong các doanh nghiệp hiện tại (Bird, 1988); là sự đổi mới; là một phong cách nhận thức và suy nghĩ (MacMillan, 1993); là dự định phát triển nhanh (Lowell, 2003). Hiện nay các nhà nghiên cứu lý thuyết lẫn thực tiễn rất đa dạng trong khái niệm và khuôn khổ nghiên cứu về tinh thần doanh nhân. Tinh thần doanh nhân với nghĩa rộng hơn thường được các học giả nghiên cứu trong lĩnh vực quản trị kinh doanh và quản trị chiến lược.

Theo Nguyễn Viết Lộc (2011), khái niệm “tinh thần doanh nhân” (entreprenership) gắn với khái niệm “doanh nhân” (entreprener). Do vậy, doanh nhân được nhận diện và phân biệt với những người làm nghề kinh doanh khác như nhà quản trị, thương gia... bởi các yếu tố cốt lõi của tinh thần doanh nhân là: Khả năng nắm bắt cơ hội kinh doanh, sự khởi nghiệp (new venture startup); thái độ chấp nhận rủi ro (taking risk); tính sáng tạo - đổi mới (creative - innovation); đạt những thành quả (hay phần thưởng) có tính bền vững (reward). Các yếu tố cốt lõi đó của tinh thần kinh doanh có mối quan hệ biện chứng và chu kỳ; có thể mô hình hóa và lý giải như Hình 1.

(Nguồn: Nguyễn Viết Lộc, 2011)

Hình. Các yếu tố cốt lõi của tinh thần doanh nhân

Bốn yếu tố của tinh thần kinh doanh trong Hình 1 có mối quan hệ tương tác theo chu kỳ của một kế hoạch kinh doanh là:

Nắm bắt cơ hội kinh doanh => Dám chấp nhận rủi ro => Triển khai cơ hội kinh doanh đó một cách sáng tạo - đổi mới => Mang lại thành quả bền vững

Một chu kỳ mới lại bắt đầu với việc “nắm bắt cơ hội kinh doanh” mới... Đồng thời, các yếu tố này lại có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại với nhau. Sáng tạo - đổi mới là nền tảng cho phát hiện, tạo ra cơ hội kinh doanh mới; tính dám nghĩ, dám làm, dám chấp nhận rủi ro, thực hiện các kế hoạch kinh doanh khi thông tin chưa rõ ràng, nguồn lực chưa đầy đủ sẽ là định hướng tư duy cho khám phá cơ hội kinh doanh. Đi trước đối thủ nhờ nắm bắt cơ hội, chấp nhận rủi ro và sáng tạo - đổi mới sẽ mang lại thành quả tốt cho doanh nhân và nhờ có thành quả tốt đó doanh nhân lại sử dụng nó làm nền tảng cho tái đầu tư một chu kỳ kinh doanh mới. Vòng tròn bốn yếu tố cốt lõi của tinh thần doanh nhân sẽ xoáy lò xo, mỗi tầng của lo xo phản ánh một bước phát triển mới của doanh nhân.

CASTI Hub (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Dự án: Tinh thần doanh nhân và các yếu tố cốt lõi của tinh thần kinh doanh (phần 1) tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Cùng chuyên mục
Kiến thức - Kỹ năng
Thứ năm , 26/03/2020, 00:00
Kiến thức - Kỹ năng
Thứ năm , 26/03/2020, 00:00
Kiến thức - Kỹ năng
Thứ năm , 26/03/2020, 14:53
Kiến thức - Kỹ năng
Thứ năm , 26/03/2020, 15:52
Kiến thức - Kỹ năng
Thứ năm , 26/03/2020, 00:00
Kiến thức - Kỹ năng
Thứ năm , 26/03/2020, 16:01
Kiến thức - Kỹ năng
Thứ năm , 26/03/2020, 16:12
Lên đầu trang