Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ sáu , 18/02/2022, 08:57

Trồng thứ "gậy ngọt" tiến vua trên đất cằn, thu hàng trăm triệu đồng mỗi vụ

Hơn 10 năm nay, nhiều nhà nông ở Chư Sê, Gia Lai trồng mía tím Kim Tân - đặc sản tiến vua mang từ quê hương Thanh Hóa lên cao nguyên, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi vụ.

Theo những người dân trồng mía xã Ia Pal, loại mía tím đang trồng trên vùng đất sỏi đá này xuất xứ từ Thanh Hóa, có tên là mía tím Kim Tân (hay còn gọi là mía Thuốc, mía Phố Cát, mía Thạch Thành…). Từ xa xưa, người dân xứ Thanh đã dâng tiến vua mía tím Kim Tân, loại sản phẩm được gọi là "mía thần" thời đó.

Từ đó, nhiều người dân Thanh Hóa vào huyện Chư Sê (Gia Lai) lập nghiệp đem theo loại đặc sản tiến vua trồng thử nghiệm ở vùng đất sỏi đá. Trải qua thời gian vất vả, chăm sóc, cây mía tím Kim Tân đã phát triển tốt ở mảnh đất đỏ bazan, cho vị ngọt không khác gì cây mía trồng ở bản xứ. Nhận thấy cây trồng khá hiệu quả, các hộ dân mở rộng diện tích mía để bán, thu lại hiệu quả kinh tế cao.

Anh Nguyễn Văn Phương (41 tuổi, trú thôn Phú Cường, xã Ia Pal, huyện Chư Sê, Gia Lai) có hơn 2 sào mía tím sắp thu hoạch xong.

Anh Phương chia sẻ: "Nhà tôi trồng mía được hơn 10 năm nay. Giống cây được lấy từ hàng xóm quê ở Thanh Hóa. Mía này sống tốt trên đất cằn, thời tiết cũng khá phù hợp cho cây sinh trưởng. Nhiều năm trước, nhà tôi trồng hơn 4.000 m2. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên nhà tôi xuống giống còn 2.000 m2".

Theo anh Phương, một sào đất trồng được khoảng 7.000 nghìn cây mía, sau 7 tháng sẽ cho thu hoạch. Giá mía tím trung bình từ 8.000-10.000 đồng/cây nếu bán tại vườn. Còn bán lẻ tại quán, có giá 10.000-15.000 đồng/cây.

Trồng mía tím đầu tư khoảng 15 triệu đồng/sào, kỳ công chăm sóc hơn mía đường nhưng lại cho thu nhập cao hơn. Bình quân 1.000 m2 gia đình anh Phương thu được 40-50 triệu đồng. Mỗi vụ thu hơn 100 triệu đồng sau khi trừ hết các chi phí.

Tương tự, gia đình chị Trần Hoài Trâm (38 tuổi, trú thôn Phú Cường, xã Ia Pal, huyện Chư Sê, Gia Lai) cũng trồng hơn 4.000 m2 mía tím và có thu nhập cao từ loài cây này.

Dọc tuyến đường quốc lộ 25 qua thôn Phú Cường rất nhiều quầy bán mía.

Vào năm 2015, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, chị Trâm cùng chồng và 2 đứa con rời thành phố Pleiku đến xã Ia Pal (huyện Chư Sê, Gia Lai) sinh sống và lập nghiệp. Mới đầu, chị luôn trắc trở trong việc phát triển các cây ăn quả ở vùng đất này. Được một thời gian, thấy nhiều người trồng mía nên chị cũng thử sức và thành công.

"Cây mía tím ở đây được trồng trên những thửa ruộng đầy đá. Chỗ nào nhiều đá quá thì tôi và chồng lại khuân đá vào một chỗ tìm đất để trồng cây. Cứ như thế những sào mía tím nhà tôi ra đời. Nhiều nông dân thôn Phú Cường được ví như chiến binh của vùng đất sỏi", chị Trâm niềm nở kể.

Hiện, gia đình chị Trâm đã bán được 50% diện tích mía, số còn lại chị đang tích cực chăm sóc để cho thu hoạch vào cuối tháng 3. Ngoài ra, chị còn mua mía của các hộ dân khác để bán sỉ, xuất đi ngoài tỉnh thành như TPCHM, Huế, Đắk Lắk,…

Bên cạnh việc bán từng cây, chị Trâm còn ép nước mía, chặt mía thành khúc vừa ăn và bán với giá 10.000 đồng/kg. Trên diện tích 4.000m2, với giá bán đang áp dụng, sau khi trừ đi các chi phí, chị có thu nhập trên 100 triệu đồng/vụ. Cũng nhờ mía tím, gia đình chị mua được đất trồng cây ăn quả hơn 1 ha, còn có tiền xây nhà và mua xe.

Cũng theo chị Trâm, mía tím Kim Tân trồng ở vùng đất này có vị ngọt thanh đặc trưng còn trồng ở đất đỏ, cây sẽ mập thân, to cao nhưng vị mía lại chua mặn, ít ngọt.

Mỗi vụ trồng mía tím kéo dài 7 tháng, từ tháng 11 đến hết tháng 4 năm sau. Nó phát triển tốt trên vùng đất sỏi đá này và càng nắng nóng khô cằn thì cây mía càng ngọt. Từ khi có đặc sản "tiến Vua" này, cuộc sống của người dân trên vùng đất sỏi đá được thay đổi, giúp nhiều hộ thoát nghèo và có thu nhập ổn định.

https://dantri.com.vn/lao-dong-viec-lam/trong-thu-gay-ngot-tien-vua-tren-dat-can-thu-hang-tram-trieu-dong-moi-vu-20220217031515730.htm

Theo Dân trí

Bạn đang đọc bài viết Dự án: Trồng thứ "gậy ngọt" tiến vua trên đất cằn, thu hàng trăm triệu đồng mỗi vụ tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Cùng chuyên mục
Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ năm , 10/01/2019, 15:08
Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ ba , 05/03/2019, 00:00
Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ năm , 14/03/2019, 15:00
Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ năm , 14/03/2019, 15:00
Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ ba , 19/03/2019, 10:12
Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ ba , 19/03/2019, 01:59
Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ ba , 19/03/2019, 02:32
Lên đầu trang