Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ sáu , 24/05/2019, 07:59

Ý tưởng sáng tạo "dồn dập" tìm đến khi bạn trải nghiệm cuộc sống

"Tôi từng nghĩ sự sáng tạo là một điều gì đó cao siêu, hàn lâm, nhưng khi được trải nghiệm với cộng đồng, doanh nghiệp thì những ý tưởng cứ dồn dập đến".

“Thậm chí trong những việc hằng ngày, nếu chúng ta luôn nghĩ có cách nào để làm tốt hơn thì đã là động lực để kiếm tìm những giải pháp cho riêng mình”. Đó là những chia sẻ của Nguyễn Thị Thùy Vy (sinh năm 1998), gương mặt quán quân cuộc thi Leadership 4.0 (Lãnh đạo trẻ trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0) do ĐH Ngoại thương, cơ sở 2 TP.HCM tổ chức mới đây.

Cô gái này đã chia sẻ với Tạp chí Khám phá những câu chuyện về hành trình rèn luyện khả năng sáng tạo, nhằm giải quyết công việc tốt hơn, mang lại những điều tốt đẹp cho cộng đồng.

Bạn đã từng làm việc trong những doanh nghiệp công nghệ khi còn là sinh viên. Bạn có sợ mình sẽ “bị thay thế” bởi máy móc, trí tuệ nhân tạo hay không?

Tôi từng có thời gian 3 tháng làm ở bộ phận chăm sóc khách hàng của ZaloShop thuộc VNG. Công việc nhiều nhưng nhóm của chúng tôi chỉ có 6 người gồm 1 lập trình viên chuyên viết code và 5 nhân viên (trong đó có 1 người làm quản lý). Hệ thống chạy mỗi ngày bằng phần mềm. Với kho dữ liệu của các shop có trong hệ thống kho dữ liệu, nhiệm vụ của tôi là gọi điện thoại thuyết phục họ tham gia hệ thống của mình.

Đối với các shop đang là đối tác của chúng tôi, phần mềm sẽ ghi nhận dữ liệu và chúng tôi tư vấn giúp họ đọc được thói quen người dùng, giúp họ biết được điểm mạnh điểm yếu và phân tích xu hướng mua sắm của khách hàng để tư vấn cho họ nên bán mặt hàng gì. Với sự có mặt của công nghệ, chúng tôi làm việc một cách chuyên môn hơn, những việc máy làm được và làm tốt chúng tôi không phải làm nữa  

Tuần đầu tiên làm việc, tôi chỉ đạt được 40% năng suất, và được cấp trên đặt mục tiêu là năng suất tuần sau phải cao hơn mặc dù tôi chỉ làm việc dưới hình thức thực tập. Vậy nên trong thời đại công nghệ, dù bạn làm ở vị trí nào, tính chất công việc là gì thì phải luôn có một tâm thế cạnh tranh và đo lường hiệu quả công việc bằng con số cụ thể.

Một công ty công nghệ có thể mua một phần mềm, hay robot làm tốt hơn con người thay vì phải quản lý những vấn đề liên quan đến nhân sự trong thời gian dài.

Thùy Vy tham gia một hoạt động cộng đồng về môi trường tại Bình Thuận. Ảnh: NVCC.

Đúng là phần mềm hay robot có thể làm nhiều thứ tốt hơn con người, nhưng trong bài hùng biện của mình ở Leadership 4.0 bạn chỉ ra, robot có thể nhanh nhưng chỉ có thể làm theo một mô thức được con người lập trình sẵn. Còn con người vì có tư duy, cảm xúc nên có thể tạo ra sáng tạo trong suy nghĩ, hành động.Vậy muốn có được điều này, một người trẻ như bạn phải phải chuẩn bị những hành trang gì?

Đúng vậy, sự sáng tạo là thứ mà con người có thể tạo ra, và cũng chính sự sáng tạo và thông minh của con người mới tạo ra được robot.

Ngày xưa tôi cũng như nhiều người, nghĩ rằng sáng tạo là một cái gì đó cao siêu và không thuộc về mình. Sau này tôi nghĩ việc sáng tạo những cái mới và sáng tạo những điều riêng cho mình là hai thứ không giống nhau.

Nhưng khi được trải nghiệm các hoạt động học thuật, các hoạt động cộng đồng, tôi đã thay đổi suy nghĩ. Chính những vấn đề trong những công việc mà mình gặp phải đã thôi thúc tôi tìm ra giải pháp để tối ưu nó. Sự sáng tạo đối với tôi có lẽ sẽ bắt đầu bằng những điều như vậy. Tập cho mình những sự sáng tạo nhỏ trước rồi mới có đà nghĩ đến những chuyện lớn lao hơn.

Trước đây tôi thường phải ghi lại biên bản họp nhóm để người vắng mặt cập nhật thông tin. Tuy nhiên tôi lại sinh hoạt với trên 10 nhóm. Vì thế mỗi lần phải ghi biên bản như vậy tôi rất mệt mỏi. Vì tôi sinh hoạt ở nhiều nhóm khác nhau, nên nếu không cẩn thận tôi rất dễ nhớ trước quên sau. Điều đó tạo cho tôi nhiều áp lực.

Nhưng chính áp lực đó đã thôi thúc tôi sử dụng công nghệ, mặc dù tôi không phải là chuyên gia trong lĩnh vực này. Tôi mày mò tìm kiếm và lưu dữ liệu cuộc họp vào phần mềm. Trong đó tôi chia theo từng bảng để lưu trữ và chia sẻ dữ liệu cho từng nhóm mà mình tham gia. Mỗi việc làm xong tôi đều ghi chú lại và chia sẻ cho mọi người biết. Chỉ với một cách làm nhỏ như vậy, tôi đã thấy thoải mái hơn nhiều và cảm thấy mình quản lý công việc hiệu quả hơn.

Từ đó, tôi nhận ra sự sáng tạo thật ra không quá giáo điều hay hàn lâm như mình nghĩ.

Một phần thi tình huống mà Thùy Vy (cầm mic) tham gia với chủ đề là robot hiện diện trong doanh nghiệp và số phận của con người. Ảnh: NVCC. 

Leadership 4.0 là một hành trình mà mỗi sinh viên được gắn kết với doanh nghiệp và cộng đồng. Như bạn đã chia sẻ, trải nghiệm giúp mỗi con người tìm được sự sáng tạo, vậy những trải nghiệm cuộc thi đó đã giúp bạn có được những ý tưởng gì?

Chúng tôi tham gia 2 dự án, một dành cho cộng đồng và một cho doanh nghiệp. Với dự án cộng đồng, chúng tôi làm dự án về môi trường ở Bình Thuận. Đó là việc thu gom rác thải cho người dân ở miền biển.

Tuy nhiên, chúng tôi không làm theo phong trào mà hướng đến những giá trị bền vững. Chúng tôi chỉ có 1 buổi đi nhặt rác để “đánh động” người dân ý thức bảo vệ môi trường. Sau đó, chúng tôi lập một kế hoạch cụ thể để giúp người dân ngừng xả rác.

Dự án mang “thương hiệu” sự phát triển bền vững khi chúng tôi để xuất tái chế những vỏ hải sản - thứ mà nhiều người dân đóng bao và vứt xuống biển, nhưng sau đó lại trôi ngược vô bờ.

Chúng tôi đề xuất phát triển thành một ngành thủ công mỹ nghệ, vừa bảo vệ môi trường vừa tạo sinh kế cho người dân. Đó là tận dụng vỏ hải sản để dùng keo kết dính và tạo thành những bức tranh phục vụ cho ngành du lịch. Vỏ hải sản cũng có thể tận dụng làm chuông gió. Các sản phẩm này có thể bán được tại các khu nghỉ dưỡng ven biển.

Với riêng tôi, tôi cũng có dự án cho riêng mình khi trực tiếp tìm hiểu hoạt động của các khu nghỉ dưỡng ven biển Bình Thuận. Doanh nghiệp sẵn sàng cam kết mua lại những sản phẩm đó.

Nhận thấy các khu du lịch này có lượng khách nước ngoài khá lớn, tôi nảy ra ý tưởng tạo ra bộ trò chơi dân gian để chuyển tải văn hóa việt Nam. Tôi dự định thành lập một khu trò chơi dân gian ngay trong các khu nghỉ dưỡng này.

Tôi tạo hình bộ trò chơi ô ăn quan, mỗi ô là một địa danh của việt Nam. Vỏ sò được sử dụng làm một phần trong trò chơi. Tôi tin rằng với việc trải nghiệm trò chơi, những hình ảnh về kiến trúc cũng như văn hóa Việt Nam được lưu giữ trong ký ức người nước ngoài, khiến họ sẽ quay lại đất nước xinh đẹp của chúng ta.

Từ trò chơi ô ăn quan, tôi đưa vào nhiều trò chơi dân gian khác nữa và in thành 30 cuốn sổ hướng dẫn chơi bằng tiếng Anh cho người nước ngoài. Tất cả những cuốn sổ này đều được doanh nghiệp mua lại.

Những trải nghiệm về cuộc sống giúp tôi luôn tư duy và cảm giác như mình có động lực sáng tạo nhiều hơn. Sáng tạo không cần gì cao xa mà chỉ là mình chịu khó suy nghĩ đến những điều mới và làm cho nó trở nên thật sự có ích.

Xin cảm ơn bạn!

Hà Thế An (khampha.vn)

Bạn đang đọc bài viết Dự án: Ý tưởng sáng tạo "dồn dập" tìm đến khi bạn trải nghiệm cuộc sống tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Cùng chuyên mục
Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ năm , 10/01/2019, 15:08
Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ ba , 05/03/2019, 00:00
Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ năm , 14/03/2019, 15:00
Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ năm , 14/03/2019, 15:00
Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ ba , 19/03/2019, 10:12
Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ ba , 19/03/2019, 01:59
Câu chuyện khởi nghiệp
Thứ ba , 19/03/2019, 02:32
Lên đầu trang