Đào tạo
Thứ sáu , 24/04/2020, 09:08

Các khái niệm trong khởi nghiệp – phần 1

.

CÔNG TY KHỞI NGHIỆP (TIẾNG ANH: STARTUP COMPANY)

Công ty khởi nghiệp là một công ty đang trong giai đoạn đầu hoạt động. Các công ty này ban đầu thường được các nhà sáng lập tài trợ và cố gắng tận dụng khoản tiền này để phát triển một sản phẩm hoặc dịch vụ mà công ty tin rằng thị trường có nhu cầu.

Do doanh thu thấp hoặc chi phí cao, hầu hết các công ty này sẽ không thể tồn tại lâu dài mà không có nguồn vốn tài trợ bổ sung từ các nhà đầu tư mạo hiểm.

Bản chất của công ty khởi nghiệp

Vào cuối những năm 1990, loại công ty khởi nghiệp phổ biến nhất là công ty dotcom. Trong giai đoạn đó các công ty này có vốn cực kì dễ dàng nhờ các nhà đầu tư điên cuồng đầu cơ vào sự xuất hiện của các loại hình kinh doanh mới này.

Hầu hết các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực Internet này cuối cùng đã bị phá sản. Chỉ có một vài công ty Internet khởi nghiệp tồn tại khi bong bóng dotcom vỡ như Amazon và eBay. Các cái tên xuất hiện sau này là là Facebook, Airbnb, Uber, SpaceX và Ant Financial.

Các công ty khởi nghiệp cần đầu tư thời gian và tiền bạc vào nghiên cứ thị trường để xác định nhu cầu cho một sản phẩm hoặc dịch vụ. Một công ty khởi nghiệp cần một kế hoạch kinh doanh toàn diện phác thảo ra mục tiêu, sứ mệnh, tầm nhìn trong tương lai cũng như các chiến lược quản lí và tiếp thị.

Các lưu ý quan trọng đối với công ty khởi nghiệp

Địa điểm

Các công ty khởi nghiệp phải quyết định liệu việc kinh doanh của họ được tiến hành qua mạng Intenet, trong văn phòng hay trongcửa hàng. Địa điểm phụ thuộc vào sản phẩm hoặc dịch vụ công ty cung cấp. Ví dụ: một công nghệ khởi nghiệp bán các thiết bị công nghệ thực tế ảo có thể cần mở một cửa hàng để trình diễn cho khách hàng các chức năng phức tạp của sản phẩm.

Cơ cấu pháp lí

Các công ty khởi nghiệp cần lựa chọn cơ cấu pháp lí nào phù hợp nhất. Hình thức sở hữu duy nhất phù hợp khi người sáng lập đồng thời là nhân viên chủ chốt của công ty. Công ty hợp danh tác là một cơ cấu pháp lí khả thi cho các doanh nghiệp gồm một số người có quyền sở hữu chung; và chúng cũng khá đơn giản để tạo dựng. 

Nghĩa vụ và trách nhiệm của cá nhân có thể được giảm bằng cách đăng kí công ty khởi nghiệp dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn.

Tài trợ

Hình thức gọi vốn cộng đồng cho phép những người tin vào một công ty khởi nghiệp có thể đóng góp tiền thông qua một nền tảng gây quĩ cộng đồng và là phương thức kêu gọi vốn tài trợ được nhiều công ty khởi nghiệp sử dụng. 

Các công ty khởi nghiệp thường gây quĩ thông qua các nhà đầu tư mạo hiểm. Họ là một nhóm các nhà đầu tư chuyên nghiệp chuyên tài trợ cho các công ty khởi nghiệp

Thung lũng Silicon ở California được biết đến với cộng đồng đầu tư mạo hiểm đông đảo và là điểm đến phổ biến cho các công ty khởi nghiệp, nhưng chính điều này cũng biến đây thành đấu trường khốc liệt giữa các công ty.

KHỞI SỰ VÌ KẾ SINH NHAI (TIẾNG ANH: SMALL BUSINESS STARTUPS)

Khởi sự vì kế sinh nhai là loại khởi sự thường gắn với việc cá nhân bị bắt buộc phải khởi sự do yếu tố môi trường, hoàn cảnh như bị thất nghiệp, bị đuổi việc, gia đình khó khăn... 

Khởi sự không phải để nắm bắt cơ hội làm giàu do thị trường mang lại mà khởI sự là phương thức duy trì sự sống, thoát nghèo, chống đói. 

Doanh nghiệp do những người này tạo lập về cơ bản có thể cung cấp cho người chủ của nó thu nhập tương tự với thu nhập họ có thể kiếm được khi làm một công việc thông thường.

Đặc điểm

Về kiến thức

Về cơ bản khởi sự vì kế sinh nhai là hình thức khởi sự trên cơ sở thiếu kiến thức nghề nghiệp cần thiết nên ít được người khởi sự cân nhắc, tính toán kĩ lưỡng. 

Thông thường những người khởi sự thuộc loại này là những người không được trang bị các kiến thức cần thiết nên không quan niệm kinh doanh là một nghề; hoặc họ quan niệm đơn thuần ai cũng có thể kinh doanh được, hoặc anh ta bị dồn vào đường cùng nên buộc phải khởi sự (thất nghiệp, rất cần thu nhập cho cuộc sống,...).

Về qui mô

Vì khởi sự với ước mơ rất nhỏ là có việc, có thu nhập nên tuyệt đại bộ phận doanh nghiệp do những người thuộc loại này thành lập là doanh nghiệp thuộc loại siêu nhỏ, một số trong đó có thể có qui mô nhỏ. 

Ví dụ điển hình loại này là các cửa hàng tạp hóa, tiệm gội đầu cắt tóc, quán ăn,... 

Có thể nói, ở các nước càng lạc hậu bao nhiêu thì số doanh nghiệp được khởi sự vì kế sinh nhai càng nhiều bấy nhiêu.

Hạn chế

Do không khởi sự trên cơ sở có kiến thức, tính toán cẩn thận nên những doanh nghiệp khởi sự thuộc loại này tạo ra các sản phẩm/dịch vụ thông thường, đơn giản, đã có trên thị trường mà không có sự cải tiến nào. 

Có thể nói cách khác, sản phẩm/dịch vụ được sao chép từ những sản phẩm/dịch vụ đã có. Do họ thiếu kiến thức mà đi sao chép nên trong nhiều trường hợp sản phẩm/dịch vụ do các doanh nghiệp này tạo ra có chất lượng và cách thức phục vụ còn kém hơn nhiều so với sản phẩm/dịch vụ của các doanh nghiệp "bị" họ sao chép.

Có thể nói, khi mới khởi sự, các doanh nghiệp này có tác dụng giảm gánh nặng lo "công ăn, việc làm" cho xã hội và trong chừng mực nhất định cũng làm cho xã hội đỡ tệ nạn hơn. 

Song xét về lâu dài, những doanh nghiệp khởi sự loại này có đặc trưng là dễ thất bại và khó phát triển: hoặc khởi sự được thời gian ngắn là rơi vào tình trạng khó khăn, có thể thất bại; hoặc nếu không thất bại cũng chỉ tồn tại ở dạng siêu nhỏ, tạo ra thị trường với đủ khuyết tật nên khó thích hợp với thị trường ngày nay. 

Nếu nhiều người khởi sự vì kế sinh nhai, xét về lâu dài, còn gây ra nhiều bất lợi đối với sự phát triển kinh tế – xã hội.

KHỞI SỰ KHÔNG VÌ MỤC TIÊU LỢI NHUẬN (TIẾNG ANH: NONPROFIT STARTUPS)

Khởi sự không vì mục tiêu lợi nhuận là khởi sự doanh nghiệp không vì lợi nhuận mà vì xã hội. Những doanh nghiệp này phát triển kinh doanh các sản phẩm/dịch vụ nhưng không vì lợi ích cá nhân mình mà nhằm mục đích nhân đạo - các doanh nghiệp này được gọi là các doanh nghiệp xã hội.

Đặc điểm

Khác với doanh nhân kinh doanh, doanh nhân xã hội không có mục đích lợi nhuận mà họ hoàn toàn tự nguyện cống hiến cuộc đời mình cho hoạt động mang tính nhân đạo. 

Xã hội đánh giá thành công của họ không phải qua lợi nhuận mà bằng những tiến bộ xã hội mà họ đóng góp cho cộng đồng.

Doanh nghiệp xã hội đã xuất hiện trong một thời gian khá dài nhưng gần đây mới được biết tới như là một cách tiếp cận sáng tạo và có định hướng thị trường để giải quyết các vấn đề xã hội. 

Doanh nghiệp xã hội lấy lợi ích xã hội làm mục tiêu chủ đạo, dùng mục tiêu kinh tế để đạt được mục tiêu xã hội/môi trường. 

Doanh nghiệp xã hội có thể dưới dạng các tổ chức từ thiện, các tổ chức xã hội, các tổ chức vì cộng đồng phi lợi nhuận hoặc doanh nghiệp xã hội có lợi nhuận hoặc là kết hợp cả hai mô hình trên thành mô hình doanh nghiệp xã hội hỗn hợp. 

Điều này tuỳ thuộc vào mục tiêu mà doanh nghiệp muốn đạt được và cách thức mà doanh nghiệp cho rằng hiệu quả nhất để đạt mục tiêu.

Ví dụ

Doanh nghiệp xã hội Tohe

Phan Thị Ngân tốt nghiệp khoa tiếng Trung – Đại học ngoại ngữ (thuộc Đại học quốc gia Hà Nội). Ban đầu, chị và người thân mở một công ty thiết kế và quảng cáo. Trong quá trình làm việc, chị và những người bạn có tham gia một số dự án xã hội của các tổ chức phi Chính phủ. 

Một số dự án có vài hoạt động dành cho các em thiệt thòi, trẻ em vùng sâu vùng xa như hoạt động học vẽ. Lúc đó, họ băn khoăn bởi khi hết tiền dự án sẽ dừng lại và như vậy các em cũng chỉ có vài buổi vui chơi nên cũng sẽ có ít cơ hội được thể hiện sự sáng tạo của mình. 

Năm 2009, sau một thời gian tìm hiểu tại các Trung tâm có trẻ em thiệt thòi, từ những bức vẽ đầy sáng tạo và hồn nhiên của trẻ cùng với kinh nghiệm trong nghề chị cùng chồng và bạn bè quyết định mở công ty với tên gọi là Tò he. 

Tò he là một doanh nghiệp xã hội được thành lập dưới sự hỗ trợ của Hội đồng Anh Việt Nam và Trung tâm sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP).

Khi ra đời công ty hoạt động ở hai mảng: xã hội và kinh doanh. Trong đó, Tò he mở ra sân chơi là các lớp học vẽ sinh hoạt miễn phí thường xuyên vào các ngày cuối tuần cho các em khuyết tật, thiệt thòi nhằm cải thiện đời sống tinh thần cho các em. 

Đồng thời công ty tìm kiếm khách hàng giúp bán tranh của các em vẽ với thương hiệu Tò he để giúp các em có được chút thu nhập. 

Một phần lợi nhuận từ bán tranh sẽ được chuyển lại cho các em hoặc cho trung tâm bảo trợ để cải thiện cuộc sống vất chất lúc nào cũng thiếu thốn của các em, một phần công ty sẽ giữ để chi trả cho các hoạt động cộng đồng mà công ty đứng ra tổ chức.

Sự khác biệt so với người hoạt động xã hội - từ thiện

Những người khởi sự doanh nghiệp xã hội có thể là doanh nhân, nhân viên xã hội, nhà hoạt động từ thiện,... tùy thuộc mô hình hoạt động của họ. 

Tuy nhiên, doanh nhân xã hội khác với những người hoạt động xã hội - từ thiện kiểu truyền thống ở chỗ họ sở hữu những phẩm chất, kĩ năng như của một doanh nhân thực thụ. 

Họ nhạy bén trong việc phát hiện, sử dụng các nguồn lực tiềm năng; đam mê, khát vọng tạo ra sự thay đổi; trực tiếp tạo lập, điều hành các tổ chức/doanh nghiệp xã hội; dám chấp nhận thách thức. 

Doanh nhân xã hội là người có đầu óc sáng tạo mang lại những thay đổi cho cộng đồng.

Như thế, người lập ra doanh nghiệp xã hội lại hoàn toàn không nhằm mục đích kiếm tiền mà vì mục đích nhân đạo; doanh nghiệp do họ lập ra phát triển bất cứ sản phẩm/dịch vụ nào nền kinh tế cần để có lợi nhuận nhưng lợi nhuận không dành cho người tạo lập mà dành cho hoạt động từ thiện. 

Như thế, doanh nghiệp xã hội lại tối đa hóa lợi ích xã hội nhưng bằng con đường kinh doanh.

Tổng hợp (Quỳnh Như)

Bạn đang đọc bài viết Dự án: Các khái niệm trong khởi nghiệp – phần 1 tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Lên đầu trang