Đào tạo
Thứ sáu , 24/04/2020, 09:34

Các khái niệm trong khởi nghiệp – phần 3

.

VỐN HẠT GIỐNG (TIẾNG ANH: SEED CAPITAL)

Vốn hạt giống là nguồn vốn ban đầu được sử dụng để tạo ra một doanh nghiệp hoặc một sản phẩm mới. Có được vốn hạt giống là giai đoạn đầu tiên trong bốn giai đoạn cấp vốn cần thiết cho một công ty khởi nghiệp để trở thành một doanh nghiệp thành công.

Vốn hạt giống có thể là một khoản tiền khá khiêm tốn và đến từ tài sản cá nhân, bạn bè hoặc gia đình của người sáng lập công ty khởi nghiệp, thông thường chỉ chi trả cho các khoản thiết yếu như lập kế hoạch kinh doanh và chi phí hoạt động ban đầu.

Mục tiêu của doanh nghiệp lúc này chủ yếu là thu được nhiều tài trợ hơn, nghĩa là thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư mạo hiểm hoặc ngân hàng.

Các giai đoạn vốn đầu tư của công ty khởi nghiệp

Một công ty khởi nghiệp thường phải trải qua 4 giai đoạn đầu tư riêng biệt trước khi thực sự thành công: Vốn hạt giống, vốn đầu tư mạo hiểm, vốn tài trợ hạng hai (mezzanine funding) và phát hành công khai lần đầu ra công chúng.

Vốn hạt giống và vốn đầu tư mạo hiểm thường được sử dụng như từ đồng nghĩa, và trong thực tế, chúng có xu hướng trùng nhau.

Nói chung, vốn hạt giống được sử dụng để phát triển ý tưởng kinh doanh cho đến khi nó có thể được trình bày cho các công ty đầu tư mạo hiểm có khả năng đầu tư với số tiền lớn. Nếu thích ý tưởng này, họ có thể nhận cổ phần trong công ty khởi nghiệp để đổi lấy việc đầu tư vào công ty. 

Hầu hết các công ty khởi nghiệp ở giai đoạn này đều có văn phòng, nhân viên và chuyên gia tư vấn, mặc dù có thể chưa có sản phẩm thực tế.

Tài trợ hạng hai: cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp bước vào giai đoạn giới thiệu sản phẩm. Loại tài trợ này thường chỉ được cấp cho các doanh nghiệp có thành tích nhất định, và đòi hỏi lãi suất cao.

Phát hành công khai lần đầu ra công chúng là giai đoạn các nhà đầu tư thu về lợi nhuận cho họ, còn công ty khởi nghiệp thu được đủ vốn để tiếp tục phát triển.

Ví dụ về vốn hạt giống

Alphabet, công ty mẹ của Google, đã cung cấp tiền hạt giống cho Trung tâm Giải pháp Tài nguyên vào năm 2015 cho một dự án triển khai các chương trình chứng nhận năng lượng tái tạo ở châu Á. Mục tiêu của trung tâm này là giúp các doanh nghiệp mua điện từ các nguồn năng lượng sạch.

Trung tâm Giải pháp Tài nguyên là một tổ chức phi lợi nhuận, nhưng Google sẽ thu được lợi ích trong đó. Google là công ty tư nhân mua năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới nhưng Google còn muốn cung cấp năng lượng cho các trung tâm dữ liệu toàn cầu và cuối cùng là toàn bộ hoạt động của minh bằng năng lượng tái tạo.

VỐN KHỞI NGHIỆP (TIẾNG ANH: STARTUP CAPITAL)

Vốn khởi nghiệp là khoản đầu tư tài chính cho việc phát triển một công ty hoặc sản phẩm mới.

Vốn khởi nghiệp có thể được cung cấp bởi các nhà đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần hoặc các ngân hàng truyền thống. Trong mọi trường hợp, người mong muốn nhận được vốn khởi nghiệp thường phải có một kế hoạch kinh doanh vững chắc hoặc sản phẩm mẫu.

Vốn khởi nghiệp được sử dụng để thanh toán cho bất kì hoặc mọi chi phí cần thiết để tạo ra một doanh nghiệp mới, bao gồm tiền thuê nhân viên mới, thuê không gian văn phòng, giấy phép, hàng tồn kho, nghiên cứu và thử nghiệm thị trường, sản xuất sản phẩm, tiếp thị,...

Trong nhiều trường hợp, cần nhiều hơn một vòng đầu tư vốn khởi nghiệp để có được một công ty khởi nghiệp thành công.

Các loại vốn khởi nghiệp

Khoản vay kinh doanh do các ngân hàng cung cấp. Đó là cách truyền thống để tài trợ cho một doanh nghiệp mới. Hạn chế lớn nhất của nó là công ty khởi nghiệp phải thanh toán nợ và tiền lãi vào thời điểm mà nó có thể chưa tạo được tiền.

Vốn đầu tư mạo hiểm từ một nhà đầu tư hoặc một nhóm nhà đầu tư là một lựa chọn thay thế. Thông thường, chủ công ty khởi nghiệp trao một phần quyền sở hữu công ty để đổi lấy tiền tài trợ. Thỏa thuận này dẫn tới một số tình huống có thể xảy ra, ví dụ như phát hành cổ phiếu hoặc bán lại cho một công ty khác.

Doanh nghiệp khởi nghiệp cũng có thể xin vốn tài trợ từ các nhà đầu tư thiên thần. Họ thường là những doanh nhân thành đạt, đang sử dụng một số lợi nhuận của mình để tham gia vào các dự án mới hơn.

Lợi ích của vốn khởi nghiệp: Khoản lợi khổng lồ

Các nhà đầu tư mạo hiểm đã giúp cho sự thành công của nhiều công ty Internet lớn nhất hiện nay. Google, Facebook, WhatsApp và DropBox đều đã bắt đầu từ vốn đầu tư mạo hiểm và hiện là những thương hiệu rất nổi tiếng. 

Các công ty khởi nghiệp được hỗ trợ bởi vốn đầu tư mạo hiểm khác đã được mua lại bởi những công ty lớn hơn: GitHub bởi Microsoft, AppDoperics bởi Cisco và Instagram bởi Facebook.

Hạn chế của vốn khởi nghiệp

Vốn khởi nghiệp rất rủi ro. Những người hỗ trợ các công ty khởi nghiệp hi vọng rằng những tài trợ của họ sẽ giúp công ty khởi nghiệp phát triển các hoạt động sinh lợi và trả cho họ những khoản lợi lớn cho sự giúp đỡ ban đầu.

Nhưng nhiều doanh nghiệp thất bại khiến nhà đầu tư mạo hiểm bị mất toàn bộ khoản đầu tư. Từ 30% đến 40% số công ty khởi nghiệp bị phá sản, theo một nghiên cứu được công bố bởi Inc

Chỉ một số ít công ty khởi nghiệp có thể phát hành cổ phiếu ra công chúng hoặc bán hoạt động cho một công ty lớn hơn. Đây là hai kịch bản thành công cho nhà đầu tư mạo hiểm, dự kiến sẽ mang lại lợi tức đầu tư tốt.

Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng xảy ra. Ví dụ, công ty khởi nghiệp có thể nhận được một đề nghị mua lại thấp hơn chi phí bỏ ra cho đầu tư mạo hiểm, hoặc đợt chào bán công khai lần đầu thất bại và không bao giờ đạt được giá trị mong đợi. Trong những trường hợp như vậy, các nhà đầu tư nhận được lợi nhuận thấp.

GIÁ TRỊ CÔNG TY SAU KHI GỌI VỐN (POST-MONEY VALUATION)

Giá trị công ty sau khi gọi vốn là giá trị ước tính của một công ty sau khi đã cộng thêm số tiền tài trợ nhận được vào bảng cân đối kế toán. Giá trị công ty sau khi gọi vốn liên là giá trị thị trường gần đúng của công ty khởi nghiệp sau khi kết thúc một vòng tài trợ từ các nhà đầu tư mạo hiểm hoặc các nhà đầu tư thiên thần.

Giá trị công ty sau khi gọi vốn bằng với giá trị công ty trước khi gọi vốn cộng với số tiền nhận được từ các nhà đầu tư bên ngoài.

Giá trị công ty sau khi gọi vốn và sự pha loãng

Trong các vòng tài chính tiếp theo của một công ty khởi nghiệp đang phát triển, sự pha loãng cổ phần trở thành một vấn đề. Các nhà sáng lập công ty và các nhà đầu tư sớm sẽ quan tâm tới việc đàm phán các điều khoản giúp cân bằng vốn chủ sở hữu mới với mức độ pha loãng chấp nhận được. 

Việc tăng vốn cổ phần bổ sung có thể dẫn đến quyền ưu tiên thanh toán từ cổ phiếu ưu đãi. Các loại tài trợ khác như chứng quyền, chứng khoán chuyển đổi và quyền chọn cổ phiếu nên được xem xét trong các tính toán pha loãng.

Ví dụ về giá trị công ty sau khi gọi vốn

Các nhà đầu tư như nhà đầu tư mạo hiểm và nhà đầu tư thiên thần sử dụng giá trị công ty trướ khi gọi vốn để xác định số lượng vốn chủ sở hữu họ cần nhận được để khi rót vốn cho công ty khởi nghiệp.

Giả sử một công ty có giá trị trước khi gọi vốn là 100 triệu USD. Một nhà đầu tư mạo hiểm đầu tư 25 triệu USD vào công ty để đổi lấy cổ phần, lúc này giá trị công ty sau khi gọi vốn là 125 triệu USD (giá trị công ty trước khi gọi vốn là 100 triệu USD cộng với 25 triệu USD của nhà đầu tư).

Nhà đầu tư sẽ có 20% cổ phần trong công ty, vì 25 triệu USD bằng một phần năm của giá trị công ty sau khi gọi vốn là 125 triệu USD.

Tình huống trên giả định rằng nhà đầu tư mạo hiểm và chủ công ty khởi nghiệp hoàn toàn thống nhất về giá trị công ty trước và sau khi gọi vốn. Trong thực tế, hai bên cần rất nhiều cuộc đàm phán, đặc biệt là khi các công ty khởi nghiệp còn nhỏ và có ít tài sản hoặc sở hữu trí tuệ.

Khi các công ty phát triển, chủ doanh nghiệp có thể đàm phán tốt hơn về các điều khoản định giá trong vòng gọi vốn, nhưng không phải tất cả các công ty đều đạt đến giai đoạn này.

Tổng hợp (Quỳnh Như)

Bạn đang đọc bài viết Dự án: Các khái niệm trong khởi nghiệp – phần 3 tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Lên đầu trang