Đào tạo
Thứ hai , 09/12/2019, 16:22

Câu Chuyện Giữa Những Người Đồng Sáng Lập (P. 1)

“Muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng những cộng sự!”

Dường như trở thành một khẩu hiệu dành cho startup trong việc tìm kiếm những cộng sự để biến những ý tưởng kinh doanh thành hiện thực.

Người ta ví von việc kết nối của những cộng sự cùng sáng lập một startup (co-founder) giống như một cuộc hôn phối. Khi ấy, họ sẽ gắn kết với nhau, cùng hướng về một đích đến, cùng hành động, cùng chia sẻ khó khăn, thất bại và có thể đi đến tận cùng của sự thăng hoa với những thành công.

Từ lý thuyết đến thực tế đều chứng minh một điều, tìm được một hoặc một vài cộng sự cùng hệ giá trị là một yếu tố cực kỳ quan trọng cho sự thành công của startup. Nhưng nhìn ở một khía cạnh khác, không ít startup thất bại cũng bởi những bất đồng, tranh chấp nội bộ giữa những người đồng sáng lập. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hệ quả này nhưng tựu chung lại có hai nguyên nhân chính:

(1) Việc lựa chọn những người đồng sáng lập đã không được thực hiện kỹ lưỡng và mang nhiều yếu tố cảm tính. Những người đồng sáng lập muốn gắn bó với nhau đi đến đích cần phải cùng hệ giá trị. Hệ giá trị được đo bằng: sự hòa hợp về tính cách; khả năng bổ sung cho nhau về kiến thức, kỹ năng; cùng tầm nhìn và chung mục tiêu.

Chúng tôi luôn khuyên những nhà khởi nghiệp nên tham vấn những người đã có kinh nghiệm, những mentor hoặc huấn luyện của mình trước khi chọn bạn đồng hành khởi nghiệp. Việc hời hợt trong việc tìm kiếm và kết với những người đồng sáng lập theo cảm tính dễ dàng dẫn đến bất đồng, mẫu thuẫn và đỗ vỡ.

(2) Các bên đã không có những quy ước rõ ràng ngay từ khi bắt đầu hành trình khởi nghiệp. Những người đồng sáng lập khi chính thức kết nối với nhau thường tập trung ngay vào việc triển khai ý tưởng kinh doanh. Việc này dẫn đến giữa họ đã không tồn tại những thỏa thuận rõ ràng về cách thức triển khai ý tưởng, quyền hạn, nghĩa vụ, quyền lợi và trách nhiệm của từng người. Khi giữa các bên không tồn tại những quy tắc ứng xử rõ ràng để ràng buộc trách nhiệm sẽ dễ dàng dẫn đến sự tùy tiện trong hành động, đặc biệt điều này thường xảy ra trong những giai đoạn đầy sóng gió của hành trình khởi nghiệp.

Nếu nguyên nhân đầu tiên do chọn những người đồng sáng lập theo yếu tố cảm tính. Nguyên nhân thứ 2 do các bên không có những quy ước rõ ràng ngay từ đầu & mang tính pháp lý.

Đến đây, nhiều nhà khởi nghiệp đang tự hỏi “Tại sao phải lập thỏa thuận giữa những người đồng sáng lập?”. Chúng ta sẽ cùng đi tìm câu trả lời cho thắc mắc này.

Trong những buổi chia sẻ về pháp lý cho các nhà khởi nghiệp, khi chúng tôi hỏi ai trong số các anh/chị ngồi tại đây khởi sự cùng các cộng sự của mình hãy giơ tay lên. Phía dưới 90% đưa tay lên dõng dạc như niềm tin khẳng định rằng mình không hề đơn độc. Thế nhưng khi chúng tôi hỏi: Ai trong số này có lập thỏa thuận rõ ràng giữa những cộng sự với nhau thì giữ tay lại. Phần nhiều trong số họ rụt rè buông tay xuống, chỉ còn lại lác đác những cánh tay giơ lên trong số 90% lúc nãy.

Rồi chúng tôi hỏi họ — những cộng sự trong dự án là gì với nhau. Phần đông là bạn bè, người thân quen & những đôi lứa yêu nhau. Họ nói đó phần nào là lý do dẫn đến việc “ngại” khi phải nói thẳng với nhau về những thỏa thuận ban đầu khi cùng nhau khởi nghiệp. Khi đó, chúng tôi thường kể cho họ nghe những câu chuyện trục trặc, tan rã chính vì những cái “ngại” ban đầu.

Vậy thì hãy nhớ giúp cho chúng tôi rằng, khởi nghiệp là kinh doanh, mà kinh doanh thì phải rõ ràng. Hãy tin chúng tôi đi, con người là yếu tố sống còn của dự án. Khi mà giữa họ sự ràng buộc không rõ ràng, dự án càng trở nên mong manh & phát sinh hàng loạt rủi ro. Nếu điều chúng tôi nêu vẫn chưa đủ thuyết phục các nhà khởi nghiệp, hãy tìm thêm những lý do mà chúng tôi phân tích bên dưới nhé.

  • Căn cứ để các bên hành động. Những nội dung được thống nhất trong thỏa thuận sẽ tạo nên những quy tắc ứng xử rõ ràng định hướng hoạt động của những người đồng sáng lập. Đồng thời, nó sẽ là thước đo cho sự đóng góp của từng người, trách nhiệm của các bên. Bên cạnh đó, việc xác định rõ ràng quyền lợi sẽ là một động lực lớn cho sự kiên trì, nhẫn nại & cố gắng của những người đồng sáng lập.
  • Hạn chế sự bội ước. Chính sự rõ ràng và chi tiết về nghĩa vụ & trách nhiệm của từng người đồng sáng lập sẽ trở thành sự răn đe cần thiết cho những ai có ý định bỏ cuộc. Khi ai đó quyết định từ bỏ khi ý tưởng vẫn còn dang dở, họ sẽ biết rõ hậu quả từ hành động của mình, họ chấp nhận điều này. Vì thế, tranh chấp về quyền lợi sẽ ít xảy ra.
  • Căn cứ giải quyết tranh chấp. Thỏa thuận của những người đồng sáng lập được xem là “luật của các bên” & tất nhiên khi tranh chấp xảy ra, cơ quan giải quyết tranh chấp có thẩm quyền sẽ căn cứ vào những cam kết các bên đã thống nhất để giải quyết. Điều này thúc đẩy nhanh quá trình dàn xếp các tranh chấp, các sáng lập viên còn lại có nhiều thời gian tập trung cho ý tưởng khởi nghiệp.
  • Sự rõ ràng về mặt pháp lý. Đây là điểm cộng khi kêu gọi vốn đầu tư. Một startup có cơ chế hoạt động rõ ràng, không tìm ẩn những vấn đề hay tranh chấp về pháp lý là một trong những tiêu chí cho sự quyết định rót vốn của những nhà đầu tư. Bởi phân tích, điều tra tình trạng pháp lý của startup (due diligence) là công việc bắt buộc phải làm trước khi tiến hành rót vốn của bất kỳ nhà đầu tư nào.
  • Nền tảng để xây dựng Điều lệ công ty. Khi thành lập công ty, thỏa thuận giữa các người sáng lập sẽ là cơ sở quan trọng trong việc xây dựng một Điều lệ công ty rõ ràng, minh bạch, có chất lượng & có tính kế thừa, xuyên suốt. Các sáng lập viên cũng sẽ có nhiều kinh nghiệm hơn để hoàn thiện Điều lệ công ty từ quá trình hoạt động khởi nghiệp dựa trên thỏa thuận giữa những người sáng lập.
Bạn đang đọc bài viết Dự án: Câu Chuyện Giữa Những Người Đồng Sáng Lập (P. 1) tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Lên đầu trang