Đào tạo
Thứ hai , 09/12/2019, 16:42

Câu Chuyện Giữa Những Người Đồng Sáng Lập (P. 2)

.

Các nhà khởi nghiệp hãy lưu ý các rủi ro thường phát sinh giữa những người đồng sáng lập.

  1. Không lập thỏa thuận hoặc thỏa thuận không được ghi nhận trên “giấy trắng mực đen”.

 

Vậy cần lập như thế nào là đảm bảo? Chúng tôi nói “giấy trắng mực đen” chỉ là một cách gọi. Luật không quy định về hình thức các thỏa thuận này. Thế nhưng đây là một thỏa thuận dân sự cần lập thành văn bản để ghi nhận rõ ràng nhất những gì các bên đã thống nhất cùng nhau. Có thể chứng thực văn bản này hoặc không, có thể mời người làm chứng hoặc không. Tất cả việc chứng nhận đều không quan trọng. Quan trọng là đừng nên bỏ qua việc lập thỏa thuận bằng một văn bản rõ ràng với những nội dung đầy đủ.

  1. Không cùng nhau xác định mục tiêu, chiến lược, tầm nhìn của startup.

 

Mỗi sáng lập viên tham gia vào startup có thể có những mong muốn và mục tiêu khác nhau. Có người muốn xây dựng một công ty bền vững và phát triển trường tồn (build to last), có người với mục tiêu xây dựng để bán (build to sell). Vậy nên, việc bàn bạc, thảo luận đi đến thống nhất mục tiêu, chiến lược và tầm nhìn của startup là điều phải làm trước khi bắt tay vào triển khai ý tưởng.

Hơn nữa, kế hoạch kinh doanh có thể thay đổi theo thời gian & tình hình thị trường. Điều đó không đồng nghĩa tất cả mọi thứ có thể thay đổi. Có những vấn đề ảnh hưởng đến việc tạo ra giá trị cốt lỏi của startup & ảnh hưởng quyết định đến đường hướng kinh doanh cũng như kế hoạch thực hiện của startup khó có thể thay đổi. Chẳng hạn như vấn đề về sản phẩm mà startup muốn tạo, phân khúc thị trường tiềm năng mà startup hướng đến,… Có trường hợp một startup ban đầu với kế hoạch xây dựng một công ty cung cấp sản phẩm tiêu dùng, nhưng sau một thời gian, một hoặc một số sáng lập viên muốn thay đổi sang lĩnh vực phần mềm, bất đồng đã xảy ra. Việc thay đổi không phải là nên hay không nên mà tùy thuộc vào từng dự án. Chỉ có điều, chính sự thống nhất & định hướng ngay từ đầu sẽ giảm thiểu những tranh chấp có thể xảy ra.

  1. Không xác định cách thức làm việc, ra quyết định.

Để đảm bảo hiệu quả hoạt động trong quá trình triển khai ý tưởng kinh doanh & tránh trường hợp chậm trễ khi đưa ra các quyết định, trì hoãn trong quá trình kinh doanh, các sáng lập viên cần xác định rõ cơ chế vận hành startup trong việc đưa ra các quyết định. Trong đó, bao gồm những quyết định mang tính chiến lược & quyết định mang tính điều hành thường xuyên (sự vụ hàng ngày).

 

Những vấn đề cần giải quyết tại nội dung này, bao gồm:

(i) Ai là người có quyền đưa ra quyết định? Tập thể hay cá nhân?

(ii) Quyết định nào phải được sự đồng ý của tất cả hoặc đa số sáng lập viên thông qua? Quyết định nào sáng lập viên điều hành được tự mình quyết định? Những vấn đề thường phát sinh bao gồm: huy động vốn, tuyển dụng, sa thải, kêu gọi nhà đầu tư, thành lập công ty, chuyển nhượng, sáp nhập, …

(iii) Cơ chế thông qua các quyết định mang tính tập thể? Số phiếu của từng sáng lập viên?

(iv) Ai là người đứng ra điều hành công việc phát sinh thường xuyên của startup?

(v) Những vấn đề khác có liên quan.

  1. Không xác định rõ vai trò & sự đóng góp của từng cộng sự

Phân định về quyền hạn, vai trò: Xác định vai trò cụ thể của từng cộng sự trong dự án? Những vấn đề nào cần phải được thông qua giữa những đồng cộng sự? Cách thức thông qua như thế nào? Ai là người đại diện cho dự án làm việc với đối tác, với các nhà đầu tư? Chế độ báo cáo nội bộ được thực hiện như thế nào? Ai là người có thẩm quyền quyền đàm phán, ký kết các hợp đồng, tham gia vào các giao dịch làm phát sinh trách nhiệm liên đới đối với tất cả các đồng sáng lập.

 

Phân định về nghĩa vụ & sự đóng góp: việc đóng góp của các đồng sáng lập trong giai đoạn này được thể hiện dưới các hình thức như: góp tiền mặt, tài sản là động sản hoặc bất động sản (bao gồm cả ý tưởng, quyền sở hữu trí tuệ) hoặc đóng góp công sức.

Tranh chấp phát sinh thường gặp nhất trong đối với vấn đề này là việc không phân định rõ tài sản được góp có chuyển quyền sở hữu hay không hay chỉ là góp quyền sử dụng trong thời gian triển khai dự án. Bởi khác với hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp, khi đó, phần vốn góp của chủ sở hữu sẽ được chuyển quyền sở hữu cho doanh nghiệp để tạo nên vốn điều lệ của doanh nghiệp. Trong giai đoạn này, doanh nghiệp chưa được hình thành nên các quy định pháp luật áp dụng trong giai đoạn này là quan hệ pháp luật Dân Sự dựa trên sự thỏa thuận giữa các bên trong khuôn khổ pháp luật.

Ngoài ra, phải kể đến một vấn đề tìm ẩn rủi ro nữa là việc đóng góp công sức là một khái niệm không thực sự rõ ràng. Rất nhiều trường hợp chúng tôi gặp phải, các nhà khởi nghiệp mất lòng tin dành cho nhau & mâu thuẫn phát sinh do cam kết ban đầu về sự đóng góp công sức chỉ được ghi chung chung.

Việc xác định công sức cần được xác định bằng thời gian hay bằng hiệu quả công việc cụ thể, thước đo nào cho vấn đề này là vô cùng cần thiết khi thiết lập thỏa thuận. Do đó, có những vấn đề cần đề cập như: Mỗi sáng lập viên cần dành bao nhiêu thời gian cho việc triển khai ý tưởng kinh doanh? Có bao nhiêu phần việc & ai sẽ chịu trách nhiệm chính trong phần việc nào? Cơ chế phối hợp trong làm việc ra sao? Sáng lập viên có được làm những công việc kinh doanh khác ngoài việc vận hành startup hay không? Những điều trên nếu được làm rõ sẽ tạo nên một hệ thống quản lý công việc hiệu quả giúp startup hoạt động suôn sẻ hơn.

Nội dung đặc biệt quan trọng là cam kết về thời gian gắn bó với công ty của từng sáng lập viên cần phải xác định rõ. Thông tin này là căn cứ quan trọng cho việc quyết định những vấn đề về quyền hạn, quyền lợi của từng sáng lập viên trong công ty cũng như trách nhiệm của họ khi vi phạm cam kết — rời bỏ dự án.

  1. Dự liệu khi dự án thành công mà quên dự liệu việc dự án “gãy gánh dọc đường”.

Startup thường có nguy cơ đổ vỡ khi bắt đầu phát sinh những lợi nhuận bởi khi ấy dễ xảy ra xung đột về mặt lợi ích nếu không có sự thỏa thuận về vấn đề này ngay từ đầu. Quyền lợi của những người đồng sáng lập tồn tại dưới 3 dạng chính: Phần trăm lợi nhuận khi startup chưa xây dựng công ty; số lượng cổ phần/tỷ lệ sở hữu trong công ty & mức lương, thưởng. Vì vậy, chúng ta cần đặt vào thỏa thuận này những nội dung then chốt như sau:

(i) Tỷ lệ phần trăm lợi nhuận của từng sáng lập viên khi startup đi vào hoạt động, có lợi nhuận nhưng chưa thành lập công ty.

(ii) Phân chia tỷ lệ cổ phần/tỷ lệ sở hữu phần vốn góp khi startup thành lập công ty. Việc phân chia tỷ lệ sở hữu khi thành lập công ty của startup (equity ownership) nên được đưa ra để bàn bạc & thống nhất ngay từ đầu của quá trình khởi nghiệp. Điều này hết sức cần thiết để phòng tránh những tranh chấp về mặt quyền lợi khi công ty phát triển & mở rộng kinh doanh.

Việc phân chia cổ phần như thế nào phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố mang tính chất kinh tế. Trong phạm vi ấn phẩm này, chúng tôi không thể đưa ra lời tư vấn cho cơ cấu sở hữu của từng loại startup. Tuy nhiên, theo chúng tôi, khi tiến hành phân chia cơ cấu sở hữu công ty của startup cho các đồng sáng lập cần tính toán đến các yếu tố cơ bản như sau:

  • Giá trị của khoản đóng góp của từng sáng lập viên;
  • Cam kết về thời gian sự gắn bó với công ty của từng sáng lập viên;
  • Cơ chế đưa ra quyết định cần thiết để đảm bảo startup được vận hành suôn sẻ;
  • Có hay không mục tiêu kêu gọi sự đầu tư từ bên ngoài (các quỹ đầu tư); tỷ lệ cơ cấu cổ phần giữa cổ đông ý tưởng & cổ đông vốn;
  • Có hay không một tỷ lệ sở hữu cần thiết trong công ty để thưởng cho những nhân viên xuất sắc & trung thành;
  • Đặc tính của từng startup.

Những yếu tố này cần được phân tích kỹ lưỡng, nếu cần, chúng tôi khuyên bạn cần tham vấn những chuyên gia kinh tế trước khi đi đến việc xác lập thỏa thuận.

Bên cạnh đó, việc xác định điều kiện có hiệu lực của quyền được chia tỷ lệ sở hữu trong công ty của từng sáng lập viên phải được đặt ra. Nghĩa là quyền lợi này của những người đồng sáng lập chỉ có giá trị khi họ thực hiện được cam kết về thời gian gắn bó với startup hay đạt được những kết quả công việc nhất định nào đấy.

(iii) Xác định mức lương, thưởng (nếu có).

  1. Quên lường trước hệ quả pháp lý khi một người đồng sáng lập vi phạm cam kết.

Việc vi phạm cam kết của một hoặc một số người đồng sáng lập là việc mà tất cả đều không mong muốn khi mới vừa bắt tay vào quá trình khởi nghiệp. Tuy nhiên, thực tế khởi nghiệp với nhiều khó khăn, thử thách dẫn đến nhiều trường hợp “gãy gánh giữa đường” bởi một sự rút lui của một người đồng sáng lập.

 

Vậy, thỏa thuận buộc phải có điều khoản về những hệ quả pháp lý khi có sự vi phạm cam kết từ những người đồng sáng lập. Điều khoản này bao gồm những nội dung sau đây:

(i) Nếu một người đồng sáng lập rời khỏi startup, họ có được chia phần trăm tỷ lệ sở hữu trong công ty hay không? Nếu có, thì xác định tỷ lệ này như thế nào?

Với nội dung này, trên thực tế, các startup thường xây dựng nên một điều khoản về tính hiệu lực của quyền được hưởng tỷ lệ sở hữu trong công ty của những người đồng sáng lập, hay còn gọi là điều khoản Vesting.

Điều khoản Vesting sẽ cho chúng ta biết được tỷ lệ sở hữu trong công ty mà những người đồng sáng lập có thể được hưởng nếu họ rời bỏ startup tại một thời điểm nào đấy. Nội dung của điều khoản vesting mang tính ràng buộc sự gắn bó của những người đồng sáng lập với startup bằng việc đặt ra một khoản thời gian nhất định để quyền được hưởng tỷ lệ sở hữu trong công ty có hiệu lực và phát sinh giá trị.

Có nhiều mô hình cho điều khoản vesting. Một trong những mô hình tiêu chuẩn của điều khoản Vesting thường có nội dung với thời gian kéo dài 4 năm. Trong đó, mốc thời gian kết thúc 1 năm đầu tiên là mốc thời gian phát sinh hiệu lực của quyền được hưởng tỷ lệ sở hữu trong công ty của startup. Đồng nghĩa, nếu những người đồng sáng lập rời khỏi startup trong vòng 12 tháng đầu tiên kể từ ngày bắt đầu startup sẽ không có quyền hưởng tỷ lệ sở hữu trong công ty của startup. Trong 3 năm tiếp theo, tùy vào thời điểm mà những người đồng sáng lập rời bỏ startup, tỷ lệ sở hữu sẽ được tính theo một quy tắc do các bên thỏa thuận. Thường thì thời gian gắn bó càng dài thì tỷ lệ này sẽ càng cao. Sau đây là một ví dụ mô phỏng về một mô hình của điều khoản Vesting:

A và B cùng là người đồng sáng lập nên một startup về phần mềm. Cả 2 thống nhất rằng: A sẽ sở hữu 50% cổ phần & B sẽ sở hữu 50% cổ phần công ty.

Kèm theo điều khoản Vesting có nội dung như sau:

- Điều khoản Vesting có hiệu lực 4 năm, trong đó có hiệu lực 1 lần (cliff vesting) trong 1 năm & sau đó sẽ có hiệu lực định kỳ hàng năm sau 3 năm.

Theo đó, nếu người đồng sáng lập nào rời bỏ công ty:

- Trong năm đầu tiên kể từ khi startup bắt đầu, họ sẽ ra đi với 0% cổ phần. Vì là năm có hiệu lực 1 lần (cliff vesting), người đồng sáng lập phải hoàn thành nghĩa vụ và gắn bó hết 1 năm thì quyền mới phát sinh hiệu lực

- Trong năm thứ 2, họ sẽ ra đi với 25% cổ phần.

- Trong năm thứ 3, họ sẽ ra đi với 37.5% cổ phần.

- Trong năm thứ tư, họ sẽ ra đi với 50% cổ phần.

(ii) Những vi phạm nào từ người đồng sáng lập có thể dẫn đến hệ quả buộc người đó phải rời khỏi startup? Quyền lợi, trách nhiệm của người đồng sáng lập khi điều này xảy ra.

(iii) Người đồng sáng lập có bị chấm dứt vai trò điều hành startup hay không? Khi nào? Vì điều gì? Và ai có quyền làm việc này?

  1. Không rõ ràng về quyền đối với ý tưởng hoặc tài sản sở hữu trí tuệ.

Bản thân startup đã là một sản phẩm trí tuệ nên quá trình vận hành, phát triển của một startup gắn liền với quyền sở hữu trí tuệ. Các sản phẩm trí tuệ luôn tồn tại những giá trị nhất định, đôi khi vô cùng lớn & đây cũng là nguyên nhân dẫn đến những tranh chấp thường xảy ra.

 

Trong một startup sẽ tồn tại những sản phẩm trí tuệ được tạo ra trước hoặc trong khi starup vận hành. Có những sản phẩm do mỗi người sáng lập tạo ra, cũng có những sản phẩm do tập thể tạo ra. Khi một thành viên sáng lập rời đi, tranh chấp thường xảy ra. Vì vậy, để hạn chế những bất đồng, mẫu thuẫn không đáng có, thỏa thuận cần có điều khoản nhằm xác định rõ sản phẩm trí tuệ nào thuộc về startup hay của cá nhân thành viên sáng lập & những quyền sử dụng có liên quan.

  1. Quên vấn đề bảo mật thông tin khi Dự án tồn tại lẫn khi kết thúc.

 

Điều khoản này sẽ nêu rõ nghĩa vụ của từng sáng lập viên trong việc bảo vệ những thông tin mang tính bảo mật của startup — những thông tin mà khi tiết lộ ra sẽ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh hoặc sự thành bại của startup. Nghĩa vụ này vẫn sẽ được duy trì & có hiệu lực kể cả khi một trong những người đồng sáng lập từ bỏ startup.

Bạn đang đọc bài viết Dự án: Câu Chuyện Giữa Những Người Đồng Sáng Lập (P. 2) tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Lên đầu trang