Thế giới
Thứ tư , 15/05/2019, 09:08

Hàn Quốc quyết liệt cải cách để các start-up dễ dàng gọi vốn

.

Chính phủ Hàn Quốc đã xây dựng dự thảo kế hoạch cải cách thị trường vốn trên quy mô lớn nhằm khuyến khích, thu hút đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp "sáng tạo", trong bối cảnh xuất hiện ít nhiều lo ngại rằng nền kinh tế lớn thứ tư châu Á có xu hướng tăng trưởng chậm lại.

Kế hoạch trên sẽ chính thức được công bố rộng rãi để lấy ý kiến vào đầu năm tới. Theo thông tin từ tờ Financial Times, tinh thần chủ đạo của đợt cải cách này là nới lỏng các quy định về đầu tư để các doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp non trẻ của Hàn Quốc có cơ hội tiếp cận vốn một cách dễ dàng hơn.

Đã đến lúc phải thay đổi

Do xuất hiện một số tín hiệu kém khả quan trong triển vọng dài hạn của một số ngành sản xuất truyền thống, Hàn Quốc không có nhiều lựa chọn ngoài việc chuyển hướng sang lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là các doanh nghiệp sáng tạo, để tạo ra "tăng trưởng kinh tế sáng tạo và việc làm bền vững".

Tuy nhiên, hệ thống pháp luật hiện hành vẫn bị không ít công ty công nghệ kêu ca vì quá nhiều quy định rườm rà, mà chủ yếu lại bảo vệ các nhà đầu tư nhỏ. Ông Choi Jong-ku - Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính (FSC) - cơ quan đầu mối các chương trình cải cách, cũng thừa nhận đây chính là thời điểm mà thị trường vốn cần phải thay đổi hơn bao giờ hết.

"Với hơn 1.176 nghìn tỷ won (tương đương 980 tỷ USD) tập trung vào các quỹ trên thị trường tiền tệ và tiền gửi ngắn hạn, vấn đề không phải là thiếu vốn, mà là các định chế giải ngân chưa làm tốt công việc của mình", ông Choi nói thêm.

Lâu nay, các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Hàn Quốc vẫn bị lệ thuộc rất nhiều vào tín dụng ngân hàng khi cần huy động vốn và đây chính là nút thắt mà cơ quan chức năng đang tìm cách tháo gỡ.

Theo FSC, chỉ có khoảng 2% số vốn các doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc huy động được là đến từ thị trường vốn, trong khi hơn 70% là các khoản vay ngân hàng. So với Mỹ và Trung Quốc, tiền đầu tư rót vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Hàn Quốc là rất thấp.

Trung bình mỗi doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc nhận được 1,7 tỷ won, tức là chỉ bằng 11% so với các công ty khởi nghiệp Mỹ và ít hơn 8% những gì mà các công ty Trung Quốc thường huy động được.

Trong nỗ lực giải quyết vấn đề trên, FSC đã mạnh dạn đề xuất một số biện pháp nới lỏng quy định, như nâng hạn mức vốn đầu tư được áp dụng quy trình rút gọn từ 1 tỷ won lên 10 tỷ won.

Đòn bẩy mới cho tăng trưởng

FSC cũng khuyến nghị tăng gấp đôi mức trần huy động thông qua các đợt gọi vốn cộng đồng (crowdfunding) và kéo dài thời hạn triển khai các chiến dịch như vậy so với mức 7 năm như hiện nay.

"Một khi các biện pháp cải tổ được thực thi, quá trình đổi mới sẽ tăng tốc nhờ môi trường huy động vốn cho các doanh nghiệp nhỏ được cải thiện", ông Choi nhận định.

Các chuyên gia nghiên cứu cho rằng Hàn Quốc mới chỉ có 3 tập đoàn tư nhân được định giá hơn 1 tỷ USD, cho dù chính phủ rất tích cực hỗ trợ và người dân luôn hào hứng đón nhận các công nghệ mới.

Một phần nguyên nhân của thực trạng này là sự thống trị của các tập đoàn như Samsung hay Hyundai, những "gã khổng lồ" mà phát hiện doanh nghiệp nào tiềm ẩn nguy cơ cạnh tranh là ngay lập tức thâu tóm.

Tuy nhiên, bản thân nhóm "cá mập" này cũng đang phải chịu áp lực cạnh tranh ngày càng khốc liệt từ Trung Quốc trong các ngành công nghiệp sản xuất điện tử truyền thống.

Ông Hwang Se-woon - một chuyên gia cao cấp của Viện Nghiên cứu thị trường vốn Hàn Quốc, chia sẻ rằng ông nhìn thấy giá trị tích cực của các đề xuất cải cách vì chúng phản ánh lợi ích của cả thị trường.

Tuy nhiên, tác động của nó tới cộng đồng công ty khởi nghiệp sẽ phải mất thời gian thẩm thấu vì xét cho cùng, đây vẫn là đối tượng đầu tư chứa đựng rủi ro khá cao và kết quả trong dài hạn mới cho ta câu trả lời chính xác nhất.

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Bạn đang đọc bài viết Dự án: Hàn Quốc quyết liệt cải cách để các start-up dễ dàng gọi vốn tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Lên đầu trang