Thế giới
Thứ hai , 18/10/2021, 09:14

Hệ sinh thái khởi nghiệp Châu Phi 2021 (phần 1)

.

Các doanh nghiệp Châu Phi đổi mới để trở nên thịnh vượng

Chủ nghĩa kinh tế Châu Phi (Africapitalism) là một triết lý kinh tế được phát triển bởi nhà đầu tư và nhà từ thiện hàng đầu Tony O. Elumelu, người đã nhấn mạnh vai trò của lĩnh vực tư nhân đối với sự phát triển của châu Phi. Vào năm 2020, bất chấp sự tàn phá của đại dịch đã đẩy châu lục này vào tình trạng suy thoái, thì tác động của doanh nghiệp như chất xúc tác tiếp tục mang đến sự chuyển đổi cần thiết cho nền kinh tế.

Sự chuyển đổi đó đã và đang đạt được thành công kể từ khi Kenya bắt đầu phát triển Silicon Savannah vào khoảng năm 2007. Quỹ tài trợ Tony Elumelu, được thành lập để trao quyền cho các doanh nhân, đã nhận được gần một triệu đơn đăng ký tham gia chương trình khởi nghiệp hàng đầu trong khung thời gian đó. TEFConnect.com là nền tảng trực tuyến lớn nhất kết nối toàn bộ hệ sinh thái khởi nghiệp châu Phi. Đó là nơi mà điều kỳ diệu xảy ra: ứng dụng, đào tạo, cố vấn, trang thị trường, cộng đồng và diễn đàn nhà đầu tư. Đây được cho là chương trình khởi nghiệp châu Phi tập trung giới trẻ tham vọng nhất lục địa. Cho đến nay, Quỹ Tony Elumelu đã giải ngân hơn 45 triệu USD trực tiếp trao tay cho hơn 10.000 doanh nhân trẻ từ tất cả 54 quốc gia châu Phi dưới dạng đầu tư vốn hạt giống không hoàn lại. Những doanh nhân này đã tạo ra 400.000 việc làm trực tiếp và gián tiếp.

Theo Hiệp hội Đầu tư mạo hiểm và Cổ phần Tư nhân Châu Phi (AVCA), mặc dù nguồn tài trợ đã giảm đáng kể khi bắt đầu đại dịch, nhưng các công ty khởi nghiệp trong năm 2020 đã huy động được 1,1 tỷ USD trong 319 thương vụ gọi vốn đầu tư mạo hiểm (VC). Đó là một kỷ lục và cao gấp hơn hai lần so với con số năm 2019. Nửa đầu năm 2021 có vẻ tốt hơn, theo dữ liệu từ BFA Global, các công ty khởi nghiệp huy động được 1,19 tỷ USD, nhiều hơn nửa đầu của hai năm qua gộp lại.

Tuy nhiên, việc mở rộng quy mô vẫn còn thiếu ở châu Phi. Chưa đến 20 công ty trị giá từ 200 triệu USD trở lên; và châu Phi chỉ có 4 Kỳ Lân, trong đó 3 Kỳ Lân đến từ Fintech và 1 Kỳ Lân là từ thương mại điện tử. Theo AVCA, cả 4 Kỳ Lân đều do các nhà đầu tư nước ngoài chi phối và tài trợ, một mô hình phổ biến ở khắp châu lục. Đầu tư nước ngoài đóng một vai trò lớn trong các công ty khởi nghiệp châu Phi, trong vòng 5 năm có hơn 40% các thương vụ VC có nguồn gốc từ Bắc Mỹ.

Các chính phủ mong muốn cải thiện khung pháp lý và quy định của họ để hỗ trợ các công ty khởi nghiệp công nghệ, đang ban hành luật để hỗ trợ doanh nghiệp như ưu đãi thuế, quy trình hợp lý hóa và thời gian nghỉ phép một năm cho các doanh nhân có quyền trở lại công việc trước đây của họ. Tunisia dẫn đầu năm 2018, tiếp theo là Senegal. Nigeria, Rwanda, Ghana, Kenya và các quốc gia khác đang thực hiện theo những phiên bản của riêng họ.

Theo Ngân hàng Thế giới, trong số những cơ hội thuận lợi nâng vận may của châu Phi đó là việc thành lập Khu vực tự do thương mại Lục địa Phi vào năm ngoái, một thị trường mới với 1,3 tỷ dân và GDP là 3,4 nghìn tỷ USD. Khu thương mại tích hợp hỗ trợ các công ty khởi nghiệp đa lĩnh khu vực nhằm giúp giải quyết thanh toán xuyên biên giới và các vấn đề liên quan.

Tuy nhiên, Fintech không phải là lĩnh vực duy nhất mà các công ty khởi nghiệp châu Phi đang đổi mới, như mạng lưới cựu sinh viên của tổ chức đã chứng minh trong đại dịch. Một doanh nhân TEF ở Sierra Leone đã phát triển một hệ thống rửa tay nhờ lực từ chân cho các cộng đồng nhỏ, được chính phủ xác nhận. Một cựu sinh viên khác ở Madagascar, đã tạo ra một loại gel xà phòng giá rẻ, thân thiện với môi trường mà không cần rửa lại bằng nước, để giúp đỡ những cư dân nghèo nhất của đất nước. Tại Ghana, một doanh nhân của Quỹ Tony Elumelu đã đưa ra phương pháp xét nghiệm nhanh COVID19 kết hợp đánh giá triệu chứng, cập nhật kết quả và theo dõi vị trí: thông tin có thể được chuyển đến các cơ quan y tế công cộng.

Những đổi mới sáng tạo này được phát triển trong giai đoạn khó khăn và trong bối cảnh kinh doanh khó khăn nhất thế giới và là minh chứng cho sự xuất sắc, khả năng phục hồi và sự đổi mới của các doanh nhân châu Phi. Với một môi trường kinh doanh hỗ trợ, đủ vốn hạt giống và kỹ năng lấy công nghệ làm trung tâm, họ sẽ tạo ra những kết quả vượt trội với tác động bền vững ở mọi cấp độ xã hội.

Thông tin chi tiết về Châu Phi và Bảng xếp hạng

Những phát hiện chính

• Nguồn vốn tài trợ trung bình giai đoạn đầu cho các hệ sinh thái khởi nghiệp châu Phi trong Báo cáo hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu 2021 (GSER) đạt tổng cộng 46,5 triệu USD, gấp đôi số tiền năm 2020.

• Các hệ sinh thái châu Phi có tổng giá trị là 6,6 tỷ USD. Trong đó, 6 tỷ USD tập trung ở Top 5: Cape Town, Lagos, Johannesburg, Nairobi và Accra.

• Fintech chiếm ưu thế trong đầu tư giai đoạn đầu ở Châu Phi, trong đó hơn 206 triệu USD được đầu tư vào nhóm ngành phụ từ tháng 1 năm 2018 đến tháng 6 năm 2020.

• Giá trị thu về ở Châu Phi đạt tổng hơn 1,1 tỷ USD, với ba doanh nghiệp hàng đầu ở Cape Town, Johannesburg và Durban.

Cape Town

Các thành viên: thành phố Cape Town/ WESGRO/Silicon Cape

Cape Town, trung tâm công nghệ số hàng đầu Châu Phi, là trụ sở của gần 2/3 tổng số công ty khởi nghiệp ở Nam Phi, có nhiều chương trình hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp.

Điểm nổi bật

Với tỷ lệ sử dụng Internet là 63%, một trong những mạng lưới cáp quang truy cập mở lớn nhất châu Phi và một cộng đồng các nhà đầu tư nhộn nhịp, Cape Town là trụ sở của gần 60% các công ty khởi nghiệp của Nam Phi. Thành phố cũng có số lượng trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp cao nhất lục địa, với hơn 20 chương trình và hơn 25 không gian làm việc chung. Cả chính phủ và chính quyền địa phương đều nỗ lực hết mình để phát triển hơn nữa hệ sinh thái khởi nghiệp của khu vực. Cơ quan Kinh tế số của Bộ Phát triển kinh tế và Du lịch hợp tác với chính quyền Western Cape, thành phố Cape Town, Wesgro và các tổ chức hệ sinh thái khác như CiTi, Silicon Cape, LaunchLab và Startupbootcamp, để khởi động các sáng kiến nhằm định vị Cape Town như một thủ đô công nghệ của Châu Phi. Đại học Cape Town, Đại học Stellenbosch, CPUT và Đại học Western Cape, cùng với sáu trung tâm giáo dục, đào tạo kỹ thuật và dạy nghề (TVET) trong khu vực cung cấp cho các công ty nguồn nhân lực tài năng. Cape Town là nơi có hơn 30 công ty đầu tư mạo hiểm, bao gồm Naspers, một trong những nhà đầu tư công nghệ hàng đầu thế giới, cũng như cộng đồng các nhà đầu tư thiên thần năng động. Naspers Foundry là quỹ trị giá 100 triệu USD nhằm hỗ trợ các công ty khởi nghiệp ở Nam Phi.

Quỹ Đầu tư mạo hiểm công nghệ (TVC) do Bộ Thương mại, Công nghiệp và Cạnh tranh (DTIC) thành lập và được Tập đoàn Phát triển Quốc tế (IDC) quản lý, đã hỗ trợ và cung cấp vốn hạt giống cho việc thương mại hóa các ý tưởng sáng tạo. Cape Town đã thu hút 88 triệu USD quỹ đầu tư mạo hiểm chỉ tính riêng trong năm 2020.

Theo Bản tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (vista.gov.vn)

Bạn đang đọc bài viết Dự án: Hệ sinh thái khởi nghiệp Châu Phi 2021 (phần 1) tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Lên đầu trang