Đào tạo
Thứ tư , 11/12/2019, 09:05

Hiểu Sai Vai Trò — Hiểu Sai Kỳ Vọng

.

Chúng ta nghe rất nhiều về thực tế: “không ai thành công chỉ dựa vào bản thân mình!”. Trong ngữ cảnh khởi nghiệp, điều này được diễn giải thành “tài năng của cá nhân founder không chưa đủ, startup nào thành công cũng cần sự đồng hành của nhóm nồng cốt (core team), nhà đầu tư (investor), huấn luyện viên (coach), người cố vấn (mentor), gia đình, bạn bè, …”.

Trong môi trường khởi nghiệp còn trẻ của Việt Nam, khái niệm của 3 nhân tố: nhà đầu tư, huấn luyện viên & người cố vấn đang được hiểu chưa đúng bản chất nhất.

Hiểu sai vai trò của các nhân tố này, chúng ta sẽ có kỳ vọng sai khi làm việc với nhau. Mà kỳ vọng sai sẽ dẫn đến quan hệ đổ bể, chuỗi dài các hệ lụy … Vì thế, làm gì làm, trở về căn bản “hiểu đúng vai trò của từng nhân tố này” không bao giờ là dư thừa.

Nhà đầu tư (investor):

 

Nguồn: Quotesgram

Nhà đầu tư cấp vốn để giúp phát triển startup. Chắc không có ai hiểu sai về vai trò này của nhà đầu tư. Nhưng đây chỉ là 1 khía cạnh trong đầu tư. Khi đầu tư vào startup, nhà đầu tư hoàn toàn có thể đổi cổ phần lấy sự chia sẻ mạng lưới quan hệ kinh doanh của họ, hoặc kiến thức chuyên môn/bí quyết kinh doanh nào đó.

Vốn trong ngữ cảnh đầu tư phải được hiểu bao gồm các lựa chọn sau:

  • Tiền mặt
  • Thời gian
  • Nguồn lực (mối quan hệ, hỗ trợ chuyên môn, …)

Công việc của founder là tìm nhà đầu tư giúp startup mình ĐI LÊN; đi lên bằng việc nhận vốn để mở rộng kinh doanh, nhận sự chia sẻ mối quan hệ để phân phối sản phẩm, nhận hỗ trợ chuyên môn để hoàn thiện bộ máy bán hàng, … hay bằng bất cứ lựa chọn nào khác phụ thuộc vào tư duy & tầm nhìn của founder. Nhưng chắc chắn 1 điều, cả startup & nhà đầu tư có hơn 1 lựa chọn khi đến với nhau.

Huấn luyện viên (coach):

 

Nguồn: IPP

Người này hướng dẫn, cầm tay chỉ việc cho bạn để thành thạo chuyên môn/kỹ năng nào đó. Ví dụ: giúp bạn sử dụng công cụ Value Proposition Design (tạm dịch: Thiết Kế Tuyên Bố Giá Trị) để thiết kế sản phẩm/dịch vụ của mình sao cho phù hợp với nhu cầu thị trường.

Sau khoản thời gian 2 bên làm việc với nhau, bạn sẽ tự biết cách vận dụng công cụ này trong startup của mình. Đổi lại dịch vụ chuyên nghiệp này (professional service), bạn sẽ trả phí huấn luyện do 2 bên thống nhất.

Trước khi than, “Tôi là founder của startup, đang thắt buộc bụng nên không có tiền để trả cho các phí cho các chuyên gia này!”, hãy xem xét & khai thác tối đa các lựa chọn sau:

  • Nộp đơn vào các chương trình ươm tạo, tăng tố, … để nhận được các chương trình huấn luyện;
  • Tham dự các workshop dành cho cộng đồng (community workshop), thường người tham dự tự trả tiền cafe cà pháo;
  • Xây dựng mối quan hệ & uy tín cá nhân trong cộng đồng với tinh thần “cho trước nhận sau” để biết đâu được có người thích/thương/quý mình, cho mình chuyên môn/kiến thức/kinh nghiệm nào đó.

Người cố vấn (mentor):

 

Nguồn: SME Mentoring 1:1

Người này như là người thầy, người bạn chân thành, không hề phán xét bạn, giúp founder phát triển về mặt cá nhân con người (personal development), mở rộng góc nhìn, tư duy cả trong cuộc sống lẫn kinh doanh. Hãy nhớ, founder trưởng thành hơn, startup/business cũng sẽ trưởng thành hơn; chứ không phải ngược lại.

Người cố vấn có hỗ trợ bạn phát triển kinh doanh không? Có, nhưng ít. 70/30 hoặc 80/20, trọng tâm nằm về phía phát triển cá nhân. Cố vấn có thu phí hay không? Không!

 

Nguồn: Almomentphotography

Kết lại, founder, nhà đầu tư, huấn luyện viên hay người cố vấn cuối cùng đều là con người, nên việc mối quan hệ với nhau có phù hợp, tốt đẹp, gắn kết hay không vẫn sẽ phụ thuộc vào “niềm tin” & chút gì đó “tùy duyên”! Nhưng trước tiên, hãy hiểu đúng vai trò của họ.

 

Bạn đang đọc bài viết Dự án: Hiểu Sai Vai Trò — Hiểu Sai Kỳ Vọng tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Lên đầu trang