Sự kiện
Thứ năm , 23/05/2019, 00:00

KHCN tuần qua: Startup Việt giành giải thưởng triệu đô và Lần đầu tiên “lập trình” được vi khuẩn

Ngoài ra, những hoạt động ý nghĩa kỷ niệm ngày 18/5 và sự kiện Việt Nam lần đầu tiên tổ chức hội nghị quốc tế về Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo cũng là những sự kiện đáng chú ý.

1. Các hoạt động kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/05

Bộ KH&CN và Sở KH&CN TP.HCM đã long trọng tổ chức nhiều hoạt động chào mừng ngày Ngày KH&CN Việt Nam - 18/5. 

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/05.

Trong đó, nổi bật có Lễ trao giải thưởng Trần Đại Nghĩa, Lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu và Lễ trao Giải thưởng Báo chí về KH&CN.

Giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2019 đã trao cho các tác giả, nhóm tác giả bốn công trình nghiên cứu xuất sắc đã, có tiềm năng ứng dụng vào thực tế. Đặc biệt, với công trình “Nghiên cứu chọn tạo giống lúa phục vụ Đồng bằng sông Cửu Long", GS Nguyễn Thị Lang là nhà khoa học nữ đầu tiên được vinh danh tại Giải thưởng Trần Đại Nghĩa.

Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm nay cũng lần đầu tiên được trao cho một nhà khoa học nữ. Đó là PGS Nguyễn Lê Khánh Hằng với đề tài "Virus cúm gia cầm độc lực cao A/H5N1, mối tương tác giữa người và động vật trong giai đoạn 2003-2010". PGS Phạm Đức Chính, Viện Cơ học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và TS Lê Trọng Lư, Viện Kỹ thuật Nhiệt đới, Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng vinh dự nhận được giải thưởng này. 

Các tác giả nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2019 do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh trao tại buổi lễ.

Ngoài ra, Sở KH&CN TP.HCM cũng tổ chức chuỗi sự kiện chuyên môn đặc biệt, bao gồm các hoạt động hội thảo, tọa đàm, truyền thông với chủ đề chính: “Khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo - Động lực phát triển kinh tế xã hội”.

Khai mạc “Chợ công nghệ và thiết bị chuyên ngành trồng trọt, bảo quản và chế biến nông sản, thực phẩm” sáng ngày 9/5.

2. Hội nghị Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo

Ngày 15/5, hội nghị quốc tế với chủ đề "Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Một trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam" diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc Thủ tướng dự Hội nghị "Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Một trụ cột cho phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam".

Việc lần đầu tiên Liên minh Đổi mới Phát triển Quốc tế IDIA nhóm họp và bàn các vấn đề của Việt Nam cho thấy Việt Nam là điểm đến tin cậy đối với các tổ chức uy tín trên thế giới về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Cũng trong lần họp này, các chuyên gia đã đưa ra các khuyến nghị giúp Việt Nam giảm thiểu thách thức và tận dụng cơ hội, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

3. Khởi động dự án làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nhật

Vừa qua, đã khởi động dự án "Tài trợ thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc hồ Tây bằng công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản" theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND Hà Nội.

Những chiếc máy với thiết kế khá đơn giản và nhỏ gọn. Theo nhà đầu tư, những chiếc máy này có khả năng xử lý tới 1,35 triệu m3 nước thải trên một ngày đêm, gấp 9 lần lượng nước thải mà sông Tô Lịch phải tiếp nhận trong cùng thời gian. Từ đó có thể kỳ vọng nước thải luôn được xử lý triệt để mà không có tình trạng lưu lắng, gây bốc mùi ở sông Tô Lịch. Ảnh: Soha.

Tiêu điểm của dự án là các máy sục khí chạy bằng năng lượng điện, được đặt chìm dưới lòng sông, tạo ra dòng khí nano khuếch tán vào nước, kích thích các vi sinh vật hoạt động. Từ đó, hệ thống sẽ giải phóng khí oxy, xử lý bùn thải, tạo nên dòng nước trong lành hơn. Theo nhà đầu tư, những chiếc máy này có khả năng xử lý tới 1,35 triệu m3 nước thải trên một ngày đêm, gấp 9 lần lượng nước thải mà sông Tô Lịch phải tiếp nhận trong cùng thời gian.

4. Startup Việt vô địch thế giới với giải thưởng 1 triệu USD

Cuộc thi về khởi nghiệp Startup World Cup 2019 do Fenox Ventures tổ chức tại San Francisco (Mỹ) đã xướng tên Abivin, đại diện của Việt Nam giành vị trí quán quân trong đêm chung kết. Đội thắng cuộc đã vượt qua đại diện của hơn 40 quốc gia giành chiến thắng với phần thưởng 1 triệu USD. Đây là đơn vị startup "thuần Việt" ghi danh trên đấu trường quốc tế khẳng định sự thay đổi về chất lượng khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam.

5. Chuẩn bị thử nghiệm tàu viên đạn nhanh nhất thế giới

Bắt đầu từ 17/5, Alfa-X, phiên bản mới nhất và nhanh nhất của tàu viên đạn Shinkansen, sẽ chạy thử nghiệm giữa hai thành phố Aomori và Sendai. Công ty đường sắt JR-East sẽ hỗ trợ thử nghiệm này.

Thế hệ tàu siêu tốc mới của Nhật Bản.

Alfa-X có 10 toa chở khách với phần đầu mũi dài 22m, tốc độ tối đa chạy trung bình đạt 360km/h. Tàu có 3 loại phanh: phanh tiêu chuẩn, phanh khí nén trên nóc và phanh dĩa từ. Hệ thống giảm xóc và treo khí nén giúp tàu ổn định tại các khúc cua.

6. Mặt nạ lọc khí

Công ty Urban-X (Mỹ) đã thiết kế một loại mặt nạ tên O2O2. Mặt nạ này sử dụng bộ lọc nano để làm sạch không khí hít vào. Mặt nạ này không che kín toàn bộ mặt và có khả năng ghi lại dữ liệu không khí ở môi trường xung quanh. Urban-X hi vọng sẽ có thể chia sẻ các dữ liệu này với chính quyền thành phố để cùng nâng cao chất lượng môi trường.

Mặt nạ lọc khí Urban-X của Mỹ.

7. Giày vớ: thiết kế cho vận động tự nhiên tối ưu

Giày vớ Skinners phù hợp với mọi dạng hoạt động thể chất. Loại giày với thiết kế phía trên bằng chất liệu êm mềm, ôm sát bàn chân, nhẹ mỏng như vớ. Mặt đế làm bằng Polymer Thụy Điển chống trượt, chống mòn, bảo vệ khỏi các địa hình gồ ghề. Loại giày này có thể làm sạch bằng máy giặt như vớ thông thường.

Giày vớ: thiết kế cho vận động tự nhiên tối ưu.

8. Phát hiện chất kháng viêm trong nấm đông trùng hạ thảo

Nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Nottingham (Anh), loài nấm Đông trùng hạ thảo có tên khoa học là Cordyceps Militaris, chứa hoạt chất kháng viêm mạnh đủ để ngăn chặn các triệu chứng của bệnh viêm xương khớp. Hiện nhóm nhà khoa học này đang nghiên cứu bào chế một loại thuốc mới, chứa hợp chất được gọi là Cordycepin.

Phát hiện chất kháng viêm trong nấm đông trùng hạ thảo.

Nhóm nghiên cứu cũng cho biết, đông trùng hạ thảo có thể cung cấp các trị liệu hiệu quả trong vòng 10 năm. Với tình hình hiếm loại thuốc đặc trị mà đa phần là giảm đau, phát hiện này là một tín hiệu tốt cho toàn ngành y học.

9. Kính áp tròng thông minh

Trường kỹ thuật Pháp IMT Atlantique mới đây đã phát triển thành công một dạng kính áp tròng độc đáo. Đây là kính áp tròng đầu tiên có thể tích hợp pin micro dẻo bên trong. Các nhà khoa học cũng ứng dụng các thiết bị điện tử có thể uốn dẻo được làm từ vật liệu graphene để cải tiến tính năng của kính áp tròng thông minh.

Có rất nhiều ứng dụng từ kính áp tròng thông minh này, ví dụ như hỗ trợ bác sỹ phẫu thuật hay giúp tài xế quan sát và điều hướng tốt hơn. Thiết bị này cũng thu hút sự chú ý của quân đội Mỹ và DARPA (Cơ quan nghiên cứu dự án quốc phòng tiên tiến) trong giải pháp tương lai cho quân sự.

10. Lần đầu tiên “lập trình” thành công vi khuẩn

Đây là một cột mốc lớn của ngành công nghệ sinh học. Thành công này thuộc về các nhà nghiên cứu tại Đại học Cambridge với công trình viết lại DNA của vi khuẩn E.coli. Họ đã tạo ra một bộ gene tổng hợp lớn gấp bốn lần và phức tạp hơn nhiều so với các cố gắng tương tự trước đây. Các vi khuẩn đã sống tốt và bước đầu tạo ra các protein quen thuộc dù quá trình khá chậm.

Sự thành công này minh chứng cho khả năng tự lập trình các bộ gene vi khuẩn khác trong tương lai; tiến tới tự tổng hợp các loại thuốc quan trọng một cách chủ động hơn.

Bảo Uyên (khampha.vn)

Bạn đang đọc bài viết Dự án: KHCN tuần qua: Startup Việt giành giải thưởng triệu đô và Lần đầu tiên “lập trình” được vi khuẩn tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Lên đầu trang