Thế giới
Thứ năm , 09/01/2020, 08:48

Khơi thông dòng chảy cho Fintech Việt Nam

Thời gian qua, hàng loạt fintech trong và ngoài nước đã đổ bộ vào thị trường Việt Nam. Vậy lý do gì vẫn khiến nước ta đi sau khu vực Đông Nam Á với độ phủ của các dịch vụ tài chính - ngân hàng?

Điểm sáng ở Đông Nam Á

Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2019, các công ty công nghệ tài chính (fintech) Việt Nam nhận về 410 triệu USD vốn đầu tư. Số vốn này tương đương 36% tổng lượng đầu tư vào thị trường Đông Nam Á, theo thống kê của Crowdfundinsider.

Nổi bật là 2 thương vụ ví điện tử Momo gọi vốn đầu tư lần thứ ba (series C) từ Warburg Pincus - Công ty quản lý Quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân hàng đầu thế giới với số tiền lên tới 100 triệu USD, và thương vụ VNPay gọi vốn 300 triệu USD từ quỹ Vision Fund của SoftBank, cùng quỹ đầu tư GIC của chính phủ Singapore.

Chỉ riêng 2 thương vụ này chiếm tới 98% tổng số vốn fintech đầu tư vào thị trường Việt Nam cho tới hết tháng 9 của năm 2019. Qua đó phần nào đã phản ánh được tiềm năng của lĩnh vực này, cũng như giải thích cho nguyên nhân hàng loạt fintech trong và ngoài nước thời gian qua đổ bộ vào thị trường Việt Nam.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong 3 năm qua, số lượng fintech đã tăng gần 4 lần. Hiện cả nước có hơn 150 fintech, trong khi 3 năm trước, con số này mới dừng lại ở 40. Trước đó, thị trường fintech Việt Nam đạt 4,4 tỷ USD giá trị giao dịch vào năm 2017 và được dự kiến sẽ đạt đến 7,8 tỷ USD vào năm 2020.

Đi cùng với mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế xuống dưới 10% của Chính phủ, xu thế phát triển của ngành này là tất yếu. Các lĩnh vực của hệ sinh thái fintech của Việt Nam bao gồm: ví điện tử, tài chính cá nhân, cho vay ngang hàng, công nghệ bảo hiểm, ngân hàng số, điểm tín dụng, gọi vốn cộng đồng,…

Trong đó, 2 lĩnh vực lớn mạnh nhất là Ví điện tử và Cho vay ngang hàng với số lượng thành viên lần lượt là 28 (được cấp phép, trừ NAPAS) và hơn 70 (không chính thức). Tuy nhiên, Việt Nam hiện tại vẫn đi sau các nước trong khu vực Đông Nam Á với độ phủ của các dịch vụ tài chính - ngân hàng chính thức chỉ ở 59% so với 86% của Thái Lan và 92% của Malaysia (Báo cáo của Solidiance 5/2018).

Nút thắt của các fintech Việt Nam

Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương, nhà nước đang khá lúng túng trong việc chọn lựa giữa kiểm soát chặt chẽ một lĩnh vực mới để hạn chế rủi ro ­hay thả lỏng để thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Một ví dụ cho điều này là sau 10 lần đưa ra dự thảo, Bộ Giao thông vẫn chưa "chốt" được phương án để quản lý taxi công nghệ và taxi truyền thống sao cho hợp lý, công bằng. "Câu chuyện quản lý taxi dễ hơn fintech mà còn chưa làm được, đứng về góc độ tác động, lợi ích và rủi ro kinh tế, xã hội của các bên liên quan", ông Thành nhận định.

Theo vị chuyên gia, có 3 điểm khó khăn trong việc tạo ra một cuộc "cách mạng" cho fintech Việt Nam. Thứ nhất là có quá nhiều bên có liên quan, tác động tới fintech. Tài chính - ngân hàng là một lĩnh vực có đặc thù riêng, không thể áp theo Luật doanh nghiệp. Trong khi doanh nghiệp được làm mọi việc không cấm thì Tài chính - ngân hàng lại không được hoạt động như vậy - nhà nước cho phép mới được làm.

Thứ hai, ngành tài chính - ngân hàng thường nghĩ về rủi ro trước tiên, sau đó mới nghĩ tới quyền lợi, bởi nếu có rủi ro thì tác động lan tỏa sẽ rất lớn.

Thứ ba là đồng tiền Việt Nam chưa phải là đồng tiền chuyển đổi - đồng tiền được sử dụng rộng rãi để thanh toán các giao dịch quốc tế và được mua bán trên thị trường ngoại hối chủ chốt, nên sẽ có những khó khăn khi mở cửa cán cân thanh toán quốc tế.

Ông Varun Mital - Phó Chủ tịch Hiệp hội Fintech Singapore nhắc đến một yếu tố cản trở hoạt động đầu tư cho các doanh nghiệp fintech Việt Nam. Đó là chính sách hạn chế mức đầu tư của quỹ tài chính nước ngoài, hiện được dự kiến ở mức 30% - 49%.

Thực tế, sự phát triển của các doanh nghiệp fintech hiện nay vẫn phần lớn dựa vào đầu tư nước ngoài. Các startup fintech cần có những đầu tư từ nước ngoài để phát triển nhân sự, công nghệ và thị trường, khi mà các nguồn lực trong nước còn chưa đáp ứng được. Ông Mital cảnh báo rằng nếu cơ quan quản lý giữ cách tiếp cận quá thận trọng thì fintech Việt Nam sẽ rơi vào nhóm trung bình và không thể phát huy hết tiềm năng.

Ủng hộ nhưng cần cẩn trọng

Đáng mừng là hiện nay, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước về fintech khá cởi mở. Từ năm 2017, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo fintech. Năm 2019, Ngân hàng Nhà nước cũng là bộ/ngành đầu tiên trình Chính phủ sandbox về lĩnh vực mình quản lý (Đề án về cơ chế quản lý hoạt động fintech).

Ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết: "Đối với sandbox, chúng tôi đặt ra yêu cầu, phạm vi, đáp ứng tiêu chí nhất định, cơ quan quản lý sẽ giám sát chặt chẽ hồ sơ của doanh nghiệp xin tham gia để kiểm soát rủi ro, tránh tác động cho người sử dụng cuối cùng".

Ngoài ban hành sandbox, Ngân hàng Nhà nước cũng đang tích cực tháo gỡ một số vướng mắc cho các fintech. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đang sửa quy định theo hướng cho phép áp dụng eKYC, cho phép người dùng các ví điện tử được nạp tiền từ tiền mặt vào ví điện tử với một hạn mức nhất định…

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, ông Varun Mittal, Phó chủ tịch Hiệp hội Fintech Singapore cho hay, nhiều quốc gia đã rất linh hoạt trong việc đưa ra cơ chế thử nghiệm fintech. Ví dụ, từ tháng 1/2020, Singapore sẽ triển khai dịch vụ thanh toán mới. Theo đó, tùy từng giao dịch, tùy quy mô ví điện tử mà cơ quan quản lý có cách quản lý khác nhau.

Ông Varun Mittal cho rằng, cơ quan quản lý Việt Nam nên vừa làm, vừa điều chỉnh chính sách. Thực tế, Singapore đã phải mất gần 2 năm mới đưa ra được mô hình quản lý fintech như hiện nay, sau nhiều lần sửa đổi, với mục tiêu vừa thúc đẩy kinh tế sáng tạo, vừa bảo vệ được khách hàng, vừa đề phòng các rủi ro về rửa tiền, trốn thuế…

Philippines đã mở cửa hệ thống thanh toán Instapay, hệ thống cho phép thực hiện chuyển tiển trong nước và thực hiện xác thực số. Trước đây, để thực hiện thanh toán, Philippines có 13 chứng từ và giấy chứng nhận khác nhau. Hiện tại, nước này đã áp dụng xác nhận điện tử để thúc đẩy hệ sinh thái số.

Hay như Indonesia đã chuẩn hóa mã QR, có cổng thanh toán chung, cho phép đầu tư vào lĩnh vực ví điện tử, có nhiều doanh nghiệp quốc tế đầu tư vào hệ thống thanh toán và phối hợp với doanh nghiệp trong nước để hình thành hơn 100 triệu người dùng.

Nhìn chung, tình hình fintech trong khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng khá lạc quan. Khi người dùng dần chuyển sang sử dụng hình thức thanh toán điện tử, các công ty Fintech sẽ có nhiều cơ hội để phát triển, tạo ra các giải pháp thanh toán dễ dàng, hiệu quả và an toàn hơn cho người dùng.

Tại Việt Nam, đây là lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng rất cao và thu hút sự đầu tư từ các quỹ, đặc biệt là những quỹ đầu tư mạo hiểm. Bên cạnh đó, hoạt động M&A dự kiến cũng sẽ tăng khi các công ty cố gắng mở rộng để mang đến công nghệ mới cũng như tăng cường các dịch vụ nhằm phục vụ tốt nhất cho người tiêu dùng.

Khoinghiep.org.vn

Bạn đang đọc bài viết Dự án: Khơi thông dòng chảy cho Fintech Việt Nam tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Lên đầu trang