Bài học khởi nghiệp
Thứ năm , 28/05/2020, 14:57

Kỷ luật nền tảng trong quan hệ cố vấn khởi nghiệp

.

Xây dựng quan hệ cố vấn khởi nghiệp là quá trình xây dựng niềm tin giữa người cố vấn và người khởi nghiệp. Nghệ thuật cân bằng – lợi ích và trách nhiệm, chuyển dịch giữa các vai trò (như đã trình bày ở trên), vận dụng các kỷ luật nền tảng và kỹ thuật cố vấn phù hợp với từng thời điểm, hoàn cảnh, và đối tượng – có ý nghĩa quyết định tới thành tựu phát triển năng lực của người khởi nghiệp và tăng trưởng kinh doanh của công ty khởi nghiệp. Để rèn luyện bản lĩnh này, người cố vấn khởi nghiệp không có cách nào khác ngoài thực hành thường xuyên các kỷ luật nền tảng, bao gồm nhưng không giới hạn, dưới đây.

Đặt câu hỏi và Lắng nghe. Trước những thắc mắc và vấn đề mà người khởi nghiệp cần giải quyết, người cố vấn đặt các câu hỏi Tại sao? Ai? Cái gì? Khi nào? Như thế nào? Còn gì nữa không? v.v.. và dẫn dắt người khởi nghiệp tự đi tới lời giải đáp. Với mỗi câu trả lời của người khởi nghiệp, cố vấn lắng nghe để nắm bắt kỹ hơn và thuận theo dòng trao đổi để đặt câu hỏi tiếp theo giúp người khởi nghiệp nhìn nhận vấn đề theo nhiều chiều và tiến gần hơn tới câu trả lời.

Động viên và nuôi dưỡng động lực. Người cố vấn thúc đẩy người khởi nghiệp bằng tư duy tích cực, sự tin tưởng và thực sự quan tâm. Xây dựng niềm tin là quá trình hai chiều. Luôn động viên nhưng cố vấn cũng là người giám sát khắt khe, đòi hỏi người khởi nghiệp thực thi đúng những cam kết tự mình đặt ra. Người cố vấn nghiêm khắc đặt câu hỏi tạo áp lực để người khởi nghiệp tự rà soát lại tính khả thi của ý tưởng, mức độ hợp lý của các kỳ vọng với bản thân, với đội ngũ và với thị trường, và cả quyết tâm theo đuổi triển khai.

Chia sẻ, gìn giữ và phát triển hai nguồn lực đặc biệt. Cố vấn khởi nghiệp có hai nguồn lực đặc biệt mà hầu hết những người mới bắt đầu hành trình khởi nghiệp chưa có: sự khôn ngoan đúc rút từ trải nghiệm thực tiễn và mạng lưới các mối quan hệ. Người cố vấn chỉ sẵn sàng chia sẻ khi giá trị của những nguồn lực này được trân trọng. Người khởi nghiệp khi sử dụng những nguồn lực này, đặc biệt là mạng lưới quan hệ kinh doanh được cố vấn giới thiệu, có trách nhiệm gìn giữ và phát triển để những người khởi nghiệp tiếp sau không chỉ có cơ hội tiếp cận mà còn được nhận nhiều hơn từ nguồn vốn xã hội này.

Xác định rõ các quy tắc làm việc. Ngay từ đầu, người cố vấn và người khởi nghiệp cùng nhau đặt ra các quy tắc làm việc như thời gian gặp gỡ, cách thức liên lạc và trao đổi thông tin, kỳ vọng và yêu cầu thực thi. Những quy tắc này xác lập nền tảng cho suốt quá trình làm việc và xây dựng niềm tin giữa người cố vấn và người khởi nghiệp. Quan hệ cố vấn khởi nghiệp là hành trình dài cần rất nhiều kiên nhẫn để thấy được kết quả từ những thay đổi. Bởi thế, càng tránh được nhiều phiền phức, xung đột lợi ích, và kỳ vọng không thích hợp thì khả năng duy trì lâu dài và tới đích càng cao.

Kỷ luật học tập, rèn luyện và thực thi. Hành trình khởi nghiệp là không ngừng học tập, rèn luyện và thực thi. Sức hấp dẫn của hành trình này gắn kết người cố vấn với người khởi nghiệp. Người cố vấn học tập được nhiều điều mới từ người khởi nghiệp và bị thôi thúc bởi sự nhiệt tình và quyết tâm từ người khởi nghiệp. Trợ giúp người khởi nghiệp nhưng người cố vấn cùng lúc cũng đặt ra cho mình kỷ luật học hỏi kiến thức mới, rèn luyện các kỹ năng và háo hức thực hành. Không chỉ người khởi nghiệp kỳ vọng vào những cải thiện với năng lực bản thân và kết quả kinh doanh, người cố vấn cũng có cơ hội ghi nhận thay đổi tích cực trong phương pháp giải quyết vấn đề, cách thức quản lý điều hành và xử lý các mối quan hệ. Những kỹ thuật mà người cố vấn khởi nghiệp thường sử dụng có thể kể tới:

(i) Đặt câu hỏi. Một câu hỏi tốt mở ra một hướng suy nghĩ mới. Câu hỏi cần xuất phát tự mối quan tâm thực sự tới vấn đề mà người khởi nghiệp đang phải đối diện. Người cố vấn khéo léo lựa chọn câu hỏi để dòng chảy thông tin được liên tục.

(ii) Kể chuyện. Người cố vấn sử dụng các câu chuyện để gợi ý và dẫn dắt người khởi nghiệp liên tưởng tới thực tiễn của mình.

(iii) Giải quyết vấn đề. Người cố vấn giới thiệu và hướng dẫn người khởi nghiệp sử dụng các kỹ thuật giải quyết vấn đề – chẳng hạn: chia nhỏ để xử lý, lật ngược lại giả thiết, xem xét vấn đề từ nhiều vị trí. Qua đó, người cố vấn dẫn dắt người khởi nghiệp tìm ra giải pháp cho mình.

(iv) Tư duy phản biện. Người cố vấn và người khởi nghiệp cùng nhau sử dụng tư duy phản biện tích cực để phân tích, đánh giá và tìm giải pháp.

(v) Làm việc với số liệu và dữ liệu. Số liệu và dữ liệu mà người khởi nghiệp và cố vấn phải cùng nhau tiếp nhận là rất nhiều và đa dạng. Xử lý tốt những thông tin này giúp thấu hiểu vấn đề và từ đó tìm ra giải pháp phù hợp.

Casti Hub tổng hợp

Bạn đang đọc bài viết Dự án: Kỷ luật nền tảng trong quan hệ cố vấn khởi nghiệp tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Cùng chuyên mục
Bài học khởi nghiệp
Thứ hai , 01/04/2019, 14:33
Bài học khởi nghiệp
Thứ hai , 01/04/2019, 14:50
Bài học khởi nghiệp
Thứ hai , 01/04/2019, 16:12
Bài học khởi nghiệp
Thứ ba , 02/04/2019, 10:00
Bài học khởi nghiệp
Thứ ba , 02/04/2019, 10:03
Bài học khởi nghiệp
Thứ ba , 02/04/2019, 10:46
Bài học khởi nghiệp
Thứ ba , 02/04/2019, 03:36
Lên đầu trang