Bài học khởi nghiệp
Thứ ba , 02/04/2019, 10:03

Startup: bài học từ chuyện “đứt gánh giữa đường”

“Khởi nghiệp” đang là một trong những từ khóa được tìm kiếm nhiều trên Google. Ở Việt Nam, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, từ Chính phủ cho đến các tỉnh, thành.

Tính đến tháng 4-2017, số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam đã là 18.000 đơn vị, theo thông tin từ Hội Tin học TPHCM (HCA). Tại TPHCM, ông Vũ Anh Tuấn, Tổng thư ký HCA, Phó chủ tịch Ban Điều hành hệ sinh thái khởi nghiệp ICT TPHCM, cho biết đang có khoảng 30 cơ sở ươm tạo và 10 tổ chức thúc đẩy kinh doanh khởi nghiệp.

Tuy nhiên, theo ghi nhận từ các bộ phận hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam, có đến 80% startup (doanh nghiệp khởi nghiệp) tồn tại không quá hai năm; chỉ có 3% đạt tới thành công thực tế.

Doanh thu 1 triệu đô la/tháng vẫn… phá sản

Đó là chuyện về doanh nghiệp cũ của anh Lê Thanh Nhàn (hiện là Giám đốc Công ty Lecon Seafoods, chuyên nhập khẩu hải sản).

Năm 2006, anh Nhàn chính thức khởi nghiệp với việc thành lập một công ty về hải sản và nhanh chóng có được hợp đồng xuất khẩu đầu tiên với một khách hàng người Nga. Sau đó, công ty có thêm nhiều hợp đồng khác nữa.

Công việc kinh doanh phát triển rất nhanh. Giai đoạn 2006-2010 là những tháng năm rực rỡ của công ty với doanh thu bình quân khoảng 1 triệu đô la Mỹ/tháng. Lúc đó, công ty có nhiều đối tác nước ngoài và bán hàng cho nhiều siêu thị lớn trên thế giới.

Năm 2011, công ty bắt đầu có biến động. Ngoài việc thị trường hải sản cạnh tranh khốc liệt thì vấn đề lớn nhất của công ty là những lỗ hổng tài chính nội bộ. Bản thân anh Nhàn mải mê kinh doanh, ít đọc báo cáo tài chính nên không biết những khoản nợ xấu, những thâm hụt tài chính… Đến năm 2014, khi không còn gượng nổi, công ty chính thức phá sản, nợ nần chồng chất. “Tôi thất vọng, rơi vào trạng thái tự trách cứ ngày này qua ngày khác vì thấy nhiều người đi theo mình không có lương. Tôi liên tục thấy bất an về bản thân, có lúc nghĩ đến chuyện tự tử…”, anh Nhàn kể anh đã trải qua những ngày rượu chè, chán đời.

Nhưng rồi anh đã nỗ lực vượt qua bằng cách tìm đến với thể thao, với thiền và tìm lại chính mình. Năm 2015, anh đứng dậy, bắt đầu nhập khẩu hải sản, lập ra Công ty Lecon Seafoods hiện tại. Sau đó, Lecon nhận được khoản đầu tư lớn. Hiện khách hàng của công ty là nhiều khách sạn, nhà hàng lớn ở trong nước.

Được định giá hơn 1 triệu đô la vẫn không thể duy trì

Đó là câu chuyện công ty trước đây của anh Nguyễn Ngọc Tài (hiện là CEO MGC influencer - doanh nghiệp về truyền thông và tổ chức sự kiện có văn phòng tại Việt Nam và Singapore).

Năm 2017, ở độ tuổi 27, anh Tài cùng hai người bạn thành lập một doanh nghiệp phát triển ứng dụng công nghệ trực tuyến cho hoạt động phân phối, bán hàng của giới kinh doanh. Chỉ sau bốn tháng hoạt động, nền tảng này đã tạo thành một trào lưu và được nhóm nhà đầu tư là các doanh nhân làm việc tại Malaysia và Việt Nam định giá hơn 1 triệu đô la Mỹ. Nhóm nhà đầu tư này từng có ý định đầu tư vào startup của họ.

Nhưng, đi cùng với sự phát triển của ứng dụng công nghệ là sự mất thống nhất giữa ba thành viên sáng lập. Đã có sự hiểu lầm về vai trò, nghĩa vụ, trách nhiệm của từng người. Mâu thuẫn bắt đầu xảy ra.

Anh Tài cho rằng vì ngay từ lúc đầu ba thành viên sáng lập đã không có những biên bản cụ thể, những cam kết rõ ràng, những điều khoản được ký kết, nên khách hàng, đối tác không thể tiếp cận được tiếng nói chung của họ, vì mỗi người tự đàm phán riêng với đối tác. Sau khi một thành viên quyết định tách nhóm thì công ty cũng “phá sản lặng lẽ”. Cả ba đều buông công ty chung và làm công việc riêng của mình.

Bài học rút ra

Từ câu chuyện thất bại của công ty cũ, anh Lê Thanh Nhàn rút ra những bài học. Thứ nhất, anh đã “vi phạm” về quản lý tài chính khi lãnh đạo công ty. “Rất nhiều giám đốc không đọc bản báo cáo tài chính, đây là sai lầm rất lớn. Doanh nghiệp có thể có lời trên giấy tờ nhưng không có tiền trả bảo hiểm, trả lương nhân viên”, anh chia sẻ. Theo anh Nhàn, đọc báo cáo để biết tồn kho đang ở đâu, đang nợ ngân hàng bao nhiêu… “Vướng nợ xấu, dòng tiền âm là doanh nghiệp chết liền trong nay mai”, anh nói.

Thứ hai, nhiều người sáng lập thường không nhận lương. Nhưng như vậy họ chi tiêu cho cuộc sống thế nào? “Tuy công ty là của bạn nhưng bạn không được lấy tiền công ty để mua xe, ăn nhậu. Trong báo cáo, tiền mặt có nhưng lại đã chi tiêu hết rồi”, anh Nhàn cho biết.

Thứ ba là chuyện lấy thu nhập ngắn hạn để nuôi dài hạn. Cụ thể như việc lấy vốn kinh doanh của nhà cung cấp, vốn ngân hàng để đầu tư cho văn phòng là tài sản dài hạn. Khi không có dòng tiền, doanh nghiệp sẽ gặp khó.

Ở trường hợp thất bại của anh Nguyễn Ngọc Tài, anh xác định đó là do sự tan vỡ của nhóm sáng lập. Anh cũng chia sẻ những việc cụ thể cần làm để tránh những sai lầm mà bản thân anh đã trải qua. Trước tiên cần liệt kê rõ trách nhiệm của mỗi người, thời gian duy trì trách nhiệm đó. Đi kèm với trách nhiệm là quyền lợi và thời gian duy trì quyền lợi đó. Ngoài ra, cần ký kết rõ bằng văn bản các thỏa thuận giữa các thành viên đồng sáng lập. Các thỏa thuận, dù nhỏ hay lớn, trong các buổi họp đều cần phải ký kết bằng biên bản họp. Trong trường hợp có cổ đông sáng lập tham gia làm tại công ty, có cổ đông không, thì cổ đông làm việc phải có lương quản trị kèm trách nhiệm tương đương với lương. Anh cũng cho rằng nên có báo cáo hàng tháng, hàng quí rõ ràng cùng những cam kết bằng biên bản.

Theo khoinghiep.org.vn

Bạn đang đọc bài viết Dự án: Startup: bài học từ chuyện “đứt gánh giữa đường” tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Cùng chuyên mục
Bài học khởi nghiệp
Thứ hai , 01/04/2019, 14:33
Bài học khởi nghiệp
Thứ hai , 01/04/2019, 14:50
Bài học khởi nghiệp
Thứ hai , 01/04/2019, 16:12
Bài học khởi nghiệp
Thứ ba , 02/04/2019, 10:00
Bài học khởi nghiệp
Thứ ba , 02/04/2019, 10:03
Bài học khởi nghiệp
Thứ ba , 02/04/2019, 10:46
Bài học khởi nghiệp
Thứ ba , 02/04/2019, 03:36
Lên đầu trang