Thế giới
Thứ hai , 06/05/2019, 08:58

Marie Diouf: “Nữ hoàng muối” của Senegal

“Khi tôi nhìn thấy những người đàn ông sở hữu mảnh đất của riêng họ, tôi đã nghĩ “Tại sao tôi không thể sở hữu đất như họ?”, Marie Diouf, nữ doanh nhân 35 tuổi người Senegal trả lời phỏng vấn của CNN.

Sau gần 20 năm khởi nghiệp, Diouf không chỉ là nữ doanh nhân thành công đầu tiên, phá vỡ định kiến về nữ giới tại phía Tây Châu Phi. Cô còn tạo nên sự thay đổi lớn trong chất lượng sức khoẻ của người dân địa phương, khi thuyết phục thành công các hộ gia đình sử dụng muối i-ốt thay cho muối thường. Người dân ở làng Fatick (Senegal) gọi cô là “Nữ hoàng muối”.

Phá vỡ định kiến, viết lại cuộc đời

“Khi tôi mới khởi nghiệp, những người đàn ông trong làng đều bảo rằng tôi sẽ không thể nào tồn tại được trong ngành kinh doanh này. Nhưng tôi đã đáp lại rằng, việc gì đàn ông làm được thì phụ nữ cũng có thể làm được”, Diouf chia sẻ.

Năm 2000, Senegal quyết định tư hữu hoá đất đai, và Diouf là người phụ nữ đầu tiên can đảm đầu tư sở hữu một mảnh đất của riêng mình. Quyết định của Diouf đánh dấu một bước tiến lớn trong nỗ lực giảm bất bình đẳng nam nữ tại phía Tây châu Phi.

Ở khu vực này, phụ nữ vẫn có rất ít cơ hội để làm chủ cuộc sống, dẫu họ là lực lượng lao động chính trong nông nghiệp. Vào mùa cao điểm thu hoạch, khoảng tháng Hai đến tháng Tư hàng năm, hàng trăm phụ nữ sẽ làm việc dưới sức nóng 40 độ C trên các cánh đồng muối để thu hoạch loại gia vị này. Họ cào muối, chất vào giỏ và đội lên đầu để mang đến nơi tập kết. Họ đảm nhận những công việc tay chân nặng nhọc nhất nhưng lại nhận ít quyền lợi nhất trong chuỗi sản xuất muối của quốc gia.

Thực tế đã chứng minh năng lực điều hành của Diouf. 19 năm sau, Diouf không chỉ sở hữu mảnh đất riêng mà cô còn làm chủ một doanh nghiệp sản xuất muối tại làng Fatick. Diouf quản lý hàng chục nam và nữ nhân công, trong đó có cả chồng của cô. Vào mùa cao điểm, doanh nghiệp của Diouf sản xuất 4 đến 5 tấn muối mỗi ngày.

Thay đổi tương lai cộng đồng

Cùng thời điểm Diouf khởi sự kinh doanh, năm 2000, chính phủ Senegal đã tuyên bố tất cả lượng muối do quốc gia này sản xuất phải được i-ốt hoá. Quyết định này là một phần trong chiến lược cải thiện sức khoẻ quốc gia.


Senegal là một trong những nguồn sản xuất muối lớn nhất phía Tây Châu Phi, với sản lượng đạt khoảng 500.000 tấn muối mỗi năm. Song, người dân tại quốc gia này vẫn phải đối diện với tình trạng thiếu i-ốt nghiêm trọng. Theo khảo sát quốc gia năm 2015, chỉ có 36% người dân Senegal tiếp cận nguồn muối được i-ốt hoá. Trong khi 53% dân thành thị sử dụng muối i-ốt thì chỉ có 11% người dân sống ở các cánh đồng muối sử dụng loại muối này.

Adama Nguirane, người đại diện khu vực của dự án i-ốt hoá muối ăn của Senegal cho biết thách thức lớn nhất của chiến dịch này chính là thuyết phục người dân mua muối i-ốt, trong khi họ có thể dễ dàng sử dụng muối tự nhiên miễn phí ngoài cánh đồng gần nhà.

Fatick, ngôi làng nơi Diouf sinh sống, là một trong những vùng sản xuất muối lớn nhất Senegal. Chính vì vậy, chính phủ cùng các tổ chức quốc tế đã đầu tư rất nhiều vào khu vực này nhằm tạo bước đệm thúc đẩy cho chiến dịch phổ biến muối i-ốt trong đời sống người dân.

Với sự hỗ trợ của tổ chức Dinh Dưỡng Quốc Tế (Canada), Diouf đã bước xa hơn vai trò của một doanh nhân để trở thành nhà vận động cải thiện sức khoẻ địa phương. Cô đã đến gõ cửa từng hộ gia đình tại địa phương để giải thích về tầm quan trọng của i-ốt trong sức khoẻ con người. Cô cùng các nhà sản xuất muối khác bay đến Ghana để học hỏi mô hình kinh doanh.

Trở về làng, Diouf kể lại câu chuyện của chính cô với các sinh viên, học sinh địa phương. Cô truyền cảm hứng đến thế hệ trẻ Senegal về cách một cuộc sống tốt đẹp có thể bắt nguồn từ chính ngôi nhà của mình. Những nỗ lực của Diouf đã tạo ra thay đổi lớn tại làng Fatick. Làng của cô trở thành một trong những khu vực sử dụng muối i-ốt nhiều nhất của Senegal.

Pape Coumb Ndoffene Faye, Hiệu trường của một trường tiểu học tại Fatick cho biết: “Từ khi dự án của Diouf bắt đầu, những đứa trẻ được dùng muối i-ốt tại nhà và cả ở căn-tin trường học. Sau đó, khả năng học tập của học sinh được cải thiện rất nhiều”.


Sự thành công này cho thấy vai trò quan trọng của những người phụ nữ có khả năng thúc đẩy cộng đồng thay đổi như Diouf. Và “nữ hoàng muối” là một trong những minh chứng cho thấy khi phụ nữ được trao cơ hội, họ có thể thay đổi thế giới.

Theo Doanhnhanplus.vn

Bạn đang đọc bài viết Dự án: Marie Diouf: “Nữ hoàng muối” của Senegal tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Lên đầu trang